.
.

Cơ hội đổi mới, phát triển và hội nhập của doanh nghiệp thuộc VINATEX

Chủ Nhật, 20/11/2022|22:48

Chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cú huých từ đại dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá trong quá trình chuyển đổi số, tạo xung lực mới cho tăng trưởng nền kinh tế. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã và đang tiếp cận nguồn xung lực mới đó thế nào là nội dung chính cuộc trao đổi của ông Phạm Văn Tân - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex với các cơ quan truyền thông. 

Giải pháp thích ứng với biến động 

Ông Phạm Văn Tân - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex.
Ông Phạm Văn Tân - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinatex.

*Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số với doanh nghiệp và xu thế này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp ở những khía cạnh nào?

Trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều biến động, đồng thời có những cách thức sản xuất mới, liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn thích ứng và chủ động. Khi chuyển những nội dung cần theo dõi, tính toán phức tạp từ người sang công nghệ thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp có quyết định nhanh, kịp thời. Cũng như vậy, khả năng thu thập thông tin, qui hoạch thông tin, phân tích thông tin và ra quyết định cần tốc độ mới đáp ứng được với biến động liên tục. Nhiều cách làm truyền thống với tốc độ chậm sẽ làm mất đi cơ hội cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta cần có một giải pháp mới để luôn tốc độ, linh hoạt, ứng xử với các bên và chuyển đổi số là con đường tốt nhất hiện nay.

Với những bước đầu áp dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số, May 10 nhận thấy đã có những thành công, việc đơn giản hóa các quy trình, hệ thống đã làm giảm đi các khâu trung gian, giảm nhân lực, giảm thời gian giải quyết các công việc. Việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại đã giúp cho nhân lực đang tiếp cận tại Tổng Công ty có thêm kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho những bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi số.
Với những bước đầu áp dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số tại Tổng công ty May 10, việc đơn giản hóa các quy trình, hệ thống đã làm giảm đi các khâu trung gian, giảm nhân lực, giảm thời gian giải quyết các công việc. Việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại đã giúp cho nhân lực đang tiếp cận tại Tổng Công ty có thêm kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho những bước tiếp theo của quá trình chuyển đổi số.

Lãnh đạo Vinatex xác định, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thay thế giấy tờ, giảm chi phí nhân lực, tiết kiệm thời gian mà còn là hoạt động đầu tư tốn kém về tài lực và trí lực. Chuyển đổi số chỉ thực sự hiệu quả khi có lợi thế về quy mô hoạt động.Việc đầu tư nâng cao năng lực hệ thống các ngành sản xuất cốt lõi của Tập đoàn đều phải gắn với hoạt động chuyển đổi số để có một khung quản trị đồng nhất, hệ điều hành đồng nhất, quản trị khi quy mô tăng lên nhiều lần dù vị trí địa lý các công ty trong hệ thống có thể ở xa nhau.Khi thực hiện chuyển đổi số, Vinatex lựa chọnlĩnh vực quan trọng và ưu tiên để triển khai trước. Cụ thể trong giai đoạn hiện nay là các hoạt động trực tiếp tạo ra doanh thu và lợi nhuận sẽ được thực hiện trước.

* Là một trong những Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, Vinatex có những hành động cụ thể gì để triển khai chuyển đổi số? Vinatex nhận diện đâu là những cơ hội cũng như thách thức khi thực hiện quá trình chuyển đổi số?

Chuyển đổi và số hóa là việc Vinatex nhận thức và thực hiện ngay từ đầu năm 2021. Đảng ủy Vinatex đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ bàn về Chuyên đề “Chuyển đổi số của Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT làm Trưởng ban. Sau đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi số của Tập đoàn xây dựng và triển khai thực hiện Đề án. Tập đoàn cũng xây dựng quy hoạch tổng thể mô hình quản trị vận hành sau khi số hóa từ công ty mẹ đến các công ty thành viên.

Với sự quyết tâm triển khai của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Tập đoàn, Ban Quản lý Dự án xây dựng và áp dụng thành công bước đầu Phần mềm Quản trị sản xuất Sợi tại TổngCông ty CP Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, Công ty CP Vinatex Phú Hưng, Công ty CP Dệt May Huế,…Hiện tại,Tập đoàn đang xây dựng chuyển đổi số ở các lĩnh vựctài chính, kế toán, nhân lực, quản trị văn phòng…

Khi triển khai chuyển đổi số,các doanh nghiệp trong hệ thốngxác định rõ, đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn. Cơ hội đổi mới doanh nghiệp, năng suất làm việc và tăng doanh thu. Cùng với đó là việc áp dụng quản trị và phân tích dữ liệu để đưa ra những dự báo, quyết định nhanh trong SXKD.

Bên cạnh các cơ hội do chuyển đổi số đem lại,Vinatex cũng đối diện với thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện. Thách thức đầu tiên là khi bắt tay Xây dựng giải pháp, làm sao lựa chọn được đội ngũ giữ vị trí PO (Product Owner- người dẫn đầu, hướng dẫn quy trình của sản phẩm và quản lý nhóm dẫn tới thành công). Tiếp đến là thách thức trong ứng dụng, đó là phải thay đổi thói quen của những bộ phận đã từng “đứng trên đỉnh cao công việc” và vai trò của một số bộ phận quan trọng thành ít quan trọng do đã có công nghệ thay thế.

Chúng tôi đã nhìn rõ cơ hội và thách thức khi bắt tay thực hiện chuyển đổi số ở ngành Sợi. Ban đầu ứng dụng thường xuyên gặp trục trặc từ những quy trình rời rạc, chưa liên kết lại với nhau. Hiệu quả cũng chưa nhìn thấy ngay được, nhưng doanh nghiệp và Tập đoàn vẫn quyết tâm làm. Chúng tôi tìm giải pháp tạo động lực để người lao động hiểu được giá trị cấp thiết và lâu dài của phần mềm, từ đó cùng khắc phục khó khăn để phát huy sáng tạo, từng bước ứng dụng phần mềm. Chính vì vậy, khi triển khai phần mềm chuyển đổi ngành Sợi thì những người đứng đầu doanh nghiệp phải quyết tâm cao, luôn “thổi ngọn lửa sáng tạo”cho những thành viên thực hiện công tác chuyển đổi số. Đồng thời, người lãnh đạo cũng sẵn sàng chấp nhận nếu trong quá trình thử nghiệm có lỗi, chưa thành công.

Hợp lực để chuyển đổi số

*Vinatex đã có những chuẩn bị về nguồn lực thế nào để đáp ứng nhu cầu cho việc thực hiện chuyển đổi số, thưa ông?

Chúng tôi xác định công nghệ trong chuyển đổi số chỉ là giai đoạn sau, quan trọng là việc chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị về con người trước khi quyết định sẽ áp dụng một công nghệ nào đó. Để làm được việc này, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một môi trường và giải pháp làm việc mới linh hoạt để mọi người cùng tiếp cận và có điều kiện cùng tham gia vào việc chuyển đổi số. Vinatex đã tạo ra môi trường làm việc giúp tất cả những người có năng lực, khả năng, điều kiện để cống hiến đều có thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Từ đó sẽ tìm kiếm và trọng dụng những người có năng lực về quản trị và tư duy tiến bộ.

Đồng thời, Vinatex tìm kiếm nhà cung cấp giải pháp thực hiện phù hợp. Yếu tố phù hợp rất quan trọng, bởi công nghệ có hiện đại nhưng con người không làm chủ được và không phù hợp với doanh nghiệp sẽ không đem lại hiệu quả trong quản lý và sản xuất. Đối với đơn vị tư vấn, Vinatex cũng cần lựa chọn nhà cung cấp có tầm nhìn tiệm cận với thế giới hoặc chí ít cũng có tầm nhìn dài hạn.

* Theo ông, đâu là những yếu tố làm nên thành công bước đầu trong việc chuyển đổi số của Vinatex ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà điển hình là phần mềm quản trị sản xuất Sợi?

Để có được những thành công đó,theo tôi là nhờ những yếu tố sau:

· Thứ nhất phải nhắc đến ý chí và sự quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên.

· Thứ hai chính là việc chấp nhận thất bại và đồng ý để mọi người có thể đưa ra quan điểm của mình.

· Thứ ba là khi tham gia vào việc chuyển đổi số mọi người đều phải cam kết dù khó khăn, trở ngại, khắc nghiệt đến đâu cũng không được bỏ cuộc.

· Thứ tư là sự cởi mở của mọi người khi đứng ở vị trí đưa ra quan điểm trong đó không có đúng, sai mà cần tìm sự phù hợp, tôn trọng và được ghi nhận.

· Thứ năm đó chính là những người tham gia luôn được khích lệ, truyền động lực để họ có thể đồng hành theo cả quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn.

* Xin ông cho biết kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo?

Vinatex xác định chuyển đổi số là cả một hành trình chứ không phải là một điểm đến. Vì vậy, trong quá trình thực hiện sẽ có sự thay đổi liên tục và chấp nhận việc sai - sửa. Trong đó, Vinatextiếp tục tập trung vào những lĩnh vực quan trọng và ưu tiên để thực hiện chuyển đổi số sau đó lan tỏa nhanh đểcác đơn vị thành viên cùng sử dụng. Công ty mẹ Tập đoàn sẽ nghiên cứu và chuyển đổi số các giải pháp quản trị và người được hưởng sẽ là tất cả các đơn vị thành viên. Những lĩnh vực sản xuất nào chiếm tỷ trọng trực tiếp, trọng yếu như lĩnh vực quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực hệ thống điều hành dùng chung sẽ được ưu tiên.Trong quá trình thực hiện, Vinatex cũng  huy động năng lực của cả bên trong và bên ngoài Tập đoàn cùng tham gia.

* Quản trị chiến lược với doanh nghiệp hiện nay có 2 vấn đề cốt lõi là công nghệ và văn hóa, nhưng cái gốc phải là văn hóa. Trong quá trình chuyển đổi số, Vinatex sẽ hài hòa 2 yếu tố này theo những trụ cột nào, thưa ông?

Muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp phù hợp, bởi văn hóa tác động trực tiếp tới yếu tố con người trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số cần phải gắn liền với việc chuyển đổi nhận thức. Khi tư tưởng, nhận thức con người không chuyển đổi thì việc đầu tư nền tảng, cơ sở kỹ thuật số hiện đại cũng không đem lại tác dụng và như vậy không thể gọi là chuyển đổi số.

Vinatex đã tuyên truyền, định hướng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động hiểu được lợi ích của chuyển đổi số sẽ giúp chính bản thân họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiểuđược lợi ích của ứng dụng công nghệ, mỗi người trong Vinatex đang tự hoàn thiện, nâng cao trình độ và giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanhhiệu quả, xây dựng giá trị cốt lõi của đơn vị mình.Mọi người phải sẵn sàng cho việc hòa nhập với phương pháp làm việc mới, coi đây là một tất yếu trong xu thế số hóa ngày nay. Nếu không thực hiện, bản thân họ sẽ bị tụt hậu và bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, muốn chuyển đổi số thành công phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tức là phải thắng được suy nghĩ, cách làm cũ không còn phù hợp.

Hành trình chuyển đổi số ở Vinatex đi đúng hướng với 4 trụ cột lớn của Tập đoàn trong giai đoạn 2022-2025, đó là: Kiến tạo niềm tin/Tiến cùng thời đại/Sinh lực đổi mới/Trọng dụng nhân tài.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn- Nguyễn (Thực hiện)

.
.
.
.