Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Agribank đồng hành cùng Đảng bộ, Chính quyền, Lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc, xây dựng huyện miền núi phát triển, văn minh
Huyện Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km. Có diện tích tự nhiên 2.889 km², với 203.409 km đường biên giới tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước CHDCND Lào; toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có quy mô và mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, huyện đảo; gần 40.000 cán bộ, người lao động.
Agribank huyện Kỳ Sơn với nhiệm vụ trên địa bàn
Agribank chi nhánh huyện Kỳ Sơn Tây Nghệ An, hiện là chi nhánh loại II trực thuộc Agribank chi nhánh Tây Nghệ An. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ngân hàng đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng cho đồng bào miền núi và doanh nghiệp tại huyện Kỳ Sơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của huyện vùng cao biên giới. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện điều kiện sống và tạo cơ hội phát triển cho cộng đồng.
Agribank huyện Kỳ Sơn trao tặng nhà tình nghĩa tại xã Nậm Cắn, Na Ngoi. |
Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu quan trọng trong đó có nội dung: Tăng cường vững chắc đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện tốt an sinh xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của huyện, phấn đấu xây dựng Kỳ Sơn phát triển toàn diện, sớm thoát khỏi huyện nghèo. Để làm nên thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành Ngân hàng và Agribank, thông qua ban hành, triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Agribank triển khai hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn với lãi suất cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, Agribank Kỳ Sơn cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người dân và doanh nghiệp ở các khu vực nông thôn miền núi, giúp người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, và phát triển các mô hình sản xuất mới. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương. Là một phần động lực giúp kinh tế huyện tiếp tục có bước phát triển tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông lâm nghiệp bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: trồng cây dược liệu, phát triển mạnh đàn gia súc… Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện có kết quả. Thương mại, dịch vụ phát triển hơn, các mặt hàng thiết yếu được phân phối, lưu thông đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, ngân hàng tham gia vào việc tài trợ hoặc hợp tác trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, công trình điện nước, và công trình công cộng, góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng cuộc sống ở huyện miền núi.
Chương trình hỗ trợ anh sinh xã hội, cộng đồng: Ngân hàng thường xuyên tham gia vào các hoạt động từ thiện và hỗ trợ cộng đồng, như xây dựng trường học, nhà ở và các cơ sở hạ tầng xã hội khác tại huyện miền núi. Các hoạt động này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cải thiện điều kiện sống.
Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã: Agribank cung cấp các chương trình tín dụng và hỗ trợ tài chính dành cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã tại huyện miền núi. Điều này giúp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tạo ra việc làm, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tính đến năm 2023, Agribank Kỳ Sơn đã cung cấp vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho 12 doanh nghiệp, hợp tác xã, với số vốn là 19,51 tỷ đồng.
Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa phong phú của các dân tộc, huyện miền núi như Kỳ Sơn có tiềm năng lớn trong ngành du lịch. Agribank đã hỗ trợ các dự án phát triển du lịch cộng đồng bằng cách cung cấp vốn đầu tư hoặc các dịch vụ tài chính khác, giúp người dân khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên địa phương.
Bên cạnh đó, Agribank không ngừng cập nhật công nghệ và mở rộng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và di động. Điều này giúp người dân ở các khu vực xa xôi dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính mà không phải di chuyển xa, từ đó giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính; tăng cường hợp tác với các tổ chức chính trị, xã hội, và các cơ quan chính quyền địa phương để triển khai các chương trình phát triển cộng đồng và hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế. Sự phối hợp này giúp đảm bảo các hoạt động được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.
Cán bộ tín dụng kiểm tra tình hình kinh doanh của khách hàng. |
Agribank huyện Kỳ Sơn luôn đồng hành và xây dựng huyện miền núi phát triển, văn minh
Agribank chiếm thị phần lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng về cấp tín dụng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn với tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2023 hơn 372 tỷ đồng với 2.112 khách hàng. Nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên toàn huyện. Agribank dành hơn 8,2 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến 31/12/2023, Agribank cho vay theo Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 366 tỷ đồng chiếm khoảng hơn 98% dư nợ nền kinh tế; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo cho 1.538 khách hàng, doanh số cho vay đạt 129,37 tỷ đồng. Agribank thực hiện cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình theo văn bản số 287/NHNo-HSX nhằm hạn chế tín dụng đen, doanh số đã vượt xa quy mô chương trình ban đầu… Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại của các cá nhân, gia đình, qua đó thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ Thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn và cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Tính đến 31/12/2023, Agribank Kỳ Sơn được trang bị hơn 01 máy ATM, 3 POS. Thực hiện đề án 06 trên địa bàn huyện, Agribank chi nhánh huyện Kỳ Sơn đã mở 9.302 tài khoản an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện, miễn toàn bộ phí dịch vụ liên quan. Từ tháng 05/2021, Agribank thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và các kênh ngân hàng điện tử nhằm thu hút khách hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và quan trọng nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và cộng đồng.
Agribank chi nhánh huyện Kỳ Sơn đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội. Các năm đều tập trung vận động nhà ở cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện, đã trình Agribank cấp trên, đồng thời tổ chức kêu gọi, vận động CBCNV theo Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thông báo kết luận số 296 của Ban Thường vụ Huyện ủy, đơn vị đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện trao tặng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Năm 2020, trao 1 căn nhà cho hộ nghèo, trị giá 70.000.000 đồng; hỗ trợ 14 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ năm 2020 số tiền 70.000.000 đồng. Năm 2021, trao 1 căn nhà cho hộ nghèo, trị giá 50.000.000 đồng; trao quà Tết cho người nghèo số tiền 10.000.000 đồng. Năm 2022, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chi nhánh huyện Kỳ Sơn trao quà Tết số tiền 40.000.000 đồng, trao 4 căn nhà cho hộ nghèo, mỗi căn nhà 50.000.000 đồng, tổng trị giá 200.000.000 đồng; năm 2023 trao trao quà Tết số tiền 50.000.000 đồng, trao nhà cho hộ nghèo và tặng quà tổng trị giá 320.000.000 đồng. Năm 2024, sẽ trao 4 căn nhà cho hộ nghèo, mỗi căn nhà 50.000.000 đồng và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số số tiền 30.000.000 đồng...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chủ động, triển khai tích cực của Agribank đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện một trong những đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước.
Giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của Agribank trong xây dựng huyện miền núi phát triển, văn minh
Thứ nhất, tăng cường đẩy mạnh tín dụng và hỗ trợ tài chính. Cung cấp vốn ưu đãi, triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho các dự án nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng tại huyện miền núi. Tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc tiếp cận vốn vay. Hỗ trợ tín dụng xanh, khuyến khích các dự án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua chương trình tín dụng xanh của Agribank Việt Nam. Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động. Tập trung ưu tiên triển khai các hoạt động an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trạm y tế, công trình giao thông nông thôn.
Thứ hai, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và di động. Mở rộng dịch vụ trực tuyến, đầu tư vào công nghệ ngân hàng số để người dân tại các khu vực xa xôi có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng và tiện lợi. Đưa dịch vụ đến tận nơi, cung cấp các dịch vụ ngân hàng di động, bao gồm các điểm giao dịch di động để phục vụ những khu vực chưa có chi nhánh.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội: Tăng cường phối hợp, làm việc chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và doanh nghiệp để triển khai các chương trình phát triển địa phương một cách hiệu quả. Thực hiện các chương trình hợp tác công – tư, xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp để triển khai các dự án phát triển cộng đồng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức tài chính. Tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá để theo dõi hiệu quả của các chương trình và dịch vụ đang triển khai. Dựa trên kết quả đánh giá, điều chỉnh các chính sách và hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Người dân có thể đóng góp ý kiến và phản hồi về các dịch vụ và chương trình, từ đó cải tiến và nâng cao chất lượng hỗ trợ.
Việc thực hiện các giải pháp này sẽ giúp Agribank không chỉ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển bền vững của huyện miền núi như Kỳ Sơn mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực nông thôn và miền núi tại Việt Nam.
Lương Mạnh Thường - Agribank huyện Kỳ Sơn Tây Nghệ An