.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Giá trị văn hóa trong Đảng làm nền tảng phát triển doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank

Thứ Tư, 30/10/2024|11:17

Từ lâu văn hóa đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống của mỗi quốc gia - dân tộc, mỗi con người. Nói đến văn hóa là nói đến hệ giá trị chân, thiện, mỹ có giá trị soi đường cho các hoạt động, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng,... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

d
Agribank Chi nhánh Bạc Liêu ký kết hợp tác với Viễn thông Bạc Liêu về chuyển đổi số.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho mọi công việc nói chung, trong đó có công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực chất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mang hệ giá trị văn hóa điều tiết, tác động tích cực đến sự chính danh, trong sạch, vững mạnh của Đảng, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Văn hóa thẩm thấu, chi phối công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hệ giá trị của văn hóa là tổ hợp của yếu tố truyền thống, kết hợp với yếu tố hiện đại và sự kết tinh tinh hoa văn hóa thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và cả dân tộc nên càng phải tạo lập hệ giá trị văn hóa trong Đảng để xây dựng, củng cố, nâng cao bản lĩnh, tầm trí tuệ, sức mạnh nội sinh, khả năng tự đề kháng, kiến tạo xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, khoa học, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, khi Đảng đạt tới tầm cao của văn hóa, của đạo đức, văn minh,... thì Đảng cầm quyền sẽ hiệu quả, trường tồn, phát huy tốt vai trò lãnh đạo đối với đất nước. Khẳng định sứ mệnh và sự cống hiến vĩ đại của Đảng đối với Tổ quốc và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đây được coi là mẫu số chung, giá trị phổ quát đặt ra cho các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, nỗ lực phấn đấu để Đảng ta luôn biểu trưng cho đạo đức, văn hóa, lương tâm, danh dự của cả dân tộc. Đó là cơ sở để nhân dân tin yêu Đảng, ủy thác vai trò lãnh đạo chính trị cho Đảng đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Các tổ chức đảng đã quan tâm xây dựng văn hóa, từ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, xác định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác; xây dựng đoàn kết, thống nhất, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả,... đến hành vi ứng xử có văn hóa với nhân dân trong thực thi công vụ của các tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên về xây dựng văn hóa trong Đảng. Đặc biệt, yếu tố văn hóa góp phần giúp cán bộ, đảng viên nhận diện được hệ giá trị chân - thiện - mỹ, thức tỉnh lương tâm, phân biệt được đúng, sai để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và hoàn thiện nhân cách. Coi nhẹ yếu tố văn hóa sẽ làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng dễ lệch chuẩn, sai phạm ở một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Cần khẳng định, sự hiện diện của văn hóa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan, nội tại, mang tính quy luật, do đó đặt ra cho toàn Đảng, cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tính đảng, lương tâm, danh dự, trách nhiệm của người cộng sản để phấn đấu, rèn luyện.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng, đề cao giá trị văn hóa và xác định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Bối cảnh hiện nay, xây dựng VHDN được coi như là một “mắt khâu” quan trọng nhằm khắc phục những khuyết tật của mặt trái nền kinh tế thị trường và tâm lý, lối sống đề cao quá mức giá trị vật chất, đồng tiền...

Nhận thức rõ các giá trị của văn hóa trong đời sống xã hội, của Đảng, Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch trên cơ sở định hướng phát triển thông qua các văn bản mang tính định hướng của Trung ương Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhằm cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng về phát triển văn hóa gắn với phát triển doanh nghiệp từ đó góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa doanh nghiệp thực chất, sát với thực tiễn hoạt động như: Chương trình hành động số 28-Ctr/ĐU-NHNo ngày 22/8/2023 của Đảng ủy Agribank về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, khóa III về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”; Nghị quyết số 09-NQ/ĐU-NHNo ngày 25/5/2022 về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ gắn liền với công tác chính trị, tư tưởng và xây dựng văn hóa Agribank; Nghị quyết số 26-NQ/ĐU-NHNo ngày 08/11/2023 của Đảng ủy Agribank về “ Tăng cường lãnh đạo phát triển và thực hiện văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu Agribank”. Từ đó, xác định mục tiêu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất nhận thức của các cấp cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu, tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong tổ chức và thực hiện văn hóa doanh nghiệp (VHDN); nâng cao VHDN, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc, chuẩn mực của cán bộ, đảng viên, người lao động, hướng tới một Agribank hiện đại, hội nhập, sáng tạo, lấy khách hàng làm trung tâm, củng cố lòng tin, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển Agribank; khơi dậy tinh thần, khát vọng cống hiến của mỗi cá nhân, tập thể; xây dựng và khẳng định thương hiệu Agribank phát triển phồn thịnh bền vững.

d
Agribank Chi nhánh Bạc Liêu thăm hỏi và động viên các hộ nghèo cố gắng vươn lên trong cuộc sống và thi đua giảm nghèo bền vững.

Thực hiện kế hoạch, Agribank đã phát động nhiều phong trào thi đua, tổ chức các cuộc thi thúc đẩy phát triển VHDN, tổ chức các chiến dịch hưởng ứng thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong công đoàn và đoàn viên thanh niên, tổ chức các hoạt động gắn kết nội bộ, gắn kết cộng đồng lan tỏa thương hiệu, Văn hóa Agribank, Tuần lễ Văn hóa Agribank và các Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Hội thao, Cuộc thi Thanh niên Tài năng toàn hệ thống... Bên cạnh đó, các công tác Kiểm tra, giám sát trong triển khai và thực hiện cũng như các hoạt động đào tạo được quan tâm, chú trọng nhằm thực hiện có hiệu quả để công tác xây dựng VHDN của Agribank ngày càng đi vào chiều sâu.

Thông qua các nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động cụ thể Agribank đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả và sát với tình hình hoạt động thực tiễn của mình đã tạo nên những hiệu quả hết sức tích cực trong thời gian qua, nhất là trước, trong và sau đại dịch Covid-19 mang đậm dấu ấn của một tổ chức được Đảng dẫn đường, lấy văn hóa làm thước đo các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống và là niềm tự hào của của Agribank. Việc xây dựng mô hình “Văn hóa Agribank” nhằm đưa Văn hóa Doanh nghiệp trở thành nguồn sức mạnh nội lực trong kinh doanh của Agribank, đồng thời để phát huy giá trị của văn hóa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, coi trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Công tác giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thực chất là tác động văn hóa để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tính đảng, nhận thức được trách nhiệm, bổn phận của bản thân để phấn đấu, rèn luyện. Từ chiều sâu bản chất của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, phải hướng vào phê bình việc chứ không phải phê bình người. Người còn căn dặn: “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải đối chiếu, “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện nhân cách, tiến bộ trưởng thành. Tự soi, tự sửa chính là bản lĩnh văn hóa của người cộng sản, giáo dục, tác động từ góc độ văn hóa để mỗi cán bộ, đảng viên thấu cảm, song song đó giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cần gắn với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, dễ dàng làm tha hóa nhân cách, đưa người ta đi xuống dốc.

Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có khát vọng cống hiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Hiệu quả văn hóa thẩm thấu đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, cấp ủy. Trước bối cảnh mới, đội ngũ cán bộ phải tích cực học tập nâng cao phẩm chất, bản lĩnh, trình độ kiến thức các mặt, xây dựng tầm nhìn biện chứng để đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; đủ sức kiến tạo tổ chức thực tiễn có hiệu quả. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ phải thâu thái được yếu tố văn hóa, bởi đó là hệ điều tiết để nâng cao nhận thức, hành vi, năng lực tổ chức hành động luôn vì lợi ích của Đảng, của tập thể và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, trong sạch về nhân cách, nói không với tiêu cực, tham nhũng, luôn lắng nghe, học hỏi, gần gũi với nhân dân. Để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, nâng cao tính chuyên nghiệp, đủ khả năng làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế, từng cán bộ phải nỗ lực, phấn đấu; đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ, nhất là đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý.

Bà là, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiểm soát quyền lực.

Đây là giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Các tổ chức đảng cần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng (cấp ủy, ban thường vụ, sinh hoạt đảng bộ, sinh hoạt chi bộ) nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong tranh luận, thảo luận, gắn với kỷ luật, kỷ cương. Có phát huy dân chủ mới giúp cho cấp ủy có thêm thông tin, tri thức, kinh nghiệm để đưa ra các quyết định chính xác, hợp lòng dân. Cần tạo ra không gian văn hóa trong tổ chức đảng để đảng viên hiến kế, chia sẻ, đoàn kết, có trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng.

Bốn là: Vun đắp văn hóa doanh nghiệp - cội nguồn sức mạnh của Agribank.

Trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế đang trở thành một xu hướng tất yếu của các ngân hàng, mang đến cho ngành ngân hàng trong đó có Agribank nhiều cơ hội chuyển mình nhưng cũng đặt ra không ít các thách thức. Mỗi cán bộ, người lao động Agribank phải trở thành một đại sứ, cùng xây dựng uy tín, thương hiệu Agribank qua các điểm chạm về cảm xúc, về công nghệ, quy trình...

Năm là: Quan tâm đào tạo, rèn luyện, thường xuyên tập huấn lực lượng cán bộ, xác định đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ, hướng tới mục tiêu ngân hàng số với đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng.... Vì vậy càng đòi hỏi hoạt động truyền thông cần chủ động, chuyên nghiệp, linh hoạt, sáng tạo, để thực sự vừa là vai trò tuyến đầu lan toả thông tin tích cực, hình ảnh thương hiệu uy tín, văn hoá doanh nghiệp đặc trưng.

Trong mối tương quan tổng hòa về doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp thì có so sánh là: “Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác”, thì văn hóa doanh nghiệp là “phần hồn” của doanh nghiệp” hay “Nếu doanh nghiệp là máy tính thì Văn hóa doanh nghiệp là hệ điều hành”. Xác định được tầm quan trọng đó, Agribank đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, khẳng định vị thế, vai trò của một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp từ các thế hệ đi trước, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động Agribank đang giữ vai trò là một “đại sứ” thương hiệu để góp phần truyền tải thông điệp văn hóa của Agribank tới đông đảo khách hàng và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Võ Văn Dãnh - Agribank Chi nhánh Bạc Liêu

 

.
.
.
.