.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Hãy giữ lấy màu xanh cho Tổ quốc! (4 kỳ)

Thứ Tư, 30/10/2024|09:56

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/09/1954). Mặc dù đã trải qua 70 năm, từ thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm cho đến nay - khi đất nước đang trong công cuộc đổi mới, lời Bác dạy về công cuộc dựng nước và giữ nước vẫn vẹn nguyên giá trị và in đậm trong tâm trí mỗi người Việt Nam.

Nếu trong quá khứ công cuộc dựng nước và giữ nước được thể hiện qua hình ảnh thế hệ ông cha ta với lòng yêu nước nồng nàn đã anh dũng, quật cường, hy sinh thân mình để đánh đuổi kẻ thù ngoại xâm, giữ vững bờ cõi và nền độc lập cho Tổ quốc thân yêu. Thì trong thời đại mới, tinh thần dựng nước và giữ nước vẫn được tiếp nối và thể hiện qua nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế. Như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, song hành với những thắng lợi và thành tựu đã đạt được, nhân dân ta cũng nhận những nhiệm vụ mới trong công cuộc “giữ nước”, mà nổi bật trong số đó, giữ gìn và bảo vệ môi trường thiên nhiên đang được coi là một trong số những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện.

“Hiệu ứng nhà kính”, “biến đổi khí hậu”, “nóng lên toàn cầu”, “xâm nhập mặn”,… chắc hẳn những từ khóa này không còn quá xa lạ với chúng ta. Đây là những từ khóa thường được dùng trong các nội dung bàn luận về vấn đề ô nhiễm môi trường và hậu quả của vấn nạn này. Thật đáng lo ngại khi tần suất bắt gặp những cụm từ đó trên các phương tiện truyền thông ngày càng gia tăng, phản ánh rõ sự nghiêm trọng của những thách thức về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đe dọa đến nguồn nước, đất đai và không khí – những yếu tố thiết yếu cho sự sống của loài người. Do đó, bảo vệ môi trường giờ đây không chỉ là bảo vệ thiên nhiên đơn thuần mà còn là một phần quan trọng trong công cuộc “giữ nước”. Nếu như trong lịch sử, nhân dân ta đã kiên cường đấu tranh và có những thắng lợi vẻ vang trước những giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt thì nay giặc ô nhiễm đang nổi lên như thứ giặc đe dọa đến môi trường sống của chính chúng ta. Một lần nữa Tổ quốc cần sự đoàn kết của toàn dân tộc và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân để đánh bại giặc ô nhiễm và bảo vệ sự tươi đẹp của Đất nước.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc chống giặc ô nhiễm, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đề cao nhiệm vụ bảo vệ môi trường, coi đây là yếu tố then chốt trong phát triển bền vững. Điều này được thể hiện thông qua  hệ thống quan điểm về bảo vệ môi trường được nêu trong nội dung các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Với quan điểm rõ ràng, xuyên suốt và nhất quán, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường được dễ dàng cụ thể hóa và dần đi vào đời sống thông qua các chương trình, kế hoạch hành động thiết thực. Các kế hoạch hoạt động này không chỉ tập trung vào việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm mà còn khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững. Đồng thời, hàng loạt giải pháp công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường đã được nghiên cứu, hỗ trợ áp dụng và nhân rộng, tạo ra những biến chuyển tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước cũng chú trọng xây dựng khung pháp lý, chế tài xử phạt nghiêm nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Chính những nỗ lực này đã và đang góp một phần không nhỏ trong công cuộc giữ lấy màu xanh cho Tổ quốc.

Trong khuôn khổ bài viết gồm bốn kỳ, tôi và các bạn sẽ cùng nhau mạn đàm về nguyên nhân và thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường, rồi sau đó tìm hiểu các giải pháp, hình thái bảo vệ môi trường trên thế giới và trong nước, từ đó nhìn nhận khách quan nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong công cuộc bảo vệ môi trường và phần cuối xin được kể về công cuộc giữ lấy màu xanh cho Tổ quốc tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Kỳ 1: Giặc ô nhiễm…Ngươi là ai?

Người xưa có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, vậy nên để có thể chiến thắng được giặc ô nhiễm, trước hết chúng ta phải hiểu rõ thế nào là ô nhiễm môi trường. Trong kỳ này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm câu trả lời cho bốn câu hỏi: “Ô nhiễm môi trường là gì? Phát sinh từ đâu? Thực trạng hiện nay  như thế nào? Và hậu quả ra sao?” để nhận diện và tìm hiểu nguồn gốc của giặc ô nhiễm, tiếp đến nhìn nhận thực trạng ô nhiễm đang diễn ra trong thời gian gần đây, sau đó bàn luận về tác động của loại giặc này đối với môi trường tự nhiên và cuộc sống của chúng ta.

d
Cảnh ngập nặng sau bão Yagi ở Lục Ngạn, Bắc Giang. 

Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cùng quay về năm 1972, tại Hội nghị môi trường con người của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Stockhom, Thụy Điển – sự kiện được coi là lần đầu tiên ô nhiễm môi trường được thảo luận trên quy mô quốc tế, tạo nền tảng cho các chính sách về bảo vệ môi trường trong các giai đoạn sau đó. Cụ thế, tại Tuyên ngôn Stockholm(1), ô nhiễm môi trường được định nghĩa là “kết quả từ sự xâm nhập của các chất và năng lượng do con người tạo ra vào môi trường, gây tác hại đến sức khỏe con người, động vật, thực vật và làm suy thoái hệ sinh thái”. Từ đó đến nay, định nghĩa về ô nhiễm môi trường đã trải qua nhiều thay đổi, cập nhật và mở rộng qua các giai đoạn, ví dụ như:

Giai đoạn thập niên 1980 - 1990: Định nghĩa ô nhiễm môi trường được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn ở chất thải hóa học gây ô nhiễm môi trường mà còn giới thiệu mới về các dạng ô nhiễm, như: ô nhiễm không khí, nước, âm thanh. Cũng trong giai đoạn này, Nghị định thư Montreal (1978)(2) cũng đưa ra vấn đề ô nhiễm toàn cầu gây suy giảm tầng ozone.

Tiếp đến giai đoạn thập niên 2000: Định nghĩa về ô nhiễm môi trường tiếp tục được phát triển khi bổ sung các khái niệm mới như ô nhiễm vi nhựa và ô nhiễm từ các hóa chất công nghiệp mới. Trong giai đoạn này, các nhà khoa học cũng như các tổ chức hành động vì môi trường trên thế giới bắt đầu nhấn mạnh tác động của ô nhiễm môi trường đến biến đổi khí hậu và sự đa dạng sinh học; mở rộng nhận thức rằng ô nhiễm có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề môi trường khác.

Giai đoạn từ 2010 đến nay: ô nhiễm môi trường một lần nữa được mở rộng định nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Hiện nay, ô nhiễm môi trường được coi là một thách thức phức tạp và mang tính toàn cầu, khi các loại ô nhiễm như ô nhiễm nhựa, hóa chất và khí thải ảnh hưởng đến không khí, nước, đất và sức khỏe con người.

Còn ở tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020(3), ô nhiễm môi trường được định nghĩa “là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.”

Tựu chung lại, có thể thấy rằng các định nghĩa đều nhấn mạnh và làm rõ bản chất và những hệ quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường là tổng hợp các sự xâm nhập hoặc tích tụ của các chất hóa học và năng lượng tác động vào môi trường, làm suy giảm chất lượng không khí, nước, đất và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, sinh vật và hệ sinh thái. Sự tiến hóa của định nghĩa ô nhiễm môi trường đã phản ánh sự nhận thức ngày càng cao của nhân loại đối với loại giặc này, từ việc nhận diện đơn thuần đến việc coi đây là thách thức phức tạp và mang tính toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về giặc ô nhiễm, ta cần nhìn vào những nguyên nhân gây ta tình trạng này. Vậy ô nhiễm môi trường phát sinh từ đâu?

Ô nhiễm môi trường phát sinh từ đâu, nếu không phải từ những hoạt động gấp gáp và hối hả của con người trong cuộc đua không ngừng nghỉ vì phát triển kinh tế – xã hội? Thực vậy, các cuộc cách mạng công nghiệp đã mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại, mang lại cho chúng ta một cuộc sống tiện nghi và hiện đại hơn, nhưng đồng thời cũng vô tình làm tổn hại và tạo ra các vết thương cho mẹ thiên nhiên. Giữa guồng quay vội vã của nhịp sống hiện đại, chúng ta đã tạo nên giặc ô nhiễm mà không hay biết - con người đã khai thác các khoáng sản và nguồn tài nguyên một cách quá mức, thiếu kiểm soát mà quên rằng mọi tài nguyên đều hữu hạn, khiến nguồn tài nguyên quý giá cạn kiệt và hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Chúng ta cũng vô tình không nhận ra với sự xuất hiện của những đô thị phồn hoa hay những khu công nghiệp hiện đại là sự biến mất và thu hẹp lại của các khu rừng - “lá phổi xanh của mẹ thiên nhiên”, cướp đi môi trường sống của nhiều loại động thực vật khác và là một phần khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng. Đau đớn hơn nữa khi loài người sử dụng những tài nguyên quý giá của thiên nhiên cho mục đích phát triển kinh tế – xã hội nhưng lại trả lại mẹ thiên nhiên những chất thải độc hại xuất phát từ quá trình sản xuất và sinh hoạt, khiến cho sức khỏe thiên nhiên ngày càng suy kiệt. Khí thải độc hại từ các nhà máy, phương tiện giao thông cuồn cuộn xé toạc tầng ozone, những dòng sông, vùng biển từng trong veo giờ đây được nhuộm đen và ngập tràn rác thải… đó là những hệ quả mà thiên nhiên đang phải gánh chịu do tác động của chúng ta. Ngoài ra còn vô vàn những nguyên nhân lớn nhỏ khác phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và trong ý thức còn hạn chế về bảo vệ môi trường của con người khiến vấn đề này ngày thêm trầm trọng. Có thể thấy rằng giặc ô nhiễm xuất hiện từ những hoạt động thường ngày và nếu chúng ta phớt lờ và không có hành động ngăn chặn, kìm hãm sự phát triển của loại giặc này thì hậu quả ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ sau là vô cùng lớn.

Trước bối cảnh toàn cầu về ô nhiễm và biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra một cách phức tạp và tiêu cực hơn trước thì thực trạng ô nhiễm môi trường Việt Nam đang như thế nào? Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động, với các hình thức ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải rắn. Trong số đó, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay của nước ta. Theo kết quả của cuộc khảo sát thường niên của IQAir (2023)(4), nước ta đang là quốc gia ô nhiễm không khí cao thứ 2 trong khu vực ASEAN và có chất lượng không khí kém thứ 22 trên toàn cầu. Theo báo cáo công tác bảo vệ mô trường năm 2023 của Chính phủ(5), ô nhiễm không khí chủ yếu từ thông số bụi mịn PM2.5 đang diễn ra rất phức tạp, vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của WHO khoảng gấp sáu lần; đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,… nơi có mật độ giao thông cao và quá trình công nghiệp phát triển mạnh. Về môi trường nước, những điểm đen ô nhiễm như trên sông nội thành Hà Nội (sông Nhuệ, Tô Lịch, Kim Ngưu…) hay sông Cầu, sông Sài Gòn đều có các thông số vượt quá giới hạn cho phép về chất lượng nước mặt và trong những năm hiện nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một phần nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước tại nước ta là do phải tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt, nước từ các hoạt động nông nghiệp và sản xuất công nghiệp. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn Thành phố là khoảng 300 nghìn tấn, tuy nhiên lượng nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ chiếm khoảng 10%. Ngoài ra, tình trạng xâm nhập mặn tại các sông địa bàn khu vực Nam Bộ vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp nguyên nhân do tác động của việc khai thác, sử dụng quá mức nguồn nước mặt và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cũng theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2023, cho thấy chất lượng môi trường đất tại một số khu vực hoạt động công nghiệp, chuyên canh nông nghiệp, làng nghề có dấu hiệu bị suy giảm cục bộ do ảnh hưởng của chất thải sản xuất và việc sử dụng chưa hợp lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng thoái hóa và sạt lở đất ở một số khu vực có xu hướng gia tăng về cả số lượng, mức độ và quy mô, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và hoạt động sinh hoạt của người dân. Với những thực trạng ô nhiễm vừa nêu, kết hợp với tác động của việc biến đổi khí hậu có thể gây ra những ảnh hưởng hết sức nặng nề cho hệ sinh thái nói chung và sức khỏe của chúng ta nói riêng.

Vậy với sự tàn phá kinh khủng mà giặc ô nhiễm gây ra, thì những hậu quả nào mà chúng ta sẽ phải gánh chịu? Đầu tiên, ô nhiễm môi trưởng làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có thể thấy ô nhiễm môi trường khiến chúng ta khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên sạch (không khí trong lành, nước sạch,..). Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta và là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tăng quy cơ mắc ung thư. Theo các nghiên cứu thực hiện từ năm 2018-2023, các thống kê cho thấy mỗi năm có ít nhất 60 nghìn ca tử vong tại Việt Nam(6) có liên quan đến ô nhiễm không khí và ước tính khiến cho tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm(7). Ngoài ra, với việc không xử lý triệt để các chất độc hại được thải ra sau quá trình sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có thể khiến làm ô nhiễm nguồn nước và đất, từ đó là tiền đề tạo ra các loại bệnh tật, cũng như làm tăng nguy cơ nhiễm độc thực phẩm.

Tiếp đến, ô nhiễm môi trường làm suy thoái hệ sinh thái, phá hủy môi trường sống của nhiều loại động thực vật. Rác và các chất thải độc hại là những kẻ thù đe dọa sự sống của nhiều loại động vật khi tác động đến môi trường sống và chuỗi thức ăn của chúng. Cùng với đó, việc săn bắt và buôn bán các loài động vật quý hiếm cũng là một mối đe dọa và có thể khiến nhiều loại đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Sẽ là rất đau lòng nếu không có những động thái bảo tồn môi trường sống và ngăn chặn việc săn bắt trái phép thì có thể trong tương lai, con cháu chúng ta chỉ có thể được ngắm những loài thú quý như Sao La, Tê giác, Báo hoa mai,… trên các tư liệu và tranh ảnh - như cách chúng ta có thể chiêm ngưỡng loài khủng long trong thời hiện đại!

Cùng với đó, ô nhiễm môi trường có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Các chuyên gia chia ra thành hai nhóm tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường tạo ra. Nhóm thử nhất là những tổn thất trực tiếp với việc chất lượng môi trường bị suy thoái và lượng rác thải ngày càng tăng, các quốc gia trên thế giới phải chi tiêu hàng tỷ USD mỗi năm để khắc phục hậu quả ô nhiễm, phải tốn một lượng lớn ngân sách để giải quyết các vấn đề rác thải và các chất độc hại ngoài tự nhiên, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân tiến hành năm 2020(8), thiệt hại kinh tế do riêng ô nhiễm không khí ở thời điểm 2018 ước tính là 11-17 tỷ USD, tương đương ~6% GDP cả nước. Nhóm thứ hai là các tác động gián tiếp, khó có thể xác định được con số thiệt hại cho nền kinh tế. Với việc ô nhiễm môi trường làm suy thoái chất lượng đất, nước và không khí, điều này gián tiếp làm giảm chất lượng và năng suất của các ngành nông nghiệp từ đó có thể gây thiệt hại kinh tế. Cùng với đó, khi con người bị mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường khiến suy giảm sức khỏe của lực lượng lao động, điều này tác động lớn đến chất lượng và năng suất lao động. Hơn thế nữa, ô nhiễm môi trường cũng có thể làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan từ đó có thể tạo ra các rủi ro về thiên tai. Các thảm họa thiên tai có thể gây ra các thiệt hại kinh tế nghiêm trọng khi tàn phá cơ sở hạ tầng, tác động đến vụ mùa nông nghiệp và gián đoạn sản xuất công nghiệp, cùng với đó tốn chi phí đề cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.

Cuối cùng, ô nhiễm môi trường góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu từ đó đẩy nhanh tốc độ của các vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn và làm tăng tần suất và mức độ của các thời tiết cực đoan. Các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của con người mỗi ngày luôn thải ra môi trường lợng lớn khí thải nhà kính (CO2, SO2, CH4,…) và các chất thải độc hại khác ra môi trường; điều này góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu và là một phần nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và hạn hán kéo dài. Theo các quan sát của các nhà nhiên cứu môi trường, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu có vai trò tương hỗ cho nhau: khi ô nhiễm môi trường làm gia tăng vấn đề biến đổi khí hậu, rồi biến đổi khí hậu sẽ tạo ra các thiên tai tự nhiên nhiên cộng hưởng với tác hại của ô nhiễm môi trường làm gia tăng sự phá hủy hệ sinh thái và cuộc sống con người. Các năm gần đây, chúng ta có thể thấy được tần suất bão nhiệt đới đang diễn ra với tần suất ngày một nhiều và cấp độ ngày một mạnh lên. Thực vậy mặc dù không sử dụng đến bom đạn nhưng sau mỗi cơn bão, chúng ta luôn ghi nhận những con số thiệt hại nghiêm trọng về cả người và vật chất. Theo thống kê về những cơn bão lớn đã “oanh tạc” nước ta, phải kể đến bão Linda (1997)(9) – được mệnh danh là cơn bão tồi tệ nhất trong thế kỷ 20, khi đổ bộ vào miền Nam nước ta đã cướp đi sinh mạng của hơn ba nghìn đồng bào và phá hủy hàng ngàn ngôi và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Cũng không thể không nhắc đến trong năm 2017, miền trung nước ta cũng hứng chịu hai cơn bão lớn liên tiếp (Maring và Damrey)(10) gây thiệt hại ước tính hơn 40 nghìn tỷ đồng.

Cũng mới đây thôi, mặc dù đã có những sự chuẩn bị ứng phó chu đáo từ Trung ương đến các địa phương nhưng siêu bão Yagi vẫn để lại những hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phía Bắc. Khi viết bài viết này, vẫn chưa thể thống kê được tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra nhưng những hình ảnh tang thương mà bão Yagi để lại khiến chúng ta khi chứng kiến không khỏi xót xa: nhiều nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề, nhiều tàu thuyền ngoài khơi bị nhấn chìm, các tỉnh thành căng mình chống chịu lũ lụt và sạt lở đất sau bão. Đau lòng làm sao khi nghe tin con số người thiệt mạng trong và sau bão do lũ cuốn và sạt lở đất ngày càng tăng, trong đó có những sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ công an, quân đội và các cán bộ khi tham gia nhiệm vụ phòng chống và ứng phó thiên tai. Mặc dù các anh đã ra đi nhưng sự hy sinh của các anh sẽ luôn được ghi nhớ trong lòng của mỗi người dân Việt Nam và chúng ta - những con người ở lại phải cố gắng phấn đấu và nỗ lực hơn nữa để đánh bại giặc ô nhiễm nhằm bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai có thể gây ra.

Có thể thấy rằng giặc ô nhiễm rất nguy hiểm và hung tợn, là nguyên nhân chính dẫn tới các thiệt hại to lớn không chỉ hệ sinh thái thiên nhiên, môi trường sống của các loài động thực vật mà còn tác động xấu đến cả chính cuộc sống và sức khỏe của chúng ta. Nếu chúng ta không quyết liệt chung tay chống lại giặc ô nhiễm, thì rất có thể chúng sẽ dồn chúng ta đối diện với bờ vực của sự tuyệt chủng của nhân loại… Trước thực tế khắc nghiệt trên, chúng ta đã và đang hành động để cứu lấy môi trường thiên nhiên. Ở kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm xem chúng ta đang ở đâu trên hành trình bảo vệ môi trường.

Kỳ 2: Hành trình bảo vệ môi trường – Chúng ta đang ở đâu?

Nhận thức được sự nguy hiểm của vấn nạn ô nhiễm môi trường, Đảng và Nhà nước ta đã sớm xác định bảo vệ môi trường là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng của đất nước; là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua từng thời kỳ của đất nước, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường dần được hình thành và phát triển, được thể hiện qua các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Ở kỳ này, chúng ta cùng nhau điểm lại quan điểm của Đảng về bảo vệ tài môi trường qua các thời kỳ, tiếp đến chúng ta cùng điểm lại những công việc chúng ta đã hoàn thành trong hành trình bảo vệ môi trường.

Ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng đã xác định bảo vệ môi trường là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Đại hội Đảng VII (1991) đánh dấu bước khởi đầu cho nhận thức về vấn đề môi trường khi cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội coi việc bảo vệ môi trường là một trong số những “vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người”. Cũng trong nội dung của Cương lĩnh 1991(11), Đảng ta đã đề ra định hướng: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau. Mặc dù nội dung bảo vệ môi trường trong cương lĩnh vẫn còn ngắn ngọn nhưng đã đánh dấu quá trình đổi mới nhận thức về vấn đề môi trường của Đảng và đặt nền móng cho những bước tiến mạnh mẽ hơn trong công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong các giai đoạn sau. Đây cũng là giai đoạn mà Đảng và Nhà nước chú trọng xây dựng khung pháp lý về bảo vệ môi trường, thể hiện qua việc Nhà nước ta ban hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993 và các chính sách nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển năng lượng tái tạo.

Những năm đầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng đồng thời cũng kéo theo tình trạng khai thác tài nguyên quá mức, sử dụng công nghệ lạc hậu và thiếu hụt kinh nghiệm trong quản lý môi trường. Trước áp lực ngày càng gia tăng lên tài nguyên và môi trường, ngày 25/6/1998, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 36/1998/CT-TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chỉ thị số 36/1998/CT-TW(12) được biết đến như văn bản đầu tiên của Đảng chỉ đạo riêng các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; trong đó, Đảng thể hiện rõ ràng bốn quan điểm cơ bản sau: “(1) – Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; (2) – Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (3) – Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm môi trường là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; (4) – Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.” Với các quan điểm rõ ràng, chỉ thị được ban hành với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý về môi trường, nhấn mạnh đề cao vai trò của giáo dục và tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Trong các kỳ đại hội tiếp theo, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ IX đến Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường ngày càng rõ ràng và quyết liệt hơn. Đặc biệt, tại Đại hội XII diễn ra năm 2016, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm trong việc phát triển còn thiếu bền vững về văn hóa, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, Đại hội XII đã xây dựng các mục tiêu và giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội được bền vững và gắn kết hài hòa với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Với việc nhận thức sâu sắc những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng chiến lược về phát triển xanh, phát triển bền vừng và khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Kế thừa các quan điểm trước đó, Đại hội XIII tiếp tục xác định và để cao hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn liền với quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Từ những quan điểm nhất quán và sự định hướng đúng đắn của Đảng trong công cuộc bảo vệ môi trường, nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triền bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thành tựu đầu tiên phải kể đến là việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách về môi trường. Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam lần đầu được thông qua năm 1993, sau đó đã có 3 lần sửa đổi vào các năm 2005, 2014 và 2020, việc liên tục hoàn thiện và ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường giúp nhà nước thiết lập các quy đinh chặt chẽ hơn về kiểm soát ô nhiễm, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học. Các chính sách chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động Quốc gia về Biến đổi Khí hậu đã tạo ra cơ sở vững chắc cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, điển hình là các vụ việc Vedan ở sông Thị Vải (2008), Formosa Hà Tĩnh (2016)… Việc xử lý nghiêm minh những sai phạm này một lần nữa thể hiện quan điểm của Việt Nam không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời là một trong số các nước dẫn đầu về phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo ở khu vực ASEAN, với công suất hơn 20 nghìn MW điện mặt trời được lắp đặt và cung cấp vào hệ thống lưới điện quốc gia(13). Các công tác về trồng và bảo vệ rừng cũng có những chuyển biến tích cực: tính đến năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt khoảng 42%(14), đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đó là một số thành tựu nổi bật trong công cuộc bảo vệ môi trường ở nước ta. Tuy nhiên, để cải thiện chất lượng môi trường hơn nữa cần rất nhiều sự cố gắng để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm.

Kỳ 3: Bảo vệ môi trường – Việc không của riêng ai!

“Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”

Đây là nội dung của điều 43 trong hiến pháp nước ta năm 2013 và đồng thời là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường sống xung quanh. Bảo vệ môi trường là việc không của riêng ai, mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, xây dựng lối sống xanh là một cách thiết thực để mỗi cá nhân đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường, đẩy lùi giặc ô nhiễm. Lối sống xanh có thể được hiểu là lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến thiên nhiên.  Để thực hiện điều này, chúng ta cần thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, để có thể từ bỏ được lối sống đầy đủ tiện nghi hiện đại và thực hành theo lối sống xanh, mỗi người cần phải có sự rèn luyện thói quen và hy sinh một phần tiện nghi cá nhân.

Ở một diễn biến khác, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao và nhấn mạnh việc thực hành tứ đức “Cần - Kiệm – Liêm – Chính” vào đời sống theo lời dạy của Bác. Trong công cuộc bảo vệ môi trường, “Cần - Kiệm – Liêm – Chính” không chỉ là giá trị đạo đức cao đẹp chúng ta cần phải rèn luyện thực hành hàng ngày mà còn là kim chỉ nam để xây dựng lối sống xanh. Ở kỳ này, chúng ta cùng bàn luận mối quan hệ giữa việc rèn luyện “tứ đức” với việc hình thành lối sống xanh.

“Cần” là đức tính đầu tiên trong tứ đức. Từ xưa đến nay, sự cần cù, mẫn cán là một trong số những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và nên được tiếp tục phát huy trong việc xây dựng lối sống xanh. Thực vậy, nếu không có sự cần cù, chăm chỉ thì các hoạt động bảo vệ môi trường có thể chỉ dừng lại ở mức phong trào, khó có thể duy trì về lâu về dài. Áp dụng đức “Cần” vào lối sống xanh là luôn nỗ lực thực hiện các hành động nhỏ nhưng có tác động lớn, như phân loại và tái chế rác thải, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, dọn dẹp môi trường sống, tập thói quen trồng cây,… Hơn thế nữa là sự cần cù, cố gắng tìm hiểu, học hỏi nghiên cứu thêm các kiến thức giúp nâng cao nhận thức của mọi người và cũng là cơ hội để tìm ra các sáng kiến mới để bảo vệ môi trường. Theo thời gian, đức tính cần cù siêng năng sẽ giúp tạo ra thói quen bảo vệ môi trường cho mỗi cá nhân. Một khi mỗi cá nhân đã có thói quen và ý thức cao về việc bảo vệ môi trường sẽ lan tỏa và hình thành một xã hội có văn hóa bảo vệ môi trường.

Nếu “Cần” giúp chúng ta tạo ra một văn hóa bảo vệ môi trường trong dài hạn, thì “Kiệm” giúp chúng ta tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Chúng ta có thể dễ dàng thực hành đức tính “kiệm” hàng ngày thông qua việc tắt điện khi không sử dụng, dùng nước một cách có ý thức hay là việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, có khả năng tái chế, tái sử dụng. Hơn thế nữa, “Kiệm” trong lối sống xanh còn có thể hiểu sự hy sinh chút tiện nghi của cuộc sống hiện đại, sống tối giản, giảm thiểu tiêu thụ những sản phẩm không cần thiết, đồng thời khuyến khích tái chế, tái sử dụng. Phải thừa nhận, cuộc sống hiện đại với đầy những tiện ghi giúp chúng ta phần nào dễ dàng, thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nhưng cũng đồng thời thải ra môi trường lượng lớn rác thải. Những chiếc túi nylon quen thuộc với đời sống của chúng ta hàng ngày, là hình ảnh tiêu biểu của sự tiện nghi của con người nhưng lại là ác mộng cho môi trường tự nhiên. Chỉ từ những hành động đơn giản như sử dụng túi vải để đựng đồ thay vì túi nylon, sử dụng bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai, sử dụng phương tiện công cộng thay cho phương tiện cá nhân,… không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu rác thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Sau khi chúng ta đã thực hành được “Cần” và “Kiệm” vào lối sống xanh thì “Liêm” là đức tính tiếp theo chúng ta cần rèn luyện. Trên phương diện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “Liêm” là “trong sạch, không tham lam”. Còn “Liêm” trong lối sống xanh được thể hiện qua sự minh bạch, liêm khiết trong sản xuất, tiêu dùng, không lạm dụng các nguồn tài nguyên để phục vụ cho lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả cho cộng đồng và môi trường. Với phương diện là người sản xuất sản phẩm thì phải minh bạch trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất; không vì lợi nhuận mà thực hiện các hành vi xâm phạm tự nhiên, khai thác tài nguyên một cách bừa bãi hay sử dụng và xả thải các chất độc hại ra môi trường. Đối với vai trò của người tiêu dùng thì nên có trách nhiệm với các lựa chọn sản phẩm được sản xuất theo quy trình bền vững, không gây hại đến môi trường, tránh sử dụng các sản phẩm có hại cho môi trường. Áp dụng đức “Liêm” vào lối sống xanh là tẩy chay các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hay sẵn sàng lên tiếng phản đối, phê phán những hành động gây ô nhiễm trong sản xuất kinh doanh. Có như vậy, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội sạch sẽ, đẹp đẽ và bền vững từ trong đạo đức tới thiên nhiên bên ngoài.

Cùng với đó, để hoàn thiện lối sống xanh mỗi chúng ta còn phải tôi luyện đức “Chính”. “Chính” là “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Đức “Chính” được thể hiện rõ ràng nhất qua việc thượng tôn pháp luật trong đó có cả luật bảo vệ môi trường, tuân thủ quy định về xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, “Chính” trong lối sống xanh còn là sự cam kết của mỗi người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường, đấu tranh chống lại những hành vi phá hoại thiên nhiên, tích cực tham gia và thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường. Với những cá nhân là cán bộ cấp quản lý thì phải ngay thẳng, công tâm xử lý các sai phạm liên quan đến môi trường, không vì lợi ích nhóm mà gây hại cho cộng đồng và môi trường tự nhiên, có như vậy mới xây dựng được niềm tin vững chắc trong quần chúng nhân dân, từ đó lối sống xanh mới có thể lan tỏa, môi trường thiên nhiên mới được bảo vệ và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Có thể thấy, áp dụng tứ đức “Cần – Kiệm – Liêm – Chính” vào thực hành lối sống xanh không chỉ giúp cho chúng ta có một cuộc sống an lành và gần gũi thiên nhiên mà còn tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây là một sự kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống cao đẹp của nhân dân ta và nhu cầu cấp thiết của thời đại, là kim chỉ nam để mỗi người sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và hành tinh xanh của chúng ta. Từ đây chúng ta có thể thấy, công cuộc bảo vệ môi trường không chỉ là những việc làm lớn lao mà ngay từ những thay đổi nhỏ từ mỗi cá nhân nếu được thực hiện một cách đều đặn và đồng bộ thì cũng có thể đem lại một tương lai tươi sáng cho nhân loại. Khi mỗi người biết “Cần – Kiệm – Liêm – Chính”, chúng ta sẽ tạo ra một lối sống xanh góp phần xây dựng một xã hội có văn hóa bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên từ đó tạo lập ra một tương lai bền vững và xanh tươi cho các thế hệ mai sau. Mỗi Đảng viên, Đoàn viên và cán bộ các cấp phải phát huy vai trò xung kích, tình nguyện đi đầu trong công cuộc này, trở thành những tấm gương mẫu lan tỏa cho toàn dân tộc ta thực hành lối sống xanh, có như vậy ngày chiến thắng giặc ô nhiễm mới đến gần!

Kỳ 4: Những nét xanh ở VietinBank

d
 Poster truyền thông sản phẩm tiền gửi xanh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với tất cả các quốc gia và doanh nghiệp. Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp cũng đang là một bộ phận sôi nổi trong việc đóng xây dựng xu hướng phát triển xanh và bền vững. Hưởng ứng xu thế chung, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) – với tư cách là một trong số những ngân hàng đi đầu trong ngành ngân hàng đã không ngừng nỗ lực tích hợp các giá trị xanh vào chiến lược phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc chung của đất nước trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Với trách nhiệm xã hội sâu sắc, VietinBank cũng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong kỳ này, tôi xin được kể các bạn nghe về những nét xanh ở VietinBank.

Với vai trò là một trong số những ngân hàng hàng đầu, VietinBank luôn định hướng phát triển toàn diện và bền vững, chú trọng đặc biệt đến yếu tố bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển của mình. Điều này được thể hiện rõ qua việc VietinBank tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường, xã hôi và quản trị (ESG) vào hoạt động quản trị và kinh doanh của ngân hàng. Tích hợp ESG giúp VietinBank không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội. Trong chặng đường bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, VietinBank luôn đồng hành cùng Chính phủ, các Tổ chức trong nước và quốc tế, các đối tác và khách hàng giải quyết các vấn đề môi trường – xã hội, đẩy mạnh tài chính bền vững thông qua các hoạt động: xây dựng chính sách, sản phẩm tạo cơ chế linh hoạt trong tài trợ các dự án bền vững, giảm tài trợ dự án có tác động tiêu cực tới môi trường xã hội, biến đổi khí hậu, ưu tiên nguồn lực để tài trợ các dự án phát triển bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần hướng tới mục tiêu xanh hóa các hoạt động ngân hàng.

Với những định hướng trên, VietinBank đã xây dựng và ban hành Khung tài chính Bền vững, cùng với đó ngân hàng không ngừng phát triển các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ tài chính xanh để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nổi bật trong số đó là các sản phẩm tín dụng xanh được VietinBank triển khai nhằm hỗ trợ cách doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo và các dự án thân thiện với môi trường, cụ thể có thể kể đến gói tài chính xanh Green Up giá trị 5 nghìn tỷ đồng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững; hợp tác với MUFG với mục tiêu huy động lên tới 1 tỷ USD cho phát triển bền vững tại Việt Nam; hay ra mặt sản phẩm tiền gửi xanh, nhằm đa dạng hóa cơ chế huy động nguồn vốn cho các dự án xanh và phát triển bền vững. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đưa dòng vốn tiếp cận với các dự án xanh, VietinBank đã vinh dự nhận được giải thưởng “Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu”, hạng mục “Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh 2024” do tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức. Đây như một dấu mốc công nhận sự đóng góp không ngừng của VietinBank trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Không dừng lại ở đó, VietinBank vẫn tiếp tục nghiên cứu và áp dụng công nghệ nhằm cải tiến và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ xanh trong tương lai với cam kết sẽ luôn là người bạn đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững, thúc đẩy huy động dòng tài chính bền vững, chuyển giao công nghệ xanh,…

d
Cán bộ VietinBank chi nhánh Hà Giang cùng các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tham gia trồng cây.

Bên cạnh đó, những cán bộ, nhân viên của VietinBank – con người VietinBank - luôn coi trọng trách nhiệm xã hội, đặc biệt là tích cực tham gia các chương trình bảo vệ môi trường, phù hợp với tinh thần được đề ra trong văn hóa doanh nghiệp của Ngân hàng. Các chi đoàn Thanh niên trực thuộc VietinBank luôn thể hiện vai trò xung kích, tổ chức và tham gia các chiến dịch trồng cây, dọn dẹp vệ sinh góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng mà còn nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Các cán bộ của VietinBank cũng là các hạt nhân tích cực lan truyền lối sống xanh, khuyến khích mọi người thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Những điều này được phản ánh đơn giản qua việc thực hành tiết kiệm các vật dụng làm việc, sử dụng file văn bản điện tử và hạn chế in ấn lãng phí giấy và mực in, khuyến khích sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc bảo vệ môi trường, VietinBank đã khẳng định vai trò của mình là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tài chính xanh ở Việt Nam. Những đóng góp của VietinBank không chỉ mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng trong việc tuân thủ các chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, góp phần vào mục tiêu chung trong việc tiến tới đạt phát thải ròng cacbon bằng 0 năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng định Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-26).

Để tạm kết, chúng ta cùng nhớ lại những lời ca thân thuộc trong bài hát của nhạc sĩ Vũ Kim Dung: “Tổ quốc Việt Nam xanh ngát, có sạch đẹp mãi được không? – Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi”. Thực vậy, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là nhiệm vụ của cả xã hội. Dưới sự dẫn dắt của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta bước đầu đã có những thành tựu trong công cuộc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mẹ thiên nhiên vẫn đang bị giặc ô nhiễm xâm hại một cách nặng nề nên chúng ta cần mạnh mẽ và khẩn trương hơn nữa trong công cuộc thiêng liêng này. Đồng bào của tôi ơi… Hãy cùng đoàn kết và chung tay giữ lấy màu xanh cho Tổ quốc vì cho chính chúng ta và các thế hệ mai sau!

Danh mục tài liệu tham khảo

 (1) - United Nations Conference on the Human Environment, 5-16 June 1972, Stockholm - Nguồn: United Nations Conference on the Human Environment, Stockholm 1972 | United Nations

(2) - Nghị định thư Montreal năm 1978 về các chất gây suy giảm tầng ô-zôn – Nguồn: Trang thông tin điện tử Vụ Pháp chế (monre.gov.vn)

(3) – Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 – 72/2020/QH14 – Nguồn: Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14 mới nhất áp dụng năm 2024 mới nhất (thuvienphapluat.vn)

(4) - Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2023 của IQAir – Nguồn: Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2023 của IQAir

(5) + (14) – Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường 2023 – Số 212/BC-CP – ngày 04 tháng 5 năm 2024.

(6) – WHO, Hơn 60.000 người tử vong mỗi năm ở Việt Nam liên quan tới ô nhiễm không khí – Nguồn: Hơn 60.000 người tử vong mỗi năm ở Việt Nam liên quan tới ô nhiễm không khí (who.int)

(7) - Tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm do ô nhiễm không khí. Nguồn: Tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm do ô nhiễm không khí (thanhnien.vn)

(8) – Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 278, tháng 08/2020 – Nguồn: Bia 1 (neu.edu.vn)

(9) – Nguồn: Viet Nam Typhoon Linda Situation Report No.2 - Viet Nam | ReliefWeb

(10) – Tổng hợp thiệt hại do thiên tai năm 2017 – Nguồn: u4fxaVGl-kKJ8YgF2017-00. THIET HAI NAM 2017_tinh, tp_ngay 31.12.2017.pdf (mard.gov.vn)

(11) – Nguồn: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 (dangcongsan.vn)

(12) – Nguồn: Chỉ thị 36/1998/CT-TW tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (thuvienphapluat.vn)

(13) – “Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo” - Nguồn: “Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo” (petrotimes.vn)

Nguyễn Phan Anh, VietinBank

 

.
.
.
.