.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, người lao động tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Cần Thơ trong tình hình mới

Thứ Ba, 15/10/2024|18:12

Chủ đề về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên luôn được Đảng, Chính phủ và nhân dân ta coi trọng, đặc biệt là trong những năm gần đây Bộ Chính trị đã chỉ đạo quyết liệt hơn, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vấn đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” có ý nghĩa và giá trị to lớn trong xã hội, nhất là trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có phẩm chất và có năng lực.

Như vậy, tinh thần trách nhiệm là gì? và làm như thế nào là thể hiện tinh thần trách nhiệm? Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin cùng các đồng chí tìm hiểu sâu hơn về tinh thần trách nhiệm và nhìn lại trong thời gian qua chúng ta chưa làm được gì để từ đó có giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển (VDB) Khu vực Cần Thơ.

Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại... Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những quy định của luật pháp, quy chế, thỏa thuận của tập thể, tổ chức, địa phương... Trách nhiệm còn được hình thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.

Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là: Cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, tức là khi được Ðảng, Chính quyền hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách", dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ thì làm khó thì bỏ, tránh né, đùn đẩy, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Chi nhánh, sự điều hành của Ban Giám đốc, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Cần Thơ trong những năm gần đây đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng ủy và Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam giao. Mặc dù chưa ký được hợp đồng để cho vay mới nhưng đã tiếp cận tìm được nhiều dự án lớn, tiềm năng thẩm định trình Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay, song song đó tập trung xử lý nợ xấu thu hồi nợ vay đạt được hiệu quả khá cao trong các năm qua. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo các đơn vị phát huy tốt vai trò và khả năng của mình; đa phần cán bộ, người lao động của Chi nhánh đều có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tuân thủ bộ quy tắc văn hóa ứng xử, giữ vững đạo đức, phẩm chất cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của cơ quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ, người lao động chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách của mình, các đơn vị chưa phối hợp tốt để giải quyết một công việc mang tính chất liên đới, phối hợp thực hiện. Tình trạng đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm và che giấu vi phạm vẫn còn xảy ra, chưa mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng tích cực.

Nguyên nhân tồn tại, nợ xấu kéo dài nhiều năm, khó xử lý, phức tạp, một số dự án/khoản vay liên quan đến pháp luật, cán bộ bị xử lý vi phạm pháp luật; một số dự án phải khởi kiện chủ đầu tư để đưa qua cơ quan thi hành án xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến tinh thần của cán bộ, người lao động trong cơ quan.

Nhiều năm không tuyển dụng nhân sự mới, lực lượng cán bộ trẻ, giỏi, có khả năng phát triển tốt đã rời khỏi ngành. Lực lượng nhân sự còn lại có độ tuổi cao, không còn tính năng động. Trong lực lượng nhân sự còn lại này, những người thật sự yêu ngành yêu nghề cũng không nhiều.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã làm ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt của lực lượng cán bộ, người lao động nói chung, tạo sự chuyển biến lớn về tư tưởng, đạo đức lối sống, dẫn đến phai nhạt về tinh thần trách nhiệm.

Chế độ đãi ngộ, tiền lương, thưởng đối với cán bộ, người lao động còn thấp so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng nên chưa có sự thu hút mạnh mẽ và tạo sự an tâm công tác.

Nhiều cán bộ thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

Đề xuất một số giải pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, người lao động tại Chi nhánh trong thời gian tới:

Trước yêu cầu tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023-2027 theo kết luận của Bộ Chính trị, vấn đề cán bộ cần phải được quan tâm hàng đầu, vì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngủ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng phải được tiến hành thường xuyên, bài bản, chặt chẽ và hiệu quả. 

Về phía Chi nhánh, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho toàn thể cán bộ của cơ quan. Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, đạo  đức và hành động của cán bộ.

Khi xem xét, đề bạt, bố trí cán bộ cần làm rõ những dư luận không tốt liên quan đến cán bộ trước khi ra quyết định, đảm bảo cán bộ sau khi được bổ nhiệm phải là người có năng lực, làm việc có hiệu quả, có tâm và có tầm.

Xây dựng và hoàn thiện các quy chế liên quan đến công tác cán bộ, tuyển dụng nhân sự mới, chế độ tiền lương, thưởng và chế độ đãi ngộ theo hướng công khai, dân chủ, khách quan, toàn diện, cụ thể và thực chất. Có các chế độ, chính sách khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ làm việc tốt, tận tụy và chuẩn mực.

Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng do ngành Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức, cũng như tạo điều kiện cho cán bộ tự học tập nâng cao trình độ để phù hợp với tình hình mới.

Xử lý nghiêm và công bằng những sai phạm của cán bộ nhằm chấn chỉnh kịp thời, đồng thời củng cố niềm tin của toàn thể cán bộ, người lao động tại đơn vị. 

Về phía cán bộ, người lao động: Mỗi cán bộ, người lao động của cơ quan cần phải có ý thức tự giác, nghiêm túc thực hiện bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của  mình; chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên. Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; tôn trọng, công tâm, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề, của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tích cực và tự giác tham gia các hoạt động phong trào do cơ quan và đoàn thể phát động, cũng cố và xây dựng tinh thần đoàn kết của cơ quan.

Mỗi cán bộ, người lao động của cơ quan có ý thức nâng cao chất lượng công tác trong điều kiện mới là tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2023-2027, phải nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, học tập trong đó có đào tạo ngành lĩnh vực do Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức và nâng cao ý thức tự đào tạo để đáp ứng được nhu cầu công cuộc chuyển đổi số.

Tóm lại, nêu cao tinh thần trách nhiệm chính là sự thể hiện đạo đức của người cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Cần Thơ nói riêng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam nói chung. Qua đó, tôi xin kêu gọi: Mỗi cán bộ, người lao động hãy phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với ngành, yêu ngành, gắn bó với ngành. Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Cần Thơ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao./.                                 

   Nguyễn Hữu Nhân - VDB Cần Thơ 

.
Các bài viết khác:
.
.
.