Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Người Bưu điện vững vàng vượt bão Yagi
Sáng lên giữa bão lũ là tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm và rất đỗi nghĩa tình của người Bưu điện. Những “chiến binh áo vàng” dũng cảm đối mặt với cơn bão lớn, tận tụy “vẹn tròn” với nhiệm vụ và luôn sẵn sàng thực hiện sứ mệnh vì cộng đồng. Họ trở thành những điểm sáng “vượt gió, thắng bão” với tất cả sự vững vàng của người Bưu điện.
Ưu tiên đảm bảo an toàn bưu gửi và bảo vệ tài sản của đơn vị
Tại Quảng Ninh, Sàn Khai thác cấp 1 của Bưu điện tỉnh Quảng Ninh cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Mưa lớn trong thời gian dài khiến phần lớn mặt sàn bị ngập. Trực tại sàn Khai thác cấp 1 trong ngày bão về có 5 lao động nam. Với số lượng người ít, nhưng tâm thế vững vàng và trách nhiệm, các anh đã “chạy bão” cho hơn 15 ngàn bưu gửi trong điều kiện sàn bị tốc mái và ngập nước. Hơn 10 tấn hàng hóa được các anh di chuyển lên vị trí cao, khô ráo, chắn bọc kĩ càng, đảm bảo mưa bão không làm hư hại bất cứ bưu gửi nào.
Ai cũng sẵn sàng góp sức cùng đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn này. |
Anh Nguyễn Đức Thảo, nhân viên Hành chính Quản trị thuộc phòng Tổ chức Hành chính Bưu điện tỉnh nhận nhiệm vụ trực bão từ 17h30 ngày 6/9/2024. Xuyên suốt 2 ngày cùng anh Đặng Tiến Dũng phòng Kỹ thuật Nghiệp vụ, anh Thảo đã thức trắng đêm 7/8 đến chiều tối 8/9 để bảo vệ tòa nhà Bưu điện tỉnh và hỗ trợ sàn Hà Khánh xử lý các sự cố sau bão. Yên tâm việc cơ quan, anh mới trở về nhà riêng cùng vợ lợp lại mái ngói căn nhà cấp 4 của gia đình bị bão thổi bay, trần nhà bị dột nặng.
Vừa theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin và cập nhật tình hình bão tại các đơn vị trực thuộc, anh Thảo cùng một số cán bộ trực bão đi kiểm tra toàn bộ trụ sở Bưu điện tỉnh để kịp thời xử lý ngay các tình huống. Anh Thảo chia sẻ: “Ngày 7/9, bão Yagi chính thức đổ bộ vào Quảng Ninh, chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão mạnh như thế này. Nhìn mưa lớn xối xả tát thẳng vào cửa kính, gió lớn quật đổ nhiều cây xanh, lòng tôi như lửa đốt. Vừa kiểm tra lại tòa nhà Bưu điện tỉnh, sàn khai thác, vừa lo không biết nhà cửa có bị thiệt hại gì không. Nhưng khi đã nhận nhiệm vụ trực bão tại cơ quan, tôi luôn sẵn sàng làm hết lòng, hết sức, hết trách nhiệm, bão tan, việc cơ quan ổn định tôi mới yên tâm về nhà”.
Anh Thảo cũng như những CBCNV-LĐ khác tại Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, dũng cảm, trách nhiệm, tận tụy và sẵn sàng cống hiến. Sự vững vàng của Bưu điện tỉnh Quảng Ninh giữa cơn bão lớn chính là sự nỗ lực, trách nhiệm, là sức mạnh đoàn kết của người lao động tại nơi đây, không ngại khó, không sợ hiểm nguy, tất cả vì đơn vị, vì khách hàng.
Bưu điện Quảng Ninh cũng là điểm sáng trong công tác khôi phục nhanh chóng sau Bão. Chỉ khoảng 2 ngày sau khi bão qua, Bưu điện tỉnh đã nhanh chóng cung cấp dịch vụ, duy trì ổn định luồng lưu thông hàng hóa cũng như triển khai các hoạt động vì cộng đồng như cung cấp điểm sạc, điểm phát sóng wifi miễn phí hay bán hàng trợ giá,…
Túc trực 24/24, đảm bảo ứng phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của bão
Ngay khi nhận được dự báo về mức độ ảnh hưởng lớn của bão số 3 cũng như chỉ đạo sâu sát từ Tổng công ty về công tác chuẩn bị phòng chống bão lũ, Bưu điện tỉnh Yên Bái và Bưu điện tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ huy/Tổ xung kích Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, túc trực 24/24 để đảm bảo ứng phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của bão số 3, giữ vững thông tin liên lạc cũng như an toàn bưu gửi, hàng hóa cho khách hàng. Cùng với đó, xử lý các tình huống phát sinh, tổ chức quét dọn, khắc phục ngay các điểm có nước rút để ổn định tổ chức sản xuất.
Trong hoàn cảnh mất điện, mất sóng điện thoại, với phương châm “4 tại chỗ” cùng tinh thần sẵn sàng ứng phó với bão, các thành viên ứng trực trong Ban Chỉ huy, Tổ xung kích đã kịp thời gia cố toàn bộ mái che, đồng thời chủ động sơ tán, di dời trang thiết bị, máy tính, chứng từ, hàng hóa lên khu vực tầng 2 của các bưu cục,… Làm sạch hệ thống mái/khơi thông cống thoát nước trên mái nhà tại điểm phục vụ để tránh ứ nước trên mái nhà khi mưa lớn kéo dài. Chủ động di chuyển thiết bị, tài liệu, hàng hóa, bưu gửi tại các Bưu cục, BĐ-VHX có nguy cơ ngập lụt do mưa to liên tục. Nhờ vậy giúp giảm thiểu được tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Chị Nhung, Bưu tá nội thị Trung tâm Dịch vụ Ứng Hòa lội nước giao hàng. |
Là một trong 3 người bám trụ tại Bưu điện huyện Tràng Định (Lạng Sơn) đêm 8/9, anh Nông Ngọc Thiện, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện huyện cho biết: “ Nước lên rất nhanh, anh em tôi không kịp trở tay. Đảm bảo tối đa an toàn bưu gửi và bảo vệ cơ sở vật chất của đơn vị là quan trọng nhất. Cũng may là đơn vị đã chủ động ứng phó và sẵn sàng các phương án. Từ chiều, anh em đã đã bắt đầu chuyển bưu gửi của khách hàng và một số thiết bị liên lạc, đồ điện tử quan trọng lên tầng 2 và mái nhà. Vừa chuyển hết được bưu gửi thì nước cũng đã ngập đến đầu gối và chỉ ít phút sau là lên đến ngang ngực rồi. Mất điện, tôi với anh Vân (Giám đốc Bưu điện huyện) và Duy (Phó Giám đốc Bưu điện huyện) thay nhau soi đèn pin để tháo và chuyển nốt một số thiết bị điện tử treo tường.”
Nhanh chóng khôi phục trở lại hoạt động giao nhận hàng hóa, dù một số địa bàn ngập sâu đến hơn 4m, song với sự nỗ lực của CBCNV-NLĐ tại đơn vị, các dịch vụ chuyển phát KT1, Hỏa tốc, chuyển phát nhanh và các dịch vụ thiết yếu khác đã được 2 đơn vị vận hành ổn định trở lại, đặc biệt là trong các khu vực có nhu cầu cấp bách như đường thư KT1 đảm bảo các chỉ đạo của Đảng, của chính quyền kịp thời đến các địa chỉ vận chuyển vật tư y tế, hàng hóa cứu trợ cho người dân vùng lũ.
Đội mưa, lội nước giao hàng
Trên thuyền giao hàng tiến vào vùng ngập sâu tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, chị Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Thanh Trì không khỏi bất ngờ khi thấy nước lên rất nhanh và cao dù đã nắm được thông tin báo cáo của bưu tá trước đó.
Vừa kiểm tra lại địa chỉ người nhận, chị Hoa vừa chia sẻ, ánh mát ánh lên sự kiên định, quyết tâm cùng một chút tự hào: “Trời không còn mưa lớn nhưng nước rất cao, xe máy không vào được. Nhưng không thể vì điều kiện thời tiết, hoàn cảnh khó khăn mà chậm trễ việc giao hàng. Đơn vị đã thuê thuyền, tôi cùng anh em bưu tá đã sẵn sàng phát hàng hóa đến tận tay khách hàng một cách an toàn và đảm bảo nhất! Đi giao hàng bằng thuyền có lẽ là trải nghiệm không bao giờ quên suốt quãng thời gian công tác trong ngành của tôi. Mới đầu hơi lo vì sợ nước tạt lên hàng nhưng giờ có kinh nghiệm rồi, yên tâm không bưu gửi nào bị ướt.”
Giống như nhiều bưu tá khác có tuyến phát tại các khu vực bị ngập nặng, xe đạp là phương tiện chính được chị Đinh Thị Lan (Phát xã xã Văn Bình, Thường Tín), chị Nguyễn Thị Thủy (Phát xã xã Liên Phương) và chị Dương Thị Nhung (Bưu tá nội thị Trung tâm Dịch vụ Ứng Hòa) sử dụng giao hàng trong những ngày bão vừa qua.
“Có điểm ngập sâu lắm, nước đến ngang người, xe đạp khó đi thì tôi lội bộ vào, còn đi được thì tôi còn phát hàng. Nhiều khách hàng họ bất ngờ lắm, vì mưa ngập mà bưu tá vẫn giao hàng, người thì ướt mà hàng vẫn khô”, chị Nhung hồ hởi chia sẻ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần vượt thách thức của người Bưu điện luôn tỏa sáng. Những “chiến binh áo vàng” của Bưu điện Việt Nam đã biến trở ngại thành động lực, biến khó khăn thành hành động, đảm bảo từng bưu gửi, từng lá thư, từng tờ báo được trao tận tay người nhận kịp thời, nguyên vẹn bằng trách nhiệm nghề nghiệp cao nhất, bằng nhiệt huyết và sự cam kết kiên định của người Bưu điện với khách hàng.
Nghĩa đồng bào, tình đồng nghiệp
Sau bão, bưu cục Ga (Bưu điện tỉnh Yên Bái) ngổn ngang đồ đạc, bùn đất, rác thải từ trong nhà ra đến tận ngoài sân.... Trong khu vực phòng làm việc của bưu cục, nước ngập tới hơn 2m, khi nước rút để lại lớp bùn dày hàng chục cm. Khu vực ngoài sân bùn đất cũng cao ngang đầu gối. Công tác dọn dẹp trở nên vô cùng vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực.
Trong cơn mưa đã thôi nặng hạt, đoàn hỗ trợ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cùng CBCNV-NLĐ Bưu điện tỉnh Yên Bái đang khẩn trương dọn dẹp đồ đạc, sân sàn, trần, cửa khơi thông dòng nước, sửa chữa lại trang thiết bị,… tại các điểm phục vụ của đơn vị. Trong đoàn hỗ trợ lần này của Tổng công ty có 2 thành viên đặc biệt, đó là con và cháu của cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tổng công ty.
Chị Hoa và bưu tá đi thuyền giao bưu gửi đến người dân ở Thanh Trì, Hà Nội. |
Em Nguyễn Quang Trung (sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật Hà Nội) luôn dành cho Bưu điện Việt Nam một tình cảm đặc biệt. Ngay khi nghe mẹ kể về chương trình ra quân hỗ trợ Yên Bái khắc phục hậu quả bão số 3, em lập tức xin mẹ cho tham gia cùng. Trung cũng là thành viên “quen mặt” trong thời gian cao điểm tăng cường hỗ trợ lưu thoát hàng hóa tại các bưu cục phát, trung tâm khai thác. Cũng giống như Trung, em Phan Hồng Hải (sinh viên năm 5 Trường Đại học Thủy Lợi), thấy chương trình rất ý nghĩa và xin được đi cùng dì và em lên Yên Bái hỗ trợ mọi người.
Cả Trung và Hải đều tâm sự rằng chuyến đi Yên Bái lần này là để thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân vùng bão, lũ và để mang tấm lòng nhỏ bé của mình, sẻ chia phần nào với cộng đồng.
Luôn tay dọn dẹp bùn đất trong bưu cục, Trung chia sẻ: “Những ngày qua, xem tin tức về tình hình ngập lụt, sạt lở, thiệt hại tại Yên Bái, Lào Cai, em rất buồn và xót xa. Trên đường đi, nhìn đường xá ngập trong bùn đất, nhà cửa đổ sập cảm xúc rất khác so với việc xem các bản tin, hình ảnh trên truyền hình và mạng xã hội. So với rất nhiều người, việc làm của em chỉ là một hạt cát giữa sa mạc, nhưng đây là điều em có thể làm trong khả năng của mình để góp sức hỗ trợ người dân Yên Bái, ít nhất là các anh chị công tác tại bưu cục Ga sớm ổn định lại cuộc sống thường ngày”.
Bên cạnh việc tham gia dọn vệ sinh tại các bưu cục, hai bạn Trung và Hải còn tham gia hỗ trợ khai thác hàng cứu trợ từ các tỉnh gửi về Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái, để hàng cứu trợ sớm đến tay người dân hơn.
Đối với chị Đàm Thị Minh, công tác trong ngành hơn 11 năm, chị thấu hiểu những khó khăn mà đồng nghiệp phải đối mặt khi dịch bệnh, lúc thiên tai. Chị bộc bạch anh chị em đồng nghiệp tại vùng bị ảnh hưởng, trong bão là người bám trụ lại bảo vệ an toàn cho đơn vị, cho bưu gửi trước khi lo lắng cho gia đình, bản thân; sau bão lại là người dọn dẹp đất đá ngổn ngang để mở cửa bưu cục phục vụ khách hàng sớm nhất có thể.
“Mọi người đã quá vất vả rồi, mình đỡ được chút nào hay chút đó. Một vài buổi tham gia dọn dẹp với anh chị em chẳng đáng là bao so với công sức của mọi người tại đơn vị trong những ngày qua”, chị Minh bộc bạch.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Bưu điện luôn ánh lên trong mình 10 chữ vàng cao đẹp của ngành “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” không ngừng đóng góp những hành động thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng. Những nỗ lực đó đã và đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng và lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của Bưu điện Việt Nam, không chỉ trong nội bộ mà còn lan rộng tới toàn xã hội, thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm và tinh thần phục vụ của Bưu điện Việt Nam.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam