Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người dệt may, khơi dậy nguồn lực nội sinh (Bài 3)
Bài 3: Nhận thức đúng, hành động trúng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, động lực, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến lời Di chúc, lúc là thầy giáo, khi là nhà báo, nhà vǎn, là Chủ tịch nước... Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi các vấn đề của con người, công việc của con người, sự nghiệp trồng người là mục tiêu, là mối quan tâm thường trực, là trách nhiệm vẻ vang của mình. Học theo tư tưởng của Người, Tập đoàn Dệt May Việt Nam với “nguồn vốn” quý là các doanh nghiệp, đơn vị, trong đó có cả khối đào tạo và cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân, người lao động đã và đang phát huy nhận thức đúng để hành động trúng, nỗ lực xây dựng và phát triển con người dệt may ngày càng vững mạnh cả về số và chất lượng.
*Đồng chí Hoàng Xuân Hiệp - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội:
Đội ngũ giảng viên vừa phải có kiến thức vững chắc, vừa có năng lực triển khai vào thực tiễn sản xuất kinh doanh (SXKD) dệt may
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tư tưởng lớn về giáo dục nhưng có thể nói rằng tư tưởng học phải đi đôi với hành, học phải để phục vụ thực tiễn là một trong những tư tưởng nổi bật và có ý nghĩa quan trọng nhất đối với các cơ sở giáo dục nói chung và các trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành dệt may nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, trong giáo dục, “Đối với đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà…”. Đây chính là kim chỉ nam cho tất cả các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học theo định hướng ứng dụng. Ngay từ giai đoạn thiết kế chương trình đào tạo nhân lực cho ngành dệt may, các trường đại học đã phải định hình rõ các nội dung, thời lượng của các học phần có tính chất lý thuyết và thực hành một cách cân đối sao cho thời lượng thực hành kỹ năng tư duy và thực hành kỹ năng kỹ thuật đủ thời lượng hình thành năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn cho sinh viên; chương trình đào tạo phải được tham khảo các chương trình tương đồng của các nước phát triển để tích hợp được những kiến thức hiện đại, kỹ năng tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 như nhà máy dệt may thông minh, kinh tế số trong dệt may hay chuỗi cung ứng dệt may bền vững, kinh tế tuần hoàn của ngành dệt may… vào chương trình đào tạo.
Về phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân tích một cách khoa học là “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” hay “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Để hiện thực hóa được tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành dệt may thì điểm quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên của phải vừa có kiến thức lý thuyết vững chắc, vừa có năng lực triển khai trong thực tiễn SXKD ngành dệt may. Ngay trong quá trình học, giảng viên là hạt nhân để hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp tại doanh nghiệp dệt may như nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; hướng dẫn sinh viên rèn luyện kỹ năng tư duy và kỹ năng kỹ thuật để hướng tới hình thành năng lực giải quyết các vấn đề của thực tiễn như năng lực đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các thị trường dệt may lớn như Mỹ, EU; năng lực điều hành nhà máy dệt may xanh; năng lực thực hiện công việc trong chuỗi cung ứng dệt may bền vững…
Bên cạnh việc giáo dục chuyên môn, Tư tưởng Hồ Chí Minh còn chỉ rõ tầm quan trọng của giáo dục tư cách đạo đức cho sinh viên. Người cho rằng “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Vận dụng các tư tưởng này vào các trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành dệt may, một ngành mà 90% năng lực sản xuất là cho xuất khẩu thì đòi hỏi các trường đại học phải rèn luyện cho sinh viên phẩm chất chuyên nghiệp, trách nhiệm trong công việc, luôn có tư duy sáng tạo và sẵn sàng hội nhập với thị trường dệt may thế giới trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất định như hiện nay.
Có thể thấy rằng phương pháp tốt nhất để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực dệt may trong giai đoạn hiện nay là chuyển đổi căn bản công tác giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, thực hiện tích cực và có hiệu quả tư tưởng của Người là “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”.
* Đồng chí Phạm Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiên Hưng: Con người là trọng tâm của mọi hoạt động
Luôn xác định “lấy con người làm trọng tâm”, chúng tôi hướng tới một Tiên Hưng “đáng sống, đáng làm việc” đối với tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động (CBNV-NLĐ). Để làm được điều này, không chỉ đảm bảo thu nhập của người lao động (NLĐ) ngày một tăng mà việc xây dựng một môi trường làm việc xanh, thân thiện, hiện đại cho NLĐ cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Tiên Hưng chú trọng. Không chỉ phủ xanh khuôn viên toàn nhà máy bằng các loại hoa và cây xanh, Tiên Hưng còn là một trong những đơn vị đầu tiên lắp toàn bộ hệ thống điều hòa trung tâm cho toàn bộ phân xưởng, với hơn 8.000 mét vuông/sàn.
Tiên Hưng quan tâm tổ chức các mô hình chăm lo cho người lao động: phát sữa nhập khẩu hàng tuần tới tận bàn làm việc cho NLĐ; xây dựng phòng y tế khang trang hiện đại, có đội ngũ y tế trúc trực; đầu tư máy vắt sữa và tủ trữ sữa cho lao động nữ đang trong thời gian nuôi con; hàng tuần có giao lưu văn nghệ, chúc mừng sinh nhật cho NLĐ; đầu tư hệ thống âm thanh hiện đại lắp tại nhà máy, giúp công nhân giao lưu văn nghệ trong giờ giải lao. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên tổ chức các buổi họp tới từng cấp tổ để lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của công nhân với quan điểm công nhân có nhu cầu gì thì sẽ giải quyết ngay.
Năm nay, Công ty sẽ tập trung đầu tư công nghệ, sắp xếp lại hệ thống nhà xưởng tạo điều kiện thuận lợi nhất để NLĐ làm việc. Hiện Công ty đã áp dụng được số hóa ở kho nguyên liệu, quản lý chất lượng sản phẩm và trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục thực hiện áp dụng chuyển đổi số ở các lĩnh vực.
Cùng với đó Công ty sẽ phát động các phong trào thi đua như “Yêu ngành, yêu nghề”, “Sạch nơi làm việc”. Phát động phong trào sáng kiến, sáng tạo đến toàn thể người lao động. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương mặt điển hình để lan tỏa các phong trào thi đua đến tất cả người lao động… Khi hướng mọi hoạt động đến con người mà trọng tâm là NLĐ trực tiếp sản xuất, đầu tư, tổ chức sắp xếp lại mô hình SXKD, năng suất lao động của Công ty đã tăng khoảng 8%. Hiện nay, Công ty đã đủ đơn hàng cho đến hết năm, dự kiến doanh thu tăng 5-7%, theo đó thu nhập bình quân của NLĐ cũng sẽ tăng ít nhất khoảng từ 5-7% so với năm 2023.
Chúng tôi luôn tâm niệm, đội ngũ CBNV-NLĐ như những người liên tục leo núi chứ chưa đi đến đỉnh vinh quang. Chính vì vậy, mỗi con người Tiên Hưng cần đoàn kết, đồng hành để xây dựng đơn vị phát triển và leo núi thành công. Đồng thời, tiếp tục phát huy thông điệp “lấy con người làm trọng tâm”, cử lao động đi đào tạo chuyên sâu hơn, từng bước xây dựng một môi trường làm việc đáng sống, cũng như thay đổi nhận thức của NLĐ đối với các doanh nghiệp thâm dụng lao động như doanh nghiệp may.
* Đồng chí Dương Trình Xuyên- Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Y tế - Bệnh viện Dệt May: “Trau dồi y đức, tìm tòi kỹ thuật tiên tiến để người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, trong đó có “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng là con người hội tụ cả “đức” với “tài”, “hồng” với “chuyên”. Những con người hồng thắm, chuyên sâu, có đức, có tài, đó là những con người biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Và “Trung với nước, hiếu với dân” được Hồ Chí Minh coi “là mục đích, là khẩu hiệu” của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng đó có giá trị rất lớn, là chỉ dẫn đối với việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, hoàn toàn phù hợp với ngành Y tế của nước ta. Trung với nước, hiếu với dân ngày nay là luôn luôn tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của dân dưới nhiều hình thức: hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ bệnh nhân. Giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị hợp tình, hợp lý của nhân dân trong quá trình khám, chữa bệnh. Khắc phục cho được sự thờ ơ đối với những khó khăn, bức xúc của bệnh nhân, luôn có thái độ ân cần, tôn trọng đối với người bệnh.
Trung với nước, hiếu với dân còn thể hiện ở ý chí vươn lên quyết tâm vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, góp phần nhỏ xây dựng đất nước phát triển, theo kịp trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Cán bộ, đảng viên Bệnh viện Dệt May luôn gắn trách nhiệm của mình với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, không ngừng trau dồi y đức, nỗ lực học tập, bồi dưỡng học hỏi, tìm tòi những kỹ thuật mới hiện đại để người dân được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao.
Mỗi cán bộ y tế cũng cần có ý thức giữ gìn đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị; kiên quyết đấu tranh trước mọi sự chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng với nhân dân.
Học tập và quán triệt tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 100 cán bộ, đảng viên, nhân viên của Bệnh viện luôn giữ vững lý tưởng, đạo đức, đi đầu trong tiếp nhận và triển khai thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến, tiên phong chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi đảng viên, cán bộ y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm cao với công việc, có lương tâm nghề nghiệp trong sáng; có tinh thần ham học, phát huy truyền thống hiếu học và quý trọng nhân tài của đất nước. Vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học về y học, công nghệ hiện đại. Hằng năm, Bệnh viện cử một số cán bộ y bác sỹ đi học tập nâng cao, chuyên sâu tay nghề cũng như tổ chức Hội thảo khoa học nhằm cập nhật những kiến thức, công nghệ hiện đại còn mới mẻ. Nhờ vậy, nâng cao khả năng chẩn đoán và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nặng có thể điều trị ngay tại Bệnh viện.
Bệnh viện Dệt May cũng dành nhiều tâm sức, nhân lực và chi phí cho công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài ngành dệt may.
*Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt May Huế: Chăm lo nguồn lực lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu
“Trách nhiệm của người đứng đầu” được xác định là 1 trong 9 giá trị văn hoá cốt lõi của Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Giá trị văn hoá đó được truyền đạt, thấu hiểu đến từng cán bộ quản lý, đảng viên và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn các hoạt động của Công ty, đặc biệt là trong công tác đào tạo, phát triển, chăm lo nguồn lực lao động và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu.
Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Công ty đã thực hiện quy hoạch, đào tạo hơn 100 cán bộ quản lý, cán bộ trẻ dự nguồn cho các chức danh từ Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Điều hành đến Trưởng, Phó các đơn vị trực thuộc. Tất cả cán bộ trong quy hoạch đều được cử tham gia các chương trình đào tạo nâng cao năng lực như Thay đổi tư duy lãnh đạo (Leader Mindset), Lãnh đạo doanh nghiệp, Tài năng trẻ (Young Talent), Giám đốc xí nghiệp Dệt May thành viên,… Ngoài việc cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo, Công ty cũng đã ban hành quyết định phân công các thành viên Ban Điều hành chịu trách nhiệm huấn luyện, hướng dẫn, kèm cặp từng cá nhân trong công việc nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý. Không chỉ tập trung công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kế cận, tại Dệt May Huế, toàn thể người lao động (NLĐ) đều được đào tạo, kèm cặp nâng cao tay nghề, đào tạo định kỳ với phương châm “giỏi một việc, biết nhiều việc”, nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng nhanh với những biến đổi của thị trường. Bên cạnh đó, Công ty cũng triển khai xây dựng khung năng lực, tổ chức đánh giá năng lực để xác định những năng lực NLĐ chưa đạt nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.
Về công tác đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu, Công ty xác định tầm nhìn đến năm 2035 là “Trở thành đối tác chiến lược của các thương hiệu thời trang lớn, đáp ứng được những yêu cầu cao nhất của khách hàng, có hệ thống quản trị hiện đại, tăng trưởng bền vững, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”. Để hiện thực hoá tầm nhìn đó, Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc Công ty đã triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Công ty cùng chiến lược của 04 trụ cột chính gồm Chiến lược Tài chính, Chiến lược Thị trường, Chiến lược Nhân sự, Chiến lược Đầu tư, phổ biến rộng rãi chiến lược đến toàn thể CBCNV để thấu hiểu, đồng lòng triển khai, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược của Công ty. Nhờ xác định mục tiêu chiến lược rõ ràng, kiên định theo đuổi mục tiêu bằng những giải pháp linh hoạt, tích cực, hiệu quả với sự định hướng, chỉ đạo sâu sát của Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành, Công ty Cổ phần Dệt May Huế đã đạt được những kết quả tương đối tốt trong bối cảnh khó khăn của thị trường giai đoạn 2021 – 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, xung đột địa – chính trị, suy thoái kinh tế,… Vốn điều lệ Công ty tăng từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, doanh thu hàng năm đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm đạt từ 120 – 170 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng trên 10 triệu đồng, nộp ngân sách khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể nói, đối với Công ty Cổ phần Dệt May Huế, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành Công ty cùng sự đồng lòng, đồng sức của toàn thể NLĐ đã tạo nên sức mạnh nội lực, dẫn dắt đơn vị vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong ngành Dệt May Việt Nam mà còn thể hiện uy tín, thương hiệu trên thị trường Dệt May toàn cầu.
* Đồng chí Viên Minh Đạo- Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà máy Sợi Nam Định: Coi trọng văn hóa nêu gương, lắng nghe, đối thoại trực tiếp
Thực hiện kế hoạch số 1577-KH/DUTĐ ngày 29/03/2024 về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024 của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Ban chấp hành Chi bộ Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định luôn xác định: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp là một nội dung mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần, không ngừng học tập và làm theo”.
Cấp ủy, các cấp lãnh đạo của Nhà máy đã lồng ghép triển khai, tuyên truyền trong các cuộc họp giao ban, giao ca về nội dung cốt lõi của chuyên đề, đồng thời gắn với phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trước hết, lãnh đạo Nhà máy coi trọng văn hóa nêu gương, làm mẫu, lắng nghe và đối thoại trực tiếp để xử lý những phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, người lao động một cách kịp thời; kiên quyết chống các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch. Nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu, bổ sung chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy chế làm việc,… phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp; tạo cơ sở để tổ chức và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, quy chế dân chủ trong đơn vị.
Với hướng đi này, Nhà máy luôn ổn định việc làm và thu nhập cho 210 người lao động. Trong tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, Nhà máy quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất để ổn định lao động. Càng trong khó khăn, Nhà máy càng thấy được tầm quan trọng của xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nên đã tạo mọi điều kiện để NLĐ tham gia các chương trình bồi dưỡng cảm tình đảng, nâng cao trình độ lý luận chính trị; tham gia khóa đào tạo tài năng trẻ của Vinatex…
Công đoàn, đoàn thanh niên đã xây dựng chương trình làm việc phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Nhà máy; hưởng ứng thực hiện các phong trào, đợt thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc và tuyệt đối an toàn. Nổi bật là các hoạt động: “Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc từng bước hướng tới việc chuyển đổi số”; “Phong trào 5S”; “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết kiệm điện, nước”... Đặc biệt, Nhà máy đã hoàn thành hệ thống điện mặt trời, hướng tới phát triển bền vững, Nhà máy cũng đã đạt tiêu chuẩn tái chế toàn cầu GRS, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh mặt hàng sợi recyceld polyester nhằm linh hoạt thích ứng trong xu thế toàn cầu./.
Giang Nguyễn, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam