Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người dệt may, khơi dậy nguồn lực nội sinh (Bài 4)
Bài 4: Minh chứng bằng hành động khi học và làm theo Bác
Đảng bộ Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam vừa vinh dự là một trong 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2024 được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng Bằng khen. Đây là minh chứng cho việc Đảng bộ Tổng Công ty đã học tập và làm theo Bác bằng những hành động quyết liệt, cụ thể và thiết thực, mang lại những bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Kiên định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
Tổng Công ty cổ phần Phong Phú đã bước vào dấu mốc 60 năm xây dựng và phát triển (1964-2024), trong sự lớn mạnh không ngừng của Tổng Công ty luôn có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Đảng bộ Tổng Công ty.
Năm 1995, sau khi thành lập Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex), Công ty Dệt Phong Phú trở thành doanh nghiệp thành viên lớn nhất của Tập đoàn, đặc biệt là về quy mô vốn điều lệ và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Lịch sử 60 năm phát triển của Tổng Công ty Phong Phú có 30 năm là thành viên của Tập đoàn, với những đóng góp to lớn, không chỉ ở phương diện kinh tế mà quan trọng hơn là ở sự sáng tạo trong phát triển, tìm hướng đi mới, thử nghiệm các mô hình kinh doanh phù hợp trong điều kiện thị trường biến đổi không ngừng. Với các mục tiêu này, Tổng Công ty Phong Phú đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là mũi nhọn chiến lược của Tập đoàn.
Đồng chí Lê Thị Hoàng Trang - Bí thư Chi bộ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, Đảng bộ Tổng Công ty Phong Phú luôn coi trọng tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước người lao động, xây dựng khối đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng bộ, phấn đấu đưa Phong Phú ngày một tăng trưởng bền vững, tỏa sáng văn hóa Vinatex, văn hóa Phong Phú trong 6 thập kỷ bền bỉ với dệt may nước nhà…
Trong những năm qua, Đảng bộ Tổng Công ty kiên định với đường hướng chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị phát huy lợi thế từ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, đưa Phong Phú định vị rõ nét một trong những đơn vị sản xuất sợi, chỉ may, khăn bông và gia dụng hàng đầu Việt Nam. Phong Phú vững vàng tâm thế trở thành doanh nghiệp tạo ra giá trị công bằng, gia tăng cho cổ đông, cho người lao động, đóng góp cho Nhà nước và xã hội, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo xu hướng xanh hóa, bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Mặc dù giai đoạn từ năm 2021 đến nay, ngành Dệt May Việt Nam nói chung, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú nói riêng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường nhưng tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động Phong Phú không hề nao núng mà quyết tâm vượt khó bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực trong quản trị, sản xuất kinh doanh, thị trường…, chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp phù hợp với tình hình đơn vị. Qua đó, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm thu nhập, sức khỏe và duy trì phúc lợi của người lao động. Trong thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Tổng Công ty vẫn linh hoạt ứng phó, tìm mọi cách đảm bảo việc làm ổn định đời sống cho người lao động với thu nhập bình quân hàng năm tăng 7,5%, duy trì mức thưởng tết hàng năm từ 13,5 triệu đồng đến 16,5 triệu đồng/người/năm… đã góp phần ổn định tâm tư, đời sống, giữ vững tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và lực lượng lao động tại đơn vị.
Từ sự chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện, kịp thời của Đảng bộ Tổng Công ty, Hội đồng quản trị (HĐQT)-CQĐH Phong Phú đã phát huy được những thuận lợi và thế mạnh truyền thống của đơn vị để nhân lên sức mạnh của đội ngũ, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm… Mặt khác, Tổng Công ty đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số hóa, tự động hóa ở các dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ nhưng chất lượng sản phẩm cao. Đây là một trong những thay đổi đột phá mang tính chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển mới của thị trường khi mà các đơn hàng lớn, chuyên biệt hóa sẽ ngày một ít đi.
Minh chứng rõ nét cho sự chỉ đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng bộ Tổng Công ty chính là kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện năm 2021 đạt 1.415 tỷ đồng, năm 2023 đạt 1.599 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng đạt 13% so với năm 2021. Doanh thu năm 2021 thực hiện đạt 2.073 tỷ đồng, năm 2023 đạt 2.130 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 2% so với năm 2021. Nộp ngân sách năm 2021 đạt 68 tỷ đồng, năm 2023 đạt 97 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 43% so với năm 2021. Thu nhập bình quân năm 2023 đạt 11.260.000 đồng/người/tháng, tỷ lệ tăng trưởng 15% so với năm 2021.
Nhờ vào việc sở hữu “chuỗi khép kín” từ sợi để sản phẩm, Phong Phú đã “tự chủ” được hoạt động sản xuất với 100% sản phẩm sợi sản xuất ra chuyển sang ngay khâu dệt hoặc sản xuất chỉ may thành phẩm để có thể đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng chỉ may và hàng gia dụng xuất khẩu, cũng như giảm thiểu rủi ro bởi những biến động của thị trường. Tổng Công ty đang mạnh mẽ hướng đến phát triển sản xuất xanh, thân thiện với môi trường ở mức độ cao. Điều này không chỉ giúp Phong Phú xây dựng vững chắc “vị thế”, là địa chỉ hàng đầu khi khách hàng có nhu cầu tìm đến doanh nghiệp dệt may mà còn khẳng định cho đường hướng phát triển đúng đắn trong hành trình 60 năm gây dựng thương hiệu.
Nhận định về Phong Phú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường khẳng định, Đảng bộ Tổng Công ty đã xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng đơn vị thực hiện thành công tái cơ cấu, tái cấu trúc cả về lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực tài chính. Phong Phú cũng là đơn vị có tỷ số lợi nhuận trên doanh thu tốt nhất trong các đơn vị thuộc hệ thống Vinatex, có lợi nhuận trên đầu người cao… Điều này minh chứng cho hướng đi đúng, hiệu quả về quá trình đầu tư sản phẩm, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, tự động hóa và giá trị gia tăng nội tại trong sản xuất của Phong Phú. Với mục tiêu: “Tinh – Gọn – Chất lượng cao”, HĐQT, CQĐH Phong Phú đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ giao, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông giao hằng năm… Phong Phú đã đón đầu và triển khai đúng hướng việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý không chỉ đáp ứng cho sự phát triển bền vững của Phong Phú mà còn cung ứng cho các đơn vị và Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Về văn hoá doanh nghiệp, Phong Phú luôn chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động, nhiều năm thuộc top 3 doanh nghiệp có thu nhập bình quân/lao động cao nhất ngành dệt may Việt Nam. Xây dựng doanh nghiệp với trụ cột là HỌC TẬP - CẦU THỊ - NGHĨA TÌNH xuyên suốt qua nhiều thế hệ là nền móng vững chắc cho Phong Phú phát triển và vượt qua thách thức. Đây là những nét văn hóa mang bản sắc Phong Phú trong hệ giá trị văn hóa chung của Vinatex.
Lan tỏa văn hóa 6 thập kỷ hợp tác, phát triển đi cùng trách nhiệm với cộng đồng
Đồng chí Lê Thị Hoàng Trang chia sẻ, một trong những giá trị cốt lõi của Phong Phú là “Hợp tác, phát triển đi cùng trách nhiệm với cộng đồng” và với sứ mệnh “Nâng cao tiềm lực kinh tế và chất lượng cuộc sống cộng đồng thông qua việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ có chất lượng vượt trội”, Đảng bộ Tổng Công ty đã quán triệt sâu sắc vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát huy sức mạnh nội lực và sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ đảng viên, người lao động.
Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ Tổng Công ty, Phong Phú đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh, chủ động hội nhập, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, cải thiện các chính sách vì người lao động, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp thiết thực vào quá trình tái cơ cấu của đơn vị, của Tập đoàn và sự phát triển của đất nước. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của các cấp, Đảng bộ Tổng Công ty hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động (CNVC – LĐ) ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ mới; vận động cán bộ đảng viên, CNVC – LĐ thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chế độ chính sách, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC – LĐ; tích cực xây dựng Đảng, chính quyền và đơn vị, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Dệt May Việt Nam.
Thương hiệu Phong Phú ngày càng định hình rõ nét với khách hàng trong và ngoài nước. Trong việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ Tổng Công ty luôn chú trọng và đề cao việc học tập và làm theo Bác về xây dựng văn hóa, con người và văn hóa doanh nghiệp. Ở đó, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trung thực, chuyên nghiệp là những giá trị để Tổng Công ty tạo dựng “sức mạnh” mềm cho những đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Và điều quan trọng nhất của Phong Phú hiện nay chính là việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự, cũng như xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện cho toàn bộ nhân sự trong Tổng Công ty. Quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ- HĐQT-CQĐH Tổng Công ty là minh bạch, khách quan, công bằng trong việc phân chia giá trị cho tất cả các bên: Nhà nước – cổ đông – người lao động – các bên liên quan, gắn với trách nhiệm xã hội và chiến lược phát triển xanh hóa, bền vững, lan tỏa thông điệp mang bản sắc văn hóa riêng “cho chất lượng cuộc sống thêm Phong Phú”…
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường nhận định, để duy trì được vị thế và sức mạnh bền vững, trong thời gian tới Phong Phú cần tập trung tìm kiếm hướng đầu tư mới trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế số - quản trị số và Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành chủ lực của các ngành sản xuất. Phong Phú hiện đang ở chu kỳ đầu tư mới để có thể tận dụng được tối đa các thành tựu của công nghệ, giúp đưa mô hình Phong Phú sau 5 năm đầu tư mở rộng trở thành doanh nghiệp công nghệ trong ngành Dệt May Việt Nam. Sở hữu công nghệ tiên tiến và vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển trường tồn của Phong Phú.
Bên cạnh tìm hướng đi của đầu tư, nhiệm vụ xuyên suốt là xây dựng đội ngũ nhân lực mới với bản sắc truyền thống văn hoá Phong Phú nhưng có hơi thở của thời đại, là đội ngũ tinh - mạnh – sáng tạo – nhân văn. Phong Phú cần đột phá trong mô hình quản trị để kích thích được sức sáng tạo và thu hút nhân tài. Mục tiêu là hình thành Tổng Công ty Phong Phú năng động, hành động thực chất, linh hoạt nhưng kiên trì với định hướng chiến lược đã đề ra.
Tính từ năm 2021 đến nay, các đơn vị trong Tổng Công ty đã thực hiện được 196 công trình, sáng kiến, tiết giảm các chi phí bất hợp lý với giá trị làm lợi gần 32,5 tỷ đồng; có 112 tập thể, cá nhân được khen thưởng với tổng số tiền 2,78 tỷ đồng. Ngoài việc thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sản xuất, Tổng Công ty còn làm tốt công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ; hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu nông thôn tại Long An, Bạc Liêu; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tham gia hỗ trợ kinh phí mua vắcxin và đồ bảo hộ phòng chống dịch Covid-19… với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng. Tổng Công ty đã được Đảng, Nhà nước và các cấp bộ, ngành đã tặng thưởng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Đơn vị Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Chiến Công hạng Ba. Nhiều năm liên tục được tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ. |
Soi chiếu ở các chiều cạnh của việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của toàn thể hơn 1600 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong mỗi đường lối chỉ đạo, chiến lược thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn luôn lồng ghép chủ trương phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh và phát triển con người là mục tiêu, động lực phát triển để gắn bó mật thiết với phát triển kinh tế, chăm lo nguồn lực người lao động. Hướng tới nhiệm kỳ mới 2025-2030, nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục được toàn Đảng bộ Tập đoàn đưa vào chương trình đột phá, đó là “Phát huy truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển Vinatex; Xây dựng và thực hiện văn hoá doanh nghiệp, xây dựng con người phát triển toàn diện”. Theo đó, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị; Chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam và văn hóa doanh nghiệp” của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Đảng ủy Tập đoàn, tạo sự thống nhất trong tổ chức, học tập, tuyên truyền. Phát huy truyền thống kiên định – kiên cường – dũng cảm – sáng tạo – đoàn kết với phương châm “Kiến tạo niềm tin- Tiến cùng thời đại- Sinh lực đổi mới- Trọng dụng nhân tài” nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của Đảng, tinh thần Vinatex trong 30 năm xây dựng và phát triển (1995-2025)./.
Giang Nguyễn, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam