.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Xây dựng BIDV trở thành doanh nghiệp bền vững

Thứ Năm, 31/10/2024|19:41

Bảo vệ môi trường, công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững đất nước là quan điểm phát triển xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua. Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đối với tổng thể nền kinh tế Việt Nam, ngay từ khi xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã xác lập mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, với tầm nhìn “Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền”, định vị thương hiệu Ngân hàng Xanh, trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG và tài chính bền vững, top 50 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024.

d
Báo cáo Phát triển bền vững BIDV năm 2023.

Trong xu thế toàn cầu đang chuyển hướng sang phát triển bền vững và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã có những động thái tích cực đón nhận các mục tiêu liên quan đến quản lí rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, quyết tâm thực hiện nhiều mục tiêu về phát triển bền vững trong thời gian tới. Xuất phát từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn “đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình kế hoạch để phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như: (i) Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh các giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg và số 1658/QĐ-TTg); (ii) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg); (iii) Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26, Quyết định số 888/QĐ- TTg); (iv) Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg),… Đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chú trọng ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo các Tổ chức tín dụng thực hiện ngân hàng xanh và phát triển bền vững như: (i) Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 02/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; (ii) Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (số 1640/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018); (iii) Thông tư về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022)… và gần đây là (iv) Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023) nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần tích cực từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng.

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đối với tổng thể nền kinh tế Việt Nam, ngay từ khi xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030, BIDV đã xác lập mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, với tầm nhìn “Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền”. Việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được lồng ghép trong quá trình định hướng, xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh của BIDV nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ESG, hướng tới phát triển mô hình Ngân hàng Xanh. Theo đó, BIDV theo đuổi chiến lược định vị thương hiệu Ngân hàng Xanh, trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG và tài chính bền vững, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh và thực hiện lộ trình chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero Bank), đóng góp vào mục tiêu “Net-zero” vào năm 2050 của Quốc gia.

Với quyết tâm trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành phát triển bền vững và tài chính xanh, BIDV đã triển khai toàn diện và xuyên suốt chiến lược phát triển bền vững, sớm thành lập Ban quản lý dự án tài chính bền vững từ tháng 6/2022 nhằm nghiên cứu, tư vấn, tham mưu, xây dựng các chiến lược: (i) Triển khai tài chính bền vững tại BIDV; (ii) Quản lý rủi ro ESG trong hoạt động tín dụng; và (iii) Định hướng BIDV trở thành ngân hàng trung hòa carbon/Net-zero trong hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn xanh/bền vững trong nước và quốc tế. Sau một thời gian hoạt động, BIDV tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình triển khai thực hành ESG bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo (do Chủ tịch Hội đồng quản trị là Trưởng ban) và Ban quản lý dự án xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) tổng thể với mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường Việt Nam trong thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.

Nỗ lực Chuyển đổi Xanh

BIDV luôn thể hiện vai trò tiên phong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xác định mục tiêu trở thành "Ngân hàng Xanh" trên hành trình hướng tới sự phát triển bền vững.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh: Là ngân hàng có dư nợ tín dụng xanh lớn nhất hệ thống với quy mô 74.177 tỷ đồng tín dụng xanh (chiếm 4,24% tổng dư nợ tín dụng) tại thời điểm 31/12/2023, BIDV tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, giảm phát thải carbon, góp phần chuyển đổi nền kinh tế xanh. BIDV là Ngân hàng TMCP Việt Nam đầu tiên ban hành ‘Khung khoản vay bền vững’ và ‘Khung trái phiếu xanh’ theo các chuẩn mực quốc tế. Khung Trái phiếu xanh của BIDV đã được Tổ chức Xếp hạng Quốc tế Moody’s đánh giá tuân thủ Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) và chấm điểm ở mức SQS2 (rất tốt), qua đó xác nhận sự tuân thủ, minh bạch ở cấp độ cao trong việc lựa chọn dự án, thẩm định, cho vay, các chế độ về quản trị, báo cáo của BIDV khi phát hành trái phiếu xanh. Với 2.500 tỷ đồng (tương đương hơn 100 triệu USD) trái phiếu xanh phát hành thành công vào tháng 10/2023, BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo nguyên tắc quốc tế tại Việt Nam. BIDV cũng là ngân hàng tiên phong hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thúc đẩy tài chính xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc cấp tín dụng xanh từ nguồn vốn thương mại, BIDV còn nhận được sự tin tưởng của nhiều định chế tài chính quốc tế như WB, AFD, EIB cung cấp nguồn vốn ủy thác cho vay dự án xanh thông qua BIDV với tổng giá trị đạt 500 triệu USD.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần bảo vệ môi trường: Với tầm nhìn đến năm 2030 trở thành “định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam”, BIDV chú trọng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên mọi mặt hoạt động, ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ nhằm xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm ngân hàng xanh. Việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng giúp giảm thiểu số lượng giấy in ấn theo phương thức truyền thống, hạn chế các tác động gây hại tới môi trường. Theo ước tính, BIDV đã cắt giảm khoảng 80% lượng giấy sử dụng trong in ấn hồ sơ, chứng từ nhờ vào các giải pháp chuyển đổi số.

Đẩy mạnh lối “Sống Xanh”: Xây dựng văn hóa “Sống Xanh”, quyết tâm chuyển đổi thành Net-Zero Bank (Ngân hàng phát thải ròng bằng "0") ngay từ trong hoạt động kinh doanh hằng ngày, BIDV xác định một trong những giải pháp then chốt là phải truyền thông làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho người lao động về thực hành “Sống Xanh” từ các việc làm nhỏ như: Thay thế chai nhựa đựng nước, sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm có khả năng tái chế/thân thiện với môi trường (như chai thủy tinh, ống hút tre, túi giấy…); trồng cây xanh; sử dụng tiết kiệm giấy, năng lượng, nước và các nguồn năng lượng khác; phân loại rác thải theo quy định; giảm sử dụng và hướng tới việc không dùng túi nylon;…

d
Báo cáo Phát triển bền vững BIDV năm 2023.

Chương trình “Trồng 1 triệu cây xanh”: BIDV phát động và triển khai đề án “Trồng 1 triệu cây xanh” tại các địa phương trên cả nước. Năm 2023, đã có tổng cộng 330.000 cây xanh được BIDV trồng ở các khu vực ven biển, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn,... tại các địa phương Phú Thọ, Bình Thuận, Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đak Lak,... Đây chính là đóng góp trực tiếp của BIDV vào hoạt động bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ để giảm thiểu hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, phủ xanh các khu đô thị.

Thử thách “21 ngày sống xanh”: Nhân sự kiện năm thứ 5 BIDV tổ chức giải chạy thiện nguyện “Tết ấm cho người nghèo”, vào tháng 11/2023, BIDV đã phát động thử thách “21 NGÀY SỐNG XANH - NHANH TIẾN VỀ NET-ZERO” nhằm khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ sáng tạo và truyền cảm hứng lan tỏa thông điệp “Sống Xanh”. Chỉ trong vòng 21 ngày diễn ra thử thách, BIDV đã thu hút hơn 7 nghìn bài dự thi trên các nền tảng mạng xã hội với gần 2 triệu lượt tương tác, qua đó truyền cảm hứng sống xanh - giảm thiểu phát thải tối đa tới cộng đồng, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường.

Thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng: BIDV chú trọng và đề cao việc tiết kiệm, cắt giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh thiên tai. BIDV đã xây dựng và triển khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng theo chỉ đạo của NHNN tại Quyết định số 117/QĐ-NHNN ngày 30/01/2023 v/v ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Nỗ lực xây dựng Xã hội bền vững

Kết quả kinh doanh tích lũy qua các năm là cơ sở để BIDV thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội, phục vụ tốt nhất cho khách hàng, bảo đảm lợi ích tài chính lâu dài cho cổ đông, người lao động và cộng đồng.

Tận tâm phục vụ, thấu hiểu khách hàng:

Nâng cao trải nghiệm khách hàng: Với mục tiêu số hóa và hỗ trợ tối đa khách hàng, BIDV không ngừng nâng cấp và hoàn thiện kênh ngân hàng số, gia tăng trải nghiệm và sự gắn bó của khách hàng. BIDV luôn lắng nghe nhu cầu của khách hàng và nắm bắt các xu hướng trên thị trường để có những bước cải tiến trong sản phẩm dịch vụ.

Thấu hiểu khách hàng: Bên cạnh công tác phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, BIDV cũng rất chú trọng và đầu tư mạnh mẽ vào công tác hỗ trợ và chăm sóc khách hàng sau bán. Không chỉ được hỗ trợ 24/7. Mọi ý kiến, phản hồi của khách hàng thu thập được thông qua công tác hỗ trợ, chăm sóc khách hàng và khảo sát thường xuyên đều được BIDV lắng nghe và tiếp thu, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp cải tiến sản phẩm, đào tạo nhân sự, hoàn thiện các quy định về chất lượng dịch vụ để ngày càng nâng cao chỉ số hài lòng khách hàng

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong hỗ trợ, chăm sóc khách hàng: Để mang lại sự thuận tiện cho khách hàng, BIDV tích cực cải tiến quy trình, tinh gọn thủ tục hướng đến tối đa các vướng mắc, khiếu nại đều có thể xử lý trực tiếp qua kênh Contact Center. Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng về mặt công nghệ khi BIDV tiên phong ứng dụng AI vào công tác chăm sóc khách hàng, đi đầu triển khai Chatbot AI trên đa nền tảng: web, mobile app, zalo,... giúp hỗ trợ khách hàng realtime 24/7.

Đảm bảo quyền lợi khách hàng: BIDV luôn đặt mục tiêu bảo mật thông tin khách hàng lên hàng đầu và cam kết bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khách hàng. BIDV cũng đã ban hành Quy định về Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống BIDV và tiếp nhận thông tin khiếu nại trực tiếp hoặc liên hệ qua Tổng đài CSKH, email, hotline BIDV.

Trách nhiệm với cổ đông và nhà đầu tư:

Minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của cổ đông: Công bố thông tin kịp thời, minh bạch trên tất cả các hệ thống công bố thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước, được trình bày bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các kênh cung cấp thông tin cho cổ đôngTổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và trả cổ tức đầy đủ cho cổ đông.

Tăng cường tần suất tiếp xúc nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thông tin cung cấp tới thị trường: Thông qua tăng cường tần suất tiếp xúc, trao đổi theo cả phương thức trực tiếp và gián tiếp, BIDV tiếp tục xây dựng và duy trì mối quan hệ hiệu quả với lượng lớn các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Với quy mô hoạt động và kinh nghiệm sâu rộng của mình, các nhà đầu tư đã có những phản hồi, khuyến nghị và cả đề xuất hữu ích, có giá trị thực tiễn đối với hoạt động của BIDV.

d
Báo cáo Phát triển bền vững BIDV năm 2023.

Chăm lo toàn diện cho người lao động:

Năm 2023, nhờ các nỗ lực trong việc chăm lo toàn diện cho người lao động, BIDV  được nhận danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” do Tổng Liên đoàn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức và xếp hạng 2 trong các tổ chức tín dụng tại Việt Nam theo khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” của công ty Anphabe.

Đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động: BIDV cam kết tuân thủ tuyệt đối các chính sách và luật về an toàn lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn; đồng thời chú trọng thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe người lao động với nhiều hình thức đa dạng.

Chế độ lương thưởng và đãi ngộ cho người lao động: BIDV luôn quan tâm, chăm lo phát triển toàn diện người lao động, thực hiện đầy đủ các quyền lợi vật chất, tinh thần cho người lao động trên cơ sở mức độ đóng góp, cống hiến của người lao động cho sự nghiệp phát triển của BIDV, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Phát triển và quản trị nguồn nhân lực: BIDV luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 theo định hướng của Đảng và Chính phủ.

Tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng: Tại BIDV, các chế độ chính sách cho lao động được thực hiện đầy đủ bảo đảm tuân thủ pháp luật của Việt Nam bao gồm Quy định về quyền con người theo Luật Hiến Pháp năm 2013, Luật Lao động và ứng xử kinh doanh, và các luật liên quan khác. BIDV cam kết xây dựng một môi trường làm việc đa dạng và bình đẳng, không có bất kỳ sự phân biệt giới tính nào trong mọi chính sách, hoạt động, chế độ lương thưởng của ngân hàng.

Chung tay xây dựng cộng đồng, xã hội:

BIDV dành nhiều nguồn lực và tâm sức để thực hiện trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, triển khai công tác an sinh xã hội hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực chính theo định hướng phát triển bền vững của Chính phủ như: giáo dục, y tế, xây nhà cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, quà Tết cho người nghèo,.. Trong năm 2023, BIDV đã triển khai 158 chương trình an sinh xã hội với tổng giá trị thực hiện 330 tỷ đồng. Hoạt động tài trợ an sinh xã hội của BIDV được triển khai đúng mục đích, đúng đối tượng và đem lại hiệu quả thiết thực cho đối tượng/đơn vị thụ hưởng.

Thúc đẩy Quản trị minh bạch, hiệu quả

BIDV cam kết thực hiện quản trị công ty tuân thủ theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng quy mô lớn và doanh nghiệp niêm yết, đồng thời đáp ứng theo các Thông lệ tiên tiến như trong khu vực và trên thế giới.

Đóng góp vào sự phát triển kinh tế

BIDV cam kết tạo ra giá trị lâu dài cho các bên liên quan bằng cách thúc đẩy hiệu suất kinh tế, tăng trưởng ổn định và bền vững để đáp ứng mong đợi của cổ đông, nâng cao dịch vụ và thu hút khách hàng với nhiều gói sản phẩm ưu đãi và phù hợp, đồng thời xây dựng và duy trì một môi trường làm việc hấp dẫn, giữ chân nhân tài.

BIDV cam kết tạo ra giá trị lâu dài cho các bên liên quan bằng cách thúc đẩy hiệu suất kinh tế, tăng trưởng ổn định và bền vững để đáp ứng mong đợi của cổ đông, nâng cao dịch vụ và thu hút khách hàng với nhiều gói sản phẩm ưu đãi và phù hợp, đồng thời xây dựng và duy trì một môi trường làm việc hấp dẫn, giữ chân nhân tài.

Thực hành đạo đức kinh doanh

Thượng tôn pháp luật: Tại Nghị quyết ban hành Văn hóa kiểm soát rủi ro tại BIDV, Hội đồng quản trị đã xác định “Thượng tôn pháp luật là yêu cầu tiên quyết đối với mọi đơn vị và cá nhân tại BIDV, thực hiện nguyên tắc Thượng tôn pháp luật là nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của BIDV.”    

Sổ tay Văn hóa doanh nghiệp: Việc nghiên cứu và xây dựng văn hóa doanh nghiệp được BIDV bắt đầu triển khai từ năm 2006, với phiên bản đầu tiên là 2 bộ Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử, sau đó là Sổ tay Văn hóa được ban hành năm 2022. Sổ tay Văn hóa BIDV áp dụng đối với toàn thể người lao động đã ký hợp đồng lao động với BIDV ở tất cả các vị trí công tác, từ lãnh đạo cao nhất đến cấp chuyên viên. Sổ tay đưa ra hướng dẫn đầy đủ về 5 giá trị cốt lõi, 5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, 9 quy tắc ứng xử cho cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống, góp phần xây dựng nhận thức đối với toàn thể lãnh đạo và nhân viên, nâng cao văn hóa doanh nghiệp, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ BIDV đồng thời là cơ sở để mỗi cá nhân cán bộ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và văn hóa nghề nghiệp.

Văn hóa kiểm soát rủi ro: Văn hóa kiểm soát rủi ro tại BIDV được ban hành bao gồm 8 Giá trị cốt lõi và 5 Nguyên tắc thực hành, được biểu hiện thành các hành vi ứng xử có tính hệ thống từ lãnh đạo các cấp đến nhân viên. Văn hoá kiểm soát rủi ro là sự thống nhất về Quan điểm nhận thức và Hệ giá trị cốt lõi về kiểm soát rủi ro, được HĐQT lựa chọn định hướng và Lãnh đạo các cấp truyền thông rộng khắp, cam kết bảo vệ và nêu gương thực hành một cách thường xuyên, nhất quán trong mọi hoạt động của BIDV.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm: Hội đồng quản trị BIDV đã ban hành Quyết định thành lập và Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm, theo đó mô hình tổ chức công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại BIDV được triển khai một cách đồng bộ, nhất quán và hiệu quả.

Quản trị công ty minh bạch, hiệu quả: BIDV cam kết thực hiện quản trị công ty tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản trị công ty đối với công ty đại chúng quy mô lớn và phù hợp với các Thông lệ tốt về Quản trị công ty.

Tăng cường quản lý rủi ro: BIDV nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý rủi ro, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro trên mọi mặt hoạt động nhằm phát hiện, ngăn ngừa và giải quyết rủi ro kịp thời, qua đó làm hạn chế tổn thất, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho hoạt động của ngân hàng.

Bảo mật hệ thống công nghệ thông tin: Xác định được tầm quan trọng của tính bảo mật đối với hệ thống công nghệ thông tin, Hội đồng quản trị BIDV đã ký ban hành Quy chế an toàn, bảo mật thông tin, áp dụng đối với toàn hệ thống BIDV, theo đó, các cá nhân, đơn vị vi phạm quy định về an toàn và bảo mật hệ thống thông tin chịu xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và theo quy định nội bộ của BIDV.

Có thể thấy, BIDV đã dành nhiều nguồn lực để tích cực, chủ động thực hành ESG một cách toàn diện, hiệu quả trong thời gian qua. Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam đang có những thuận lợi to lớn từ sự ủng hộ, tạo điều kiện của Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo của NHNN, với tầm nhìn, định hướng của Ban Lãnh đạo, sự quyết tâm, nhất quán của toàn thể cán bộ trong hệ thống BIDV, mô hình, hoạt động Ngân hàng xanh của BIDV được kỳ vọng ngày càng phát triển, hoàn thiện một cách toàn diện, tổng thể hơn trong thời gian tới. Đây cũng là sự chuyển dịch tất yếu, giúp BIDV tận dụng được những cơ hội, lường đón được những thách thức, thay đổi của thị trường để đưa hoạt động kinh doanh của BIDV tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp vào nỗ lực tăng trưởng xanh và bền vững của đất nước./.

Phạm Danh Chương, Đảng bộ BIDV

 

.
Các bài viết khác:
.
.
.