.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

BIDV góp phần xây dựng nền kinh tế xanh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Thứ Hai, 25/11/2024|15:48

Vừa qua, Việt Nam ta đã gánh chịu nhưng hậu quả khủng khiếp và đau lòng từ cơn bão Yagi: toàn bộ thôn Làng Nủ (tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở, lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản, tổn thất hơn 50.000 tỉ đồng, hàng trăm người chết, mất tích.

Việc biến đổi khí hậu kéo dài đang dần phá hủy đi hệ thống sinh thái tự nhiên và chất lượng cuộc sống con người được xem là nỗi lo của toàn nhân loại.

Nhận thức được vấn đề này từ rất sớm, chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hoạch định chiến lược phát triển đất nước ta trong dài hạn, gắn liền sự phát triển bền vững với vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường cũng là một trong những chủ trương của Đảng và nhà nước nhằm định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030.

d

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam - Chung tay kiến tạo kinh tế xanh” .

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Ngay từ những năm đầu sau giải phóng miền Bắc, để xây dựng đời sống mới, lối sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm nâng cao ý thức của Nhân dân về bảo vệ môi trường sinh thái; giáo dục thiếu niên, nhi đồng luôn ghi nhớ “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”; phát động nhiều phong trào “Vệ sinh yêu nước” (1958), “Tết trồng cây” (1959)… và viết rất nhiều tác phẩm báo chí nhằm vận động, kêu gọi Nhân dân giữ gìn môi trường sạch đẹp, hưởng ứng lối sống hòa đồng với thiên nhiên.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” (tháng 5/2010), tư tưởng của Người về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được nhận xét, đúc kết rất sâu sắc bởi bà Katherine Muller - Marin (Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2016): “Về khoa học tự nhiên, Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện sự quan tâm của Người đối với các vấn đề liên quan đến môi trường và tới mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong sự phát triển của một quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, thủy lợi và cải thiện chất đất. Sự quan tâm của Người đối với việc trồng cây và bảo vệ môi trường đã vượt qua biên giới… Người còn kêu gọi mọi người “trồng và bảo vệ rừng, như bảo vệ ngôi nhà của mình”1.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế xanh

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, xu hướng phát triển kinh tế bền vững - “kinh tế xanh” đã trở thành xu thế chủ đạo trong phát triển kinh tế, là con đường hiệu quả nhất để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thực tiễn tại Việt Nam, công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xanh đã và đang thực hành những bước đi đầu tiên.

Đảng và Nhà nước ta sớm nhận thức đầy đủ và toàn diện tầm quan trọng của kinh tế xanh đối với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, là tiền đề để thông qua nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong gần 30 năm trở lại đây:

Từ năm 1991, Chính phủ đã thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000, sau đó nội dung này được tiếp nối xuyên suốt trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm đến hiện nay.

Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố “bảo vệ môi trường” đã khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời tại Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định tầm nhìn “đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”; và nhấn mạnh một trong những định hướng quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lí, khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, trong những năm gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch hành động để điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như:

Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh các giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ);

Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ);

Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ);

Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ)…

Việc thực thi đồng bộ, nhất quán và quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế xanh đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên cả hai mặt trận “xanh hóa sản xuất” và “xanh hóa lối sống”: Trong khoảng 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính đã góp phần làm giảm 13% lượng phát thải khí so với kịch bản phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/năm; tỉ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về “xanh hóa sản xuất” đã tăng từ 28% lên 47%; nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng cao, từ đó tạo ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào phát triển xanh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, điện rác…

Đối với ngành Ngân hàng, mặc dù rất ít ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, tuy nhiên thông qua việc cấp tín dụng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ khác tới hệ thống khách hàng rộng lớn của mình, cũng như cải cách các thủ tục hành chính, cơ chế vận hành doanh nghiệp, các ngân hàng đã gián tiếp tác động vào sự phát triển bền vững và chất lượng môi trường sống. Trên thực tế, nhằm thực thi có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về kinh tế xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chú trọng ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện ngân hàng xanh và phát triển bền vững như:

Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Thống đốc NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 của Thống đốc NHNN);

Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…;

Và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc NHNN) nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần tích cực từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng.

d
Báo cáo thường niên BIDV 2022.

BIDV cùng định hướng xây dựng Ngân hàng xanh

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế những năm gần đây. Xu hướng này mở ra nhu cầu vốn rất lớn trong việc đầu tư cho các dự án, công trình xanh liên quan tới môi trường, khí hậu, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh. Tín dụng xanh, ngân hàng xanh cũng là mục tiêu đang hướng tới của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

"Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, BIDV luôn xác định trách nhiệm tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia." - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú đã phát biểu.

Tại Nghị quyết số 27-NQ/ĐU ngày 03/10/2023 về thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã xác định: “Việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được lồng ghép trong quá trình định hướng, xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch kinh doanh của BIDV nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, quản lí rủi ro môi trường và xã hội (ESG), hướng tới phát triển mô hình Ngân hàng Xanh”.

Theo đó, BIDV theo đuổi chiến lược định vị thương hiệu Ngân hàng Xanh, trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG và tài chính bền vững, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh và thực hiện lộ trình chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero Bank) vào năm 2050. Trong đó, BIDV chú trọng điều chỉnh cơ cấu quản trị, mô hình tổ chức, phát triển hệ sinh thái sản phẩm đa dạng phục vụ tăng trưởng xanh của nền kinh tế, đẩy mạnh huy động nguồn lực xanh, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh, thực hành ESG dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh và quán triệt, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh tới từng cán bộ, nhân viên trong hệ thống.

Chiến lược Ngân hàng xanh đặc biệt tại BIDV

BIDV đã triển khai toàn diện và xuyên suốt chiến lược phát triển bền vững, sớm thành lập Ban quản lý dự án Tài chính Bền vững từ tháng 6/2022 nhằm nghiên cứu, tư vấn, tham mưu, xây dựng các chiến lược: (i) Triển khai tài chính bền vững tại BIDV; (ii) Quản lý rủi ro ESG trong hoạt động tín dụng; và (iii) Định hướng BIDV trở thành ngân hàng trung hòa carbon/Net-zero trong hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn xanh/bền vững trong nước và quốc tế.

Ngay từ thời điểm ban đầu khi xác lập ngân hàng xanh, tín dụng xanh là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu, xuyên suốt trong chiến lược kinh doanh dài hạn, BIDV đã xác định bốn trụ cột, động lực tạo nên lợi thế khác biệt của BIDV trong hoạt động ngân hàng xanh.

Một là, phấn đấu duy trì quy mô, vị thế dẫn đầu thị trường về tài chính xanh. Cần lưu ý rằng, tài chính xanh sẽ được xét trên cả hai khía cạnh là tài sản (danh mục tín dụng/đầu tư) và nguồn vốn (huy động, phát hành trái phiếu).

Hai là, xác định việc triển khai hoạt động ngân hàng xanh tại BIDV một cách toàn diện, tổng thể, trên tất cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi, không chỉ dừng lại ở yếu tố xanh - môi trường mà chúng tôi còn chú trọng vào yếu tố xã hội và quản trị để đem lại lợi ích, tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội.

Ba là, xây dựng, lan tỏa văn hóa phát triển xanh/bền vững trên toàn hệ thống, kiên định chỉ đạo thông suốt từ HĐQT, Ban Tổng giám đốc đến các đơn vị, từng cá nhân, người lao động. Phát triển đội ngũ nhân sự tinh nhuệ, liên tục cập nhật, nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực phát triển xanh/bền vững. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt, là trung tâm kiến thức để triển khai, lan tỏa hoạt động, sáng kiến ngân hàng xanh tại BIDV.

Bốn là, tập trung số hóa toàn diện cả trong quản trị điều hành và phát triển hoạt động kinh doanh để giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam đang có những thuận lợi to lớn từ sự ủng hộ tạo điều kiện của Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo của NHNN, BIDV tin tưởng rằng, với tầm nhìn, định hướng của Ban lãnh đạo, sự quyết tâm, nhất quán của toàn thể cán bộ trong hệ thống BIDV, mô hình, hoạt động ngân hàng xanh của BIDV sẽ ngày càng phát triển, hoàn thiện một cách toàn diện, tổng thể hơn trong thời gian tới, đóng góp vào nỗ lực tăng trưởng xanh/bền vững của đất nước.

BIDV trên hành trình trở thành “Ngân hàng xanh”

Một là, sự quyết tâm đến từ việc thay đổi nhận diện thương hiệu

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, BIDV đã đưa vào sử dụng nhận diện thương hiệu mới (kể từ ngày 26/4/2022), nhằm xây dựng hình ảnh một ngân hàng năng động, thân thiện, luôn sẵn sàng với sứ mệnh đem lại lợi ích, tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội.

Màu sắc nhận diện thương hiệu chủ đạo của BIDV là màu xanh ngọc lục bảo, một trong tứ đại ngọc quý và giá trị nhất, được kết tinh hàng triệu năm - biểu tượng cho những giá trị trường tồn của BIDV - một định chế tài chính có lịch sử truyền thống lâu đời nhất Việt Nam. Màu xanh cũng tượng trưng cho sức sống và khát vọng xây dựng một “Ngân hàng Xanh” - như chiến lược mà BIDV đang quyết tâm theo đuổi.

Hai là, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm xanh

Trong nội dung Chương trình hành động thực hiện ESG, phát triển tài chính bền vững giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, BIDV định hướng tiên phong phát triển đa dạng sản phẩm và danh mục khách hàng, dự án tài chính xanh, tài chính bền vững cho cả hai cấu phần tài sản nợ - tài sản có, phù hợp với các chuẩn mực, nguyên tắc, thông lệ quốc tế tốt nhất.

Trong hoạt động huy động vốn xanh, kể từ khi triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến nay BIDV là đối tác truyền thống hơn 30 năm của các tổ chức tài chính như WB, ADB, JICA, JBIC… và hiện là ngân hàng có thị phần lớn nhất (21%) trong huy động nguồn vốn ODA, các nguồn vốn ủy thác quốc tế.

BIDV đã tiên phong triển khai sản phẩm Tiền gửi xanh. Thông qua sản phẩm này, BIDV cam kết những khoản tiền gửi của Quý khách hàng sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tiền gửi xanh có quy mô huy động vốn đợt 1 năm 2024 là 3.000 tỷ đồng, với các kỳ hạn gửi linh hoạt từ 06 tháng trở lên.

Doanh nghiệp sử dụng sản phẩm Tiền gửi xanh sẽ được BIDV cấp giấy chứng nhận, đồng thời BIDV công bố minh bạch các dự án sử dụng nguồn vốn huy động từ Tiền gửi xanh tại Báo cáo thường niên trên website chính thức của BIDV (www.bidv.com.vn).

Đến tháng 08/2024, chỉ sau 2 tháng triển khai BIDV đã huy động  thành công 5.000 tỷ VNĐ là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn chiến lược về phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia đồng hành. Thành công của Tiền gửi xanh tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong phát triển bền vững của BIDV, đồng thời là dấu hiệu tích cực cho thấy động thái cụ thể của các doanh nghiệp đối với môi trường và mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh vai trò là kênh đầu tư an toàn giúp gia tăng giá trị, các sản phẩm Tài chính xanh nói chung hay Tiền gửi xanh nói riêng còn giúp tận dụng tối đa nguồn lực để phục vụ các dự án có lợi cho cộng đồng và xã hội.

Ngày 25/10/2023, BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (International Capital Market Association - ICMA) tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, BIDV còn hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn thông qua dịch vụ tư vấn, thu xếp vốn cho doanh nghiệp để phát hành trái phiếu xanh. Với nền tảng nhà đầu tư lớn, BIDV hỗ trợ tổ chức triển khai, kết nối doanh nghiệp với các nguồn vốn xanh trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.

Trong hoạt động tín dụng xanh, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố khung khoản vay bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng tài trợ cho khách hàng lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp.

Ngay từ đầu năm 2023, BIDV đã triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực xanh (đáp ứng các tiêu chí chứng nhận Viet Gap, Viet GaHP, Global Gap, OCOP…) với lãi suất cho vay cạnh tranh (thấp hơn đến 1%/năm) nhằm khuyến khích, hỗ trợ khách hàng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường - xã hội; trong đó bao gồm cả các khách hàng kinh doanh thương mại hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đáp ứng chứng nhận nêu trên. Đồng thời, BIDV cũng triển khai gói tín dụng 3.500 tỷ đồng để cho vay mua ô tô điện phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất cạnh tranh nhằm góp phần cung cấp các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường, kiến tạo cuộc sống xanh.

Tháng 10/2023, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh, BIDV đã triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng (3.000 tỷ đồng và 50 triệu USD) với các ưu đãi hấp dẫn về lãi suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá. Hiện toàn bộ dư nợ phát sinh đều là tài trợ cho các doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn/chứng chỉ bền vững quốc tế.

Trong năm 2024, BIDV tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng xanh đã ban hành trong năm 2023 và phát triển các chương trình tín dụng xanh mới như: gói tín dụng trung dài hạn các địa bàn đặc thù (Tây Nguyên, ĐBSCL…) khuyến khích cho vay phát triển cây trồng (tái canh, chuyển đổi cây trồng có giá trị cao),…

Tính đến 30/06/2024, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.764 khách hàng với 2.132 dự án/phương án thuộc lĩnh vực xanh, dư nợ đạt 74.177 tỷ đồng, chiếm gần 4,2% tổng dư nợ của BIDV và chiếm 12% tổng dư nợ tính dụng xanh toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh được BIDV xác định là một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Với nền tảng về quy mô dư nợ xanh hiện tại, BIDV dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng dư nợ, tỷ trọng tín dụng xanh hàng năm và phấn đấu duy trì vị thế là một trong những ngân hàng dẫn đầu về thị phần, quy mô tín dụng xanh cung cấp ra thị trường.

Trong công tác quản trị rủi ro đối với tài chính xanh, BIDV là ngân hàng trong nước đầu tiên ban hành khung quản lí rủi ro môi trường và xã hội vào năm 2018, áp dụng cho các dự án, khách hàng tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đồng thời khuyến khích các dự án vay vốn từ BIDV thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Triển khai Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN, BIDV đã nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy định quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, BIDV sẽ triển khai đánh giá kĩ lưỡng các yếu tố rủi ro môi trường trong quá trình xem xét cấp tín dụng; đồng thời thực hiện song song việc giám sát, quản lý rủi ro môi trường trong quá trình giải ngân dự án, đảm bảo các dự án được tài trợ hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Ngoài ra, BIDV chú trọng tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên mọi mặt hoạt động; ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ nhằm xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm ngân hàng xanh: “Gửi tiết kiệm xanh, cuộc sống trong lành”; “Khoản vay xanh cho doanh nghiệp Dệt may”; Gói sản phẩm tín dụng và bảo hiểm “Vững bước cho cuộc sống xanh” dành cho khách hàng cá nhân; “Chào hè Xanh cùng thẻ BIDV”;  Sản phẩm “Hành trình xanh cùng BIDV” nhằm gia tăng số lượng khách hàng nhận sao kê qua email và không nhận sao kê giấy…

Ba là, triển khai hoạt động ngân hàng xanh tại BIDV một cách toàn diện, tổng thể, trên tất cả các hoạt động kinh doanh cốt lõi

Tại Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, BIDV định hướng nghiên cứu, triển khai mô hình chi nhánh/phòng giao dịch “Ngân hàng Xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro ESG trong hoạt động cấp tín dụng của NHNN, trong đó thiết kế không gian giao dịch xanh, áp dụng mô hình văn phòng xanh và dành tỉ trọng dư nợ nhất định để tài trợ tín dụng xanh.

Từ năm 2022, BIDV đã thành lập Ban Quản lý dự án Tài chính bền vững. Trong năm 2023, BIDV đã kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG tổng thể. Trong đó, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của từng cấp/nhóm nghiệp vụ liên quan trong tiến trình phát triển xanh/bền vững.

d

 Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với BIDV.

Đến nay, BIDV là ngân hàng thương mại đầu tiên kí kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai các hoạt động hợp tác thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững tại Việt Nam. Nhằm góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, BIDV không ngừng nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện các quy trình nội bộ liên quan đến tín dụng xanh, thành lập Ban Quản lý dự án tài chính bền vững (PMU) và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các đối tác, tổ chức quốc tế về khả năng triển khai các mục tiêu tài chính bền vững, thực hành quản lí ESG trong mọi mặt hoạt động. Đồng thời, BIDV luôn công khai, minh bạch trách nhiệm phát triển bền vững của mình khi thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn GRI kể từ năm 2017, nêu rõ trách nhiệm của ngân hàng với môi trường, xã hội, người lao động và định hướng xây dựng BIDV trở thành “Net-Zero Bank” ngay từ trong hoạt động kinh doanh hằng ngày.

Bốn là, xây dựng văn hóa phát triển xanh/bền vững trên toàn hệ thống

Triển khai định hướng trở thành “Net-Zero Bank” - Ngân hàng phát thải ròng bằng “0”, BIDV xác định một trong những giải pháp then chốt là phải truyền thông làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho người lao động về thực hành “Sống Xanh”, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh thân thiện vì sự phát triển bền vững, công bằng, tiến bộ xã hội.

Thông qua đầu mối là các công đoàn cơ sở và các cơ sở đoàn thanh niên tích cực triển khai thực hành “Sống Xanh”, phối hợp với các cấp chính quyền trong đơn vị tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thực hành “Sống Xanh”; khuyến khích người lao động hưởng ứng tham gia từ các việc làm nhỏ như: Thay thế chai nhựa đựng nước, sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng làm việc thành các sản phẩm thân thiện với môi trường (chai thủy tinh, ống hút tre, túi giấy…), trồng cây xanh, sử dụng tiết kiệm giấy, năng lượng, nước, phân loại rác thải theo quy định, giảm sử dụng và hướng tới việc không dùng túi nylon… Lồng ghép hoạt động bảo vệ môi trường với phong trào xây dựng không gian làm việc “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, không gian giao dịch thân thiện với môi trường tại từng đơn vị.

Trong khuôn khổ phong trào “Sống Xanh”, các đơn vị trong hệ thống đã kết hợp tổ chức các chiến dịch “Tiêu dùng Xanh” nhằm kêu gọi người lao động tiêu dùng có trách nhiệm, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, thiết lập thói quen, hành vi tiêu dùng mới trong xã hội - tiêu dùng có lợi cho môi trường.

Việc linh hoạt triển khai các biện pháp thực hành “Sống Xanh” đã giúp nâng cao nhận thức, chuyển từ nhận thức thành ý thức và hành động tự giác của người lao động trong hệ thống BIDV về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hợp lí tài nguyên thiên nhiên. Các giải pháp, sáng kiến bảo vệ môi trường, các hành vi tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường… của mỗi đoàn viên, người lao động được khuyến khích chia sẻ, nhân rộng trên toàn hệ thống. Từ đó, mỗi người lao động tại BIDV vừa là người tiêu dùng xanh, vừa là tuyên truyền viên tích cực trong phong trào thực hành “Sống Xanh”, góp phần lan tỏa và khẳng định vị thế dẫn đầu của BIDV trên hành trình theo đuổi chiến lược “Ngân hàng Xanh”.

Năm là, lan tỏa văn hóa phát triển xanh/bền vững đến với cộng đồng

Với sứ mệnh mang lại sự phát triển toàn diện và bền vững của cộng đồng xã hội, BIDV luôn tiên phong và tích cực trong công tác an sinh xã hội, trong đó ưu tiên tài trợ các chương trình an sinh trọng điểm theo hướng “Ngân hàng Xanh” bao gồm: Trồng 1 triệu cây xanh; tài trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ; tài trợ bồn chứa nước ngọt khắc phục hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ loài cây Chai lá cong tại Phú Yên - loài cây có trong tên trong sách Đỏ cần được bảo tồn của thế giới…

Bên cạnh việc trực tiếp hỗ trợ chi phí thực hiện các chương trình thiện nguyện, BIDV đã rất sáng tạo trong việc vận động khách hàng, người dân chung tay thực hiện an sinh xã hội, kết hợp tuyên truyền thực hành “Sống Xanh”, xây dựng thói quen rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng, được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là Chương trình BIDVRUN “Tết ấm cho người nghèo”, “Cho cuộc sống Xanh”… Khi tham gia Chương trình này, BIDV quy đổi thành tích chạy của vận động viên và trích chi phí từ 1.000 - 3.000 đồng tặng quà Tết cho người nghèo; đóng góp vào chương trình trồng 1 triệu cây xanh và tài trợ xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ.

Sáu là, Kiên định bước tiếp trên hành trình Xanh

Cùng với những thuận lợi trên hành trình định vị thương hiệu “Ngân hàng Xanh”, BIDV cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân: Nhận thức, hiểu biết về kinh tế xanh còn khá mới mẻ tại thị trường tài chính Việt Nam; việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kĩ thuật về môi trường chuyên sâu nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế; việc giám sát và quản lí rủi ro khi cấp tín dụng cũng gặp nhiều vướng mắc do thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường; công nghệ sản xuất trong nước vẫn còn lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn; hành lang pháp lí cho việc huy động các nguồn lực tài chính từ nước ngoài phục vụ tăng trưởng xanh chưa hoàn thiện, phù hợp với mức độ phát triển và độ mở của nền kinh tế Việt Nam...

Tuy nhiên, với nhận thức vững vàng, kiên định, quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống, phát huy giá trị BIDV “Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng”, cùng với những thành quả đã đạt được từ bước đầu triển khai Chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững sẽ là tiền đề để BIDV tiếp tục kiên trì bước đi trên hành trình trở thành “Ngân hàng Xanh” dẫn đầu thị trường, đóng vai trò chủ đạo trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.  BIDV cam kết là một doanh nghiệp tiên phong trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội vì cộng đồng; thực hiện nhiều sáng kiến trong hoạt động vì cộng đồng và lan tỏa được các giá trị nhân văn để thu hút khách hàng, người lao động, công chúng cùng chung tay thực hiện và đem lại những giá trị tích cực cho toàn xã hội.

BIDV vinh dự được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tổ chức Dữ liệu quốc tế (IDG) trao giải thưởng “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng”. Ngoài ra, BIDV còn được vinh danh với 2 giải thưởng: “Best issuer for sustainable finance in Vietnam 2024” (Tổ chức phát hành bền vững xuất sắc nhất Việt Nam) và “Best green Bond in Vietnam 2024” (Giao dịch trái phiếu xanh xuất sắc nhất Việt Nam). Đây là các giải thưởng ở hạng mục Tài chính bền vững thuộc hệ thống giải Tripple A Awards của Tạp chí The Asset (Hongkong).

Những thành quả bước đầu sẽ là tiền đề để BIDV tiếp tục kiên trì trên hành trình trở thành “Ngân hàng Xanh” dẫn đầu thị trường, đóng vai trò chủ đạo trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam./.

 

1 Trích bài phát biểu của bà Katherine Muller - Marin tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” (tháng 5/2010).

Nguyễn Thị Thùy Trang - Đảng bộ BIDV

 

 

 

 

 

.
.
.
.