Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Đảng bộ ACV với công tác chuyển đổi số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự đột phá của công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng trên toàn cầu. Cuộc cách mạng này đã đưa con người tiếp cận với thế giới quan của khoa học và công nghệ mới, đánh dấu bước chuyển mình của thời đại. Đồng thời, đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta vô vàn những khó khăn, thách thức, đòi hỏi những đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để bắt kịp với những biến đổi của thời đại mới - Thời đại 4.0.
Lãnh đạo Tổng công ty Cảng HKVN nghiêm túc tiếp thu, bám sát các chỉ đạo của Đảng và Chính Phủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. |
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, diễn ra từ ngày 16 - 24/12/1996 đã họp và thông qua hai nghị quyết quan trọng thể hiện sự đổi mới trong công tác lãnh đạo và tầm nhìn của Đảng ta khi quyết tâm đẩy mạnh “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” đất nước: Trong đó, Nghị quyết “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000” đã nêu rõ thực trạng giáo dục - đào tạo ở nước ta trong thời gian qua; vạch rõ định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nhiệm vụ và mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2000; những giải pháp chủ yếu và phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục - đào tạo.
Hai là, Nghị quyết “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000” đã đánh giá thực trạng khoa học và công nghệ; nêu ra định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2000; những giải pháp chủ yếu và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khoa học và công nghệ.
Ngày 30/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thông qua chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực.
Vậy chuyển đổi số là gì và tác động của công tác chuyển đổi số đến các lĩnh vực đời sống xã hội ngày như thế nào?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số. Ta có thể hiểu cơ bản: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi phương thức làm việc, phương thức sản xuất với công nghệ số; là quá trình áp dụng, ứng dụng các loại hình công nghệ để thay đổi cách thức vận hành nhằm mang lại hiệu suất nhanh và cho ra kết quả tốt nhất; là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ, kỹ thuật số vào các hoạt động, lĩnh vực.
Chính quyền số: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý dữ liệu, quản trị hệ thống, cung cấp các ứng dụng dịch vụ công… đã làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan Nhà nước. Từ đó, công tác lưu trữ, quản lý, kiểm soát các nguồn thông tin được mở rộng, đổi mới hình thức tra cứu, tìm kiếm thông tin. Từ đó giảm thiểu nguồn nhân lực, tiện lợi hóa phương thức hoạt động của cả bộ máy, tiết kiệm thời gian, tăng tình chuẩn xác và thời gian lưu trữ được lâu dài.
Công tác chuyển đổi số đã có sức lan tỏa rộng khắp. Ngày nay, người dân tham gia vào các hoạt động như y tế, giáo dục, giao tiếp thông qua việc sử dụng các ứng dụng, công nghệ thông tin, mạng xã hội. Quá trình đó được gọi là xã hội số.
Xã hội số được thể hiện trên các lĩnh vực: công dân số, y tế số và giáo dục số. Trong những năm gần đây, các ứng dụng công nghệ đặc biệt phát triển. Hệ thống xe công nghệ tích hợp việc vận chuyển người, giao hàng hóa, thực phẩm; ứng dụng kết nối hệ thống các nhà hàng, quán ăn cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực; ứng dụng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; ứng dụng ngân hàng điện tử; ứng dụng cảm ứng báo hiệu sức khỏe cá nhân; ứng dụng học, thi trực tuyến, du học trực tuyến; ứng dụng hẹn hò và đặc biệt là các ứng dụng phục vụ cho nhu cầu giao tiếp xã hội như facebook, instagram, wechat, telegram... đang ngày càng phổ biến.
Kinh tế số là quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các ngành công nghiệp, công nghệ số, công nghệ viễn thông, thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc. Quá trình này không chỉ mang lại những tiện ích, giá trị về mặt kinh tế mà còn đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi diện mạo mới cho đất nước.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực đã mang lại sự tiện lợi, tối ưu hóa năng suất, tăng tính chuẩn xác, tiết kiệm nguồn nhân lực, giảm chi phí, đẩy nhanh quá trình sản xuất, giảm giá thành, đa dạng về mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, thuận tiện trong công tác quản lý... Ngành hàng không, đường sắt, đường bộ, hàng hải phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đã được đổi mới hiện đại. Các dịch vụ, tiện ích đời sống được nâng cao; việc tiếp cận, cập nhật thông tin về văn hóa, đời sống của các nước trên thế giới vô cùng nhanh chóng và thuận lợi, xóa nhòa khoảng cách địa lý. Chất lượng sống của người dân từng bước được cải thiện.
Ngoài ra, các nền tảng công nghệ số cũng đã tạo ra các ngành nghề mới như: KOL (viết tắt của cụm từ Key opinion leader – Người dẫn dắt dư luận chủ chốt hay người có sức ảnh hưởng), youtuber, streamer... và dần xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp các dịch vụ cung ứng liên quan.
Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số đã mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị và vận hành doanh nghiệp bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa. Quá trình này đòi hỏi sự nâng cấp không ngừng về mặt cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị và nhất là nguồn nhân lực công nghệ cao, đáp ứng các yêu cầu về trình độ khoa học, công nghệ trong tình hình mới.
Hiện nay, chúng ta nhận diện được 03 xu hướng chuyển đổi chính trong cuộc sống như sau:
Xu hướng thứ nhất, các dịch vụ sinh hoạt. Cuộc sống của chúng ta được trang bị các hệ thống dịch vụ hỗ trợ thông minh, các hệ thống dịch vụ này hỗ trợ chúng ta thực hiện các nhu cầu trong cuộc sống một cách hiệu quả và thông minh nhất.
Xu hướng thứ hai, công nghệ truyền thông. Các công nghệ này giúp xóa bỏ mọi khoảng cách địa lý, tạo điều kiện kết nối mọi người trên thế giới giao tiếp, làm việc với nhau dễ dàng hơn. Đây cũng là phương tiện hữu ích tạo nên nhiều tiềm năng và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.
Xu hướng thứ ba, lưu thông thị trường. Chuyển đổi số giúp mở rộng thị trường, lưu thông hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy nhiều hình thức doanh nghiệp mới phát triển.
Với quy mô và tốc độ phát triển không ngừng của công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng số hiện nay đã mở ra nhiều bước ngoặt mới, thành tựu mới, tạo nên nhiều giá trị và điều kiện thuận lợi cho đời sống xã hội. Những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại đã tạo nên sự mất cân bằng khi số lượng các doanh nghiệp truyền thống, làng nghề thủ công đang ít dần so với sự phát triển ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp số. Mặt khác, những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, kiểm soát các hành vi sử dụng công nghệ, ứng dụng số với mục đích trục lợi, lừa đảo; định hướng dư luận theo hướng tiêu cực, chống phá, xuyên tạc chế độ, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội đa chiều như hiện nay đã, đang và sẽ luôn là một vấn đề quan trọng được đặt ra trong tiến trình phát triển của chuyển đổi số.
Tuy nhiên, nhìn vào những thành tựu vượt bậc mà chuyển đổi số đã mang lại thì Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định chuyển đổi số là một quá trình tất yếu không thể thiếu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số là một chiến lược quan trọng trong thời gian tới với tầm nhìn dài hạn.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (TCT Cảng HKVN) là một trong những doanh nghiệp số tiêu biểu của ngành Hàng không. Từ khi thành lập đến nay, mọi hoạt động của các cảng hàng không, sân bay, các công ty trực thuộc đều áp dụng/ứng dụng các phần mềm công nghệ, kỹ thuật số. Việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác chuyển đổi số trong toàn Tổng công ty là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách và tàu bay đi/đến, neo đậu tại các cảng hàng không, sân bay trên cả nước.
Logo chính thức tính đến thời điểm hiện tại của Tổng công ty Cảng HKVN. |
Ngày 10/01/2019, Đảng ủy TCT Cảng HKVN đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 1429-NQ/ĐU về lãnh đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực điều hành, quản lý và khai thác cảng hàng không đến các tổ chức Đảng trực thuộc. Qua đó, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cảng hàng không, sân bay triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tháng 12/2021, Đảng ủy TCT đã ban hành Nghị quyết số 753-NQ/ĐU, ngày 24/12/2021 về đẩy mạnh chuyển đổi số tại Tổng công ty giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong những năm gần đây, Tổng công ty Cảng HKVN đã hoàn thành các hạng mục thi công và đưa vào khai thác hiệu quả Nhà ga hành khách T2-Cảng HKQT Phú Bài; đầu tư xây dựng và mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; nhiều những công trình, dự án quan trọng khác cũng đã được hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, các dự án trọng điểm cấp quốc gia như dự án Cảng HKQT Long Thành, Nhà ga hành khách T3-Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã và đang được tích cực triển khai đảm bảo tiến độ, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, Tổng công ty cũng đã chủ động triển khai, cập nhật mới các ứng dụng, phần mềm phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh, điều hành khai thác, đảm bảo an ninh – an toàn hàng không, cung cấp các dịch vụ hành khách, thi công các công trình/dự án... Liên kết xây dựng và hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng riêng để phục vụ công tác lưu trữ, soạn thảo, tra cứu văn bản, gửi/nhận văn bản nội bộ; chuẩn hóa phương thức hoạt động của các phòng ban, đơn vị trong toàn Tổng công ty.
Với chủ trương khẳng định, nâng tầm thương hiệu ra khu vực và quốc tế, Tổng công ty Cảng HKVN đã xây dựng, đổi mới và nâng cấp bộ nhận diện thương hiệu doanh nghiệp và triển khai các phương án đẩy mạnh công tác truyền thông, marketing, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, truyền thông báo chí và các phương tiện thông tin khác qua hệ thống mạng xã hội. Để làm tốt được điều này, không thể thiếu vai trò quan trọng của công nghệ số.
Năm 2024, phần mềm ra quyết định tại cảng hàng không A-CDM của Tổng công ty Cảng HKVN đã vinh dự nhận giải thưởng “Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển doanh nghiệp” lần thứ III năm 2024 của Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương và lọt top 10 công trình xuất sắc nhất. Điều này cho thấy nguồn lao động trẻ tại Tổng công ty Cảng HKVN không những có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt mà còn sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, vận dụng linh hoạt và mang lại giá trị thực tế cho đơn vị.
Trong thời gian tới, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty tiếp tục xác định chuyển đổi số là một trong những công tác, nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng mà các đơn vị cần tích cực đẩy mạnh, chủ động đổi mới và linh hoạt vận dụng hiệu quả phù hợp với điều kiện khai thác thực tế tại các cảng hàng không, sân bay trực thuộc trên cả nước. Định hướng:
Một là, chủ động, linh hoạt, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản trị doanh nghiệp. Nắm bắt kịp thời, bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới. Nếu cần thiết, có thể chủ động thay đổi một số mô hình, phương thức vận hành không còn phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế.
Hai là, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị cần thiết, phục vụ cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành khai thác, chất lượng dịch vụ (hàng không và phi hàng không), an ninh - an toàn hàng không; đầu tư, thi công các dự án/hạng mục/công trình trọng điểm...
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng lao động, cụ thể là nâng cao yêu cầu về trình độ công nghệ thông tin đối với các vị trí tuyển dụng. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chính sách, đãi ngộ về lương, thưởng cho các lao động công nghệ cao (đối với một số vị trí công tác đặc biệt), nhất là nguồn cán bộ trẻ và đội ngũ kế thừa.
Bốn là, tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trẻ thông qua việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo (trong và ngoài nước), tập huấn nghiệp vụ để nâng cao trình độ về công nghệ, kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên lao động; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên chuyên môn được tiếp cận với các phần mềm công nghệ mới, các mô hình ứng dụng số tại các cảng hàng không, sân bay trong khu vực và thế giới.
Năm là, tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số trong toàn Tổng công ty. Từ đó, đưa ra những giải pháp, phương án phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, doanh nghiệp theo giai đoạn, nhiệm kỳ và thời kỳ phát triển.
Sáu là, tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua sáng tạo. Tích cực vận động cán bộ, CNVLĐ phát huy tinh thần sáng tạo, phát minh, sáng chế, đưa ra những sáng kiến kỹ thuật mang tính ứng dụng cao, mang lại giá trị thực tế cho đơn vị trên các lĩnh vực công tác.
Bảy là, nâng cao chất lượng công tác truyền thông và công tác thi đua, khen thưởng tại doanh nghiệp. Tuyên dương (định kỳ và đột xuất) những cá nhân, tập thể đã có đóng góp tiêu biểu, mang lại những giá trị thực cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc kiểm soát và định hướng đúng đắn dư luận xã hội về các hoạt động của doanh nghiệp; định hướng xây dựng hình ảnh, thương hiệu trên các nền tảng thông tin điện tử, mạng xã hội; lan tỏa những tấm gương điển hình tiêu biểu của doanh nghiệp để thúc đẩy tinh thần thi đua lành mạnh, tăng gia sản xuất trong doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục, định hướng lâu dài. Đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn dài hạn cho công tác này bởi sự phát triển của khoa học, công nghệ trong tương lai là vô tận. Vì vậy, việc phát triển doanh nghiệp gắn với công tác chuyển đổi số là một trong những chiến lược quan trọng trong thời gian tới.
Hòa trong không khí thi đua cùng cả nước chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Tổng công ty Cảng HKVN quyết tâm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới thành công của Đại hội Đảng bộ TCT Cảng HKVN lần thứ III, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và góp phần vào thắng lợi chung của Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hướng tới mục tiêu: Xây dựng hệ thống cảng hàng không, sân bay “An toàn - Văn minh - Lịch sự - Hiện đại”./.
Đặng Bích An, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Tổng công ty Cảng HKVN