Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024
Đảng ủy Trung tâm Quản lý, Điều hành mạng MobiFone thực hiện mục tiêu bảo vệ vững chắc an toàn xã hội trên không gian mạng
Để bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, trong đó có Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ từng ngày, từng giờ; công nghệ mạng đã tích hợp vào đời sống tinh thần, vật chất của xã hội, không tách rời sản xuất xã hội, làm thay đổi sâu sắc mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh toàn cầu. Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các ứng dụng của internet tạo ra một không gian chiến lược mới được gọi là “không gian mạng”, mang lại nhiều cơ hội phát triển cũng như những thách thức cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội của các quốc gia. Luật An ninh mạng năm 2018 định nghĩa “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”. Với sự phát triển nhanh và đa dạng của mạng viễn thông, internet, không gian mạng từ một không gian ảo đã dần trở thành “không gian thực” trong đời sống xã hội, có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Mặt khác, internet, mạng xã hội cũng tồn tại những mối đe dọa về an ninh mà rất nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển luôn đặc biệt quan tâm. Đứng trước thách thức này, các nước đã áp dụng chiến lược an ninh mạng và những giải pháp, biện pháp phù hợp để bảo vệ sự an toàn trước nguy cơ mất an ninh trên không gian mạng.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng và những hành vi phá hoại an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi và tính chất phức tạp, mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng tới các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thời gian qua, tại Việt Nam đã phát hiện trên 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội facebook, thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh, trật tự. Những hội, nhóm và tài khoản mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, tội phạm mạng đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Nhằm kịp thời kiểm soát các hoạt động lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, phát tán các quan điểm thù địch, sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, kích động tập trung đông người bất hợp pháp, gây rối an ninh, trật tự, trước, trong và sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các lực lượng chuyên trách đã gỡ bỏ hàng trăm trang web, hàng nghìn hội, nhóm, tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bịa đặt về công tác nhân sự của Đảng; gỡ bỏ bài viết và xử phạt hành chính các đối tượng lợi dụng mối quan tâm của cộng đồng về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 nhằm xuyên tạc những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và toàn hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng. Trong thời gian đại dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay, không gian mạng tiếp tục là môi trường chủ yếu để các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối tán phát thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh, xuyên tạc, đả kích sự chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và chính quyền các cấp. Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Để bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, trong đó Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Luật an ninh mạng; Luật an toàn thông tin mạng, mang tính chỉ đạo chiến lược cho công cuộc bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Đảng ta xác định: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia, các chiến lược quốc phòng an ninh và các chiến lược chuyên ngành khác”.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực vận hành, khai thác mạng lưới viễn thông, tin học và truyền thông; cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, …Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy MobiFone đặc biệt coi trọng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”, Luật an ninh mạng và các chỉ đạo của Đảng, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về công tác bảo vệ an ninh mạng. Đảng ủy MobiFone thường xuyên tổ chức cho cấp ủy các tổ chức Đảng trong Đảng bộ TCT, đội ngũ cán bộ chủ chốt tham gia các buổi học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 30-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ về đảm an toàn, an ninh mạng (Quyết định số 964/QĐ-TTg).
Căn cứ Luật An ninh mạng, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng, và các chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác an ninh mạng, an toàn thông tin, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách triển khai công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nội bộ tại 04 đơn vị, gồm: Ban Công nghệ, Trung tâm Quản lý, điều hành mạng; Trung tâm Dịch vụ số MobiFone. Tại các đơn vị khác trong Tổng công ty đều bố trí cán bộ kiêm nhiệm triển khai công tác an ninh mạng, an toàn thông tin. Tổng giám đốc Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị trong toàn Tổng công ty thường xuyên thực hiện rà soát các quy định, quy trình vận hành khai thác hệ thống, phương án bảo mật hệ thống thông tin theo từng cấp độ; đề xuất các biện pháp bổ sung, chi tiết các hệ thống thông tin yêu cầu bảo mật cho các hệ thống theo từng cấp độ.
Lực lượng chuyên trách triển khai công tác tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ để triển khai công tác đảm bảo an toàn chất lượng mạng lưới và tuyệt đối an toàn, an ninh mạng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Cục An toàn thông tin - Bộ TTTT, Cục A05, A06 - Bộ Công an) để triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an ninh thông tin, chiến tranh mạng, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; ngăn ngừa và chặn đứng kịp thời các thông tin xấu độc, xuyên tạc về chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, văn hóa, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động trên các diễn đàn, mạng xã hội trên mạng Internet.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã chỉ đạo triển khai các chương trình, biện pháp kỹ thuật bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, gồm: Triển khai công tác rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; triển khai thẩm định phương án và triển khai biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Triển khai công tác bảo đảm an ninh mạng trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử; Triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý và Công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo vệ an ninh mạng. Cụ thể là: Tổng công ty đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-MOBIFONE ngày 02/02/2023 về việc cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho các hệ thống thông tin của Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Đợt 1). Hàng năm, Tổng công ty đều thuê các dịch vụ đánh giá, kiểm thử hệ thống an toàn bảo mật đối với các hệ thống quan trọng, nhằm kịp thời phát hiện các lỗ hổng bảo mật, có nguy cơ thất thoát, mất an toàn thông tin. Đối với các kho chứa dữ liệu quan trọng: Áp dụng giải pháp bảo vệ dữ liệu chuyên dụng Firewall Database Imperva, ghi log toàn bộ hành vi khai thác, truy cập dữ liệu. Có các báo cáo định kỳ hàng ngày, về các hành vi bất thường khi truy cập các dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng. Việc truy cập vào các hệ thống phục vụ việc quản trị đều phải phải thông qua Cổng giám sát bảo mật tập trung SCB để giám sát tác động. Đối với người dùng: Bắt buộc phải sử dụng tài khoản cá nhân để truy cập dữ liệu. Mỗi cá nhân đều được cấp tài khoản riêng, có hồ sơ đề nghị và cam kết sử dụng. Mật khẩu yêu cầu đổi định kỳ và áp dụng mật khẩu mạnh. Thực hiện giám sát, xử lý thường xuyên các cảnh báo trên hệ thống giám sát bảo mật tập trung SIEM; Các user khi không còn làm việc phải thực hiện xóa user trên các hệ thống liên quan. Thông tin thực hiện tác động, tra cứu thông tin khách hàng đều được ghi log trên các hệ thống chính của MobiFone.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo mới của nhiều quốc gia, đem lại những thành tựu vượt bậc cho nhân loại. Tuy nhiên, với tính toàn cầu và khả năng kết nối vô hạn của không gian mạng cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới như: chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng…vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đảng ủy MobiFone luôn xác định an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của MobiFone nhằm duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho MobiFone và khách hàng; đồng thời chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, góp phần tham gia vào việc bảo đảm quốc phòng, chủ quyền, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng hiện đại, chuyên nghiệp, ưu tiên bố trí đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do không gian mạng mang lại, quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực của MobiFone về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tiến tới phát triển kinh doanh trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng nhằm mang lại nguồn doanh thu mới cho MobiFone.
Đảng ủy Trung tâm Quản lý, Điều hành mạng MobiFone