Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Đấu tranh bác bỏ luận điệu sai trái "đa nguyên, đa đảng" của thế lực thù địch tại Việt Nam
Khi Việt Nam ngày càng phát triển vượt bậc về mọi mặt, các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước không ngừng tìm cách tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội của nước ta. Một trong những luận điệu được các thế lực này sử dụng nhiều nhất đó là kêu gọi “đa nguyên, đa đảng”, nhằm kích động tư tưởng chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, luận điệu này không chỉ sai lầm về cơ sở lý luận mà khi thực hiện nó còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Để hiểu rõ hơn sự nguy hiểm của luận điệu này, trước tiên phải phân tích bản chất và những hệ quả có thể xảy ra của việc “đa nguyên, đa đảng” trong bối cảnh tại Việt Nam. “Đa nguyên, đa đảng” là một mô hình chính trị phổ biến ở nhiều nước phương Tây, nơi có nhiều đảng phái chính trị cùng tồn tại và cạnh tranh với nhau thông qua các cuộc bầu cử. Một số người cho rằng mô hình này mang lại sự cạnh tranh công bằng, dân chủ và minh bạch hơn trong chính trị, khi mà nhiều đảng phái chính trị có thể cùng tham gia vào việc hoạch định chính sách và điều hành đất nước. Tuy nhiên, điều mà các thế lực thù địch không nhắc đến hoặc cố tình bỏ qua là việc áp dụng một mô hình chính trị không phù hợp với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội cụ thể và đặc thù của từng quốc gia sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Trên thực tế, những người kêu gọi “đa nguyên, đa đảng” tại Việt Nam không hề nhằm mục đích xây dựng một hệ thống chính trị công bằng và dân chủ hơn, mà nhằm tạo ra sự hỗn loạn, xung đột và phá hoại sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản. Mục tiêu cuối cùng của họ là làm suy yếu hệ thống chính trị, tạo ra bất ổn xã hội và thậm chí là dẫn đến sự can thiệp của các thế lực nước ngoài.
Nhìn vào những quốc gia đã từng thử nghiệm mô hình “đa nguyên, đa đảng” mà không phù hợp với bối cảnh lịch sử và đặc thù văn hóa của đất nước, ta dễ dàng nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn của nó. Điển hình là các quốc gia như Libya, Iraq hay Syria, nơi mà sự xuất hiện của nhiều đảng phái chính trị không chỉ làm chính quyền trở nên yếu kém, mà còn dẫn đến nội chiến kéo dài, sự sụp đổ của cấu trúc nhà nước, và sự đau khổ tột cùng của người dân.
Tại Việt Nam, luận điệu “đa nguyên, đa đảng” cũng bắt nguồn từ những toan tính tương tự. Những người cổ xúy cho mô hình này thường cho rằng nó sẽ thúc đẩy dân chủ, tự do và sự phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế phát triển của Việt Nam trong hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã thể hiện được vai trò không thể thay thế trong việc lãnh đạo đất nước, đưa ra những quyết sách quan trọng, đảm bảo sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội.
Những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay là minh chứng rõ ràng cho thấy một hệ thống chính trị ổn định, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, là điều kiện tiên quyết, là tiền đề vững chắc cho sự phát triển. Chỉ tính riêng trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã phát triển từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP đều đặn, điều kiện sống của người dân được cải thiện đáng kể và uy tín, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Đơn cử, vào năm 1986, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là trên 50%, nhưng theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, hiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,93% vào năm 2023. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người. Đây là con số rất cao so với mức khoảng 100 USD/đầu người khi Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế (năm 1988) và khoảng hơn 1.000 USD khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam rất nhanh, vượt tốc độ ở nhiều nước khu vực, trong đó có Thái Lan, Philippines… Điều này cho thấy rõ ràng rằng, mô hình “đa đảng” không phải là điều kiện tiên quyết để phát triển, mà là sự ổn định chính trị và các quyết sách đúng đắn, nhất quán của Đảng mới là nền tảng của sự bứt phá vươn lên. Thực tế đã chứng minh rằng, dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất, Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, không cần đến “đa nguyên, đa đảng” như một số thế lực tuyên truyền, kêu gọi, xuyên tạc.
Hơn nữa, nếu nhìn ra thế giới, có thể thấy những ví dụ điển hình về thất bại của mô hình “đa nguyên, đa đảng” ở một số nước khu vực Bắc Phi và Trung Đông, nơi có nhiều đảng phái chính trị và có nhiều sự can thiện của các thế lực ngoại bang đã dẫn đến tình trạng bất ổn triền miên. Tiêu biểu là đất nước Libya sau khi chính quyền Gaddafi sụp đổ. Từ một quốc gia Libya giàu có đã bị lôi kéo vào cuộc nội chiến giữa các phe phái chính trị, biến đất nước trở thành bãi chiến trường của các nhóm vũ trang và thế lực ngoại bang. Tương tự, đất nước Syria cũng trở thành một ví dụ điển hình cho sự thất bại của mô hình “đa nguyên, đa đảng” khi các lực lượng đối lập khôngđoàn kết, dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài hơn chục năm và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Những ví dụ này cho thấy rằng mô hình “đa nguyên, đa đảng” không đồng nghĩa với dân chủ và ổn định như những thế lực thù địch tuyên truyền, lôi kéo. Ngược lại, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đảng phái, đặc biệt là trong những quốc gia không có đặc thù văn hóa phù hợp, chưa có nền dân chủ và pháp quyền vững chắc, thường dẫn đến xung đột, chia rẽ và khủng hoảng. Thực tế, Việt Nam có những đặc điểm lịch sử, văn hóa và chính trị, khiến việc áp dụng mô hình “đa nguyên, đa đảng” không phù hợp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Kể từ khi lập nước đến nay, Việt Nam luôn giữ vững tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất trong nội bộ để đối phó với giặc ngoại xâm và các thế lực thù địch bên ngoài. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử, sự lãnh đạo sáng suốt, kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước vượt qua nhiều thử thách gian khổ. Ở một đất nước như Việt Nam, với nền tảng văn hóa tập thể sâu sắc, sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị sẽ dễ dàng dẫn đến xung đột nội bộ, lợi ích nhóm và tranh giành quyền lực làm xói mòn khối đoàn kết của toàn dân tộc. Việc kêu gọi “đa nguyên, đa đảng” tại Việt Nam không nhằm mục đích phát huy dân chủ, mà là thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng sự bất ổn để can thiệp, thao túng đất nước. Vì vậy, giữ vững thể chế chính trị một đảng cầm quyền lãnh đạo hiện nay là sự lựa chọn hợp lý và phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của đất nước ta.
Nhìn lại quá trình phát triển của Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, không thể phủ nhận rằng, chính sự lãnh đạo thống nhất, kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giúp đất nước đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Hệ thống một đảng lãnh đạo không chỉ phù hợp với bối cảnh lịch sử, văn hóa của Việt Nam, mà còn là yếu tố quyết định giúp duy trì sự ổn định chính trị, đoàn kết xã hội và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự ổn định chính trị là yếu tố then chốt để đất nước có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế và đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong tương lai.
Tóm lại, luận điệu “đa nguyên, đa đảng” của các thế lực thù địch không chỉ thiếu tính thực tiễn mà còn chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, chúng ta cần cảnh giác và phản bác mạnh mẽ những luận điệu này, đồng thời tiếp tục khẳng định niềm tin vào con đường phát triển đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hệ thống một đảng lãnh đạo hiện nay đã và đang chứng minh tính hiệu quả trong việc đảm bảo sự ổn định, phát triển và thịnh vượng cho đất nước, và đó chính là lựa chọn đúng đắn nhất cho tương lai của đất nước.
Lê Huy Hoàng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Nội