.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Gỡ rào cản "sợ trách nhiệm" vì một thế hệ dám nghĩ dám làm

Thứ Hai, 25/11/2024|15:35

Những năm gần đây, “sợ trách nhiệm” hay “bệnh sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã không còn là câu chuyện hiếm hoi mà ngày càng trở nên phổ biến trong việc xử lý các công việc chung ở nhiều cấp, ngành khác nhau. Thực tế này đặt ra yêu cầu vô cùng cấp thiết nhằm “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, mở cánh cửa mới cho các thế hệ tương lai dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. 

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân 

Bắt đầu từ việc mổ xẻ về mặt ngữ nghĩa, theo từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học (2003), “Trách nhiệm” mang 2 nghĩa như sau: (1) Phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả; (2) Sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả. Ở đây có thể hiểu, một khi đã nhận trách nhiệm về mình, dù kết quả là tốt hay xấu thì cá nhân cũng hoàn toàn phải đảm đương. 

Vốn dĩ, trong từ điển, “sợ” không đi đôi với “trách nhiệm”. Song, khi len lỏi vào cuộc sống hằng ngày, vào mọi mặt của đời sống xã hội, cụm từ “sợ trách nhiệm” hay “bệnh sợ trách nhiệm” dần đạt đến mức độ quen thuộc, trở thành hồi chuông khẩn cấp đối với đại đa số những người hoạt động liên quan đến bộ máy Nhà nước, đặc biệt là các cán bộ và Đảng viên.

Nhớ đến di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người từng đề cập gốc rễ  của căn bệnh này chính là: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm”.

d
Đảng bộ BIDV Chi nhánh Cầu Giấy đặc biệt đề cao các hoạt động an sinh xã hội trên tinh thần “lấy dân làm gốc”.

Kế thừa sâu sắc tư tưởng của Bác, vào thời điểm tháng 11/1973, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là biên tập viên Tạp chí Cộng Sản, đã có bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” đăng trên chuyên mục “Sinh hoạt tư tưởng” dưới bút danh Người Xây Dựng. Trong đó, đồng chí nhận định “Sợ trách nhiệm” là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên. Hay cụ thể hơn, đây chính là một dạng tiêu cực trong lý tưởng, có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân. 

Theo đó, người sợ trách nhiệm là người có những biểu hiện sau:

Một là, làm việc cầm chừng cho đủ bổn phận, cốt sao không phạm khuyết điểm;

Hai là, rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao;

Ba là, lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể, việc lớn việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn, chờ ý kiến tập thể cho đỡ phiền;

Bốn là, ngại va chạm với đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả cấp dưới, không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Từ đây, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh căn bệnh “sợ trách nhiệm” chính là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.

Về lâu về dài, ý chí đấu tranh tích cực của các cán bộ, Đảng viên “sợ trách nhiệm” cũng ngày một thui chột. Sự thiếu quyết đoán trong tư tưởng có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trên thực tế, đặc biệt là khi các phẩm chất tốt đẹp của người làm cách mạng trở nên lu mờ trước sự lây lan của tâm lý sợ sai, sợ “sóng to, gió cả”, sợ “đứng mũi chịu sào”. Vô hình trung, các tập thể, tổ chức, cơ quan liên quan rơi vào tình trạng mâu thuẫn nội bộ, mài mòn tinh thần dân chủ, thoái trào chất lượng các hoạt động từ riêng đến chung. 

Thậm chí, điều này còn có thể dẫn đến việc giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ, dưới nguyên tắc “dân là chủ và dân làm chủ” xuyên suốt từ những ngày xây dựng và phát triển đất nước đến nay, về cơ bản, người có tinh thần trách nhiệm càng cao thì sự tín nhiệm của nhân dân càng cao và ngược lại. 

Căn bệnh cũ trong hoàn cảnh mới 

Đứng trước những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế, chính trị, an ninh trên thế giới và tại khu vực, căn bệnh “sợ trách nhiệm” không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà còn có xu hướng bùng phát thành “dịch bệnh”.

Trở lại những ngày khó khăn của nền kinh tế hậu COVID-19, khi đó, cũng bởi bài ca “sợ chịu trách nhiệm”, “sợ sai”, “sợ thanh tra, kiểm tra”, “sợ kỷ luật”,... nên nhiều địa phương và cơ sở y tế không chủ động đấu thầu, đầu tư, mua sắm, gia hạn các trang thiết bị, vật tư, thuốc men, sinh phẩm y tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trầm trọng, thêm vào đó, cơ sở vật chất, vật tư thì không đảm bảo tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 

Không chỉ ở lĩnh vực y tế, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm đã sớm âm ỉ lan rộng vào nhiều cán bộ, đảng viên ở nhiều cấp và đa dạng lĩnh vực với danh nghĩa “làm theo luật”. Thậm chí, một bộ phận cán bộ còn nuôi dưỡng tư tưởng “3 không”, đó là: Không nói; Không tham mưu, đề xuất; Không triển khai hoặc triển khai cầm chừng. Vô hình trung, guồng máy hoạt động bị trì trệ, nhiều công việc rơi vào ách tắc, nguồn lực của đất nước không được phát huy. Thực tế này tác động trực tiếp và sâu sắc đến sự phát triển, đồng thời kìm hãm các mục tiêu, tiến trình vươn lên về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. 

Trước đó, nắm bắt chiều chiều hướng ngày càng nguy hại của tâm lý “sợ trách nhiệm”, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo một cách quyết liệt cả về mặt lý luận và thực tiễn nhằm “bắt bệnh, chữa bệnh”, nêu cao tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát hiện người tài, đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển.

Điển hình, Đảng ta đặt ra yêu cầu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Điều này thúc đẩy các cán bộ, đảng viên phải “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”. 

Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Qua đó, ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NÐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Từ đây tạo nền tảng pháp luật vững chắc,qua đó tạo điều kiện cho các cán bộ, đảng viên mạnh dạn giải phóng sức sáng tạo, tận dụng tối ưu tâm, tài và đức vào đón góp xây dựng phát triển địa phương, đơn vị. 

Tuy vậy, dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và mặt trái của nền kinh tế thị trường, để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi sâu, đi sát, tạo hiệu quả trên thực tiễn thì điều cốt yếu hiện nay vẫn là tạo ra sự thống nhất triệt để giữa phương châm cống hiến của cá nhân mỗi cán bộ và phương thức hoạt động của đơn vị, tổ chức trực thuộc. 

Nghiêm minh tạo bàn đạp cho các thế hệ sau

Thực tiễn đấu tranh đẩy lùi căn bệnh sợ trách nhiệm nói riêng và chống chủ nghĩa cá nhân nói chung đã cho thấy quan điểm, đường lối của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn và vẹn nguyên giá trị từ thời xây dựng đến phát triển đất nước.

Trước đây, với vai trò là nhà báo, là đảng viên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã mạnh dạn chỉ điểm “Người nào sợ trách nhiệm không phải là người lãnh đạo”. Hơn thế, khi đứng trên cương vị người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm, yêu cầu phải chấn chỉnh, khắc phục tình trạng “sợ trách nhiệm”, theo đó, đồng chí nhấn mạnh: “Ai không dám làm, không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm”.

Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần tăng cường tự soi, tự sửa, tự phê bình, tự rèn luyện đạo đức và lối sống, tự học tập và trau dồi năng lực chính trị nhằm “có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ”. Qua đó, vừa phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người hoạt động cách mạng như “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”, vừa đẩy lùi cái xấu xa, tiêu cực mà điển hình nhất trong giai đoạn hiện nay là “bệnh sợ trách nhiệm”, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân. 

Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị ở các cấp, các ngành cần thực hiện một cách đồng bộ, hệ thống các giải pháp khắc phục “sợ trách nhiệm”. Trước hết là tăng cường kiểm tra, giám sát, đào tạo về việc quán triệt, tổ chức thực hiện Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, điều lệ, quy chế, quy định, kết luận của Đảng cùng chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Song song với đó, cần đổi mới phương thức đánh giá, khen thưởng, phê bình cán bộ, đảng viên trực thuộc sao cho “đúng người, đúng lúc, đúng việc, đúng quy định”. Từ đó khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến trên tinh thần phát triển thực chất, xóa bỏ nhận thức “phông bạt” hoặc “cho có, cho xong”, vì nhân dân phục vụ. Để thực hiện những mục tiêu này thì điều quan trọng nhất vẫn là đề cao quan hệ kết nối có tính biện chứng sâu sắc với cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Nhận thức được tầm quan trọng của tinh thần đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm”, Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, đào tạo các cán bộ, đảng viên rèn luyện phẩm chất chính trị, tạo hiệu quả trực tiếp lên hoạt động kinh tế trong giai đoạn đổi mới của đất nước. 

Cụ thể, về mặt lý luận, Đảng ủy BIDV chủ động phổ biến, triển khai đồng bộ Kết luận số 14-KL/TW và Nghị định số 73/2023/NÐ-CP, qua đó khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trên tinh thần nâng cao chất lượng công tác trong sinh hoạt Đảng và tối ưu hoạt động ngân hàng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn được tạo điều kiện tiên phong bám sát các chủ trương, chính sách, quy định, kết luận, chỉ thị,... về học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng cường vai trò nêu gương, củng cố nền tảng lập trường và trên hết là coi trọng nguyên tắc dân chủ.

Về mặt thực tiễn, Đảng ủy BIDV chủ động đầu tư vào các ấn phẩm tuyên truyền về nội dung cốt lõi của công tác chính trị, công tác tư tưởng, hướng đến đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm” trên các kênh truyền thông chủ lực và các kênh truyền thông số của BIDV với nội dung trau chuốt và hình thức sinh động, mới mẻ. Nhờ đó, người xem có thể dễ dàng chú ý, tiếp cận, ghi nhớ và học hỏi. 

Đồng thời, Đảng ủy BIDV luôn chú trọng đổi mới tổ chức các phong trào thi đua thực chất, nâng cao nhận thức cán bộ, nhân viên, đảng viên, góp phần xây dựng và củng cố vị thế của một ngân hàng thương mại hàng đầu trong phong trào, mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước. 

Ngoài ra, Đảng ủy BIDV nói chung và các chi, bộ nói riêng cũng thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội nhằm kết nối giữa cán bộ với cơ quan, giữa cán bộ với người dân. Mới đây nhất, BIDV đã đóng góp 100 tỷ đồng để chung tay cùng ngành ngân hàng ủng hộ số tiền 1.000 tỷ đồng nhằm thực hiện  “Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” do Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. 

Ở cấp cơ sở, đơn cử, Đảng bộ BIDV Chi nhánh Cầu Giấy cũng hăng hái tham gia và tổ chức hàng loạt chương trình thiết thực như tặng quà cho bệnh nhân bệnh viện E; trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; xây dựng và trao tặng công trình nhà văn hóa bản Kít, tỉnh Thanh Hóa;... 

Hoạt động tích cực của BIDV nói riêng và các cơ quan, đơn vị, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương nói chung về công tác đẩy lùi “bệnh sợ trách nhiệm” chính là bàn đạp mạnh mẽ và hiệu quả nhất nhằm nuôi dưỡng các thế hệ cán bộ chuẩn mực “vừa hồng vừa chuyên”, sẵn sàng cống hiến, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Bởi, xét đến cùng, thành công hay thất bại của bất kỳ một nội dung nào cũng xuất phát từ cán bộ và công tác cán bộ. Nếu chính bản thân cán bộ, đảng viên tiếp tục cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân thì không chỉ bệnh “sợ trách nhiệm” mà sẽ còn bùng nổ nhiều “căn bệnh” đáng quan ngại hơn về nhân phẩm “những người làm quan” mà xã hội đang kỳ vọng. 

Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh đẩy lùi thoái hóa tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên thực tế rất cần sự đồng bộ từ cơ chế đến quy chế tại mỗi cơ quan, đơn vị. Theo đó, liều thuốc hiệu quả nhất để cụ thể hóa mọi yêu cầu trên chính là “Việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, việc có hại cho dân thì ra sức tránh”, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. 

Đảng bộ BIDV, Chi nhánh Cầu Giấy

 

Tài liệu tham khảo

(1) Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học (2002), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, tr.1020.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, t. 11, tr. 467.

(3) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.466, 467, 468.

(4) Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

(5) Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ: Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

 

.
.
.
.