Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Học Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Bác đã đi xa nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nguyên giá trị.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo Người: Tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Người tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất. Thực hành tiết kiệm không phải là bủn xỉn, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Không phải ép mọi người nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân. Không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Bởi vậy, nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm nhiều nội dung và ở mọi thời điểm, tất cả mọi người, mọi cơ quan, trong các hoàn cảnh cụ thể đều phải tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm lời nói,… Theo Bác, Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “một người làm bằng hai, ba người”. Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác. Vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”. Người căn dặn: làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Người dặn dò phải nhớ rằng: “Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Nhưng “khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”. Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”. Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm”.
Theo Bác, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đạo đức cách mạng, của người cán bộ cách mạng. Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần; là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Bác dạy “Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to; Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra”. Người luôn hiểu rằng “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào”…
Đi đôi với việc thực hành tiết kiệm phải chống lãng phí, chống bệnh quan liêu, vì theo Bác, ruộng đất, máy móc không tự nó làm ra của cải mà phải do sức lao động của con người sáng tạo nên. Do đó, nếu làm ra được bao nhiêu lại tiêu xài hết bấy nhiêu thì không lại hoàn không; “sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống”. “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí có các nội dung: Lãng phí sức lao động. Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người, nên sinh ra lãng phí sức lao động. Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Lãng phí tiền của nhà nước, cơ quan, của cá nhân biểu hiện ở nhiều mặt: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm, các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý… Nguyên nhân của lãng phí là “Do quan liêu, thiếu trách nhiệm”, do “lập kế hoạch không chu đáo”, do “tính toán không cẩn thận”, hoặc “vì xa xỉ, phô trương hình thức”, các tác hại của lãng phí.
Theo Bác, “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng lại rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, lãng phí cũng có tội, nhân dân giao tiền của cho mình, để lãng phí là có tội với nhân dân. Bởi vậy, phải tích cực chống lãng phí. “Mọi ngành, mọi người, mọi tổ phải ra sức thi đua… Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí”. Lãng phí cùng với tham ô và bệnh quan liêu là “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân”.
Theo Người, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”.
Tấm gương mẫu mực Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí biểu hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc và trong sinh hoạt hàng ngày. Người sống một đời sống vật chất giản dị, đạm bạc và chỉ sử dụng cho mình những vật dụng tối cần thiết. Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù trong chiến tranh ở chiến khu hay trong hoà bình tại Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống giản dị, tiết kiệm như một lẽ tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày. Người dành khoản tiết kiệm cá nhân để dùng cho hoạt động của tổ chức, đoàn thể, cách mạng.
Để tiết kiệm thời gian của cán bộ nhân dân, Người chủ động đến dự lớp học, thăm cán bộ, nhân dân, chiến sỹ rất đúng giờ. Những câu chuyện cảm động như Bác đội mưa đến dự Hội nghị đúng giờ để nhiều người không phải chờ đợi. Người kêu gọi trong mọi hành động, mọi lĩnh vực và mỗi người đều phải tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt yêu cầu phải triệt để tiết kiệm của công vì đó là mồ hôi, công sức của dân, xương máu của bộ đội, chiến sĩ… Người yêu cầu phải tiết kiệm thời gian, giảm họp hành, họp phải đúng giờ. Theo Bác, yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực chống lãng phí để xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tấm gương đạo đức sống trong sạch, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là mẫu mực cho mọi người Việt Nam học tập, làm theo mà còn được báo chí nước ngoài, bạn bè quốc tế nhiều lần nhắc đến, mến phục.
Học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Quán triệt và thực hiện chữ "Kiệm" theo lời dạy của Bác Hồ, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thực hành tiết kiệm cụ thể, thiết thực. Kế thừa Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị (khóa X), Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chỉ thị đã xác định rõ yêu cầu, nội dung, biện pháp cần phải tiến hành của các cấp, các ngành, các địa phương. Một số nội dung trọng tâm về học tập và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm:
- Một là, cần phải tích cực tuyên truyền nhằm làm cho nhiều người trong xã hội, trước hết là những người xung quanh mình có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích to lớn của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như tác hại của lãng phí đối với bản thân, gia đình và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy mọi người tích cực hơn trong học tập và làm theo Bác. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo nên một hệ thống gồm nhiều tấm gương điển hình cán bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Hai là, tạo lập các phong trào thi đua sôi nổi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong từng hành động, việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động, “tuy việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, lưu trữ văn bản, tài liệu, thông tin liên lạc, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tiết kiệm, chi đúng thực tế. Chủ động tiết kiệm chi phí trong tổ chức hoạt động, thực hiện phương châm tổ chức hoạt động theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực, không xa hoa, lãng phí nhưng vẫn đạt hiệu quả. Ý thức đi làm, đi học, hội họp, sinh hoạt đúng giờ; rèn luyện tác phong công nghiệp, dùng thời gian rỗi vào việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, giảm thời gian “tán gẫu” trên mạng xã hội.
- Ba là, gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn. Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt trong tổ chức, cơ quan, đơn vị cụ thể mà mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động cần có trách nhiệm, việc làm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp. Nhưng nhất thiết phải luôn đề cao ý thức bảo vệ của công, coi trọng lao động, có ý thức công cộng tốt, gương mẫu trong cơ quan, đơn vị, địa phương, chi đoàn, chi hội... Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực như: không đi muộn về sớm; hoàn thành tốt nhiệm vụ theo tiến độ; tiết kiệm giấy mực cho cơ quan; sử dụng điện nước một cách hợp lý… Thực hiện chi tiêu, kiểm tra sổ sách rõ ràng, tránh tổ chức hoạt động lãng phí, không hiệu quả. Đối với cán bộ lãnh đạo ngoài việc thực hiện tốt chuyên môn theo chức trách là nhiệm vụ chủ yếu, cần phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần đổi mới phương pháp công tác, đổi mới lề lối làm việc, hội họp gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng công việc; dùng thời gian rỗi để tham gia hoạt động có ích, tận dụng tối đa thời gian vào việc có ích.
- Bốn là, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch, sử dụng thời gian hợp lý, nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi sinh hoạt cá nhân và ở nơi công cộng. Biết cách lập kế hoạch làm việc một cách khoa học, có tính chủ động, sáng tạo cũng là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đó chính là cách tiếp cận vấn đề một cách khoa học, gắn với yêu cầu của thực tiễn và điều kiện lịch sử. Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, mỗi người cần có kế hoạch cụ thể, tránh tùy tiện “đến đâu tính đó”, cần từ bỏ lối suy nghĩ “được chăng hay chớ”, “đến hẹn lại lên”; phải biết phân bổ thời gian, công sức, tiền bạc hợp lý cho từng công việc; xác định được nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của mình ở từng giai đoạn, thời điểm, cương vị công tác để đầu tư thời gian, công sức phù hợp, đem lại kết quả tốt. Trong trình bày, diễn đạt cần tiết kiệm lời, nói và viết ngắn gọn nhưng thông tin nhiều, nói đi đôi với làm, tốt nhất là nói ít làm nhiều. Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như quá đà chơi điện tử, nói chuyện phiếm trên zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vu, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống… cần đầu tư cho việc học tập, tăng năng suất cho việc nghiên cứu chuyên môn.
Phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Đảng bộ MobiFone
Tại Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ nhân viên luôn bám sát, thực hiện nghiệm túc các kết luận và chỉ thị của Trung ương về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng bộ Tổng công ty. Cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn, đoàn thể các cấp luôn xem việc triển khai tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm việc học tập, làm theo Bác là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong toàn Đảng bộ Tổng công ty. Tùy theo vị trí công việc, sinh hoạt của mỗi cấp tổ chức, đơn vị cụ thể mà mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động luôn nhận thức được trách nhiệm, việc làm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho phù hợp, gắn liền với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng tại đơn vị đảm bảo hiệu quả; trong đó người đứng đầu mỗi tổ chức đã luôn gương mẫu, vận động và tích cực tham gia thực hành tiết kiệm chống lãnh phí.
Đảng ủy Tổng công ty, các cấp ủy Đảng, các đồng chí Bí thư chi bộ đã phổ biến, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện học tập cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp tình hình và nhiệm vụ chính trị từng đơn vị, qua đó các đảng viên, người lao động tự nâng cao ý thức vận dụng sáng tạo vào cuộc sống và công việc, tối ưu hiệu quả việc thực hành tiết kiệm chống lãnh phí góp phần hiệu quả chung của hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Tổng công ty cũng đã liên tục có những đổi mới tối ưu, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Tổng công ty qua các đề án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó việc sắp xếp mô hình tổ chức, công tác cán bộ được tinh chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác rà soát, ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa các nghiệp vụ tiến tới chuyển đổi số, tiết giảm các thủ tục hành chính, hiệu quả về mặt thời gian, giảm thiểu khâu giấy tờ hỗ trợ tốt cho công tác điều hành chỉ đạo kịp thời nhanh chóng như việc đưa các hệ sinh thái ứng dụng chuyển đổi số tại văn phòng (eOffice, Meeting, sổ tay Đảng viên điện tử, ERP…) vào khai thác sử dụng tại Tổng công ty.
Tổng công ty cũng luôn hướng tới việc tiết kiệm là mục tiêu, chống tham nhũng là nhiệm vụ, luôn xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, người đứng đầu và cụ thể hóa trong những quy định, quy trình, phân công, các chế tài giám sát, kiểm tra hàng năm với từng đơn vị, đặc biệt là chú trọng các lĩnh vực, khu vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Hiện nay, việc thực hiện nghiêm các quy định về mua sắm tài sản, xây dựng và sử dụng các trụ sở, đi công tác, tổ chức sự kiện… được Tổng công ty thực hiện theo các quy trình, quy định chặt chẽ, đặt ra yêu cầu đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh lãnh phí. Công tác khuyến khích cán bộ ở các bộ phận chức năng tham gia đề suất sáng kiến, có biện pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả các nguồn lực mạng lưới, hiệu quả kinh doanh …và cũng đã có những biểu dương khen thưởng kịp thời để nhân rộng các sáng kiến góp phần tiết kiệm và hiệu quả cho các nguồn lực của Tổng công ty.
Trong công tác đầu tư phát triển mạng lưới MobiFone, việc thực hành tiến kiệm, chống lãng phí cũng được thể hiện rất cụ thể, đó là các đơn vị chức năng thẩm định các đề xuất của Trung tâm về trang bị mở rộng năng lực mạng lưới phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh đều dựa trên việc tận dụng tối đa các nguồn lực hiện hữu trước hết; đối với đơn vị vận hành khai thác là có đánh giá cụ thể hiệu suất sử dụng các thiết bị trên mạng lưới, có các phương án dồn dịch điều chuyển phân bổ lại nguồn lực thiết bị để có hiệu quả sử dụng cao nhất. Việc trang bị bổ sung thêm các thiết bị mới, phần mềm, tính năng để nâng cấp trên các thiết bị hiện hữu được đánh giá kỹ càng dựa trên các số liệu nhu cầu sử dụng của khách hàng, được áp dụng trên quy mô rộng, đã tiết giảm được chi phí đầu tư và không bị lãng phí năng lực viễn thông so với việc đầu tư mới hoàn toàn các hệ thống cũng như các trạm phát sóng mới, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng sử dụng mạng.
Hiện nay Tổng công ty ngoài việc quy hoạch phát triển những công nghệ mới như 5G, các hệ thống 4G hiện hữu vẫn đóng vai trò quan trọng xương sống của mạng lưới, việc đưa các giải pháp tự động hóa giám sát, tối ưu hóa, thiết kế mạng (như SmartF, Geolocation, Atoll Planning…) cũng giúp cho công tác vận hành khai thác, triển khai nâng cấp, tăng cường mạng hiện hữu đạt hiệu quả và không bị lãng phí dung lượng thiết kế mạng sẽ được tập trung phục vụ những khu vực “Hot”, có nhiều thuê bao và nhu cầu sử dụng lớn, hiệu quả kinh doanh cao.
Đứng trước bối cảnh mới, với định hướng trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, là doanh nghiệp thuộc nhóm hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, MobiFone sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động trong vai trò dẫn dắt, xây dựng các hạ tầng số, tạo nền tảng cho mục tiêu phát triển kinh tế số, trong quá trình đầu tư phát triển này đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn và vốn đầu tư, thời gian, con người… Tổng công ty cũng luôn xem xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đóng vai trò song hành để đảm bảo việc giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên viễn thông, lao động, thời gian lao động, thực hiện nghiêm túc tư tưởng về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, có giải pháp hoạt động thực tế tại mỗi đơn vị và việc làm của mỗi cá nhân, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, hiệu suất góp phần đem đến thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.
Nguyễn Hồng Kiên - Chi bộ Ban Phát triển mạng lưới
Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone