.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

"Hướng về Bác Hồ và các anh hùng của dân tộc nhân một ngày mưa cuối tháng 7"

Thứ Ba, 05/11/2024|10:03

Một ngày cuối tháng 7 năm 2024, đã 8h tối, bàn làm việc của tôi vẫn sáng đèn do cuối tháng nhiều hồ sơ cần xử lý. Ngoài trời đang mưa rất to do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tôi chợt nhìn lịch và nhớ đến cuối tuần đã là ngày Thương binh liệt sỹ. Hàng năm, vào ngày này, gia đình tôi vẫn làm mâm cơm thắp hương cho chú ruột tôi đã hy sinh ở Thành cổ Quảng trị năm 17 tuổi. Chú tôi và bao nhiêu anh hùng liệt sỹ khác đã mãi mãi gửi gắm tuổi xuân nơi chiến trường. 

Ngày 27/7/1947 đáng nhớ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn là ngày để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và những người có công với đất nước. 74 năm đã trôi qua, Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã trở thành một ngày có ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại của dân tộc,…

d
Đảng bộ BIDV Chi nhánh Hồng Hà thăm khu di tích quốc gia Pác Bó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Người đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”.

Nội dung tư tưởng, những tình cảm thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các gia đình liệt sĩ và thương bệnh binh được thể hiện một cách nhất quán, cụ thể, thiết thực và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Thương binh, liệt sỹ là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá chính xác ý nghĩa và giá trị sự hy sinh vì độc lập, tự do của các chiến sĩ. Người cho rằng công tác thương binh, liệt sĩ ngang tầm với hoạt động văn hóa, là sự kế thừa và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc Việt Nam.

Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Từ những tư tưởng, lời nói, bài viết và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy rằng, Người đã làm cho sự hy sinh của các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công cách mạng càng thêm cao đẹp hơn bằng cách gắn sự tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh vào ý thức của mỗi người dân Việt Nam. Người căn dặn thế hệ hiện tại và mai sau luôn có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với những người đã hy sinh, những mất mát của những người đã chiến đấu và gia đình họ.

d
Thành kính dâng hưởng tưởng nhớ Chú tịch Hồ Chí Minh.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Chi nhánh Hồng Hà luôn chú trọng đưa các nội dung tư tưởng của Người vào các kỳ sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các buổi tham quan, giao lưu, học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ các hoạt động có ý nghĩa này mà Đảng viên, người lao động thêm hiểu, thêm yêu và gắn bó với Đảng, với đường lối của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng vào công tác chuyên môn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh được giao.

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” cũng được Chi nhánh Hồng Hà thường xuyên tổ chức, vừa là những hoạt động cộng đồng ý nghĩa, vừa góp phần xây dựng sự đoàn kết, sức lan tỏa mạnh mẽ trong Đoàn viên, người lao động.

Trong những ngày này, thật là trung hợp, cả đất nước và Đảng ta cũng đang cùng chung một nỗi đau lớn, đó là sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người lãnh tụ vĩ đại, người học trò đáng kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu về các anh hùng liệt sĩ, thương binh như sau: "Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. "Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ông bà cha mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu, anh chị em... mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nói. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền với sử sách”.

Vâng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã dành cả đời cống hiến cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam giàu mạnh, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Tiếng thơm của đồng chí Tổng Bí thư cũng sẽ muôn đời lưu truyền sử sách.

Tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các anh hùng liệt sĩ; chúng ta, các thể hệ sau quyết tâm học tập, noi theo và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, phấn đấu rèn luyện đạo đức và trí tuệ, hoàn thiện bản thân, góp phần tôn vinh văn hóa BIDV, xây dựng Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) vững mạnh, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh, đưa BIDV trở thành “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” về mọi mặt hoạt động và vươn tầm quốc tế.

d
Đại diện BIDV Chi nhánh Hồng Hà trao quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ.


Đảng bộ BIDV

 

.
.
.
.