.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Không thể xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng

Thứ Sáu, 29/11/2024|22:43

Tài chính ngân hàng là lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, tạo nên tiềm lực sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo, nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về xây dựng nền kinh tế hùng cường, các chính sách kinh tế không ngừng được bố sung, phát trỉến, đổi mới phù hợp với thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu to lớn, nâng cao vị thế, uy tín, tiềm lực, sức mạnh mới cho đất nước. Tuy nhiên, với dã tâm phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động đã dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, hướng lái dư luận xóa bỏ vai trò lãnh đạo về mọi mặt của Đảng trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Ba luận điệu xuyên tạc chủ yếu của các thế lực thù địch

Thời gian gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước dùng các luận điệu chống phá nhằm vào các hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, kẻ xấu triệt để lợi dụng mạng xã hội và một số báo, đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài để xuyên tạc, bóp méo trắng trợn quan điểm, đường lối của Đảng khi lợi dụng thông tin liên quan đến các vụ án lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thời gian qua như: Vụ án liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB. Thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá của chúng là: Đăng tin, bài viết, video đãng tải nội dung kêu gọi, khuyên người dân tập trung đi rút tiền trước hạn tại các ngân hàng; đăng tải hình ảnh, video người dân tập trung đông tại các trụ sở, cây ATM của các ngân hàng tại các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Trên thực tế, Đảng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp, chính sách, đồng thời chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm để đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Một luận điệu nữa mà kẻ xấu thường “bấu víu”, đó là xuyên tạc về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Chúng cho rằng, Đảng ta can thiệp quá mức vào lĩnh vực kinh tế, tài chính và ngân hàng, dẫn đến môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh và kìm hãm sự phát triển. Trong những năm gần đây, thị trường kinh tế, tài chính có nhiều biến động, chúng bám vào việc vàng miếng được phân phối thông qua kênh bán hàng tại các Ngân hàng thương mại để xuyên tạc rằng Đảng ta đang thông qua Ngân hàng Nhà nước để “thâu tóm” nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển theo nền kinh tế thị trường, “lũng đoạn” nền kinh tế. Thêm vào đó là chúng dùng các hình ảnh người dân xếp hàng đi mua vàng đế củng cố thêm các luận điệu xuyên tạc, đánh vào tâm lý của người dân đồng thời dùng những lời lẽ kích động để người dân sợ “mất cơ hội”, sợ “bị khống chế nguồn cung” để đổ xô đi mua vàng, gây việc điều tiết thị trường vàng trở nên khó khăn hơn. Chúng xuyên tạc, phủ nhận các chính sách đang thực hiện để bình ổn thị trường và đảm bảo sự ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Luận điệu thứ ba mà chúng ta có thể nhận thấy, đó là các thế lực thù địch phủ nhận, thậm chí xuyên tạc vai trò của các tổ chức Đảng trong các Khối doanh nghiệp và trong các hệ thống ngân hàng. Chúng cho rằng, các tổ chức Đảng cơ sở được thành lập chỉ mang tính hình thức, không có ảnh hưởng rõ ràng đến các quyết định quản lý và hoạt động kinh doanh thực tế hoặc cho rằng tổ chức đảng tại các đơn vị kinh doanh không có đủ năng lực chuyên môn để đưa ra những quyết định hiệu quả trong quản lý kinh doanh, dẫn đến sự kém hiệu quả. Thực tiễn các tổ chức Đảng đang thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, định hướng chính trị phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm và hiệu quả trong hoạt động tài chính.

Những giá trị không thể phủ nhận

Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên hoàn toàn vô căn cứ, bởi, quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: “Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết họp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Do đó, đảm bảo ổn định nền kinh tế là một trong những nhân tố quyết định đến sự lớn mạnh của Quốc gia. Đảng ta đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chính sách nhằm duy trì ổn định vĩ mô, định hướng các chính sách tài chính và ngân hàng, đảm bảo rằng các quyết định chiến lược phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đối với ngành tài chính ngân hàng, Đảng ta có vai trò lãnh đạo quan trọng trong việc định hướng chính trị và phát triển bền vững, giúp đảm bảo các hoạt động kinh doanh phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các tổ chức đảng thường tham gia vào quá trình ra quyết định quan trọng, đảm bảo rằng các chiến lược phát triển không chỉ dựa vào lợi nhuận mà còn quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng còn góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tính kỷ luật trong các đơn vị kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.

Mặc dù không có cơ sở cả lý luận và thực tiễn, song, có thể nói, những thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch vẫn ít nhiều gây hoang mang, tạo sự nghi ngờ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đường lối chính sách quản lý nền kinh tế của Đảng ta. Từ đó, tác động tiêu cực đến quá trình triển khai, thực hiện đường lối của Đảng về đảm bảo ổn định và phát triển nền kinh tế và gây bất lợi cho ta trong quá trình xây dựng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ động cung cấp thông tin, ứng phó hiệu quả trước các luận điệu xuyên tạc

Để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, sự xuyên tạc trắng trợn kể trên, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với các chính sách điều hành, phát triển nền kinh tế đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng. Cùng với đó, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống luật pháp của Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ định hình và phát triển ngành tài chính ngân hàng, góp phần vào sự phát triến bền vững của nền kinh tế quốc dân.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác của nhân dân trước những thông tin và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch liên quan đến lĩnh vực ngành tài chính ngân hàng. Tuyên truyền quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng nền kinh tế phát triến bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; làm rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động để tạo ra sự bất ổn trong nền kinh tế. Cần tập trung tuyên truyền làm rõ vị trí, vai trò của Đảng ta, hướng tới thống nhất nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, chính thống về những vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế; những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong nước, khu vực và quốc tế, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, cách tiếp cận đúng cho nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.

Cùng với các biện pháp trên, cần tập trung xây dựng lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ lý luận cao, hiểu biết sâu sắc về các chính sách kinh tế. Chú trọng nâng tầm lý luận, kinh nghiệm để lực lượng này là nòng cốt, xung kích trong đấu tranh, phản bác những thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thường xuyên rà soát, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân. Từng cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tích cực, chủ động, bổ sung kiện toàn kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ, phòng chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ. Đồng thời, cần tăng cường giám sát, không để các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động chống phá, bất hợp pháp, cần phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, quần chúng nhân dân trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Song song với tổ chức các biện pháp đấu tranh, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, nhằm củng cố niềm tin vào đường lối của Đảng. Thiết lập một hệ thống giám sát toàn diện, bao gồm cả kiểm tra định kỳ và đột xuất. Điều này giúp phát hiện sớm các sai phạm và đảm bảo các tổ chức tài chính hoạt động theo quy định. Khuyến khích phản ánh từ người dân và khách hàng về các hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Điều này không chỉ giúp phát hiện sai phạm mà còn tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng, giúp công tác giám sát và kiểm tra trong ngành tài chính ngân hàng sẽ trở nên hiệu quả hơn, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nhận diện, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tài chính ngân hàng là cuộc chiến khó khăn, phức tạp. Để nâng cao chất lượng của hoạt động đấu tranh, thời gian tới, các thành phần trong ngành kinh tế trong đó nòng cốt là ngành tài chính ngân hàng cần tiếp tục có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cùng toàn dân đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch để phát triển nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặng Thị Đào, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Sơn Tây

 

.
.
.
.