Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay (3 kỳ)
Kỳ 1: Chuẩn mực đạo đức cách mạng là cội nguồn sức mạnh của Đảng
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nền tảng và là sức mạnh nội sinh để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng trong giai đoạn mới.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng”. |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng, nhà tư tưởng quan tâm và bàn luận nhiều nhất về vấn đề đạo đức, đặc biệt là đạo đức cách mạng. Tư tưởng về đạo đức cách mạng của Người đã trở thành nền tảng lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong suốt hơn 94 năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng. Bản thân Người đã là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin; là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại cả phương Đông lẫn phương Tây mà Người đã tiếp cận được trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách. Người nêu những yêu cầu cụ thể về đạo đức cách mạng, trong đó, chuẩn mực đạo đức chung của người cán bộ, đảng viên. Một là Trung với nước, Hiếu với dân. Trung với nước là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trung thành với con đường đi lên của đất nước; là suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng. Hiếu với dân thể hiện ở chỗ gần dân, kính trọng dân, học tập dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc, thương dân, tin dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Hai là phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", phẩm chất "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, coi đây là những chuẩn mực đạo đức cần phải có của con người. Thực hiện được "cần, kiệm, liêm, chính" thì sẽ tiến đến "chí công vô tư" biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.
Tóm lại, đạo đức cách mạng được thể hiện rõ trong các mối quan hệ lớn, đó là: với Tổ quốc và nhân dân thì phải trung - hiếu, với bản thân mình thì phải cần, kiệm, liêm, chính; với công việc thì phải chí công vô tư; với con người thì phải yêu thương, với nhân loại phải có tinh thần quốc tế trong sáng...
Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản của quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đó là "nói đi đôi với làm", nêu gương đạo đức, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc. Đạo đức cách mạng tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người, do đó người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải làm gương trong công việc cũng như trong lối sống sinh hoạt hằng ngày, không ngừng nâng cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, giữ vững được phẩm chất, tư cách của người cách mạng.
Trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng gần 40 năm, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cho sự phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, hệ quả của nền kinh tế thị trường sơ khai và sự kém tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đã làm một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về đạo đức, lối sống. Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế 4.0 hiện nay, những cám dỗ vật chất và tinh thần từ cuộc sống tác động rất mạnh mẽ, nếu không giữ vững mục tiêu rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, cán bộ, đảng viên sẽ trở thành tấm gương xấu có thể gây mất lòng tin và làm giảm uy tín của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, nếu sự suy thoái về đạo đức không được ngăn chặn kịp thời, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm xói mòn hệ giá trị đạo đức mà dân tộc ta và Đảng ta đã dày công xây dựng. Chỉ có chuẩn mực đạo đức khi được thấm nhuần thành lẽ sống, mới có tác dụng phòng ngừa, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tránh khỏi sai lầm. Do đó, xây dựng và thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang là yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
Thầm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, không ngừng nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật trong sạch, vững mạnh. Các quy định về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện nêu gương đã được Đảng ta ban hành một cách có hệ thống như: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm…
Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến vấn đề rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và coi đây là một trong những giải pháp cốt lõi để xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt. Theo quan điểm của Tổng Bí thư, nếu cán bộ là “cái gốc của mọi việc” thì phẩm chất, đạo đức của cán bộ phải song hành với tài năng, trong đó “đức phải là cái gốc”. Bài học về “gốc đạo đức” đã được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các bài viết, phát biểu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Muốn cành, lá không bị sâu bệnh thì cái “gốc đạo đức” phải được vun xới không ngừng nghỉ. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TW). Quy định số 144-QĐ/TW là bước tiến trong cụ thể hóa hơn nữa các quy định đối với cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã ban hành trước đó. Quy định có ý nghĩa sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng và hệ thống chính trị. Nhất là, trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, quy định này cũng là kim chỉ nam để tổ chức đảng các cấp chuẩn bị công tác nhân sự, xem xét, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, có tâm, xứng tầm đưa vào quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới.
Với 19 nội dung rất ngắn gọn, súc tích, cô đọng và cụ thể, được thể hiện trong 5 điều, Quy định số 144-QĐ/TW vừa bao hàm toàn diện các nội dung quy định người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc vừa nêu rõ các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, cụ thể như sau: Một là, yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Hai là, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bốn là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Năm là, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Các nhóm chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong Quy định số 144-QĐ/TW đều rất sâu sắc, nội dung khách quan, khoa học về lý luận và thực tiễn. Các nội dung của Quy định số 144-QĐ/TW không chỉ là chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện bản thân mà còn là những tiêu chuẩn để sàng lọc, sử dụng cán bộ của Đảng. Thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng trên sẽ giúp cán bộ, đảng viên xác định được mục tiêu, lý tưởng, phương thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đúng đắn; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có động cơ hành động trong sáng vì lợi ích chung; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí phấn đấu vươn lên; “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ham danh lợi, không làm tổn hại đến danh dự, uy tín, lợi ích của đất nước, của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Quán triệt, thực hiện Quy định số 144 là nội dung, giải pháp quan trọng làm cho đạo đức cách mạng trở thành hồn cốt của văn hóa Đảng, là động lực mạnh mẽ phát triển và bảo vệ đất nước. Chuẩn mực đã có, tiêu chí cũng đã rõ ràng, việc còn lại là mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng và không ngừng rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân. Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng và hệ thống chính trị cần nghiêm túc, gương mẫu thực hiện Quy định số 144 gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về trách nhiệm nêu gương, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII...; đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng. Việc tự giác thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao sức mạnh “nội sinh” của Đảng, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, góp phần hoàn thành sự nghiệp vẻ vang, xây dựng nền đạo đức Việt Nam ngang tầm với những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Kỳ 2: Thực trạng việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng hiện nay
Ngành Ngân hàng có vị trí và vai trò hết sức quan trọng, tác động tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Vì vậy, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ ngành Ngân hàng cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng, cùng với yêu cầu phải không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong giai đoạn hiện nay, đạo đức ngân hàng càng được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực
“Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam trao Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Việt Nam cho các tập thể đạt giải cao tại Cuộc thi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”. |
Ngành ngân hàng có một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay. Nó không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần, trung gian giao dịch mà nó còn tác động rất lớn đến sự ổn định cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đối với cán bộ làm công tác tài chính ngân hàng, việc rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức là rất quan trọng bởi hoạt động tài chính ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt - kinh doanh tiền tệ, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều nguồn tiền, nắm giữ trong tay nguồn tài chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của người dân, doanh nghiệp và đất nước. Ngày 20/2/1952, trong bức thư gửi cán bộ tài chính - ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng: chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”. Yêu cầu không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, yêu cầu tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho các cán bộ ngân hàng luôn được Đảng và nhà nước ta hết sức chú trọng.
Trên thực tế ngành Ngân hàng là một trong các ngành triển khai nhanh, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương chung của Chính phủ về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đẩy mạnh văn hóa công sở... Ngành ngân hàng đã tích cực quán triệt và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện các nhiệm vụ của Ngành mà Đảng và nhà nước đã giao. Ngành ngân hàng đã xây dựng được một nền tảng pháp lý khá đầy đủ và toàn diện như: Quy chế văn hóa công sở (Quyết định số 454/QĐ-NHNN ngày 26/2/2008 và Quyết định số 2228/QĐ-NHNN ngày 8/10/2013); Quy chế làm việc của NHNN Việt Nam (Quyết định số 31/2008/QĐ-NHNN ngày 7/11/2008 và Quyết định số 2805/QĐ-NHNN ngày 30/12/2014); Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Đề án văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 2471/QĐ-NHNN ngày 26/11/2019). Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các Quy định về nêu gương đã tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cả trong nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người đứng đầu các cấp luôn phát huy được tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, tự giác trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chức trách được phân công, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết trong cán bộ, đảng viên ngành ngân hàng về những phẩm chất đạo đức cần thiết, văn hóa ứng xử của cán bộ ngân hàng trong nội bộ và với đối tác, khách hàng, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro đạo đức nghề nghiệp trong khi thi hành công vụ và xây dựng hình ảnh đẹp của ngành ngân hàng đối với xã hội, ngày 25/2/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử cho cán bộ ngân hàng. Trên tinh thần chắt lọc những giá trị cốt lõi, những yêu cầu căn bản về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với người cán bộ ngân hàng. Bộ chuẩn mực được xây dựng ngắn gọn, cô đọng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; trong đó, nêu 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Sáu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: (1) Tính tuân thủ; (2) Sự cẩn trọng; (3) Sự liêm chính; (4) Sự tận tâm và chuyên cần; (5) Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; (6) Ý thức bảo mật thông tin. Mỗi chuẩn mực nêu lên những điều cán bộ ngân hàng cần phải làm và những điều cán bộ ngân hàng không được làm. Hai quy tắc ứng xử gồm Ứng xử trong nội bộ và Ứng xử với khách hàng và đối tác. Để Bộ chuẩn mực đi vào nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Bộ chuẩn mực đến từng cán bộ, nhân viên ngân hàng để nắm, ghi nhớ và có ý thức tu dưỡng, rèn luyện; vận động các tổ chức tín dụng, tổ chức hội viên triển khai Bộ chuẩn mực dưới nhiều hình thức thích hợp tại đơn vị mình; triển khai việc đào tạo, tập huấn nội dung Bộ chuẩn mực; xây dựng bộ bài giảng E-learning và đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông, giúp cho việc tiếp cận Bộ chuẩn mực dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả hơn. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử cho cán bộ ngành ngân hàng đã giúp nâng cao lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng.
Năm 2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã triển khai tổ chức “Cuộc thi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” nhằm tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Bộ chuẩn mực. Sự thành công của Cuộc thi đã có tác động lớn tới toàn ngành ngân hàng, lan toả hiệu quả trên nhiều góc độ. “Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” đã ngày càng được nhân rộng, giúp xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng chuyên nghiệp, tin cậy, góp phần tạo dựng môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngành ngân hàng đối với xã hội. Những kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc phục vụ nền kinh tế mà còn thể hiện việc vận dụng hiệu quả tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong từng hoạt động, đặc biệt trong việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành ngân hàng, góp phần xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh và phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả, những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc xây dựng, đào tạo rèn luyện, nâng cao chuẩn mực đạo đức cho cán bộ đảng viên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới và các mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự cổ xúy cho lối sống hưởng lạc, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, tác động tiêu cực của mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, đã tạo ra rất nhiều rủi ro thách thức đặc biệt là những thách thức liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến hành vi tham nhũng, sai trái với chuẩn mực đạo đức của người đảng viên. Hiện tượng báo động hiện nay là các đại án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng liên tục được phát hiện. Nổi lên gần đây nhất là đại án Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, trở thành một trong các vụ bê bối kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Những đại án này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế với con số vô cùng lớn được tính bằng nghìn tỷ đồng. Những vụ án trong ngành ngân hàng giai đoạn gần đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ ngân hàng vì những vụ án này xảy ra chủ yếu là do các cán bộ trong ngành chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân. Điều này dẫn đến sự mất niềm tin của công chúng, ảnh hưởng đến thị trường tài chính và uy tín của ngành ngân hàng. Tình hình đó đòi hỏi chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành ngân hàng cần có sự phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay. Mỗi cán bộ ngân hàng cần phải suy ngẫm về những căn dặn hết sức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tại bức thư gửi cán bộ ngành tài chính - ngân hàng năm 1952, ý thức rõ hơn nữa đặc thù nghề nghiệp để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của Ngành, trong đó rất quan trọng là xây dựng đạo đức cách mạng tương ứng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Kỳ 3: Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên Vietcombank theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu có tính cấp thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Với vị thế ngân hàng số 1 Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới.
“Đảng bộ Vietcombank tổ chức thành công Hội thi Văn hóa Vietcombank dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh”. |
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank luôn tiên phong đi đầu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Nhà nước và ngành Ngân hàng giao. Nhờ chiến lược phát triển đúng đắn với lộ trình phù hợp, Vietcombank hiện là ngân hàng có quy mô kinh doanh tăng trưởng cao nhất trong các tổ chức tín dụng Nhà nước, đứng đầu về lợi nhuận đồng thời có đóng góp lớn nhất cho Ngân sách nhà nước trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Uy tín, thương hiệu và hình ảnh của Vietcombank không ngừng được nâng cao. Trong những năm qua, việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho cán bộ Vietcombank thường xuyên được quan tâm, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng một Vietcombank phát triển bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Văn hóa Vietcombank được đúc rút trong 5 chữ vàng "Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân" và đi sâu vào phong cách làm việc của từng cán bộ nhân viên, từng phòng ban, đơn vị. Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Vietcombank luôn coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ Vietcombank vững mạnh cả về "Tâm lực - Trí lực - Kỹ lực - Thể lực"; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, xây dựng con người phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách; chú trọng giáo dục, xây dựng về đạo đức nhân văn trong đó cốt lõi là các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ Vietcombank, trong những năm qua Đảng ủy, Ban lãnh đạo luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc cho cán bộ; xây dựng chiến lược đào tạo đảm bảo phù hợp với chiến lược kinh doanh và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn hệ thống luôn được chú trọng. Trọng tâm là quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức nghề nghiệp, lối sống và nhân cách, có trách nhiệm và gắn bó với doanh nghiệp, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm gia đình, xã hội. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ Vietcombank gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng ủy hết sức quan tâm và chú trọng. Đảng ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cả nhiệm kỳ; ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện như Kế hoạch số 08-KH/ĐU ngày 23/9/2021 học tập Chỉ thị 05 chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; hướng dẫn các cơ sở Đảng tổ chức học tập chuyên đề, tổ chức các hội nghị giới thiệu về tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết và khen thưởng việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng ủy Vietcombank cũng chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của Trung ương, của Đảng ủy, Ban lãnh đạo về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, về chuẩn mực đạo đức, lối sống của đảng viên, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp gương mẫu đi đầu, sáng tạo trong học tập và lao động, tiết kiệm trong sinh hoạt, thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Vietcombank cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh; xây dựng hệ thống truyền thông nội bộ kết nối toàn ngân hàng, giúp trao đổi, giao tiếp, chia sẻ thông tin thông suốt, phản hồi đa chiều; tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức các hoạt động, viết bài tuyên truyền, quảng bá về kết quả thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn và phát huy 5 giá trị Văn hóa Vietcombank. Các cấp ủy trực thuộc đã chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các nội dung của cuốn Sổ tay Văn hóa Vietcombank, “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” và cuốn sổ tay “Tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, đảng viên và người lao động Vietcombank theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về tầm quan trọng và sự cần thiết thường xuyên phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp; giúp cán bộ nắm được những nguyên tắc đạo đức cơ bản, các giá trị văn hóa cốt lõi của Vietcombank, từ đó định hình tiêu chuẩn ứng xử văn minh, thanh lịch, xây dựng hình ảnh cán bộ nhân viên Vietcombank chuyên nghiệp, hiện đại.
Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước những thời cơ, thuận lợi của công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mặt trái của nền kinh tế thị trường sẽ có những tác động tiêu cực đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng nói chung và cán bộ, đảng viên Vietcombank nói riêng. Để tăng cường giáo dục và rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Vietcombank theo tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Vietcombank lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra “Nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cơ cấu lại VCB, đảm bảo tăng trưởng bền vững, an toàn, hiệu quả. Phấn đấu đưa VCB trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam”, mỗi tổ chức đảng trong Đảng bộ Vietcombank cần thực hiện một số giải pháp nâng cao đạo đức cho cán bộ, đảng viên, cụ thể:
Một là, cấp ủy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, học tập và tu dưỡng, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây phải được xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Việc học tập, tự học tập để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với ý thức tự giác. Các nội dung học tập phải được đưa vào sinh hoạt chi bộ và trở thành nền nếp được thực hành qua mỗi việc làm, hành động của cán bộ, đảng viên có sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, người đứng đầu. Cần nhận thức và thực hiện đúng, nghiêm khắc quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, luôn tự ý thức về vai trò tiên phong, gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi, mọi vị trí công tác.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cần nêu cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phải thường xuyên “sửa đổi lối làm việc”, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, củng cố đoàn kết và thống nhất nội bộ. Đặc thù của nghề ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, nên cần phòng ngừa, quản trị và xử lý các rủi ro phát sinh, bảo đảm hoạt động an toàn, trôi chảy và hiệu quả. Sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng quyết định đến sự an toàn, ổn định của nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngân hàng đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập, tu dưỡng rèn luyện và có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; phải thật sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, thẳng thắn, chân thành.
Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, đặc biệt là quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với giám sát thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và Bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức ngành Ngân hàng, Quy định ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên Vietcombank. Đây được xác định là khâu then chốt để cán bộ, đảng viên thực hiện đúng nghĩa vụ của người đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, giữ vững niềm tin, uy tín, hình ảnh, thương hiệu của Vetcombank với Nhân dân, khách hàng, đối tác.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chủ động làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; có hình thức khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm trong vấn đề nêu gương. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm; tiếp tục đưa công tác kiểm tra, giám sát vào nền nếp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, cấp ủy viên cùng cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các quy định về nêu gương; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của khách hàng đối với cán bộ, đảng viên thông qua đường dây nóng, hệ thống phản hồi trực tuyến trong xây dựng đạo đức cách mạng và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đây là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, cũng như trong việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân và ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Bên cạnh đó, cần phát huy mặt tích cực của dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Biểu dương những việc làm tốt, kịp thời phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa tốt, nhất là trong việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên.
Năm là, trong hoạt động của các chi, đảng bộ, cấp ủy các cấp cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng như: Tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Duy trì họp giao ban bí thư cấp ủy định kỳ để triển khai thực hiện công tác Đảng và kịp thời cung cấp thông tin, nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động, chủ động giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức của đảng viên, quần chúng. Thực hiện tốt các nguyên tắc này trong sinh hoạt hằng ngày, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, đơn vị, cũng như trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đảng viên góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu cho mỗi tổ chức đảng, đảng viên bởi nhiều đảng viên tốt sẽ tạo nên một chi bộ tốt, một đảng bộ tốt.
Sáu là, không ngừng hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực kinh doanh của Vietcombank; hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn trong quá trình xây dựng con người Vietcombank, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ, đảng viên, người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tích cực truyền tải các giá trị văn hóa tốt đẹp của Vietcombank tới cộng đồng, góp phần xây dựng thương hiệu Vietcombank nhân văn, bền vững trường tồn cùng sự phát triển của đất nước.
Nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Đảng đánh giá là nhiệm vụ then chốt, sống còn trong cách mạng hiện nay. Thông qua việc nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên sẽ khắc phục những hạn chế, thiếu sót, xây dựng được đội ngũ cán bộ Vietcombank vừa “hồng” vừa “chuyên”, luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung. Những nỗ lực của Đảng bộ Vietcombank trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và người lao động kỳ vọng đem đến những kết quả tốt đẹp; tạo sự chuyển biến rõ nét trong văn hóa, phong cách, tác phong giao dịch và đạo đức của cán bộ, đảng viên, người lao động góp phần vào sự phát triển bền vững của Vietcombank, củng cố sâu đậm sự tin tưởng, yêu mến của hàng chục triệu khách hàng đối với thương hiệu Vietcombank, ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam.
Trần Thị Hạnh - Nguyễn Đỗ Hồng Anh - Tô Thị Ngọc Hoa - Nguyễn Hồng Nhung
Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam