.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng: Vượt khó đưa dự án về đích

Thứ Năm, 14/11/2024|15:10

Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng (Dự án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 10/01/2018. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được triển khai thi công từ giữa năm 2021, thời điểm đó dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát và nhiều thách thức khác cản trở tiến độ Dự án. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Đảng ủy Ban Quản lý dự án Điện 2 và quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn công trường, đến nay Dự án đang trên đường về đích và sẵn sàng phát điện trong thời gian tới để bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

d
Tổng mặt băng thi công công trình Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng.

Nỗ lực vượt khó

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng được xây dựng trên địa bàn xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy,huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai có công suất 360MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 180MW do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 2 (EVNPMB2) là đơn vị được EVN giao đại diện Chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Tư vấn lập Thiết kế các giai đoạn là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1; Tư vấn Giám sát phần xây dựng do EVNPMB2 tự giám sát; Tư vấn lắp đặt thiết bị là liên danh gồm Công ty Thủy điện Ialy và Trung tâm dịch vụ sửa chữa EVN.

Dự án có mục tiêu tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực Miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của Hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia; tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,2 triệu kWh/năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu sản xuất điện, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Dự án được chia thành rất nhiều gói thầu, trong đó gói thầu thi công xây lắp công trình là gói thầu lớn nhất của dự án do Liên danh nhà thầu gồm Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty Sông Đà/CTCP, Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Công ty Cổ phần Lilama 10 trúng thầu được triển khai thi công xây dựng từ tháng 6/2021. Sau hơn ba năm tính từ khi gói thầu thi công xây lắp công trình được triển khai, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ Dự án có thể kể đến như sau:

Ngay sau khi gói thầu thi công xây lắp công trình được EVN, EVNPMB2 cùng Liên danh nhà thầu tổ chức triển khai thi công thì cả nước đã bước vào giai đoạn bùng phát đại dịch Covid 19 lần hai, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Do đó, công tác huy động nhân lực, vật tư vật liệu phục vụ thi công cho công trình gặp muôn vàn khó khăn. Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, cuộc xung đột chính trị Nga – Ucraine xảy ra làm cho giá cả vật liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu (xăng dầu tăng gần 100%, thép tăng 30%, lãi suất ngân hàng tăng cao,...).  

Tiến độ gói thầu cung cấp thiết bị cơ điện bị chậm gần nửa năm so với kế hoạch nên dẫn đến việc chậm tiến độ cung cấp bản vẽ công nghệ và tiến độ cung cấp thiết bị. Nguyên nhân do năm 2021 và năm 2022 đã xảy ra nhiều biến động lớn, trong đó bao gồm dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, cuộc xung đột chính trị Nga – Ucraine xảy ra và tiếp tục kéo dài, làm cho giá cả các loại vật liệu và nhiên liệu tăng cao, dẫn đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu cơ điện hết sức phức tạp, Bên mời thầu phải gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 30 ngày so với kế hoạch Trong quá trình thương thảo Hợp đồng, Nhà thầu đã có những đề xuất thay đổi nguồn gốc của thiết bị do các nhà máy dự kiến cung cấp thiết bị cho dự án thuộc địa bàn bị ảnh hưởng xung đột Nga – Uraine nhằm tránh những rủi ro trong quá trình thực hiện Hợp đồng và giảm chi phí thực hiện hoặc tăng giá Hợp đồng. Việc này gây khó khăn trong quá trình thương thảo Hợp đồng giữa hai bên, làm kéo dài thời gian thương thảo cũng như kéo dài tiến độ ký kết Hợp đồng.

Thủ tục bàn giao mặt bằng diện tích vướng rừng tự nhiên bị chậm: EVNPMB2 đã bám sát, phối hợp với chính quyền địa phương hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum để thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phục vụ thi công dự án từ tháng 02/2021, tuy nhiên đến tháng 7/2023, tỉnh Kon Tum mới bàn giao mặt bằng diện tích các hạng mục vướng rừng tự nhiên cho dự án và tỉnh Gia Lai hoàn thành bàn giao diện tích các hạng mục vướng rừng tự nhiên cho dự án tháng 10/2023.

Ngoài các vấn đề nêu trên, trong công tác tổ chức thi công các hạng mục công trình cũng gặp một số khó khăn như tuyến Hầm dẫn nước (đường kính đào lên tới 8,8m) phải đào qua gần 200m hầm trong khu vực địa chất rất xấu thuộc vùng trũng suối Iatran, nhà thầu đã phải đào và gia cố theo chu kỳ đào chỉ từ 0,5m đến 1m; công tác đào giếng đứng đường ống áp lực cao 127m phải thực hiện khoan nổ và xúc chuyển hoàn toàn bằng thủ công qua lỗ khoan robin; Công tác tháo dỡ đê quai, đào và gia cố kênh dẫn vào cửa lấy nước đầu năm 2024 phụ thuộc vào việc cân đối điều tiết giữ mực nước hồ thủy điện Ialy, nhằm đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024, do đó khối lượng thi công bị dồn lại trong 2 tháng mùa mưa là tháng 6 và tháng 7/2024 với cường độ gần 40.000m3/tháng; Đối với việc thi công kênh xả hạ lưu nhà máy, công tác đào và khoan nổ mìn gần 300m phần đáy kênh phải thi công dưới mực nước hồ Sê San 3 khoảng 4m nên gặp nhiều khó khăn, nhà thầu phải lắp dựng các phao bè đặt máy khoan, thực hiện khoan nổ mìn và xúc đá sau nổ mìn trong nước...

Chung sức, đồng lòng

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn thực hiện dự án và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Ban chuyên môn EVN, của Công ty Thủy điện Ialy và các đơn vị Tư vấn, Nhà thầu thi công xây lắp, Nhà thầu cung cấp thiết bị, Lãnh đạo EVNPMB2 cùng toàn thể CBNV EVNPMB2, Ban điều hành dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng (Ban ĐHDA) với nòng cốt là các Đảng viên tham gia dự án đã phối hợp chặt chẽ với Liên danh nhà thầu thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai các hoạt động thi công tại công trình gồm:

Đảng bộ Tâp đoàn Điện lực Việt Nam và Đảng ủy Ban Quản lý dự án Điện 2 đã đưa nhiệm vụ hoàn thành các mốc tiến độ dự án vào Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm năm cụ thể:

Năm 2021, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số: 02-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về Nghị Quyết công tác năm 2021 đã đề ra các chỉ tiêu chính trong đó có chỉ tiêu khởi công Dự án; Năm 2024 Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số: 234-NQ/ĐU ngày 05/01/2024 về Nghị Quyết công tác năm 2024 đã đề ra các chỉ tiêu chính trong đó có chỉ tiêu hoàn thành phát điện Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng vào Quý IV năm 2024, để lãnh đạo chỉ đạo.   

Thực hiện các chỉ tiêu chính của Đảng ủy Tập đoàn, Đảng ủy Ban Quản lý dự án Điện 2 đã ban hành Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm trong đó đưa nhiệm vụ hoàn thành dự án vào các chỉ tiêu chính để lãnh đạo, chỉ đạo một cách hiệu quả. Tại các cuộc họp giao ban tháng, quý… Ban điều hành báo cáo kết quả thực hiện, đưa ra những khó khăn vướng mắc để Đảng ủy chỉ đạo, đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ theo Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn và Đảng ủy Ban Quản lý dự án.  

d
Các đơn vị tham gia dự án ký cam kết thi đua năm 2024.

Trong giai đoạn mới bùng phát đại dịch Covid 19, EVNPMB2 yêu cầu nhà thầu huy động vật tư, thiết bị, nhân lực đủ để thi công 3 ca liên tục tất cả các hạng mục theo kế hoạch tại công trường, tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định như cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho cán bộ công nhân viên sử dụng, cách ly người đến hoặc về từ vùng dịch để đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động đã được huy động tới công trường.

Để tổ chức quản lý chặt chẽ tiến độ thi công, lãnh đạo EVN tổ chức giao ban hàng quý trên công trường. EVNPMB2 và Ban ĐHDA tổ chức giao ban hàng ngày, hàng tuần và giao ban tháng để điều hành quản lý công việc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh tại công trường. Liên tục bám sát, làm việc với nhà thầu cung cấp thiết bị cơ điện cho dự án đề đẩy nhanh tiến độ cung cấp tài liệu thiết kế và vật tư thiết bị sớm hơn tiến độ hợp đồng. Đồng thời, Ban ĐHDA đã phối hợp với nhà thầu xây lắp tìm giải pháp để có thể đẩy nhanh tiến độ tổ hợp, lắp đặt rotor tổ máy tại công trường.

Trong quá trình thi công, công tác quản lý chất lượng thi công được Ban ĐHDA và các đơn vị Tư vấn giám sát xây dựng và lắp đặt thiết bị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và EVN. Cụ thể, Ban ĐHDA yêu cầu nhà thầu tuân thủ các quy trình quản lý chất lượng đã được ban hành, các vật tư, vật liệu, thiết bị phải được thỏa thuận, giám sát, thí nghiệm, nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng tại công trình. Công tác giám sát thi công xây lắp các hạng mục công trình được thực hiện thường xuyên, liên tục và đúng quy trình quản lý chất lượng. Nhật ký thi công hàng ngày sẽ được nhà thầu và tư vấn giám sát cập nhật lên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng của EVN theo quy định.

Đối với công tác thu xếp vốn, Ban ĐHDA đã chủ trì đôn đốc các nhà thầu, tư vấn giám sát tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của các hạng mục công trình kịp thời, từ đó tạo tiền đề duy trì nguồn vốn cho nhà thầu thi công đáp ứng tiến độ kế hoạch.

Đối với công tác quản lý môi trường, xã hội, sức khỏe và an toàn (ESHS) cũng được Ban ĐHDA và các đơn vị trên công trường triển khai thực hiện tốt. Trong đó, do dự án được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ phần vốn vay cho 3 gói thầu phần thiết bị của dự án nên EVN và các nhà thầu ngoài việc phải tuân thủ các quy định về quản lý giám sát môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt còn phải tuân theo các cam kết đảm bảo về vấn đề ESHS theo yêu cầu của AFD như chú trọng công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải, tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học đối với người lao động và nhân dân trong khu vực Dự án; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động, thực hiện các quy định an toàn điện, an toàn khi làm việc trên cao, khu vực chật hẹp và không gian kín tại các hạng mục công trình ngầm. Các công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, tập huấn sơ cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ... được Tổ quản lý ESHS của công trường thường xuyên kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thực hiện. Định kỳ 3 tháng/lần, AFD cử đoàn tư vấn kiểm tra công trường và đưa ra các tồn tại, khuyến nghị yêu cầu công trường phải khắc phục.

Hàng năm, EVN, Công đoàn Điện lực Việt Nam và EVNPMB2 đã phối hợp với các Nhà thầu phát động phong trào thi đua nhằm tạo ra khí thế thi đua hăng say lao động để đạt được các mục tiêu chính trong kế hoạch năm. Trong đó, EVNPMB2 đã tổ chức phát động thi đua “Chào mừng 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” ngày 13/21/2021; EVN, Công đoàn Điện lực Việt Nam Phát động Phong trào thi đua hoàn thành các mục tiêu, tiến độ xây lắp năm 2023 ngày 28/02/2023 và phát động thi đua năm 2024 ngày 24/01/2024. Trong các phong trào phát động thi đua đã có nhiều cán bộ nhân viên người lao động của EVNPMB2 và các nhà thầu được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của EVN, Công đoàn Điện lực Việt Nam và Giấy khen của EVNPMB2.

Nhờ áp dụng triệt để các giải pháp nên đến nay trên công trường Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như tiến độ thi công đường hầm dẫn nước nhiều đoạn đạt từ 120 – 130m/ tháng trong khi chu kỳ đào bị khống chế chỉ từ 1,5 – 3,5m và lượng thuốc nổ cho mỗi chu kỳ đào cũng bị khống chế do hạng mục này nằm gần tuyến hầm dẫn nước của công trình hiện hữu, việc nổ mìn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đang vận hành (đối với các công trình thủy điện trước đây, chu kỳ đào hầm chỉ đạt từ 80 – 90m/ tháng với chu kỳ đào thông thường từ 3,5-4m và không bị khống chế lượng thuốc nổ). Đối với công tác tháo dỡ đê quai, đào và gia cố kênh dẫn vào cửa lấy nước, tuy đến gần cuối tháng 5/2024 mới được hạ dần mực nước hồ nhưng Tổng Công ty XD Trường Sơn đã hoàn thành đào khoảng 80.000m3 đất đá trong điều kiện phải thi công trong gần 2 tháng mùa mưa, chỉ có một tuyến đường thi công độc đạo với độ dốc lớn để vận chuyển đất đá ra bãi tập kết. Đối với công tác cung cấp thiết bị, mặc dù chậm ký kết được hợp đồng do các nguyên nhân khách quan nêu trên, Ban QLDA cũng đã nỗ lực đàm phán với nhà thầu rút ngắn thời gian cung cấp thiết bị chính cho dự án chỉ còn 24 - 25 tháng, đây là thời gian ngắn kỷ lục do đối với các dự án trước đây, thời gian này thường kéo dài từ 32 - 37 tháng. Trong công tác lắp đặt thiết bị, Nhà thầu Lilama 10 cũng đã huy động mọi nguồn lực để rút ngắn thời gian lắp đặt thiết bị xuống còn 6 tháng tính từ khi được đơn vị xây dựng bàn giao mặt bằng cốc máy phát tới khi dự kiến hòa lưới phát điện (đối với các dự án khác, thời gian này thường kéo dài từ 8-10 tháng), công tác tổ hợp stator, rotor 2 tổ máy thực hiện gần như đồng thời để đảm bảo thời gian phát điện 2 tổ máy chỉ cách nhau khoảng 01 tháng.

Các hạng mục công trình đến thời điểm hiện nay đều đảm bảo chất lượng theo thiết kế, kết quả đánh giá số liệu quan trắc trạng thái các hạng mục đảm bảo ổn định. Đối với công tác an toàn lao động, sau hơn ba năm thi công, công trường đã không để xảy ra bất kỳ vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người hay sự cố môi trường nào, đây là một thành công rất lớn đạt được tại một dự án thủy điện từ trước tới nay.

Đến nay, Dự án đã trải qua chặng đường gian lao sau hơn ba năm thi công, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng toàn bộ lực lượng tham gia Dự án đã và đang nỗ lực tối đa khắc phục mọi khó khăn, chung sức đồng lòng để hoàn thành mục tiêu phát điện cả hai tổ máy trong năm 2024.

Đỗ Trung Thành –  Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng

 

 

 

 

.
.
.
.