Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Nhận lương hưu tại nhà qua Bưu điện, tin cậy, văn minh (Bài 3)
Lương hưu, các khoản trợ cấp xã hội là những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành cho những người dân hết tuổi lao động, không còn khả năng tạo ra của cải vật chất. Cùng với sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội, Bưu điện Việt Nam trong nhiều năm qua đã triển khai đồng loạt các giải pháp để phủ lưới an sinh, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, giảm gánh nặng cuộc sống khi về già, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp trong thực hiện chi trả lương hưu, các khoản trợ cấp đến người hưởng đảm bảo linh hoạt, an toàn, tin cậy, văn minh.
Bà Chu Thị Hỵ (xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) vui mừng nhận tiền trợ cấp tuất được nhân viên Bưu điện đem đến chi trả tại nhà. |
Việc chi trả lương hưu, các khoản trợ cấp xã hội qua Bưu điện được triển khai nhiều năm nay. Hiện nay, mỗi tháng người hưởng được nhận các khoản tiền bằng hình thức trực tiếp tại điểm chi trả trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 10, sau ngày 10 hàng tháng. Bên cạnh đó, Bưu điện sẽ chi trả tại bưu cục hoặc tại nhà người hưởng đối với từng trường hợp cụ thể. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt lớn đối với những người lớn tuổi, người hạn chế trong vận động, di chuyển không chỉ ở nông thôn, miền núi mà ngay tại các địa bàn thành phố, trung tâm tỉnh. Việc chi trả lương hưu tại nhà qua Bưu điện cũng được người dân đánh giá cao về sự tin cậy và văn minh.
Là một tỉnh biên giới, Lạng Sơn - nơi phên dậu Tổ quốc hiện có hơn 30 nghìn người hưởng các chính sách BHXH và trợ cấp xã hội qua Bưu điện hằng tháng, trong đó có một số trường hợp đặc biệt cần được chi trả tại nhà để đảm bảo người hưởng kịp thời nhận được tiền, phục vụ sinh hoạt phí và các chi phí khác.
Chiều 4/7/2024, tại xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, một xã vùng 3 cách xa trung tâm thành phố Lạng Sơn, như thường lệ, chị Lương Thị Thiệu - nhân viên Bưu điện trên chiếc xe máy cũ, vượt 15 km đường rừng, qua suối đến với xã Sàn Viên để chi trả lương hưu cho bác Chu Thị Hỵ, 86 tuổi. “Đây là đoạn đường dài và khó đi, tôi là thanh niên trẻ đi vào cũng thấy gập ghềnh. Trước đây, bác Hỵ vẫn ra điểm chi trả của xã để nhận tiền trợ cấp tuất, nhưng mấy năm gần đây tuổi cao, bác yếu đi nhiều, việc đi chợ kết hợp nhận lương hưu khó khăn hơn, gia đình lại neo người, bác chỉ ở cùng và chăm sóc 3 cháu nhỏ, con cái đi làm ăn kinh tế không thường xuyên ở nhà để uỷ quyền đi lấy được nên chúng tôi thực hiện chi trả tại nhà cho bác”, chị Thiệu kể.
“Tháng này nhận lương sớm, lại còn được tăng lên, cô Thiệu nói theo quy định của nhà nước tôi được tăng 15%, nên số tiền tôi nhận được là 1.170.000 đồng. Với tôi, đây là niềm vui lớn. Tôi thì nhiều tuổi, khó khăn đi lại, con cháu bận rộn làm ăn, lâu lâu có cô Bưu điện đến nhà, phát tiền rồi còn giúp tôi mua khi cân gạo, lúc gói mì, không biết từ khi nào, cô Thiệu như con cái trong nhà rồi”, bác Chu Thị Hỵ vui mừng chia sẻ khi nhận được mức trợ cấp mới và sớm hơn thường lệ.
Sự tận tâm, tận tuỵ gắn bó của Người Bưu điện đã trở thành nét văn hoá đặc trưng của Ngành, dù ở đâu, những nghĩa cử nhỏ bé nhưng nghĩa tình của nhân viên Bưu điện luôn được đánh giá cao và sự yêu mến, tin tưởng của người dân.
Bác Nguyễn Duy Káp (phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) phấn khởi nhận lương hưu được tăng thêm, rất vui khi già yếu không đi được nhưng hằng tháng luôn được nhân viên Bưu điện kịp thời đưa lương hưu tới chi trả tận nhà. |
Sau quá trình dài công tác, cống hiến trong ngành Giáo dục, sau khi đến tuổi nghỉ hưu, bác Nguyễn Duy Káp (88 tuổi) chuyển về sinh sống tại địa phương tại phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đều đặn mỗi tháng, Bác cùng các bạn hưu của mình được nhận lương hưu tại tổ dân phố. Sau này, Bưu điện Việt Nam đều đặn thực hiện chi trả cố định vào một ngày đầu mỗi tháng, không cần phải chờ đợi, không phải đi xa, bác và 76.000 người hưởng của tỉnh Thái Nguyên đều được thụ hưởng chính sách này một cách chính xác, an toàn, tiện lợi và văn minh qua Bưu điện.
Những năm gần đây, tuổi cao sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn, con cháu đi làm, đi học xa, hằng tháng bác được nhân viên Bưu điện TP. Thái Nguyên đưa tiền lương đến chi trả tận nhà. “Tháng này tôi được tin sẽ nhận lương sớm hơn, nhận luôn mức lương mới được tăng thêm. Vừa nãy, tôi được nhân viên Bưu điện giải thích về mức lương tăng thêm, tôi được tăng hơn 1 triệu đồng, rất phấn khởi. Tôi hiểu rằng, dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn điều chỉnh nâng lương đảm bảo đời sống của công nhân viên chức, người lao động nói chung và đội ngũ những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội nói riêng”, bác Káp cho biết.
Trò chuyện thăm hỏi với nhân viên Bưu điện đi chi trả tiền lương, bác Káp nói thêm: “Chúng tôi rất quý mến và đánh giá cao tinh thần phục vụ của các anh chị Bưu điện Thái Nguyên. Các anh chị đã làm tốt, kịp thời, chính xác việc chi trả lương hưu, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của ngành Bưu điện khi được Bảo hiểm xã hội tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện chi trả. Đặc biệt, đối tượng chi trả tại nhà là các cán bộ hưu trí, đối tượng hưởng trợ cấp yếu thế, nhạy cảm, khó khăn trong di chuyển, đi lại cũng như công nghệ hiện đại nhưng các anh chị Bưu điện khu vực chúng tôi đã rất nhiệt tình chu đáo, tình cảm, gần gũi, khiến cho chúng tôi cảm nhận rõ được quan tâm, rất xúc động”.
Chị Trần Thị Hồng Hạnh, nhân viên Bưu cục trung tâm, Bưu điện TP Thái Nguyên, là người trực tiếp phụ trách việc chi trả lương hưu tại nhà cho bác Káp. Chị Hạnh kể, chị và các anh chị em nhân viên trong bưu cục, sau nhiều năm gắn bó với địa bàn, đã trở nên quen thân với mỗi gia đình nơi đây. “Đi chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho các bác, chúng tôi thấy không chỉ là đi thực hiện nhiệm vụ, mà giống như con cháu về thăm ông bà vậy, rất thân quen, gần gũi, được trò chuyện thăm hỏi các bác, được thấy các bác vẫn khoẻ mạnh minh mẫn, chúng tôi rất vui mừng”, chị Hạnh chia sẻ.
Cùng cảm xúc như chị Hạnh, chị Nguyễn Bá Trà Mi (Bưu điện thành phố Huế, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế) rất vui mỗi kỳ đến nhà các bác chi trả lương hưu, chị vẫn gặp các bác minh mẫn khoẻ mạnh. Là người phụ trách chi trả tại điểm phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, hôm nay, chị đưa lương tháng 7 vừa được tăng theo mức mới đến cho bác Phạm Thị Thiện Tâm, 85 tuổi, trú tại đường Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, TP Huế. Cầm số tiền lương tháng 7 vừa được tăng thêm trong tay, bác Tâm xúc động: “Mới nghe báo đài nói có lương mới, thì giờ tôi được tận tay nhận sớm khoản lương tháng này rồi. Tôi về hưu đã lâu, nên lương hưu không nhiều. Chừ được hơn 5 triệu tiền lương mỗi tháng, tôi rất vui mừng, chi tiêu của người nghỉ hưu già như tôi cũng thuận lợi hẳn lên, chủ động, có tiền rau tiền thuốc rồi bù vào nuôi người em. Cám ơn sự quan tâm của nhà nước”.
Bác Phạm Thị Thiện Tâm, 85 tuổi, trú tại đường Phan Đình Phùng, Phường Vĩnh Ninh, TP Huế rất vui và trân trọng tác phong chuyên nghiệp, thái độ ân cần của nhân viên Bưu điện hằng tháng đem lương đến chi trả tận nhà cho bác. |
Cầm phong bì tiền lương đã được nhân viên Bưu điện chuẩn bị ngay ngắn từ trước đó và được giải thích tận tình về mức tăng, số tiền nhận được, bác Tâm kể: “Tôi già rồi, neo đơn, bị đau lưng, phải dán cao suốt, đi lại không tiện. Nhờ có chị Mi và các anh chị Bưu điện hằng tháng đem tiền lương hưu đến cho tôi, luôn kịp thời, rất chu đáo, tình cảm, không tháng nào bị trễ. Đối với tôi, các anh chị nhân viên Bưu điện ấm áp, gần gũi, thân quen như người nhà”.
Trong khi đó, ở thôn Hùng Vĩ, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Hoàng Văn Tít, 75 tuổi, không giấu được sự xúc động khi được Nhà nước tăng lương hưu và được cơ quan Bưu điện trực tiếp đem lương hưu đến chi trả tại nhà. “Vì tuổi cao, nhìn khó, nên hàng tháng tôi đều được nhân viên Bưu điện đến tận nhà chi trả lương hưu. Tháng này, tôi được thông báo là bắt đầu được nhận lương tăng theo chính sách mới, sẽ được nhận sớm hơn 3-4 ngày so với trước, nên tôi vui lắm. Vừa rồi, được chị Phạm Hồng Lệ (nhân viên Bưu điện Đồng Văn, Yên Lạc) tính toán, giải thích, tôi biết tôi được tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Giá cả chi tiêu, điện nước, tiền ăn và tiền thuốc đều tăng, nên mức lương tăng thêm thật có ý nghĩa. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đặc biệt là Bưu điện Việt Nam đã luôn đồng hành và hỗ trợ những người già yếu như chúng tôi” – ông Hoàng Văn Tít chia sẻ.
Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH là một nhiệm vụ góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, là “cầu nối” qua đó các đối tượng thụ hưởng tin tưởng hơn chính sách của Nhà nước. Chính vì thế, bên cạnh việc tập trung tối đa chi trả đúng đủ, tận tình tại điểm chi trả, các đơn vị Bưu điện trên khắp mọi miền đất nước còn bố trí nhân lực tổ chức chi trả kịp thời tại nhà cho người hưởng già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến nhận, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời giải quyết ngay các tình huống phát sinh, với tinh thần sẵn sàng phục vụ, tận tâm cống hiến.
“Hằng tháng, toàn hệ thống Bưu điện Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại nhà cho khoảng 3% số người hưởng, tương đương gần trăm ngàn người. Với kinh nghiệm phục vụ, sự gắn bó và trách nhiệm với cộng đồng và lợi thế về mạng lưới phủ rộng đến từng thôn bản, đội ngũ nhân viên của Bưu điện thông thạo địa bàn dễ dàng nắm bắt được địa chỉ người hưởng để phục vụ tại nhà. Trách nhiệm và sự gắn bó cùng tác phong chuyên nghiệp, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ chi trả toàn mạng lưới Bưu điện đã nhận được sự ủng hộ của người hưởng và các cơ quan chính quyền địa phương, qua đó, làm cho người hưởng quý mến, càng thêm tin tưởng vào các chế độ chính sách của Nhà nước”, đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết.
Ông Hoàng Văn Tít, trú tại thôn Hùng Vĩ, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nhận tiền lương hưu được nhân viên Điểm Bưu điện VHX Đồng Văn chi trả tại nhà. |
Vũ Quốc Bảo, Bưu điện Việt Nam