Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu
Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đã và đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu toàn cầu, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ. Đặc biệt, cơn bão Yagi gần đây cùng nhiều diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác đã đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung và miền Bắc, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trước thực trạng này, việc bảo vệ môi trường và tăng cường các biện pháp ứng phó thiên tai không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đòi hỏi sự đồng lòng từ mỗi cá nhân đến cả cộng đồng.
Một số hậu quả của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. |
Vấn đề môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, dặn dò nhân dân, cán bộ và chiến sĩ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên sáng ngày 5-2-1961 tại vườn hoa Thanh niên, Công viên Thống Nhất, Bác nói: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội - Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”.
Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường đã sớm được Đảng ta chỉ đạo thực hiện và được khẳng định cụ thể trong các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một trong những minh chứng rõ nét nhất để hiện thực hóa chủ trương này, thể hiện quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững song hành cùng bảo vệ môi trường.
Tròn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 41 -NQ/TW nêu trên và 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhận thức lý luận, chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ môi trường sinh thái không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn của đất nước, xu thế phát triển chung của thế giới và đòi hỏi cấp bách của nhân loại. Một minh chứng rõ nét cho nỗ lực này là sự ra đời của Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17/11/2020 và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2022. Đây là lần đầu tiên, chính sách môi trường của Việt Nam tiệm cận hài hòa với pháp luật quốc tế, tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),... góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Từ chủ trương: "tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững" trong giai đoạn đầu nhằm nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội; bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã nêu ra quan điểm toàn diện: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững".
Mặc dù là một nước đang phát triển, nguồn lực và năng lực còn hạn chế, nhưng Việt Nam luôn có những nhận thức tiên phong trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ môi trường sinh thái bắt kịp với nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh từ rất sớm: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành năm 2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (ban hành năm 2021).
Ðặc biệt, tại Hội nghị COP26 tổ chức tại Glassgow vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "không" (NetZero) vào năm 2050, chính thức khởi động và phát lệnh cho cuộc đua không mệt mỏi để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế mang tính bền vững cùng với cam kết của 140 quốc gia khác trên thế giới. Ðây là mức cam kết cao so với điều kiện thực tế của Việt Nam, thể hiện sự chủ động, ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của Việt Nam nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những kết quả và minh chứng rõ ràng nhất của cam kết nêu trên là sau 3 năm thực hiện Đề án "trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", cả nước đã trồng được 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm: 335 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung.
Ngành ngân hàng trong cuộc “cách mạng xanh”- dấu ấn tiên phong của định chế tài chính hàng đầu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được ban hành để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đối phó với tác động tiêu cực, duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần vào sự phục hồi, ổn định của nền kinh tế. Ngày 26/7/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trước đó, NHNN cũng đã ra nhiều chỉ đạo, chính sách nhằm “khơi thông" dòng vốn xanh. Dù có nhiều khó khăn như chưa có danh mục phân loại xanh, hạn chế về trái phiếu xanh, chưa có khung pháp lý, chính sách,... toàn ngành tài chính - ngân hàng vào cuộc và nỗ lực trong công cuộc “xanh hoá” dòng vốn.
Đến 31/12/2023, 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng đã liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, triển khai các dự án “xanh” như BIDV, Agribank, Vietcombank, Sacombank, VPBank, ACB… Dù tỷ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng nhiều chuyên gia dự báo rằng dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.
Trong hành trình xanh hóa hoạt động ngân hàng, với vai trò là một định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, BIDV kiên định theo đuổi mục tiêu trở thành “ngân hàng xanh” trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030: (i) Ban hành Nghị quyết thực hiện các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu, chú trọng thực hành quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG) thông qua xây dựng Chương trình hành động thực hành ESG trên toàn hệ thống; (ii) là ngân hàng TMCP đầu tiên tại Việt Nam công bố “Khung khoản vay bền vững” và chuyên nghiệp hóa công tác quản lý rủi ro môi trường xã hội thông qua việc ban hành “Khung quản lý rủi ro Môi trường - Xã hội”; (iii) Là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế; (iv) Đồng hành cùng nhiều diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa thông điệp phát triển bền vững tới khách hàng, đối tác: Hội nghị năng lượng tái tạo 2023, Hội nghị cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo,...
BIDV trên hành trình trở thành “Ngân hàng xanh”. |
Tính đến 30/09/2024, BIDV là ngân hàng tài trợ nhiều nhất cho các dự án với dư nợ tín dụng xanh đạt 75.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4% tổng dư nợ BIDV, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 82% tổng dư nợ tín dụng xanh). Các dự án lớn nhất là: Dự án Đầu tư xe ô tô điện phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải của Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (dư nợ 3.411 tỷ); Dự án Nhà máy Thủy điện ĐakMi 4 VA 4C 18MW của Công ty CP ĐakMi (3.167 tỷ); Dự án Nhà máy điện gió Hoà Bình 5 của Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu (1.674 tỷ). Thông qua dòng chảy của tín dụng xanh, BIDV hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, giảm phát thải carbon; cùng với đó dòng vốn tín dụng xanh, BIDV đã trực tiếp triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 và tính đến hết năm 2023 BIDV đã trồng mới 330.000 cây xanh ở các khu vực ven biển, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn,...trên phạm vi toàn quốc.
Với định hướng trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, BIDV đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đi cùng với thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm ngân hàng xanh. BIDV đang triển khai nghiên cứu mô hình Chi nhánh, Phòng giao dịch “Ngân hàng xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Đồng hành cùng cộng đồng trong công tác ứng phó thiên tai
Trong bối cảnh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó; khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, đặt ra yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước. Trong đó, sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế lớn, đặc biệt là ngành ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng, chính là trụ cột vững chắc trong ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Tinh thần “tương thân tương ái”, lá lành đùm lá rách” cũng được thể hiện rất rõ trong tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Trong nạn đói 1945, Bác Hồ đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào “Hũ gạo cứu đói”, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa, cùng với phong trào “Tuần lễ vàng”, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ở khắp các địa phương trên cả nước, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc tổ chức quyên góp, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu lương thực cứu đói cho người dân. Tình yêu thương con người của Bác không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai. Tư tưởng của Bác về tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
Kế thừa, gìn giữ và phát huy tinh thần ấy, BIDV luôn quan tâm, tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội, đặc biệt là công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai. Việc kịp thời hỗ trợ đối với các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai là truyền thống tốt đẹp được BIDV chủ động, tích cực thực hiện nhiều năm qua. Số tiền BIDV ủng hộ qua các đợt thiên tai trong khoảng 5 năm trở lại đây lên tới hàng trăm tỷ đồng. BIDV đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động vì cộng đồng và lan tỏa được các giá trị nhân văn, đem lại những giá trị tích cực cho toàn xã hội. Một vài sáng kiến tiêu biểu có thể kể đến như việc tổ chức các Giải chạy thiện nguyện online thường niên trên nền tảng ứng dụng BIDVRUN để vận động cán bộ nhân viên, người lao động và khách hàng, công chúng cùng tham gia, hưởng ứng; Chương trình “Đồng hành cùng ngành y, chung tay vượt đại dịch”; Chương trình “Tết ấm cho người nghèo”; Chương trình trồng một triệu cây xanh; Chương trình “Nước ngọt cho cuộc sống xanh” ở Đồng Bằng sông Cửu Long; Chương trình Xây dựng Nhà Văn hóa cộng đồng tránh lũ tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên,...
Gần đây nhất, khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, BIDV đã nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và cung cấp vật phẩm thiết yếu cho đồng bào bị ảnh hưởng, tham gia quyên góp, ủng hộ trên 30 tỷ đồng; phát động hơn 29.000 người lao động tự nguyện ủng hộ 1 ngày lương,…. Đồng thời, nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, BIDV triển khai Chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 với tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng, mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20/09/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Những hành động thiết thực của hệ thống BIDV với tinh thần chia sẻ, tương thân, tương ái đã và đang góp sức cùng chính quyền và nhân dân vùng bão lũ giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Trần Xuân Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT BIDV đại diện ngân hàng trao kinh phí hỗ trợ tại Trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh. |
Nâng cao vai trò của Đảng bộ BIDV và các tổ chức Đảng trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó thiên tai
Để phát huy vai trò của Đảng bộ BIDV và các cấp ủy đảng trong bảo vệ môi trường, cần tiếp tục thực hiện những giải pháp sau:
Một là, tăng cường hợp tác giữa Đảng bộ BIDV và các cấp ủy đảng tại địa phương. Các chi, đảng bộ BIDV cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp ủy đảng tại các địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai chương trình hỗ trợ và phát triển bền vững, tham gia vào các phong trào bảo vệ môi trường do Đảng ủy địa phương phát động, đồng thời có chính sách hỗ trợ tài chính thích hợp cho các dự án tái tạo thiên nhiên và phòng chống thiên tai.
Hai là, các tổ chức Đảng trong Đảng bộ BIDV chỉ đạo quán triệt, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức tại các kỳ sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên BIDV về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và chống hiệu ứng nhà kính; các chương trình bồi dưỡng này cần kết hợp lý thuyết với thực tiễn, giúp cán bộ, đảng viên và người lao động BIDV nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường; kịp thời khen thưởng các gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Ba là, tiếp tục khuyến khích và ủng hộ các sáng kiến của các tố chức tín dụng nói chung và BIDV nói riêng trong việc triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, bao gồm các khoản vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp và cá nhân tham gia các dự án bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội của BIDV mà còn là một giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục phát động và đẩy mạnh phong trào trồng 1 triệu cây xanh, gắn việc chăm sóc các rừng cây, công viên, vườn hoa và từng cây được trồng đối với các cán bộ, đảng viên, chi, đảng bộ BIDV cụ thể để tăng cường chăm sóc, đảm bảo sự sống cho các cây trồng, góp phần hiện thực hóa phong trào trồng 1 tỷ cây xanh của nhân dân cả nước đến 2025.
Trong thời gian tới, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ lâu dài, đầy thách thức và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn xã hội. Trong công cuộc này, các tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo định hướng đảm bảo việc thực thi các chính sách về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả ở mọi cấp độ. Bên cạnh vai trò chủ chốt của Đảng, các tổ chức kinh tế đóng vai trò quan trọng không kém, là những đối tác chiến lược trong việc triển khai các chương trình và dự án phát triển bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp hiện thực hóa các mục tiêu lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai.
Với tầm nhìn “Tiên phong kiến tạo giá trị vững bền”, BIDV cam kết sẽ đồng hành cùng cả nước trên lộ trình thực hiện xây dựng một nền kinh tế xanh, thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo mang lại những giá trị bền vững cho các thế hệ tương lai.
Trần Quang Bình, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam