Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án điện
Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm về cung cấp điện cho các tỉnh trên địa bàn miền Trung và Tây nguyên. Thời gian qua, với sự nỗ lực của cấp ủy Chi bộ, Ban lãnh đạo và sự đồng lòng của tập thể người lao động, Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện nông thôn miền Trung đã tập trung thực hiện tốt công tác GPMB, góp phần hoàn thành các dự án điện trọng điểm, kip thời cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng cho các tỉnh miền Trung và Tây nguyên.
Thi công cáp ngầm xuyên biểm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao. |
Nỗ lực tạo sự đồng thuận
Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm do Tổng ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Điện nông thôn miền Trung (CPCCREB) quản lý dự án. Đây là dự án trọng điểm được Chính phủ đồng ý chủ trương vào tháng 5/2014. Đến tháng 12/2015, Bộ Công thương đã có các quyết định về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Tháng 1/2016, dự án chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành đóng điện vận hành tháng 9/2016. Các mục tiêu chính của dự án là phục vụ dân sinh, phát triển du lịch và tăng cường an ninh biển đảo đều đã đạt và vượt so với kỳ vọng và mong muốn của người dân trên đảo, dự án cũng đáp ứng toàn bộ mục tiêu kinh tế, kỹ thuật, chính trị xã hội đề ra. Từ khi có điện lưới quốc gia đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế văn hóa xã hội cho xã đảo Tân Hiệp, tuy nhiên để có được kết quả đó thì ngay từ ngày đầu triển khai dự án, đội ngũ cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng đã gặp phải không ít khó khăn.
Xã đảo Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có hơn 3000 nhân khẩu với 734 khách hàng sử dụng điện, sản lượng điện tiêu thụ hàng năm đạt 1,9 triệu kWh. Khi dự án cấp điện cho Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm xuyên được triển khai đã có tác động đến đời sống của một bộ phận người dân nơi đây, có hộ phải di dời toàn bộ diện tích đất thổ cư, công trình, nhà ở và đặc biệt là nhà từ đường của các dòng họ dẫn đến các gia đình trong dòng họ không tránh khỏi tâm lý xáo trộn vì từ đường đã tồn tại suốt nhiều đời nay. Tuy nhiên, xác định đây là chủ trương lớn của tỉnh Chính phủ và tỉnh Quảng Nam nhằm đưa điện lưới quốc gia ra đảo, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo lợi ích trực tiếp cho nhân dân xã Tân Hiệp vốn bao đời nay không có điện đã thống nhất đồng thuận chấp hành, cùng nhân dân trong xóm di rời từ đường đến nơi thờ tự mới, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Đồng chí Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp nhớ lại: Khi nhận được chủ trương GPMB, các hộ dân trong xóm không tránh khỏi tâm lý băn khoăn, lo lắng. Nắm rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Đảng ủy xã Tân Hiệp đã tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững. Hiểu rõ vấn đề, người dân Tân Hiệp đã đồng thuận sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cả cộng đồng. Đảng bộ, chính quyền, mặt trận và các tầng lớp nhân dân xã Tân Hiệp đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - du lịch - thương mại gắn việc bảo tồn những giá trị đặc hữu của Khu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm.
Tất cả cùng vào cuộc
Xác định công tác GPMB là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên ngay sau khi tiếp nhận chủ trương đầu tư các dự án điện, Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí đảng viên; yêu cầu các đồng chí trong Chi ủy bám sát địa bàn dân cư và chính quyền của từng địa phương. Trong quá trình triển khai phải nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội; lấy chi bộ, khu dân cư, cán bộ, đảng viên làm nòng cốt để triển khai thực hiện GPMB. Các đồng chí cán bộ, đảng viên được tập trung nghiên cứu, quán triệt về chế độ chính sách của Nhà nước, tình hình cụ thể của từng trường hợp gia đình trong thôn về nguồn gốc, tiến độ, chế độ chính sách được hưởng, những vướng mắc, bất cập... Trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, cán bộ, đảng viên đề xuất hướng giải quyết đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và theo đúng quy định của pháp luật.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phối hợp cùng địa phương thành lập tổ công tác dân vận gồm các ban, ngành, đoàn thể của xã xuống cơ sở có diện tích GPMB để tuyên truyền, vận động nhân dân nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, cũng như về lợi ích thụ hưởng của người dân khi dự án hoàn thành; cơ chế, chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, bồi thường GPMB. Với phương châm bám sát cơ sở, Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung đã tổ chức nhiều cuộc họp, tiếp xúc với người dân để tuyên truyền; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt để nhân dân biết và thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với UBND xã, cơ sở thôn xác định vị trí, diện tích, số hộ bị thu hồi đất kiểm đếm, thống kê, phổ biến cơ chế chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB. Khi có vướng mắc, kiến nghị phát sinh thì phối hợp với các đồng chí bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND các cấp trực tiếp gặp gỡ động viên, vận động, tuyên truyền, giải thích, tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân.
Từ sự đồng thuận của nhân dân và cách làm công khai, minh bạch, dân chủ, khoa học, có lý, có tình, đã giúp Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung chủ động và thực hiện tốt công tác GPMB các dự án. Tiêu biểu trong số đó là dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung; dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển cho đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, đảo Nhơn Châu của tỉnh Bình Định. Quá trình thực hiện GPMB các dự án không phải thực hiện cưỡng chế trường hợp nào và không có đơn, thư khiếu kiện.
Đồng chí Lê Văn Nhân, Phó Bí thư Chi bộ CREB cho biết: Bài học kinh nghiệm trong công tác GPMB là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác GPMB. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của chi bộ địa bàn dân cư, các hội, đoàn thể tại cơ sở, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của nhân dân đối với công tác GPMB. Chủ động lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án và có thời gian cụ thể cho từng bước trong công tác GPMB. Thực hiện công khai đầy đủ thông tin về quy hoạch, kế hoạch và thông tin liên quan đến dự án. Tổ chức công khai, minh bạch các chính sách, chế độ trong quá trình đền bù, GPMB. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cho công tác GPMB thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Lê Ngọc Phúc, Chi bộ Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung, Đà Nẵng