Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Thực hành và phát huy văn hóa doanh nghiệp, khẳng định là một trụ cột phát triển bền vững của BIDV
Trong chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác định “nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp” là một trong ba trụ cột phát triển. Phát triển con người và bồi đắp, thực hành văn hóa doanh nghiệp có tính chất then chốt, quyết định đến sự tồn tại phát triển bền vững của BIDV.
Văn hóa là cội nguồn sức mạnh
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và luận điểm này luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đưa ra luận điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
BIDV tổ chức thành công Hội thi Đại sứ văn hóa BIDV năm 2024 để tiếp tục lan tỏa và thực hành văn hóa doanh nghiệp sâu rộng trong toàn hệ thống. |
75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Đảng ta tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”. Trong tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tư tưởng: Văn hoá phải được lan toả và trở thành hành động cụ thể, thiết thực trong mọi ngóc ngách của đời sống. Văn hóa phải hiển hiện trong tư duy, cảm xúc, trong hành động của mỗi con người, mỗi tổ chức và cả đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III năm 2020 xác định 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “Tiếp tục xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, xây dựng con người phát triển toàn diện. Xây dựng doanh nghiệp đồng thuận, kỷ cương, đoàn kết, văn minh; củng cố lòng tin của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương khẳng định: “Văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, là một công cụ và không thể thiếu trong quản lý điều hành, là một phương pháp quản trị doanh nghiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới cho doanh nghiệp, đơn vị…”. “Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở đã và sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh trong tiến trình xây dựng và phát triển bền vững của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối”, phấn đấu mục tiêu “100% doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong Khối triển khai, ban hành văn bản và tổ chức thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở”. Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường văn hóa doanh nghiệp bao gồm (i) Nâng cao nhận thức về đẩy mạnh xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp; (ii) Xây dựng, rà soát, bổ sung quy chế, quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp, đơn vị; (iii) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; (iv) Bảo đảm các nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; và (v) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
Thực tiễn trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã chứng minh rõ hơn “sức mạnh nội sinh” của văn hóa trong việc góp sức tạo sự đồng thuận trong xã hội, bồi đắp lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng chiến thắng, vượt qua đại dịch. Nhìn vào bên trong, văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích đề ra, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên phong cách, “bản sắc” và là “bộ gen” của doanh nghiệp và được di truyền cho nhiều thế hệ tiếp nối. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, tạo ra niềm tin và là sợi dây gắn kết các thành viên cùng hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung.
Xây dựng và bồi đắp văn hóa doanh nghiệp trong suốt lịch sử hình thành và phát triển
Lịch sử của ngân hàng BIDV là hành trình vượt qua nhiều thăng trầm, thử thách. Tại Lễ tổng kết dự án chuyển đổi hệ thống Core Banking Profile ngày 17/11/2023, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú đã đánh giá: “Thành công của chúng ta không chỉ được đo bằng những gì mà chúng ta đã đạt được mà còn cả là những thách thức mà chúng ta đã vượt qua… Chính nhờ nội lực - văn hóa BIDV thấm đẫm trong mỗi người cán bộ và ngoại lực - những “đối tác tuyệt vời” đã giúp BIDV vượt qua mọi trở ngại, hoàn thành “một khối lượng công nghệ khủng khiếp” trong một thời gian hạn hẹp, không gian chật hẹp và những nghịch cảnh, khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra”.
Ngược dòng thời gian, vào những ngày tháng cuối năm 1994, khi nền kinh tế cả nước đang có những chuyển biến nhanh chóng sang cơ chế mới, thì đối với BIDV lại là một mốc thời gian cực kỳ “hiểm nghèo”. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, BIDV đã chuyển giao toàn bộ công trình và nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để cấp phát và theo đó là các công trình được cấp phát bằng vốn ngân sách. Ngoài ra, cũng chuyển giao hàng trăm dự án với tổng mức vốn hơn 400 tỉ đồng thuộc vốn tín dụng ưu đãi. Còn bộ máy và đội ngũ cán bộ hàng ngàn người thì thật sự băn khoăn trước một lựa chọn ai đi, ai ở và nếu ở thì làm gì và làm như thế nào?... Trước thử thách sống còn đó, với sức mạnh văn hóa của BIDV, tập thể người lao động đã siết chặt tay nhau, phát huy trí tuệ, bản lĩnh. Những khó khăn, thử thách, những áp lực ghê gớm đã tôi luyện cho hệ thống BIDV một gia tài quý giá cả về nhân lực, vật lực và tài lực. Để từ đó, hình thành nên một bản lĩnh, cốt cách riêng có của một ngân hàng thương mại giàu truyền thống nhất Việt Nam. Văn hóa doanh nghiệp BIDV chính là chất keo kết dính, là nhân tố rất quan trọng để giúp BIDV vững vàng đương đầu với khó khăn và mạnh mẽ vươn lên chinh phục những thành tựu mới.
Ngay từ những năm 2000, BIDV đã triển khai Đề án xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp. Theo đó, BIDV đã tổng kết, đúc rút bản sắc văn hoá BIDV với một số đặc trưng như: Đồng lòng nhất trí, có niềm tin mạnh mẽ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bài bản và thận trọng; đoàn kết trên dưới một lòng; trung thành, gắn bó, thân thiện. Trên cơ sở đề án, BIDV đã xây dựng 2 bộ Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm môi trường hoạt động thân thiện, minh bạch, đồng thời góp phần chỉ dẫn, điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cán bộ nhằm bảo đảm lợi ích và sự phát triển bền vững của BIDV.
Từ năm 2012, BIDV chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại với sự thay đổi căn bản và thực chất về cơ chế, sở hữu, hoạt động đầy đủ theo nguyên tắc thị trường, với định hướng hội nhập và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ... Trong bối cảnh đó, BIDV càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của việc xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của BIDV. Văn hoá doanh nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng uỷ BIDV đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BIDV nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hàng năm. Cụ thể: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ BIDV lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 14/08/2020 và Chương trình hành động số 351-CTr/ĐU ngày 14/8/2020,... Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ BIDV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển bản sắc văn hoá doanh nghiệp BIDV là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ; Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 21/1/2020 trong đó xác định một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai chiến lược thương hiệu gắn với thực hành văn hoá doanh nghiệp, phong trào học hỏi sáng tạo trong toàn hệ thống; Nghị quyết số 08-NQ/ĐU ngày 8/2/2023 xác định nội dung thực hành và phát huy các giá trị văn hoá doanh nghiệp, văn hoá kiểm soát rủi ro, các giá trị cốt lõi (Trí tuệ, Niềm tin, Liêm chính, Chuyên nghiệp, Khát vọng) là một trong 5 mục tiêu ưu tiên trong năm 2023 của Đảng bộ BIDV.
Chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, ngày 11/01/2021, Hội đồng quản trị BIDV ban hành Nghị quyết số 22/NQ-BIDV phê duyệt Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định “Nguồn nhân lực và văn hóa doanh nghiệp” là một trong ba trụ cột phát triển chính. Theo đó, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ năng lực, có phẩm chất, hướng đến mục tiêu chung; phát huy các giá trị truyền thống, thực hành văn hóa doanh nghiệp là động lực hoạt động của hệ thống.
Để đồng bộ các giá trị nội tại phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới, năm 2021, BIDV tiếp tục triển khai Chuẩn hóa văn hóa doanh nghiệp. Dựa trên 2 mô hình nghiên cứu là mô hình OCAI (Organisation’s Culture Assesment Instruments) và DOCS (Denison Organisation’s Culture Survey), BIDV đã thực hiện hơn 50 cuộc phỏng vấn trực tiếp với các cấp lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung… và khảo sát qua bảng hỏi với hơn 5.000 mẫu thu về để đánh giá, đo lường, xác định hiện trạng văn hóa doanh nghiệp BIDV. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn tiến phức tạp thời điểm đó, kết quả này cho thấy sự quyết tâm của Ban lãnh đạo, sự đồng lòng của tập thể cán bộ nhân viên BIDV trong việc không ngừng xây dựng, bồi đắp văn hóa doanh nghiệp BIDV.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Văn hoá của BIDV có nhiều đặc trưng của “văn hoá gia đình”, “văn hoá hợp tác” và là “một gia đình lớn có nếp nhà tốt”, với các biểu hiện: (i) Có truyền thống gắn kết, nghĩa tình, tương thân tương ái; (ii) Bầu không khí ôn hoà, đồng thuận, dựa trên “sự bảo ban nhau” và tôn ti trật tự ở mức phù hợp; (iii) Người trên “làm gương” và người dưới noi theo, tôn trọng “nếp nhà” để giữ kỷ cương chung. Trong những giá trị đó, “tính nghĩa tình/nhân văn” hay văn hoá gia đình là những điều làm cán bộ nhân viên nhớ nhất, tự hào nhất, ấn tượng nhất và muốn gắn bó nhất với BIDV.
Từ kết quả nghiên cứu, trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, căn cứ chiến lược phát triển của BIDV và mong muốn của người lao động, ngày 15/7/2022 Liên tịch Thường vụ Đảng ủy - Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc BIDV đã ban hành Nghị quyết số 636/NQLT-ĐU-HĐQT-TGĐ phê duyệt nội dung Sổ tay văn hóa BIDV với 5 giá trị cốt lõi: Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng, được thể hiện qua cụm từ “iBIDV”. Chữ cái “i” viết thường, in nghiêng tượng trưng cho hình ảnh con người. Với nội bộ, chữ “i” thể hiện tư tưởng “Lấy nhân làm gốc”. Với khách hàng, chữ “i” thể hiện tinh thần “Khách hàng là số 1”. Chữ “i” cũng thể hiện thông điệp BIDV tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số. iBIDV được thể hiện như một con người đầy trí tuệ, luôn sẵn sàng đón nhận tri thức mới, giữ vững chữ tín, niềm tin, luôn coi trọng danh dự, hành động trung thực, chuyên nghiệp, mang trong mình những hoài bão, khát vọng. Các giá trị văn hóa iBIDV cũng là sự kế thừa và phát triển ở tầm cao hơn truyền thống nhân văn nghĩa tình của BIDV, tiếp tục là niềm tự hào và là sợi dây gắn kết các thế hệ cán bộ trong hệ thống để cùng thực hiện mục tiêu chiến lược chung của hệ thống. Bên cạnh 5 giá trị cốt lõi, Sổ tay văn hóa còn quy định 05 Quy chuẩn đạo đức, 09 Quy tắc ứng xử và 18 điều lưu ý trong giao tiếp và thực hiện nhiệm vụ.
Trong bối cảnh với rất nhiều sự thay đổi trên toàn cầu về kinh tế - văn hoá - xã hội - công nghệ - môi trường sống, Đảng bộ BIDV nhận thức sâu sắc về vai trò của việc xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của BIDV. Văn hóa doanh nghiệp đã trở thành một trong những nội dung trọng tâm được Đảng uỷ BIDV đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BIDV các nhiệm kỳ và Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hàng năm với những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tại Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023, ngày 12/5/2023, Đảng ủy BIDV ban hành Chỉ thị 202/CT-ĐU về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo đối với công tác chuyển đổi nhận diện thương hiệu (NDTN) và thực hành văn hóa doanh nghiệp BIDV”, Đảng ủy BIDV yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn Đảng bộ tập trung, quyết liệt triển khai 07 nhiệm vụ, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu về nội dung Sổ tay văn hóa BIDV và chủ trương chuyển đổi nhận diện thương hiệu.
Thực tiễn tại các chi đảng bộ cơ sở trong các năm qua cho thấy, tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 202/CT-ĐU đã được quán triệt sâu sắc với những hoạt động rất đa dạng phong phú như đã tổ chức triển khai các khóa đào tạo trực tuyến (e-learning) về Sổ tay văn hóa BIDV; triển khai khóa đào tạo cho lãnh đạo và cán bộ công đoàn của gần 250 công đoàn cơ sở trên toàn hệ thống BIDV. Bên cạnh đó, BIDV cũng đã cử đoàn khảo sát về công tác phát triển văn hóa doanh nghiệp tại đối tác chiến lược Hana Bank để học tập, nghiên cứu các hoạt động phát triển và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp để áp dụng phù hợp tại BIDV.
Có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử 67 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ BIDV luôn quan tâm xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa BIDV. Trong giai đoạn phát triển mới, để đạt được những mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn đến năm 2025 và 2030, BIDV tiếp tục bồi đắp, thực hành các giá trị văn hóa doanh nghiệp thống nhất trong toàn hệ thống BIDV.
Những dấu ấn trong xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại BIDV
Trong quá trình xây dựng và phát triển, bên cạnh việc tiên phong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ; thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm xã hội, Đảng bộ BIDV luôn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và tập trung đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, coi đây là tài sản vô giá, là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay.
BIDV xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Là định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 Ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á”. Với BIDV, văn hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số là hai yếu tố quan trọng luôn song hành trên con đường phát triển trong thời kỳ mới với một số điểm nhấn, cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức rõ vấn đề con người là cốt lõi trong phát triển văn hóa doanh nghiệp, do đó, trong các chương trình hành động, BIDV luôn tập trung phát triển nguồn nhân lực, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động để thích ứng với quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh các chương trình phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao;… Sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết 636 và Quyết định 666 về thực hiện Sổ tay văn hóa BIDV, để các giá trị văn hóa được truyền thông, lan tỏa và thực hành thực chất trong suy nghĩ, nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, Hội đồng Quản trị BIDV đã phê duyệt chủ trương tổ chức Hội thi Đại sứ văn hóa BIDV năm 2024. Hội thi không chỉ nhằm mục đích tìm ra những đại sứ văn hóa của thống BIDV mà thông qua đó tạo ra phong trào thi đua tìm hiểu, học tập, lan tỏa những giá trị văn hóa BIDV, giúp mỗi người lao động, mỗi đơn vị trong hệ thống BIDV hiểu rõ, thấm nhuần văn hóa BIDV, góp phần đưa các chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp thành hành động thiết thực, thống nhất. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, vị thế uy tín thương hiệu và năng lực cạnh tranh của BIDV.
Thứ hai, luôn đề cao văn hóa học hỏi sáng tạo, BIDV đã xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng và thực hành văn hóa học hỏi - sáng tạo từ năm 2018; triển khai tổ chức các chương trình như Hội thi Dịch vụ BIDV (2018), Ngày hội Sáng tạo (từ 2019 đến nay), Cuộc thi triển khai nhân rộng sáng kiến phát triển dịch vụ (2020),… một cách bài bản, thu hút đông đảo các cán bộ và đơn vị trong hệ thống tham gia, với đa số các sáng kiến đạt giải là về số hóa, đổi mới quy trình, phát triển sản phẩm mới và kênh phân phối số.
Thứ ba, song song với Văn hóa học hỏi sáng tạo, BIDV triển khai đẩy mạnh Văn hóa kiểm soát rủi ro. Năm 2020, Hội đồng quản trị BIDV đã phê duyệt Nghị quyết số 534/NQ-BIDV về văn hóa kiểm soát rủi ro, trong đó xác định 08 giá trị cốt lõi và 05 nguyên tắc thực hành. Để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, năm 2022 BIDV tổ chức Hội thi Văn hoá Kiểm soát rủi ro thành công với sự tham gia của tất cả các chi nhánh trong hệ thống, trong đó người lao động đã hiến kế, ứng dụng nhiều sáng kiến số hóa quy trình, làm giàu thêm dữ liệu để kiểm soát rủi ro.
Thứ tư, BIDV tích cực triển khai các phong trào văn hóa gắn kết người lao động và cộng đồng như tổ chức Hội thao của ngành ngân hàng và của BIDV, Hội diễn, chương trình kỷ niệm, vinh danh người lao động... và thực hiện truyền thông trực tiếp (livestream) trên các nền tảng số. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng ứng dụng BIDVRun - giải chạy bộ thiện nguyện trên nền tảng số - nhằm lan tỏa ý nghĩa nhân văn, gắn kết cộng đồng, giúp người lao động và khách hàng theo dõi được sự đóng góp của mình trên mỗi km chạy đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.
Thứ năm, trong bối cảnh mới, BIDV đã chủ động đổi mới phương thức giao tiếp, hội họp theo hướng tận dụng các kênh trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao tính kịp thời. Có thể thấy, trong và sau đại dịch Covid-19, các buổi hội thảo, hội nghị của BIDV được tổ chức thông qua hệ thống Tele-conference cũng như cách thể hiện ý kiến thông qua biểu quyết trực tuyến, công tác theo dõi đại biểu tham dự các cuộc họp, hội nghị, đại hội cổ đông,… đã đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các công văn, văn bản hướng dẫn, thông báo… đều được triển khai qua hệ thống văn phòng điện tử B.One; các khóa đào tạo về văn hóa doanh nghiệp được số hóa trực quan và triển khai qua hình thức e-learning đã nâng cao hiệu quả đào tạo, truyền thông.
Thứ sáu, BIDV cũng đẩy mạnh truyền thông trên các kênh số nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục về lịch sử phát triển, bản sắc văn hóa BIDV như: xây dựng phòng truyền thống ảo 3D, biên niên sử Online, đăng tải các câu chuyện về lịch sử, con người BIDV trên các kênh truyền thông số như website BIDV, Fanpage, Youtube, mạng xã hội nội bộ BIDV Zone,…
Tiếp tục bồi đắp văn hóa doanh nghiệp, nâng cao vị thế, uy tín thương hiệu BIDV
Từ thực tiễn triển khai tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, có thể thấy sở dĩ BIDV vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là do vai trò quan trọng của việc quan tâm chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đảng bộ BIDV luôn quán triệt thường xuyên, mạnh mẽ về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp phải thực chất, xác định được những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mang tính đặc trưng, thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp. BIDV đặc biệt coi trong đạo đức kinh doanh gắn với kỷ luật, kỷ cương; chú trọng công tác xây dựng Đảng và đạo đức, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để thực hành văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong toàn tổ chức, BIDV đã thực hiện nhiều giải pháp đa dạng, lồng ghép trong tổng thể các hoạt động của tổ chức.
Một doanh nghiệp giàu văn hóa sẽ tạo nên một thương hiệu mạnh. Theo Brand Finance - Công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, chỉ số giá trị thương hiệu BIDV đã có bước tăng trưởng đột phá, tăng trưởng qua các năm, hiện ở nhóm 5 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam, đứng thứ 2 ngành ngân hàng. Để đạt được mục tiêu phát triển thương hiệu theo Chiến lược cấu phần về thương hiệu đã được Hội đồng quản trị phê duyệt, thực hành Sổ tay văn hóa BIDV chính là một giải pháp lớn, mang tính căn cơ.
Với những kết quả bước đầu đã đạt được trong việc triển khai thực hành văn hóa doanh nghiệp, trong thời gian tới, hoạt động này càng cần được các chi đảng bộ, các đơn vị trong hệ thống BIDV quan tâm đẩy mạnh triển khai một cách tích cực, chủ động, sáng tạo. Quan tâm thực hành Sổ tay văn hóa BIDV không chỉ góp phần làm giàu văn hóa doanh nghiệp BIDV mà còn là việc làm thiết thực để xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh, chất lượng, gắn kết, là lực hấp dẫn thu hút khách hàng, đối tác tại chính mỗi đơn vị.
Kinh nghiệm triển khai thực hành văn hóa doanh nghiệp BIDV cũng đã chỉ ra một số trọng tâm nhiệm vụ các chi, đảng bộ cần quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, bao gồm:
Một là, không ngừng tăng cường tuyên truyền, đào tạo về Sổ tay văn hóa doanh nghiệp BIDV trong toàn hệ thống. Với quy mô nhân sự hơn 29 nghìn người, ở khắp mọi miền đất nước và các hiện diện ở nước ngoài, để thầm nhuần văn hóa và cùng nhau thực hành văn hóa BIDV nhất quán toàn hệ thống, cần thường xuyên tuyên truyền giáo dục, đào tạo về văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh việc tham gia học tập bắt buộc cho mỗi người (có thể theo hình thức trực tuyến), các chương trình tuyên truyền, đào tạo cần được thực hiện một cách sáng tạo phù hợp với đặc điểm của mỗi đơn vị, địa phương, vùng miền trên cơ sở những giá trị, chuẩn mực chung đã được xác định trong Sổ tay văn hóa BIDV (các hội thi, mini game, sáng tác thơ, nhạc, họa, các ấn phẩm văn hóa…).
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa thực hành văn hóa ứng xử, giao tiếp, xây dựng hình ảnh người BIDV “Chuẩn mực - Chuyên nghiệp - Gương mẫu”. Chú trọng, nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo trong xây dựng, thực hành, lan tỏa văn hóa doanh nghiệp. “Thủ trưởng nào phong trào đấy” - mỗi Bí thư đảng bộ, chi bộ, mỗi Giám đốc Ban/Trung tâm, Giám đốc chi nhánh, trưởng các phòng nghiệp vụ chỉ cần quan tâm lựa chọn từng mục tiêu, từng nội dung cụ thể thực hành Sổ tay văn hóa BIDV tại đơn vị mình chính là đã góp 1 viên gạch cho ngôi nhà chung BIDV.
Ba là, tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ “Đại sứ văn hóa BIDV” thông qua các phong trào, các cuộc thi. Thông qua đó, một mặt sẽ tiếp tục truyên truyền phổ biến và tạo động lực cho mỗi cán bộ tìm hiểu Sổ tay văn hóa BIDV, một mặt tiếp tục phát hiện hạt nhân để từ đó xây dựng một đội ngũ những người BIDV tiêu biểu ngày càng đông đảo, chất lượng trong việc lan tỏa văn hóa BIDV.
Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên,… để cùng thúc đẩy, thu hút đoàn viên, người lao động cùng tham gia thực hành Sổ tay văn hóa BIDV, đồng thời tạo ra dư luận tích cực khuyến khích động viên những đoàn viên tích cực trong các hoạt động phong trào.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đo lường đánh giá nhận thức và thực hành văn hóa doanh nghiệp với các hình thức đa dạng tại từng đơn vị. Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời, đồng thời có các biện pháp nhắc nhở các đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện qua loa, chiếu lệ hình thức. Thông qua các kênh truyền thông nội bộ của BIDV, đẩy mạnh các hoạt động nêu gương, chia sẻ những cách làm hay, hiệu quả tại mỗi đơn vị để mỗi người, mỗi đơn vị thấy “cần” hơn là “phải” thực hành văn hóa.
Sau 67 năm hình thành và phát triển, BIDV đã có một bề dày truyền thống đáng tự hào: là định chế tài chính đa năng, đa sở hữu, hiện đại, hoạt động theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Những giá trị văn hóa đã tạo nên vóc dáng của BIDV - ngân hàng lớn nhất Việt Nam về quy mô tổng tài sản, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và các nước, các tổ chức, khách hàng, đối tác, và cộng đồng xã hội trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. BIDV hiện thuộc nhóm 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn và quyền lực nhất thế giới do Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn, nhóm 5 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024 (Brand Finance đánh giá), nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất và nộp thuế nhiều nhất Việt Nam, là minh chứng thể hiện tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của BIDV.
Những thành quả đó có được nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, cống hiến không ngừng nghỉ của tập thể hơn 29.000 cán bộ của BIDV, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành BIDV đã kiên định, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện các đường lối chiến lược phát triển kinh doanh đúng đắn cũng như đã sớm quan tâm đến các vấn đề xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp. Nhờ vậy, đã góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của cán bộ nhân viên ngân hàng; tăng cường kỷ luật, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lấy khách hàng làm trung tâm, củng cố lòng tin của xã hội đối với BIDV. Những giá trị, bản sắc văn hóa riêng có của BIDV sẽ tiếp tục là hành trang đưa BIDV vươn lên những tầm cao mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa theo định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đảng ủy Khối DNTW, của ngành Ngân hàng và của BIDV trong thời gian tới trên hành trình “Vững bước tiên phong - Đồng hành phát triển”.
Trần Văn Nguyên, Ban Truyền thông và Thương hiệu BIDV