.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Thực hiện hiệu quả "tự phê bình" và "phê bình" trong công cuộc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh

Thứ Tư, 13/11/2024|14:43

Sự sụp đổ của Khối xã hội chủ nghĩa tại Liên bang Xô viết và Đông Âu bắt nguồn từ việc xem nhẹ công tác “tự phê bình” và “phê bình”. Từ khi người anh cả của Chủ nghĩa xã hội - Liên bang Xô viết (Liên Xô) và khối Đông Âu sụp đổ (năm 1991), đã để lại nhiều hệ lụy cho các Quốc gia Xã hội chủ nghĩa trong bảo vệ sinh mạng chính trị tổ chức Đảng và sự tồn vong của Chế độ.

Căn cứ vào thực tế tình hình đã diễn ra tại Liên Xô và các Quốc gia Đông Âu ở thập niên 90 của thế kỷ XX, Chúng ta nhận ra hai vấn đề trọng yếu phát sinh từ chính nội bộ của tổ chức Đảng và từng Đảng viên, bên cạnh sự chống phá của các thế lực thù địch dưới bàn tay vô hình của Mỹ và Phương Tây:

Thứ nhất: Đảng Cộng sản Liên xô là Đảng cầm quyền, mà khuyết tật bẩm sinh từ quyền lực là lạm quyền, tham ô, tham nhũng, từ đó không giải quyết được các vấn đề dân tộc nhân dân phải đối mặt, gây mất lòng tin trong chính nội bộ của Đảng và trong quần chúng nhân dân. Nguyên nhân chính của vấn đề này là sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ Đảng viên trước những thay đổi của thời cuộc, tác động của các thế lực thù địch và từ chính lập trường tư tưởng chưa vững vàng.

Thứ hai: Ban lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không đủ tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh chống lại các thành phần cơ hội, xét lại và suy thoái đạo đức chính trị. Đặc biệt, Các phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị này còn nắm giữ những vị trí quan trọng trong Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô (Gorbachev). Sau khi Gorbachev nắm được quyền lực trong tay, thì một loạt các chính sách, tư tưởng đi ngược lại lý tưởng mà Đảng và nhân dân Liên Xô đã theo đuổi từ Cách mạng tháng 10 năm 1917, phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa và lợi ích dân tộc, phản bội tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.  

Như vậy, bài học thực tiễn về sụp đổ Liên bang Xô viết và khối Đông Âu có thể thấy rõ: Nguyên nhân chính khiến một Quốc gia hùng mạnh (đối trọng trực tiếp của Mỹ và Phương Tây) với hơn 20 triệu Đảng viên tan rã, không phải là sự chống phá của các thế lực bên ngoài, mà chủ yếu đến từ sự “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”của từng Đảng viên trong tổ chức Đảng. Quan trọng hơn, là sự thiếu kiểm soát, thiếu công tác chấn chỉnh nội bộ, dẫn đến đưa những cá nhân chưa đủ độ chín về tư tưởng lên các vị trí quan trọng, điều này đã trực tiếp đạp đổ thành quả hơn 70 năm dựng Nước và giữ Nước của Đảng và nhân dân Liên Xô.

Bài học thực tiễn công tác “tự phê bình” và “phê bình” mang lại xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta:

Ngay từ khi hình thành cho đến thời điểm hiện tại, Đảng ta đều nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm và kịp thời đưa ra giải pháp sửa chữa. Nhờ đó, đã góp phần củng cố, tăng cường khối đoàn kết trong Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đủ khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp Cách mạng của dân tộc ta tiếp tục trường tồn và phát triển theo năm tháng, Cụ thể:

Trong giai đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), nhận thấy chủ trương “thanh Đảng” của Xứ ủy Trung Kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tập hợp lực lượng, Trung ương Đảng đã nghiêm khắc phê bình; đồng thời, yêu cầu Xứ uỷ Trung Kỳ nghiêm túc kiểm điểm đến từng Đảng viên.

Trong giai đoạn cải cách ruộng đất 1953 - 1956, phát hiện những điểm chưa phù hợp với thực tế Cách mạng tại Việt Nam, Trung ương Đảng đã nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận những khuyết điểm, nhận trách nhiệm và kịp thời đưa ra các chính sách điều chỉnh phù hợp. Đây là yếu tố then chốt giúp miền Bắc tiếp tục là hậu phương vững chắc, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước.

Trong giai đoạn đổi mới tại Đại hội lần VI (1986), Đảng ta đã mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế trong giai đoạn nền kinh tế quan liêu bao cấp, như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, khi đồng nhất quan điểm nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường với kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhờ vậy, Đảng ta đã kịp thời đưa ra các quyết sách mang tính thời đại, trong đó đã định nghĩa về “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” làm kim chỉ nam cho con đường phát triển kinh tế cho toàn Đảng, toàn dân.

Nhìn rộng ra có thể thấy được, trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào thì công tác “tự phê bình” và “phê bình” luôn là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự tồn vong của cả một Chế độ. Vì vậy, trước tình hình Thế giới và trong nước đang có nhiều chuyển biến phức tạp, tác động không nhỏ đến giữ gìn sự thống nhất và trong sạch của Đảng, thì vai trò của công tác “tự phê bình” và “phê bình” càng phải được quan tâm và chú trọng.

“Tự phê bình” và “Phê bình” - Thanh gươm sắc bén xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh

Nhận thức rõ vai trò của đội ngũ Đảng viên, đặc biệt là các Đảng viên đang giữ những vị trí quan trọng ở các Cơ quan của Đảng và Nhà nước: Đảng ta đã, đang thực hiện công cuộc “Đốt lò” lịch sử dưới sự dẫn dắt, truyền cảm hứng của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiếp tục được duy trì của Tân Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm. Tuy nhiên, việc phòng chống tham nhũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, sau khi chúng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, Nhân dân và trên hết tổn hại đến uy tín của Đảng. Cái gốc vấn đề là sự suy thoái lập trường tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận Đảng viên, đi ngược với chủ trương đường lối của Đảng, vi phạm những điều Đảng viên không được làm.

Bên cạnh đó, từng Chi bộ cơ sở còn chưa đề cao công tác giám sát Đảng viên của mình. Công tác kiểm tra, “tự phê bình” và “phê bình” thực hiện một cách hình thức trong nội bộ Đảng. Từ đó, không nhìn nhận kịp thời sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ Đảng viên, nghiêm trọng hơn là bổ nhiệm các Đồng chí này vào các vị trí trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Bằng chứng là qua hàng loạt đại án được phanh phui, thật đáng buồn khi những vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý điều hành, tha hóa đạo đức Cách mạng lại bắt nguồn từ những Đảng viên đứng đầu – những đồng chí mà Đảng và Nhân dân đã đặt trọn niềm tin. Vì vậy, Đảng ta cần kiện toàn tổ chức Đảng từ gốc, để không phải nhìn thấy viễn cảnh mà Đảng Cộng sản Liên Xô mắc phải trong quá khứ.

“Tự phê bình” và “phê bình” sẽ là thanh gươm sắc bén của từng tổ chức Đảng trong công cuộc xây dựng lực lượng Cách mạng vừa hồng, vừa chuyên. Thanh gươm khi được mài sắc bén và sử dụng thường xuyên, sẽ giúp từng Đảng viên nhìn nhận được những khuyết điểm, sự suy thoái tư tưởng, chính trị và đạo đức Cách mạng của chính mình. Ngoài ra, còn góp phần chỉ ra khuyết điểm, sự “tự chuyển hóa” của các Đồng chí quanh mình. Từ đó xây dựng tổ chức Đảng vững về tư tưởng, mạnh về phẩm chất, giỏi về chuyên môn.

Tuy nhiên, nếu thanh gươm “tự phê bình” và “phê bình” không được mài sắc và sử dụng thường xuyên mà chỉ thực hiện một cách nể nang, xuề xòa, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, cấp dưới không dám phê bình cấp trên; lợi dụng tự phê bình và phê bình để trù dập nhau, gây mất đoàn kết nội bộ thì vô cùng nguy hiểm. Thanh gươm sẽ lục dần và chẳng những không giúp Đảng triệt hạ các mầm mống, nguy cơ đe dạo mà ngược lại sẽ gây hại trực tiếp cho Đảng và Nhân dân. Như nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng đề cập đến vấn đề “Đồng thuận một chiều” trong sinh hoạt Đảng, điều này sẽ khiến Đảng ta yếu dần, đội ngũ Đảng viên giảm sức chiến đấu trước những chiêu bài thâm độc của các thế lực thù địch.

Nền tảng tư tưởng trong công tác “Tự phê bình” và “Phê bình” trong Đảng

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bất cứ Đảng nào cũng có lúc phạm phải sai lầm. Nhưng đứng trước những sai lầm, mỗi Đảng có thái độ ứng xử và cách thức xử lý khác nhau. Theo Ph.Ăngghen: “Giai cấp vô sản, cũng như tất cả các Đảng khác, sẽ học tập nhanh nhất qua những sai lầm bản thân, những sai lầm này không ai có thể tránh hoàn toàn cho họ được”. Vì vậy, nghiêm túc nhìn nhận ra sai lầm và thành thật sửa chữa khuyết điểm, là cách tốt nhất để Đảng ta xây dựng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Tất cả những Đảng Cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”. Người sáng lập Liên bang Xô viết đã nhìn nhận và thấy rõ vai trò của công tác “tự phê bình” và “phê bình” trong Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập, rất tiếc khi các thế hệ sau của Ngài không tiếp tục duy trì phát triển tư tưởng đúng đắn này. Đây là bài học cho Đảng ta, luôn phải tự rèn luyện, tự nhắc nhở để không bao giờ quên, xao nhãn trong công tác “tự phê bình” và “phê bình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhìn nhận vai trò quan trọng trong công tác “tự phê bình” và “phê bình” trong suốt chặng đường hoạt động Cách mạng của mình. Người chỉ rõ “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Trong Cách mạng ruộng đất, Người cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, sai lầm của Đảng và của chính mình, Người khẳng định “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, để rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn và chân chính”. Ngay cả khi trước lúc Người đi xa, Người đã để lại lời dặn dò cuối cùng trong bản Di chúc lịch sử “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Thấm nhuần lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước, Đảng ta đã đang và không ngừng nổ lực để thực hiện công tác “tự phê bình” và “phê bình” hiệu quả, thiết thực và thường xuyên. Bằng chứng tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm”. Ngoài ra, Văn kiện Đại hội XIII đã thẳng thắn nhìn nhận “Không ít nơi còn hình thức, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”.

Thực trạng hiện tại của công tác “tự phê bình” và “phê bình” trong các tổ chức Đảng

Trong thời gian qua, đứng trước những chỉ đạo sát sao từ những Nghị quyết, Văn kiện của Đảng, các tổ chức Đảng tại cơ sở đã nhìn nhận một cách đầy đủ tầm quan trọng của công tác “tự phê bình” và “phê bình”, gắn công tác này với hoạt động kinh doanh và nhiệm vụ chính trị trọng yếu của các Đơn vị. Qua đó, góp phần phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng Đảng viên.

Mặc dù vậy, thực tiễn thực hiện công tác “tự phê bình” và “phê bình” cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại ở các tổ chức Đảng cơ sở:

Một bộ phận Đảng viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của tự phê bình và phê bình, chưa tự giác hoặc có thực hiện cũng chỉ là hình thức, qua loa, chiếu lệ; còn che giấu, chưa mạnh dạn tự soi, tự sửa, tự nhận khuyết điểm, sai lầm của mình. Bằng chứng trong bản kiểm điểm Đảng viên hàng năm hoặc các văn bản tương tự, các đồng chí Đảng viên đa phần luôn nêu lên khuyết điểm của mình là “chưa mạnh dạn trong công tác “tự phê bình” và “phê bình””.

Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý vẫn còn diễn ra, cấp dưới không dám phê bình cấp trên dẫn tới “đồng thuận một chiều”. Đây có thể xem là biểu hiện hết sức nguy hiểm, vô hình chung cổ súy, dung túng và nuôi dưỡng sự suy thoái đạo đức, lý tưởng cách mạng trong Đảng viên đặc biệt những Đảng viên giữ vai trò Lãnh đạo. Thực tế cho thấy tình trạng tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm nghiêm trọng, bị phát hiện và xử lý kể cả xử lý hình sự có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng; cốt lõi cũng từ việc chưa thực hiện nghiêm “tự phê bình” và “phê bình” tại từng Chi bộ cơ sở.

Một sự thật dù đau lòng nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là sự thiếu trách nhiệm của một số Cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Đảng viên; chưa nêu gương, chưa quan tâm, chưa có giải pháp gợi mở, gợi ý nội dung để Đảng viên làm tốt công tác “tự phê bình” và “phê bình”. Thậm chí, chưa có giải pháp triệt để khắc phục đến nơi đến chốn khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra trong kiểm điểm “tự phê bình” và “phê bình”,  dẫn đến khuyết điểm vẫn cứ tồn tại mãi mà vẫn không khắc phục được.

Trên đây là những tồn tại thực tiễn trong công tác “tự phê bình” và “phê bình” tại các tổ chức Đảng. Đáng buồn thay, sự thiếu hiệu quả trong công tác “tự phê bình” và “phê bình” tại các tổ chức Đảng không phải là vấn đề mới phát sinh, mà đã tồn tại từ rất lâu và đi sâu vào từng Đảng viên, dù đã được tuyên truyền, đào tạo, quán triệt trong nhiều văn kiện, bài báo, chỉ thị của Đảng. Như vậy, nguyên nhân không phải là các tổ chức Đảng và từng Đảng viên không nhận thức được vai trò quan trọng của công tác “tự phê bình” và “phê bình”, mà nghiêm trọng hơn là biết mà thờ ơ, xem nhẹ công tác này, thậm chí các tổ chức Đảng cũng dần cổ súy, buông lỏng xem hạn chế trong công tác “tự phê bình” và “phê bình” trong Đảng bộ cơ sở và của từng Đảng viên là chuyện hiển nhiên. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu và nguy hiểm nhất ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh từ gốc.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực công tác “tự phê bình” và “phê bình” vì mục tiêu xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh

Từ các lập luận mang tính chất thực tiễn, được đúc kết từ quá khứ đến hiện tại, cho thấy công tác “tự phê bình” và “phê bình” trong từng tổ chức Đảng là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng chính trị của tổ chức Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Để thực hiện nguyên tắc “tự phê bình” và “phê bình” trong Đảng hiện nay, cần làm tốt những giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, các Cấp ủy Đảng phải thấm nhuần thật sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phê bình việc, chứ không phê bình người, và khi là con người việc sai sót, có khuyết điểm là điều bình thường. Xem công tác “tự phê bình” và “phê bình” góp phần tự nhìn nhận khuyết điểm, cải thiện để phát triển tốt hơn, chứ không phải để  “bới lông, tìm vết”, để hạ bệ lẫn nhau.

Thứ hai, xây dựng nội dung và phương thức trong công tác “tự phê bình” và “phê bình” phải cứng rắn về nguyên tắc nhưng mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành. Trong phê bình phải tế nhị, không dùng các phương pháp hành chính, mệnh lệnh.

Thứ ba, ngọc không mài thường xuyên thì sẽ không sáng, vì vậy các tổ chức Đảng phải thường xuyên thực hiện nghiêm túc công tác “tự phê bình” và “phê bình”, đưa “tự phê bình” và “phê bình” thành nề nếp, thói quen trong các cuộc họp Chi bộ, trong sinh hoạt Đảng.

Thứ tư, xử lý nghiêm những Đồng chí lợi dụng phê bình để vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ. Lên án và đấu tranh với các hành vi lợi dụng phê bình để đấu đá trong nội bộ…

Thứ năm, công tác “tự phê bình” và “phê bình” tại các Chi bộ Đảng có đi đúng bản chất, hiệu quả, thẳng thắn phụ thuộc rất lớn vai trò của Bí Thư chi bộ. Cấp ủy lãnh đạo, chịu trách nhiệm đứng đầu là Bí thư chi bộ phải tạo được niềm tin trong tổ chức Đảng, và trong từng Đảng viên, thì các Đồng chí ấy mới tự tin, mạnh dạn trong công tác “tự phê bình” và “phê bình”. Điều này không thể có được trong ngày một ngày hai, không thể có được từ những lời tuyên truyền sáo rỗng, mà phải đến từ vai trò nêu gương, tác phong làm việc trong đời sống hàng ngày mà Cấp ủy thể hiện.

Thứ sáu, Đối với các tổ chức Đảng mà nhiệm chính trị trọng tâm là nhiệm vụ kinh doanh (tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế…), thì Cấp ủy cần xây dựng chương trình sinh hoạt Chi bộ định kỳ gắn hoạt động kinh doanh với các chuyên đề của Đảng, gắn công tác “tự phê bình” và “phê bình” của từng Đảng viên với nhiệm vụ kinh doanh đã được tổ chức Đảng và Ban lãnh đạo giao phó. Ngoài ra, công tác “tự phê bình” và “phê bình” trong lập trường tư tưởng chính trị của từng Đảng viên, Cấp ủy không dừng lại chỉ đánh giá Đảng viên về biểu hiện suy thoái hiện tại, mà cần mở rộng thực hiện “tự phê bình” và “phê bình” về công tác cập nhật các thủ đoạn mới của các thế lực thù địch (Cách mạng màu, dân túy…). Cần nhìn nhận rõ việc xao nhãn, không cập nhật thủ đoạn của các thế lực thù địch là nguy cơ của việc suy thoái chính trị, tư tưởng vì điều này tạo môi trường cho các luận điểm sai trái len lõi vào từng Đảng viên, từng quần chúng nhân dân. Cấp ủy cơ sở phải luôn lấy phương châm “không để tổ chức Đảng, Đảng viên bị bất ngờ trước bất kỳ thủ đoạn nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Nguyễn Hữu Chiến, Chi bộ II, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thủ Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bài 1: Tự Phê Bình Và Phê Bình là Nguyên tắc sinh hoạt, là quy luật tồn tại, Phát triển của đảng Cộng Sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn. (n.d.).https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bai-1-tu-phe-binh-va-phe-binh-la-nguyen-tac-sinh-hoat-la-quy-luat-ton-tai-phat-trien-cua-dang-cong-san-viet-nam-639652.html

2. Tự Phê bình và phê Bình Trong Xây dựng đảng. (n.d.-b). https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tu-phe-binh-va-phe-binh-trong-xay-dung-dang-1491885944

 

.
.
.
.