.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vận dụng vào xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng hiện nay

Thứ Hai, 25/11/2024|16:14

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ được hình thành, phát triển dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống dân tộc và thực tiễn đất nước. Những quan điểm của Người về công tác cán bộ rất bao quát, toàn diện và có giá trị to lớn đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của trong các thời kỳ và trên mọi lĩnh vực. Tư tưởng đó được Người sử dụng để đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, những người đã tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng đem lại nền độc lập cho nước nhà. Rồi biết bao nhiêu cán bộ Đảng viên là những tấm gương sáng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh để cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến trường kì để thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình cho chúng ta.

Bước vào thời kì xây dựng Tổ quốc, sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được bạn bè thế giới công nhận. Vai trò của người cán bộ Đảng viên lại càng quan trọng. Và qua thực tiễn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, chúng ta lại thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn rất đúng đắn và phù hợp, chưa hề lạc hậu. Vậy nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh là gì, vận dụng tử tưởng của Người trong xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng hiện nay như thế nào cho phù hợp.

Cán bộ là “gốc” của mọi công việc - đây chính là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, tư tưởng xuyên suốt của Người là: Cán bộ là “gốc” của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém; “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây truyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[1]. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ được thể hiện qua các bài viết, bài nói, đặc biệt là trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (dưới bút danh X.Y.Z, viết tháng 10/1947) đã thể hiện tương đối toàn diện quan điểm của Người về cán bộ và công tác cán bộ, xong tựu chung lại được thể trên những luận điểm chính sau:

Thứ nhất, về công tác tuyển chọn cán bộ - khâu chọn giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt. Tuyển chọn cán bộ nhằm tìm kiếm, phát hiện, bố chí, sử dụng cán bộ có đức, có tài. Người đưa ra ba tiêu chí để lựa chọn cán bộ: (1) trung thành với cách mạng; (2) liên hệ mật thiết với quần chúng và vì lợi ích của quần chúng; (3) những người có thể phụ trách và giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Theo Hồ Chí Minh, trong công tác lựa chọn cán bộ phải theo tinh thần: Thà ít mà tốt, việc lựa chọn đội ngũ cán bộ cốt cán cần phải được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, cán bộ được lựa chọn phải là hạt nhân trong các phong trào học tập, công tác, chiến đấu và lao động sản xuất. 

Thứ hai, về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ. Người ví công tác này “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng những con người có ích cho công việc chung của chúng ta”[2]. Do đó, Người đưa ra phương châm: làm việc gì, học việc ấy; nội dung huấn luyện phải thiết thực và chu đáo, phải nắm rõ nhu cầu để huấn luyện, không được “hữu danh vô thực”; mục đích huấn luyện ai, huấn luyện như thế nào, bài kiểm tra và bài học cần áp dụng là gì? Người cũng chỉ ra hạn chế trong công tác huấn luyện cán bộ là: lý luận và thực tiễn không ăn khớp với nhau, học rồi mà không dùng được, huấn luyện nhiều nội dung là dùng không hiệu quả.

Thứ ba, về công tác xem xét, đánh giá cán bộ. Đây là công tác thường xuyên, liên tục, do đó phải đánh giá khách quan và toàn diện. Đánh giá cán bộ đúng là cơ sở để bố chí, sử dụng cán bộ đúng. Hồ Chí Minh căn dặn: “... Xem xét cán bộ không chỉ xem mặt ngoài mà phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, tất cả công việc của họ”[3]. Đặc biệt là đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”[4]. Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[5].

Như vậy, Hồ Chí Minh coi đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ, giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đạo đức tạo nên uy tín của người cán bộ, là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Do đó, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Thứ tư, về công tác bố trí, sử dụng cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ nhất là cán bộ trẻ phải được và có quá trình thử thách, rèn luyện qua thực tiễn cách mạng để trên cơ sở đó đánh giá đúng năng lực và phẩm chất đạo đức của họ. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của Đảng ta trước đây đều được tôi luyện và thử thách trong phong trào đấu tranh cách mạng mà trưởng thành và khẳng định được tài năng, đạo đức cách mạng. Trong bố trí cán bộ phải “người nào việc nấy” chí công vô tư, không thành kiến, không bỏ rơi cán bộ. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển, giữa cán bộ trẻ, cán bộ mới và cán bộ lâu năm; chú ý đào tạo cán bộ kế cận. Người phân tích, cán bộ mới “vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm nhưng họ lại có những ưu điểm hơn cán bộ cũ, họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn[6]”. Do đó, “cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới... Hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau..”[7]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm chỉ ra những vấn đề cần tránh trong công tác sử dụng cán bộ: tránh bè phái, cục bộ địa phương, hẹp hòi: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực. 3 Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tính không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng hư hỏng... Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả đánh giá của người lãnh đạo”[8]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, sử dụng cán bộ có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng chính trị của cán bộ, vì vậy cần thận trọng, kỹ càng, tránh sai lầm.

Thứ năm, về chế độ, chính sách đối với cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác thực hiện chế độ, chính sách cán bộ phải dựa trên chữ “thương”, nhưng “thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc”, thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, thấy khuyết điểm của cán bộ thì giúp họ sửa chữa ngay. Đối với cán bộ phạm sai lầm, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy, tự sửa chứ không phải là cưỡng bức sửa.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm minh, nói đi đôi với làm, Người luôn yêu cầu phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, bình đẳng, không có bất cứ ngoại lệ nào. Việc Người bác đơn xin ân xá của Trần Dụ Châu,[9] với lập luận: Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo. Người đã cho thấy để quản lý xã hội, điều hành mọi hoạt động xã hội, một nhà nước dân chủ tất yếu phải quản lý, điều hành thông qua Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, Hiến pháp năm 1946 đã nhanh chóng được ban hành để đặt “viên đá tảng” cho xây dựng bộ máy nhà nước và quản lý xã hội.

Sau này, khi hòa bình lập lại, Bác càng đau đáu với công tác cán bộ hơn. Một trong những câu nói thấm thía nhất của Bác là: “Đáng sợ nhất là các chú”, khi đồng chí Tố Hữu từ Huế ra báo cáo tình hình với Hồ Chủ tịch; trong bối cảnh sau khi giải phóng miền Bắc, Cách mạng tháng Tám thành công. Câu nói của Bác Hồ hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thời điểm Bác trở lời Tố Hữu, chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, vận mệnh đất nước như “Ngàn cân treo sợi tóc”, nếu Đảng ta và Hồ Chủ tịch không sáng suốt, đội ngũ cán bộ đảng viên không một lòng một dạ, gương mẫu thì làm sao vận động tổ chức được nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách to lớn, lập nên những chiến công kỳ diệu, đánh thắng những kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần, bảo vệ Độc lập, Tự do, thống nhất Tổ quốc.

“Đáng sợ nhất là các chú” là lời căn dặn của Bác đối với mỗi cán bộ, mỗi Đảng viên từ lãnh đạo đến những Đảng viên bình thường phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, tự chiến thắng bản thân mình trước cám dỗ của tiền tài, vật chất, suốt đời lấy việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Từ đó, Người nhấn mạnh, muốn giữ vững nhân cách thì cán bộ và chiến sĩ phải luôn thực hành bốn chữ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, ngay từ khi ký sắc lệnh 15/SL ngày 6/5/1951, thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương lựa chọn những cán bộ cốt cán, có đức, có tài để bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng làm nòng cốt trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 1952, trong bức thư gửi cán bộ ngành tài chính - ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách”.[10]

Khẳng định lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Xây dựng Đảng về công tác cán bộ “qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc công việc, là then chốt của then chốt”. Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trải qua 70 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL, ngày 6/5/1951 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức người lao động của ngành Ngân hàng đã luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu bảo vệ vững chắc nền tiền tệ độc lập, tự chủ của quốc gia, thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn lực tài chính, tín dụng, dịch vụ cho sự phát triển của đất nước.

Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng ở Việt Nam nói chung, ngân hàng nhà nước nói riêng đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, đảm bảo khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Số lượng nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng tăng, trình độ chuyên môn ngày càng cao. Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2021, tổng lượng nhân viên làm việc trên toàn hệ thống ngân hàng là 255.492 người, tăng 5,5% so với cuối năm trước đó; trên 3,8% tổng số cán bộ công chức, viên chức ngành ngân hàng có trình độ tiến sĩ; cán bộ thông thạo ngoại ngữ chiếm 23% tổng số cán bộ công chức, viên chức trên toàn hệ thống[11]

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận vẫn xảy ra. Một số vụ án bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý cho thấy công tác cán bộ còn nhiều vấn đề về, đặc biệt là “đức” của cán bộ. Tình trạng cán bộ ngân hàng và ngoài ngành ngân hàng đã tạo dựng các hồ sơ, giấy tờ giả như sổ tiết kiệm khống, thậm chí dùng vàng giả đưa vào thế chấp để tham ô chiếm đoạt tiền của ngân hàng; giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo; sử dụng bút toán giả; thu tiền nợ vay không nhập quỹ; lập hồ sơ vay khống hoặc hồ sơ ghi tăng số tiền vay để rút tiền; không thẩm định hoặc cố tình thẩm định sai tài sản thế chấp…Một số cán bộ ngân hàng đã sử dụng các doanh nghiệp tư nhân “sân sau” để thực hiện các hành vi như tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tiền của tổ chức ngân hàng và Nhà nước. Chẳng hạn vụ án cựu chủ tịch ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình bị khởi tố 4 vụ án làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng với sự tham gia của nhiều người từ lãnh đạo “chóp bu” đến nhân viên chi nhánh, được thực hiện bằng nhiều chiêu thức, thủ đoạn rất tinh vi: Cấu kết lập khống chứng từ, chi sai nguyên tắc nhằm rút ruột ngân quỹ; Thao túng, chi phối hoạt động tín dụng, “bẻ lái” dòng vốn chảy vào các quan hệ thân hữu, doanh nghiệp “sân sau”... Hay gần đây nhất là Đại án ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với những con số giật mình, ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng Việt Nam Theo đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bằng nhiều thủ đoạn đã thao túng, chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB. Đây được coi là đại án lớn nhất từ trước đến nay của ngành ngân hàng trên nhiều phương diện như về quy mô xét xử, số lượng cá nhân và pháp nhân có liên quan, số tiền thiệt hại và mức độ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Đại án ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn đang trong quá trình xét xử nhưng từ đây cho thấy công tác cán bộ là gốc của mọi công việc; công tác giám sát, thanh kiểm tra đóng vai trò quan trọng.

Thực trạng về đội ngũ nhân sự của ngành ngân hàng đúng như nhận định chung về cán bộ Đảng viên của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh. Trong đó, một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu…, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi.

Với quan điểm, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Trung ương xác định rõ, đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp chiến lược là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, ở đó, yếu tố “hồng” đặt trước “chuyên”; “phẩm chất” đứng trước “năng lực, uy tín”. Mới đây, Trung ương đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đây chính là căn cứ để Đảng và Nhà nước ta lựa chọn được người cán bộ xứng đáng để “chọn mặt gửi vàng”. Điều 5 của Quy định nêu rõ, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong các vấn đề: tuyển chọn; huấn luyện đào tạo; xem xét, đánh giá; bố trí sử dụng; chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ngành Ngân hàng cần thận trọng, đúng nguyên tắc. Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cần phù hợp với từng chức danh, vị trí. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh lọc, giáo dục cán bộ trong hệ thống ngân hàng từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho các cán bộ ngân hàng và đội ngũ đảng viên về mục tiêu, yêu cầu, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong chiến lược phát triển của quốc gia, của địa phương, vừa cơ bản, lâu dài, vừa kịp thời, cấp thiết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và

Thứ ba: đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện cán bộ kinh qua nhiều vị trí công tác, nhiều môi trường, tính chất để thích ứng và đón đầu xu thế phát triển; tạo cơ hội để cán bộ khẳng định năng lực và phát triển bản thân ở môi trường mói, cương vị mới và mối quan hệ mới. Luân chuyển cán bộ tránh được tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, lợi ích nhóm, khắc phục được những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ

Thứ tư, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngân hàng để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí. Áp dụng hình thức khen thưởng đối với thủ trưởng và tập thể đơn vị đã làm tốt công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị mình, tự xử lý hoặc đề nghị cơ quan thuộc thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, chú trọng công tác tư tưởng chính trị, gắn bó đoàn kết đảng viên và quần chúng trong từng bộ phận ngân hàng, đảm bảo công bằng, minh bạch trong công tác thi đua khen thưởng. Phát huy vai trò gương mẫu tiên phong đi đầu của các đồng chí trong cấp ủy, của các đồng chí đảng viên trong toàn ngân hàng. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Các cán bộ ngân hàng cần phải là những con người phát triển toàn diện cả tài và đức, phải coi trọng cả tài và đức nhưng phải lấy đức làm gốc. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhớ, tài sản mất có thể thu hồi, nhưng mất tư cách đạo đức, phẩm chất chính trị là mất tất cả. Vì vậy, việc chọn được cán bộ đã khó, nhưng giữ được cán bộ càng khó hơn trong tình hình mới, khi mà có quá nhiều cám dỗ về vật chất, về quyền lực bủa vây quanh người cán bộ có vị trí lãnh đạo. Đặc biệt, đối với các cán bộ ngành ngân hàng, làm nhiệm vụ giữ tiền, hàng ngày nhìn thấy rất nhiều tiền xung quanh, thì việc liên tục rèn luyện để vượt qua cám dỗ là rất quan trọng, đòi hỏi người cán bộ vừa phải có chuyên môn nghiệp vụ tốt để không gây lãng phí tiền của nhân dân, nhưng trên hết, phải có đạo đức, tự mình đấu tranh, vượt qua mọi sức ép, sự lôi kéo, cám dỗ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ nhận thức đó, ngành ngân hàng cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vê công tác cán bộ, đồng thời, tiếp tục thực hiện việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, vừa có đạo đức, dẫn dắt toàn ngành phát triển, đóng góp vào mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ và nền kinh tế, đưa nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045 nhằm thực hiện di nguyện “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Thanh Nga, Cao Thị Hương Loan, Lê Thanh Vân

Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

 

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr166

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr317-318

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr318

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr318

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr319

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr237

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr237

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr318-319

[9] Trần Dụ Châu, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu bị kết án tử hình vào tháng 9 năm 1950 tại Thái Nguyên vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr416

[11] Ngân hàng Nhà nước (2022), Báo cáo thống kê một số chỉ tiêu cơ bản đến 31/12/2021

 

.
.
.
.