.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Tuổi trẻ Vietcombank Lâm Đồng tiếp tục gìn giữ và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

Thứ Bảy, 09/11/2024|19:09

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới biên cương tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ. Trong tư tưởng của Người, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí trọng yếu, chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là địa bàn chiến lược quan trọng, nhạy cảm và phức tạp nên hết sức coi trọng và đặc biệt quan tâm, chăm lo đến xây dựng công tác biên phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới.

d
Trước khi về giải phòng Thủ đô, khi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia luôn được ông cha ta coi trọng không một phút lơ là, khinh suất. Vua Lê Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến xã tắc nơi biên giới và thường nhắc nhở con cháu "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy". Về sau, vua Lê Thánh Tông đã căn dặn tướng sĩ: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được... Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”.

“Biên phòng hảo vị trù phương lược

Xã tắc ưng tu kế cửu an”

Vua Lê Thái Tổ

Kế thừa truyền thống giữ nước của ông cha ta, trên cơ sở tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu hiểu sâu sắc về vị trí, vai trò của biên giới đất liền, toàn vẹn lãnh thổ của Tố quốc, xác định đây là địa bàn chiến lược quan trọng, nhạy cảm và phức tạp nên hết sức coi trọng và đặc biệt quan tâm, chăm lo đến công tác biên phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi giai đoạn của sự nghiệp cách mạng.

Tư tưởng ấy được thể hiện ở những nội dung cơ bản bao gồm:

Thứ nhất: Biên giới quốc gia là thiêng liêng, gắn liền với giá trị độc lập tự do của dân tộc, đất nước, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nên cần phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định rõ, biên giới quốc gia là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị- xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Biên giới quốc gia là thiêng liêng, gắn liền với giá trị độc lập tự do của dân tộc, đất nước. Để có được độc lập, tự do, trước hết chúng ta phải giành được chủ quyền lãnh thổ, với một đường biên giới rõ ràng.

Thứ hai: Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của mọi cấp, mọi ngành, của các lực lượng nòng cốt, chuyên trách…trong đó vai trò tiên phong là thuộc về thế hệ thanh niên, tuổi trẻ.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giữ nước là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải dốc hết sức lực cho việc giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bác đã từng dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, canh giữ biên cương của Tổ quốc theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhưng cũng rất khó khăn, gian khổ, phức tạp của công tác biên phòng. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, và thế hệ trẻ cũng không nằm ngoài lực lượng này, cần phải giáo dục nhận thức, hiểu và làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biên giới như là trách nhiệm và nghĩa vụ với vai trò là của lực lượng tiên phong, đi đầu.

Thứ ba: Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn bó chặt chẽ với sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế. Vì vậy, thắng lợi của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia không thể tách rời việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là làm bạn với mọi nước dân chủ, nhất là các nước láng giềng. Với quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình”, thì việc xây dựng được biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không những làm hạn chế nảy sinh các vi phạm về chủ quyền biên giới của nhau, mà còn tạo cơ sở, điều kiện xây dựng vững chắc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới từ xa.

Thứ tư: Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng “thế trận lòng dân”.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân đối với cách mạng Việt Nam. Người nói: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào"; "Nước lấy dân làm gốc", "gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân".

Để tổ chức, lãnh đạo được quần chúng, phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đòi hỏi Đảng phải không ngừng tăng cường mối liên hệ với quần chúng, tích cực tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Do đó, "lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Người còn nói: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng, không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt".

Nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quần chúng và công tác vận động quần chúng, Đảng và Nhà nước ta luôn kế thừa, phát triển và cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng đó trong bảo vệ Tổ quốc cũng như quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Điều đó thể hiện rõ nét và nhất quán cả về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Nghiên cứu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng, về giải phóng dân tộc, về bảo vệ Tổ quốc..., thấy toát lên tư tưởng sâu sắc của Người về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, những quan điểm, tư tưởng đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vị trí, trách nhiệm và nghĩa vụ của tuổi trẻ Vietcombank trong bảo vệ chủ quyền biên giới

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt hiện nay. Trách nhiệm to lớn này thuộc về mỗi công dân Việt Nam đối với chủ quyền lịch sử của dân tộc. Nhận thức rõ những giá trị đúng đắn đó cho thấy: trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò tiên phong thuộc về thế hệ trẻ của Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Vietcombank nói riêng. Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước bền vững không chỉ hiện nay mà là còn trong tương lai. Để giáo dục nhận thức thế hệ trẻ Vietcombank làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biên giới, cần tập trung vào một số nội dung như sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền học tập quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ quyền biên giới. Công tác tuyên truyền biên giới - biên phòng nâng cao nhận thức cho Đoàn viên Vietcombank cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ, đặc điểm của từng địa phương nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, đồng thời tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền.

d
Đoàn thanh niên Vietcombank Lâm Đồng tham gia chuyến đi khảo sát thực tế và tham dự kỷ niệm 20 năm thành lập đồn biên phòng Yok M’Bre ngày 08/09/2024.

Công tác tuyên truyền về chủ quyền biên giới cần có sự quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc phát huy các tổ chức, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền và gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, các bài học kinh nghiệm và gương các anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược trong thanh niên.

Đẩy mạnh các chương trình hành động, các cuộc vận động của thanh niên với cách làm thực tế, nhiều ý nghĩa như: “Cuộc thi tìm hiểu Biên Cương Tổ quốc tôi”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Hành trình về nguồn”… Phối kết hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, lực lương biên phòng các tỉnh thành khu vực biên giới… và các hoạt động văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp, hướng tuổi trẻ Vietcombank nói chung và Vietcombank Lâm Đồng nói riêng chung sức bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc.

Đối với cấp Đoàn thanh niên Vietcombank, cần chú trọng tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu, tọa đàm về chủ quyền biên giới - quốc phòng trong thế hệ trẻ Vietcombank đảm bảo thiết thực, chất lượng tốt, tăng cường tổ chức phối kết hợp cho các Cụm Đoàn, các chi bộ Đoàn thanh niên Vietcombank đi thăm và tiến hành các hoạt động tìm hiểu thực tế tại các vùng biên cương của Tổ quốc.

Đồng thời, cần tổ chức cho thế hệ trẻ Vietcombank tham gia tìm hiểu về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế để tuổi trẻ Vietcombank hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền có lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền biên giới của Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong Công ước quốc tế, Hiệp định về biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giếng…; khẳng định, củng cố niềm tin đối với thanh niên Vietcombank về chủ quyền biên giới của Việt Nam.

Thứ hai: Cần có sự quan tâm và chính sách cụ thể đối với Đoàn viên thanh niên Vietcombank khi tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với các huyện vùng biên giới và các địa bàn trọng điểm, chiến lược; coi trọng mối quan hệ và sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ở mỗi huyện biên giới và giữa các huyện biên giới với nhau, tạo ra thế trận liên hoàn để có thể nhanh chóng tập hợp và sử dụng hiệu quả sức mạnh của các lực lượng tại chỗ phục vụ cho quốc phòng – an ninh biên giới, thì rất cần thiết để cho Đoàn viên thanh niên Vietcombank nắm rõ được tính chất phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới – quốc phòng, vừa nhận thấy nhân dân ta, đất nước ta có đủ ý chí, quyết tâm và sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc biên giới – quốc phòng của mình, qua đó, củng cố thêm niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí vững vàng cho thanh niên về bảo vệ chủ quyền biên giới – quốc phòng của Tổ quốc một cách bền vững, để luôn nắm vững lý tưởng cao cả của tuổi trẻ là phấn đấu cho Tổ quốc toàn vẹn lãnh thổ.

Động viên thế hệ trẻ Vietcombank nâng cao quyết tâm và hành động thiết thực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó trọng tâm là vấn đề bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia tại vùng biên giới. Nhưng muốn có được quyết tâm và hành động để bảo vệ, trước hết phải có đủ tri thức hiểu biết và lòng tự hào về những điều mình sẽ dám bảo vệ, để Đoàn viên thanh niên của Vietcombank nói chung cũng như của Vietcombank Lâm Đồng nói riêng có ý thức về chủ quyền quốc gia, chủ quyền biên giới. Đó là những cơ sở tri thức tiền đề quan trọng giáo dục lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đồng thời chống lại âm mưu xuyên tạc lịch sử, âm mưu thôn tính từng bước, dưới nhiều hình thức của các thế lực xâm lược.

Tuổi trẻ Vietcombank nói chung và Vietcombank Lâm Đồng nói riêng cần nắm vững tư tưởng, phương châm chỉ đạo giải quyết các vấn đề về biên cương tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta để củng cố niềm tin, thái độ, động cơ và ý chí hành động. Để tuổi trẻ Vietcombank thực sự là một lực lượng to lớn và vững chắc, góp sức mình với thế hệ trẻ của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế các vùng biên giới Việt Nam.

Thứ ba: Chú trọng xây dựng quyết tâm cao, định hướng hành động thiết thực trong Đoàn viên thanh niên Vietcombank với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Để xây dựng quyết tâm cho tuổi trẻ Vietcombank, cần làm cho tuổi trẻ Vietcombank  thấy được sự khó khăn, gian khổ đối mặt với nguy hiểm, sự phức tạp của các hoạt động biên giới – quốc phòng (đặc biệt là ở một số khu vực biên giới có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh và mang tính chất phức tạp như: biên giới với các nước Campuchia, Trung Quốc…), đòi hỏi thanh niên phải dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với Đoàn viên thanh niên Vietcombank các địa phương, huyện biên giới tích cực tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để vừa tham gia lao động kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự biên giới – quốc phòng khi cần thiết.

Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, tuổi trẻ Vietcombank cần phải tiếp tục góp phần gìn giữ và phát triển những tiềm năng của khu vực biên giới, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên trường quốc tế để chung tay đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sánh vai với cường quốc năm châu như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời hằng mong muốn.

Trần Quang Khải, Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng

 

.
.
.
.