.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Vận dụng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư trong chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng các cấp tại Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam

Thứ Ba, 05/11/2024|18:03

Năm 2024 là thời gian quan trọng để các cấp ủy đảng tập trung thực hiện các nội dung công việc chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp sẽ được tổ chức vào năm 2025, tiến tới Đại hội XIV của Đảng vào đầu năm 2026. Nhiệm vụ đặt ra là các cấp ủy đảng cần xác định rõ tâm thế và trách nhiệm, vào cuộc một cách khẩn trương, nghiêm túc, nhất là công tác chuẩn bị văn kiện đại hội để có kết quả tốt nhất.

Đại hội Đảng các cấp là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Thành công của đại hội Đảng các cấp sẽ tăng thêm sức mạnh đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của cả nước. Trong các công việc phải triển khai thì việc chuẩn bị các văn kiện là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của đại hội.

Ngày 23/2/2024, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt là báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội”.

d
Quang cảnh phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng diễn ra ngày 23/2/2024.

Người đứng đầu Đảng ta nêu rất rõ: Xây dựng các văn kiện Đại hội XIV cũng chính là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tương lai, đòi hỏi chúng ta phải thực sự quán triệt các quan điểm khách quan, toàn diện, ổn định và phát triển; thực tiễn và lịch sử - cụ thể của phương pháp biện chứng trong nhận thức, phân tích và trình bày văn kiện. Phải nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn…

Cố Tổng Bí thư còn chỉ đạo: Quá trình xây dựng báo cáo chính trị, bên cạnh yêu cầu kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc, phải gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách; từ đó phát hiện, tìm tòi những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đang xuất hiện có sức sống từ những nhân tố mới của thực tiễn. Báo cáo chính trị là sản phẩm của trí tuệ tập thể cho nên phải phát huy dân chủ, chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học; tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm. Quá trình thảo luận, bàn bạc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề khó.

Để văn kiện Đại hội đạt được các yêu cầu như người đứng đầu Đảng ta đã chỉ đạo, thì việc chuẩn bị tốt, bảo đảm các nội dung cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong cả nước phải hết sức chú trọng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai phải luôn nhớ báo cáo chính trị là sản phẩm của trí tuệ tập thể cho nên phải phát huy dân chủ, chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học; tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, thẳng thắn, toàn diện, cụ thể quá trình thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ những kết quả đã đạt được; hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong chặng đường tới.

Đại hội đảng bộ các cấp là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nên trong quá trình chuẩn bị thì một nội dung cốt yếu cần phải được quan tâm là công tác xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích của người cách mạng là để làm đầy tớ cho nhân dân, một người đầy tớ xứng đáng, trong sạch, trung thành chứ không phải là mục đích thăng quan phát tài”. Do vậy, trong quá trình chuẩn bị phải gắn kết chặt chẽ nội dung này với các bước chuẩn bị. Ngay từ khi dự thảo văn kiện đến quá trình chuẩn bị công tác tổ chức cán bộ phải lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tự phê bình và phê bình nghiêm minh trong Đảng.

Ngày 14/6/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 35 -CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu: “Nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên; dự báo được tình hình, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và cả nước. Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới sát với tình hình thực tế và có tính khoa học, khả thi cao”. 

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã thảo luận 3 vấn đề lớn đối với công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, trong đó vấn đề đầu tiên là các văn kiện trình Đại hội XIV. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xác định Đại hội XIV là Đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi ngay từ quá trình xây dựng văn kiện, mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị cần phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của mình. Văn kiện trình Đại hội XIV, với vị trí Báo cáo chính trị là trung tâm; Tổng kết 40 năm đổi mới là báo cáo rất quan trọng để chắt lọc tinh hoa đưa vào Văn kiện Đại hội XIV; Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng là các báo cáo chuyên đề.

d

Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận, cơ bản tán thành kết cấu và những nội dung chính của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV; phân tích, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm ý nghĩa, chủ đề của Đại hội XIV. Trung ương khẳng định Dự thảo Báo cáo chính trị có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất Cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn tới; đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Về Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Đây là Báo cáo rất quan trọng góp phần hoàn thiện lý luận của Đảng ta về đổi mới, phát triển đất nước trong 40 năm qua; từ đó tiến hành xây dựng phương hướng, quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong 40 năm xây dựng, phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, những vấn đề khó khăn đặt ra cho từng lĩnh vực, trên cơ sở đó định hướng giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Ban Chấp hành Trung ương đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, trách nhiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, trong đó, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến đánh giá về sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta trong 6 lĩnh vực: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng, lý luận "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội"; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về sự sáng tạo, đột phá lý luận trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về văn hóa, xã hội và con người; về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Về dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Điều lệ Đảng hiện hành đã được thi hành 03 nhiệm kỳ; cơ bản các nội dung của Điều lệ Đảng hiện hành phù hợp thực tiễn; các quy định, hướng dẫn của Trung ương cụ thể, thuận lợi trong thi hành, qua đó bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới. 

Về dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030. Ban Chấp hành Trung ương nhận định 05 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là về phát triển hạ tầng. Phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có nhiều mặt tiến bộ. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội một số mặt chưa cao… Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những kết quả, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình trong nước, quốc tế những năm tới, để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2026 - 2030.

Liên hệ với công tác chuẩn bị Đại hội tại Đảng bộ Tổng công ty (TCT) Hàng không Việt Nam. Đảng bộ TCT Hàng không Việt Nam là Đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Hệ thống tổ chức đảng của Đảng bộ được thành lập tương ứng với hệ thống tổ chức của doanh nghiệp. Toàn Đảng bộ có 322 tổ chức đảng, trong đó có 27 đảng bộ cơ sở, 07 chi bộ cơ sở, 20 đảng bộ bộ phận, 267 chi bộ trực thuộc với hơn 4700 đảng viên. Năm 2025, toàn bộ 322 tổ chức đảng sẽ tiến hành đại hội nhiệm kỳ, công tác chuẩn bị đại hội sẽ phải tiến hành trong nửa cuối của năm 2024, việc chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, có chất lượng các dự thảo văn kiện trình đại hội (báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy) là nội dung đầu tiên rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của đại hội cấp mình, góp phần vào thành công của đại hội cấp trên và Đại hội XIV của Đảng.

Qua tổng kết, rút kinh nghiệm một số kỳ đại hội đảng trước đó cho thấy, trong công tác chuẩn bị văn kiện đại hội thường có một số hạn chế là: Trong quá trình chuẩn bị đại hội, một số cấp ủy chủ yếu đầu tư công sức, thời gian vào việc chuẩn bị nhân sự đại hội, việc chuẩn bị văn kiện, nhất là báo cáo chính trị chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức, việc dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết của đại hội chưa thực sự chất lượng, còn có biểu hiện hình thức, làm cho đủ thủ tục. Do đó một số văn kiện, nhất là báo cáo chính trị còn chung chung, chưa bám sát tình hình thực tế, thậm chí có tình trạng sao chép các văn kiện của cấp trên, chưa cụ thể hóa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện của cấp mình; một số cấp ủy xác định mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo chưa sát hợp, dẫn tới quá trình thực hiện lúng túng, chưa hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng đảng trong tình hình mới, việc chuẩn bị văn kiện đại hội đảng các cấp lần này, các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Bài phát biểu tại Hội nghị đầu tiên của Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và yêu cầu của Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị văn kiện đại hội. Việc chuẩn bị dự thảo văn kiện phải được chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, ban thường vụ, mà trực tiếp là đồng chí bí thư. Cần nêu cao trách nhiệm của tập thể cấp ủy, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và làm rõ sự thật, không phiến diện một chiều, không tô hồng và cũng không bôi đen. Báo cáo chính trị phải đánh giá khách quan, toàn diện sự lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ trên các lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; công tác xây dựng đảng và xây dựng các đoàn thể chính trị xã hội. Các văn kiện phải được thể hiện ngắn gọn, rõ ràng và tập trung vào những vấn đề cơ bản, quan trọng, thiết yếu, sát thực với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; không dài dòng, chung chung và sao chép theo các báo cáo, văn bản cũ, văn bản của cấp trên. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khoa học của văn kiện, từng luận điểm đưa ra phải được minh chứng bằng các số liệu, luận cứ thuyết phục, xác đáng.

Đánh giá kết quả lãnh đạo của nhiệm kỳ qua cần đối chiếu với nghị quyết của đại hội cấp mình nhiệm kỳ trước đề ra, cùng các chỉ thị, nghị quyết và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để làm rõ những việc đã làm được và chưa làm được. Thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém, trách nhiệm cá nhân, làm cơ sở cho việc đề ra kế hoạch, biện pháp tiếp tục sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm sát thực, có giá trị thực tiễn.

Khi đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng phải gắn với đánh giá việc thực hiện công tác xây dựng Đảng. Trong kết cấu nội dung của báo cáo chính trị cần có một mục riêng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhất là những chuyển biến trong việc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong nội bộ.

Khi xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, cần nghiên cứu kỹ quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XIV của Đảng và của đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp để vận dụng, cụ thể hoá và đề ra nhiệm vụ cho sát hợp với đặc điểm, tình hình của cấp mình nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chú trọng đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, có tính khả thi cao để thực hiện, nhất là đối với những vấn đề lớn, quan trọng và bức xúc ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mà cán bộ, đảng viên và người lao động đang quan tâm. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của đảng bộ, chi bộ trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ tới một cách thiết thực, khả thi, khắc phục tình trạng đề ra nhiệm vụ một cách chung chung, dàn trải. Lựa chọn, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá trong nhiệm kỳ phải thực sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhất là phải vừa sức, có khả năng thực hiện thắng lợi.

d
Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Hàng không Việt Nam lần thứ V.

Việc chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của cấp ủy trình đại hội phải do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư trực tiếp chuẩn bị. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải bám sát vào quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa và kết quả lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, đánh giá đúng mức những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên trên các lĩnh vực hoạt động và các nhiệm vụ được phân công phụ trách. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi cấp ủy viên về những hạn chế, khuyết điểm, không đùn đẩy hoặc né tránh trách nhiệm. Trên cơ sở đó, cần phân tích, làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém và đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục.

Để công tác chuẩn bị văn kiện đại hội đảng các cấp đạt kết quả tốt nhất, các cấp ủy cần lưu ý thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.

Trong quá trình chuẩn bị đại hội, Trung ương và cấp ủy cấp trên đều có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội nói chung, chuẩn bị văn kiện đại hội nói riêng; cùng với đó là các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng và của đại hội cấp trên để cấp dưới thảo luận, đóng góp ý kiến.

Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên vừa đặt ra mục tiêu, yêu cầu, vừa hướng dẫn phương pháp, cách thức cụ thể để chuẩn bị văn kiện có chất lượng. Bám sát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các cấp ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị các văn kiện đại hội theo đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị các văn kiện.

Bám sát dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng và của đại hội cấp trên để nắm bắt tư tưởng chỉ đạo, quan điểm, định hướng lãnh đạo của nhiệm kỳ; trên cơ sở đó các cấp ủy cụ thể hóa thành các nội dung văn kiện cấp mình cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực tế, có tính khả thi.

Quá trình chuẩn bị cần thường xuyên liên hệ, trao đổi để nhận được sự gợi ý, đinh hướng, hướng dẫn cụ thể, kịp thời của cấp ủy và các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ cấp trên, bảo đảm cho dự thảo văn kiện cấp mình luôn đúng định hướng và tạo sự đồng thuận ngay từ khâu chuẩn bị.

Cấp ủy cấp trên cần phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ cấp dưới trong quá trình chuẩn bị đại hội. Cán bộ được phân công phải là những đồng chí nắm chắc các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của Đảng, có kiến thức, hiểu biết về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức được phân công, có kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị đại hội nói chung, việc chuẩn bị văn kiện đại hội nói riêng. Thường xuyên bám sát quá trình chuẩn bị của tổ chức được phân công, kịp thời có các gợi mở, hướng dẫn cụ thể cả về nội dung và phương pháp để hỗ trợ, giúp đỡ cấp dưới; kịp thời nhắc nhở, uốn nắn khi phát hiện các biểu hiện chệch hướng chỉ đạo của cấp trên.

Hai là, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, bí thư, phó bí thư trong quá trình chuẩn bị dự thảo.

Theo quy định của Đảng, việc chuẩn bị văn kiện đại hội là trách nhiệm của cấp ủy, do đó cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư phải trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khâu định hướng, xây dựng đề cương tới việc soạn thảo, xin ý kiến góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện các văn kiện. Các cấp ủy cần phân công trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy viên thực hiện các mảng, các công việc cụ thể trong quá trình chuẩn bị văn kiện. Thông thường việc chuẩn bị văn kiện phải do bí thư hoặc phó bí thư trực tiếp phụ trách.

Tập thể cấp ủy cần có kế hoạch, bố trí thời gian, tập trung trí tuệ để xây dựng dự thảo. Đặc biệt các cấp ủy cần tập trung để thảo luận, thống nhất những nội dung quan trọng trong dự thảo văn kiện như: Chủ đề Đại hội; tiêu đề báo cáo chính trị; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ qua; các thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của nhiệm kỳ tới. Việc chuẩn bị phải được cấp ủy thông qua từng bước một, không làm tắt, tuyệt đối tránh tình trạng khoán trắng cho các đồng chí được phân công phụ trách chuẩn bị dự thảo và bộ phận giúp việc, cấp ủy chỉ thông qua khi đã hoàn thành.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ giúp việc trong chuẩn bị dự thảo văn kiện.

Các tổ chức đảng nên phân công một bộ phận giúp cấp ủy thực hiện công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện. Những đảng bộ lớn, có điều kiện nên thành lập tiểu ban hoặc tổ chuẩn bị văn kiện, do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư trực tiếp làm tổ trưởng. Những chi bộ ít đảng viên thì phân công đồng chí cấp ủy viên hoặc đảng viên trực tiếp giúp chi bộ chuẩn bị.

Các đồng chí được phân công thực hiện công tác chuẩn bị văn kiện phải là các cán bộ, đảng viên có trình độ, kinh nghiệm, nắm chắc các quy định, hướng dẫn và nguyên tắc hoạt động của Đảng, hiểu biết sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của tổ chức mình; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp, tham mưu, đề xuất và nhất là có khả năng diễn đạt thành văn những nội dung của dự thảo văn kiện.

Khi chuẩn bị các văn kiện cần thường xuyên tham khảo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy và trao đổi với các bộ phận nghiệp vụ trong cơ quan, đơn vị và cán bộ được cấp trên phân công theo dõi, giúp đỡ cấp mình để nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, để soạn thảo văn kiện đúng tư tưởng chỉ đạo, định hướng của cấp trên và sát với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình.

Bốn là, tổ chức tốt việc việc thảo luận, tham luận, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn kiện đại hội.

Văn kiện đại hội là sản phẩm của trí tuệ tập thể, do đó quá trình chuẩn bị và xây dựng dự thảo, cần mở rộng và thực sự phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đồng thời, lấy ý kiến của BCH các đoàn thể cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, cùng tìm ra chân lý, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề có ý kiến khác nhau. Tùy tình hình cụ thể, cần tổ chức lấy ý kiến của các cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, các chuyên gia trên các lĩnh vực và người lao động bằng hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Việc chuẩn bị văn kiện đại hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác chuẩn bị đại hội, văn kiện có chất lượng là điều kiện quan trọng để đại hội thành công, do đó đòi hỏi phải có sự cố gắng lớn, sự tập trung, nỗ lực cao. Các cấp ủy, các cán bộ đảng viên được phân công chuẩn bị dự thảo văn kiện đại hội cần phải dành thời gian, tâm sức thỏa đáng và có phương pháp làm việc khoa học để hoàn thành công việc với chất lượng cao và đúng tiến độ, chuẩn bị các văn kiện thực sự có chất lượng, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Nguyễn Thị Vân Anh, Đảng bộ TCT Hàng không Việt Nam

 

 

 

.
.
.
.