Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Văn hóa doanh nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, chi phối và ảnh hưởng đến nền kinh tế của hầu hết các nước trên thế giới, các doanh nghiệp phải tìm tòi con đường đi riêng của mình nhằm phát huy được những mặt mạnh, khắc phục những mặt tồn tại yếu kém và hạn chế những rủi ro trong quá trình hội nhập.
Hội nghị người lao động năm 2024 - Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Trung. |
Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được xem là một phần trong vốn xã hội tạo nên tài sản vô hình quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh cũng như sự khác biệt của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh bên cạnh các yếu tố như nguồn nhân lực, công nghệ, chiến lược, nguồn vốn. Thông qua văn hóa, người đứng đầu có thể ảnh hưởng tới tư tưởng, suy nghĩ, hành động của từng cá nhân cũng như ảnh hưởng đến khách hàng và đối tác. VHDN là chìa khóa quyết định sự thành công của một tổ chức. Khi nhân viên làm việc trong môi trường mà họ cảm thấy hài lòng, họ thường hoàn thành công việc ở mức độ tốt hơn.
1. Văn hoá doanh nghiệp là thương hiệu, là bản sắc của doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ hệ thống các chuẩn mực về tinh thần và vật chất quy định mối quan hệ, thái độ và hành vi ứng xử của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, hướng tới những giá trị tốt đẹp được xã hội đồng tình, tạo ra nét riêng độc đáo đồng thời là sức mạnh lâu bền của doanh nghiệp thể hiện qua sức mạnh sản phẩm của doanh nghiệp trên thương trường. Những chuẩn mực đó được quy định trên cơ sở đặc điểm riêng về loại hình và ngành hàng của từng doanh nghiệp và các thể chế văn hóa xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động, nên nó không giống nhau đối với từng doanh nghiệp.
VHDN tạo nên thương hiệu, đó là hình tượng hay biểu tượng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, đồng thời nó cũng “đúc” nên những nét nhân cách, phong thái riêng rất dễ nhận ra của các thành viên của doanh nghiệp ở trong xã hội. Cho nên không thể có một chuẩn mực chung về VHDN cho mọi xí nghiệp. Phải có sự nghiên cứu công phu và quá trình thực thi đúc rút bền bỉ mới mong tạo được những tập tục, tập quán hay truyền thống quý báu trong nếp sống của tập thể và mỗi thành viên.
Văn hóa doanh nghiệp thể hiện ở thương hiệu của doanh nghiệp. Thương hiệu đó phải được chăm lo xây dựng và quảng bá không ngừng để in đậm dấu ấn vào tâm trí người tiêu dùng. Làm sao cứ nghĩ đến loại hàng đó là người ta nghĩ ngay đến thương hiệu của doanh nghiệp. Ví dụ khi nói đến di động thì tìm ngay đến MobiFone. Cốt lõi của thương hiệu doanh nghiệp là chất lượng hàng hóa và phải được đăng ký sở hữu bản quyền ở trong nước cũng như nước ngoài. VHDN còn là hệ thống các ký hiệu, biểu trưng cho doanh nghiệp như: Hình ảnh biểu tượng chung của hãng thể hiện ở khắp mọi nơi có liên quan đến doanh nghiệp, ngày truyền thống doanh nghiệp. Những quy định về áo quần, giày mũ, găng tay, áo đi mưa… đồng phục giống nhau từ giám đốc đến nhân viên, và giống nhãn hiệu hàng hóa, không ai được phép thay đổi: Biển tên, số hiệu nhân viên, ký hiệu công việc (hay bộ phận công tác) từng người; phong bì, giấy viết thư, phong bao dùng để phát lương hoặc các thiết bị đặc biệt khác… nhất nhất phải theo mẫu thương hiệu quy định, và được sử dụng rộng rãi liên tục, không thay đổi, tạo thành ấn tượng xã hội, thành niềm tự hào của các thành viên trong doanh nghiệp và gia đình họ từ đời này qua đời khác.
VHDN hiện đại hiện nay còn là nghiệp vụ giao dịch đối ngoại (Marketing gọi là Public Relations (PR)) nhằm xây dựng và nâng cao hình ảnh và tên tuổi của doanh nghiệp trong xã hội và trên thị trường. Nghiệp vụ đối ngoại còn tìm mọi cách để quảng bá sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp, tổ chức tiếp tân, diễn thuyết, tạo lập các “thông cáo báo chí trung thực và định hướng” để cung cấp cho các nhà báo. Hệ thống tập tục về thái độ và hành vi ứng xử hàng ngày cho mỗi thành viên là một bộ phận tạo nên VHDN. Các nguyên tắc đó gồm: Quy định về bảo mật, về giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi; quy định về trang phục, đồng phục, phù hiệu, tư thế, tác phong khi làm việc; các nguyên tắc về giao dịch, tiếp khách; nguyên tắc và hình thức tuyên dương khen thưởng; nguyên tắc về ghi chép chứng từ, báo cáo ghi nhật ký sản xuất; nội quy sử dụng bảo quản máy móc, thiết bị, về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, sử dụng điện, nước v.v… Tất cả các quy định này phải rõ ràng, tránh chung chung, có kèm theo thưởng phạt trở thành quy tắc văn hóa, thành nếp sống tự thân của mỗi thành viên doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp còn bao gồm những tập tục không thành văn, do các thành viên trong doanh nghiệp tự nguyện lập nên vì lợi ích chung. Doanh nghiệp phải tạo ra được những tập quán tốt đẹp như: tập quán trung thực, cởi mở, đấu tranh thẳng thắn, tập quán mừng sinh nhật, mừng năm mới, ngày cưới, ngày thôi nôi con, thưởng con em công nhân học giỏi, hay tục chia buồn, thăm ốm đau viếng tang người trong đơn vị, giúp đỡ gia đình khó khăn v.v... Tập quán đẹp này sẽ gắn bó mọi người trong doanh nghiệp, biến thành chính cuộc sống của họ, biến thành năng suất và chất lượng công nghiệp.
Để biến một doanh nghiệp thành một thực thể văn hóa, không phải cứ định ra vô số những quy tắc này nọ, mà cốt yếu là làm sao biến các quy tắc đó thành hơi thở cuộc sống, biến thành sức mạnh cạnh tranh và trường tồn của doanh nghiệp. Quá trình tạo dựng nền VHDN này, vai trò của chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc có tính quyết định. Một hành vi nhỏ của người giám đốc như xin lỗi công khai những sai sót của mình trước cấp dưới, đi thăm nhân viên bị ốm v.v... đều tạo nên hiệu quả to lớn trong xây dựng VHDN.
Nói một cách khác, VHDN chính là bản sắc của một công ty, và vì lý do đó, trong một số cách, nó sẽ trở thành một bản sắc của những người làm việc. Ở đó, nhân viên, con người trong cùng một công ty sẽ có những tác phong, phong cách và chuẩn mực làm việc, sinh hoạt tập thể giống nhau; kinh nghiệm tập thể, thói quen, niềm tin, các giá trị, mục tiêu, và hệ thống. Đây là những kinh nghiệm học được, tiếp tục truyền đạt lại cho nhân viên mới, và tiếp tục như là một phần của bản sắc cốt lõi của công ty.
Tổng công ty MobiFone tổ chức "Đêm hội trăng rằm" năm 2024 cho con, em cán bộ, người lao động. |
2. Ảnh hưởng của VHDN đến hiệu quả công việc của nhân viên
Có thể nói VHDN tạo nên những nét phong thái, bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Nó chứa đựng các yếu tố kiến trúc, sản phẩm, tập tục, nghi lễ, thói quen, cách họp hành, chiến lược kinh doanh, logo, ấn phẩm, điển hình, giai thoại về người sáng lập doanh nghiệp… Những yếu tố này đã làm nên một phong thái, một nét riêng của doanh nghiệp để phân biệt doanh nghiệp với doanh nghiệp khác, không bị lẫn với các doanh nghiệp khác.
Vì thế mỗi người trong doanh nghiệp cần nâng cao lòng tự hào về tổ chức, về nghề nghiệp để có ý thức phát triển bản thân và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn. Tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên, để tạo một sức mạnh tập thể giúp công ty vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Hiểu tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, giá trị cốt lõi của công ty, từ đó chung sức, chung lòng chiến đấu cho sự phát triển của công ty.
Giữ chân nhân tài, thu hút nhân tài cho doanh nghiệp: Nếu môi trường văn hóa mạnh thì có tác dụng thu hút và giữ chân nhân tài cho tổ chức. Các yếu tố như địa vị, tiền lương, cơ hội thăng tiến… chỉ là thứ yếu nếu không có một môi trường làm việc tạo được hứng thú, nhân viên cảm nhận được bầu khí thân thiện và ở đó họ có cơ hội khẳng định mình. Nếu tổ chức xây dựng được một nền văn hóa mạnh sẽ tự quy tụ nhân tài và có sự nhất trí cao giữa các thành viên về những gì mà tổ chức đề ra. Điều đó sẽ tạo ra sự liên kết, củng cố lòng trung thành và sự cam kết bền vững với tổ chức, giảm được xu hướng rời bỏ tổ chức và củng cố lòng trung thành của nhân viên với tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp còn tạo động lực làm việc cho các nhân viên: Nó giúp nhân viên thấy được mục tiêu, định hướng phát triển và bản chất của công việc họ làm, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong công ty, tạo bầu không khí thoải mái, lành mạnh, khiến nhân viên thấy tự hào hãnh diện với tư cách là thành viên trong doanh nghiệp, tự hào với công việc mình làm. Càng ý nghĩa hơn khi nạn chảy máu chất xám đang diễn ra phổ biến, lương và thu nhập chỉ là một phần của động lực làm việc khi thu nhập đạt đến một mức nào đó thì con người ta sẵn sàng đánh đổi để chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hòa đồng thoải mái hơn và được đồng nghiệp tôn trọng hơn. Nếu trong môi trường cạnh tranh trên thị trường lao động cùng với các yếu tố về thù lao, phúc lợi, điều kiện lao động thì thì lúc đó VHDN là một tiêu chí để người lao động quyết định vào làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và người lao động cảm thấy công việc họ đang làm có ý nghĩa, thành tích của họ được đề cao và họ cảm thấy được tôn trọng thì họ sẽ yêu mến nơi làm việc, đó là động lực quan trọng thúc đẩy người lao động cống hiến hết mình và trung thành với tổ chức.
Văn hóa doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường, nâng cao vị thế của doanh nghiệp. Cộng tất cả các yếu tố: gắn kết thành viên, tạo động lực, điều phối, kiểm soát, giảm rủi ro… thì lúc này VHDN sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động và tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp trên thương trường. Lúc đó hiệu quả và sự khác biết sẽ giúp cho doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn trước đối thủ.
Văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tồn tại vượt xa cuộc đời của những người sáng lập. Có thể nói VHDN có thể giúp doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm, trên thế giới cũng có không ít doanh nghiệp như vậy.
Không khí bên trong doanh nghiệp thể hiện sự phản ứng chung của nhân viên trong doanh nghiệp đối với bản thân nó và đó cũng là một biểu hiện của cơ cấu vô hình đủ mạnh để hình hành phong cách và lề lối làm việc mà nhân viên phải tuân theo. Những phong cách và lề lối làm việc này sẽ quyết định hiệu quả, lợi nhuận của doanh nghiệp vì bất cứ doanh nghiệp nào nếu không giải quyết được vấn đề nội bộ, luôn có mâu thuẫn, kiện cáo nhau thì không thể có sức cạnh tranh.
Văn hóa doanh nghiệp còn thúc đẩy sự sáng tạo của nhân viên bên trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp mà có môi trường văn hóa ngự trị sẽ tự lập ở mức độ cao nhất, nhân viên được khuyến khích hoạt động độc lập, đưa ra sáng kiến, bao gồm cả nhân viên cấp cơ sở, góp phần phát huy tính năng động, khởi nguồn cho những sáng tạo.
Bên cạnh đó văn hóa cũng có thể là một gánh nặng khi những giá trị chung của tổ chức không phù hợp, với những yếu tố có tác dụng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của tổ chức. Điều này thường xảy ra khi tổ chức hoạt động trong môi trường kinh doanh rất năng động khi đó môi trường của tổ chức thay đổi nhanh chóng, những giá trị văn hóa cốt lõi vốn có của tổ chức có thể không còn phù hợp nữa thì lúc đó văn hóa sẽ là một gánh nặng cho phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra văn hóa cũng có thể gây cản trở đối với sự thay đổi, sự đa dạng của nguồn lực con người trong tổ chức. Trong bản thân mỗi người lao động có một hệ thống giá trị và niềm tin riêng của họ. Khi làm việc trong môi trường có nền văn hóa mạnh thì phải tuân thủ theo những quy định, hệ thống giá trị chung lúc đó thì mặt mạnh hay những ưu thế của mỗi người sẽ bị hạn chế hoặc không có điều kiện để được phát huy năng lực của mình.
Mặt khác, văn hóa cũng có thể là cản trở đối với sự sáp nhập của các tổ chức. Điều này được thể hiện nếu có nhiều tổ chức sát nhập với nhau, lúc này hai tổ chức có những nền văn hóa khác nhau dễ gây ra xung đột, mâu thuẫn thì lúc đó nó sẽ cản trở sự phát triển của tổ chức.
VHDN không lành mạnh có tác động xấu đến con người.
Các hành vi tiêu cực, chểnh mảng, hiệu quả thấp, tham ô, trộm cắp tài sản, cư xử tệ giữa các thành viên trong doanh nghiệp với khách hàng cũng kém phần lịch sự, sự trung thành, gắn bó giảm sút hay xuất hiện, không khí căng thẳng làm việc thụ động, sợ, thờ ơ hoặc chống đối lãnh lạo, không có niềm tin và không thân thiện với tổ chức, tổ chức không thực hiện đạo đức kinh doanh, tổ chức có trách nhiệm xã hội.
Mặt khác nếu những giá trị hoặc niềm tin của doanh nghiệp mang tính tiêu cực thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành viên của doanh nghiệp đó. Vì thế nếu môi trường văn hóa công ty không lành mạnh, không tích cực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý việc làm của nhân viên và có tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh.
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa doanh nghiệp
Dưới sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp hiện nay cần hiểu rõ rằng văn hóa là một nguồn lực xã hội quan trọng, thấm nhuần vào mọi khía cạnh của quá trình phát triển. Mỗi doanh nghiệp cần phát triển văn hóa của mình dựa trên sự hiểu biết và nhận thức chung về văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ bao gồm việc xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, mà còn đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hành dân chủ, quản lý dân chủ
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ, sáng kiến và hăng hái có mối quan hệ mật thiết với nhau. Dân chủ tạo điều kiện cho cán bộ và quần chúng phát huy sáng kiến. Sự sáng tạo và phát minh của con người chính là văn hóa. Khi những sáng kiến này được áp dụng và khen ngợi, mọi người sẽ càng thêm hăng hái. Và khi sáng kiến và hăng hái tăng lên, những khuyết điểm cũng dần được hạn chế, khắc phục.
Văn hóa doanh nghiệp hiện nay cần tập trung vào văn hóa đạo đức, đặc biệt là các giá trị cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí và quan liêu, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
Trong văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đóng vai trò cốt lõi. Bởi vì con người là nền tảng của doanh nghiệp, mọi hoạt động đều do con người thực hiện. Sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của doanh nhân. Văn hóa doanh nhân liên kết chặt chẽ với văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, cũng như văn hóa trong tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội của doanh nghiệp.
Hội nghị Giải pháp MobiFone 2024 của Tổng công ty Viễn thông MobiFone |
Lịch sử đã chứng minh rằng sự thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp đều liên quan mật thiết đến việc có hay không có văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và bền vững, ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa và lợi nhuận, cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là kim chỉ nam dẫn đường cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone là một trong tốp đầu những doanh nghiệp quan tâm đến nguồn nhân lực, lấy nhân viên là nòng cốt để phát triển. Được đánh giá là một doanh nghiệp có văn hóa tương đối mạnh, MobiFone luôn không ngừng phát huy những điểm mạnh và cải thiện những điểm thiếu sót để mang lại cho nhân viên một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, hiệu quả và thoải mái nhất. Tuy nhiên, trong giai đoạn thực hiện Đề án tái cơ cấu, MobiFone không thể không tránh khỏi những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, định hướng chiến lược, điều này cũng một phần làm ảnh hưởng đến VHDN của mình.
Với tầm nhìn đến năm 2035, Tổng công ty hướng đến trở thành nhà cung cấp hạ tầng, giải pháp/nền tảng và dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, MobiFone phải thực hiện việc chuyển mình mạnh mẽ nhằm chuyển đổi từ một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực “Viễn Thông” sang lĩnh vực mới “Công nghệ số”.
Để cuộc chuyển mình sang môi trường kinh doanh công nghệ số vốn “rất tốc độ & rất phẳng - chậm là mất & không biên giới, không lãnh địa” này được hiệu quả, ngoài việc “Định hình Chiến lược mới” cho chặng đường mới của MobiFone, MobiFone đã “Kiến tạo văn hóa mới” phù hợp với chiến lược mới này. Với triết lý “Mỗi CBCNV MobiFone không chỉ là người thụ hưởng văn hóa MobiFone mà còn là người kiến tạo nên văn hóa MobiFone”, đây là kim chỉ nam dẫn dắt mỗi người MobiFone trong hành trình từng bước chinh phục mục tiêu chung của Tổng công ty, cùng hiện thực hóa tầm nhìn của MobiFone trong tương lai.
Văn hoá MobiFone chính là tập hợp những hành vi, thái độ (bên ngoài) và niềm tin, giá trị (bên trong) được chuẩn hoá, thể hiện thông qua hệ giá trị cốt lõi và các cam kết của người MobiFone, được lựa chọn dựa trên sự phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược phát triển của MobiFone. Văn hoá MobiFone là cơ sở quan trọng nhất định hướng toàn bộ cách nghĩ, cách sống và cách làm của người MobiFone. Nhờ đó mà MobiFone trở thành một tập thể có bản sắc, là thứ giúp MobiFone trở nên “chính mình” và “khác biệt” với các tổ chức khác. Một khi văn hoá được định hình rõ nét thì đó sẽ là lợi thế cạnh tranh bền vững nhất của MobiFone.
Dương Tuấn Nam - Chi bộ Đài Viễn thông Bình Định
Đảng bộ Trung tâm mạng lưới MobiFone miền Trung