.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:

Văn hóa doanh nghiệp - Yêu cầu tất yếu cho sự tồn tại và phát triển bền vững tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Thứ Năm, 28/11/2024|23:19

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng nói: “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”. Không chỉ đối với một dân tộc, trong phạm vi của một doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, để xây dựng và phát triển doanh nghiệp, không thể không quan tâm đến việc nâng cao văn hóa doanh nghiệp, vì đây là giá trị cốt lõi, là cơ sở bền vững, khẳng định thương hiệu, uy tín, tầm nhìn, vị trí và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng.

Chặng đường 67 năm lịch sử hình thành và phát triển của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã hun đúc, để lại cho BIDV ngày hôm nay những giá trị văn hóa đáng tự hào. Một BIDV trí tuệ, bản lĩnh, kiên trung, nỗ lực vượt qua mọi thử thách sóng gió, hoàn thành xuất sắc mọi sứ mệnh được giao. Một BIDV thủy chung, trách nhiệm, đồng hành sẻ chia cùng với khách hàng, đối tác và cả cộng đồng. Một BIDV nhân văn, nghĩa tình luôn quan tâm, chăm lo chu đáo đến những thế hệ đi trước và những thành viên hiện tại trong ngôi nhà của mình. Đó chính là tâm huyết, là cốt cách, là tinh thần, là văn hóa BIDV được bồi đắp và định hình qua lớp lớp các thế hệ. Đó cũng chính là tài sản vô cùng quý giá, là kết quả của sự rèn luyện miệt mài của mỗi con người, mỗi tập thể nhỏ trong tập thể lớn BIDV, là động lực giúp BIDV không ngừng phát triển, yếu tố nền tảng góp phần kết nối và tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp cho BIDV.

d
Đồng chí Trần Xuân Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT BIDV, phát biểu tại Hội thi.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, BIDV hoạch định tầm nhìn trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á. BIDV cũng tiếp tục kiên định sứ mệnh đem lại lợi ích, tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội. Trong 3 trụ cột phát triển, trụ cột Nguồn nhân lực và Văn hóa doanh nghiệp được xác định có vai trò vô cùng quan trọng để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, củng cố văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng tăng cường sự gắn kết với cán bộ và khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.

Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mỗi ngân hàng

Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… mới chỉ được bàn luận nhiều kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới và tham gia vào quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa từ năm 1991. Kể từ khi Việt Nam tham gia quốc tế hóa, các khái niệm, nội dung về văn hóa doanh nghiệp đã được nghiên cứu nhiều trên bình diện lý luận và được chú trọng trong thực tiễn. Về khái niệm, có thể hiểu văn hóa doanh nghiệp là một dạng văn hóa của cộng đồng người trong doanh nghiệp; đó là 1 hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do doanh nghiệp xây dựng nên, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nó tác động tới tình cảm, lý trí và hành vi của các thành viên cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu và tạo nên sự độc đáo, khác biệt của mỗi doanh nghiệp, ngân hàng.

Trên thực tế, theo các chuyên gia ngân hàng, trong lộ trình hội nhập sâu với thế giới, cùng với việc chạy đua về khoa học, công nghệ, dịch vụ ngân hàng… Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình để mỗi ngân hàng/ tổ chức tín dụng hoàn chỉnh, nâng cao thương hiệu của mình, nâng cao sức cạnh tranh đối với chính các “đồng nghiệp” của mình trong nước và thế giới. Văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định then chốt và không thể thiếu để doanh nghiệp bước vào hành trình mới đầy thử thách này.

Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đến xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, trong đó có văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp. Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến văn kiện Đại hội Đảng các khóa và các Nghị quyết của Đảng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương V khóa XIII (7-1998), Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (6-2014), thì việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam luôn là chiến lược lớn của Đảng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Đặc biệt, Đại hội Đảng XIII còn đề ra những quan điểm mới về xây dựng văn hóa trong kinh tế, đó là “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”, tạo định hướng chiến lược đưa văn hóa kinh doanh Việt Nam thực sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam.

Để thực hiện chính sách văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với điều kiện phát triển doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có các tổ chức tín dụng. Đối với hoạt động ngân hàng, với đặc thù kinh doanh tiền tệ, văn hóa doanh nghiệp càng cần được quan tâm vì trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng rủi ro đạo đức là điều luôn thường trực, có thể đến từ các yếu tố khách quan hoặc chủ quan. Vì vậy, cần có những chuẩn mực văn hóa, đạo đức để hạn chế tối đa những vi phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh, hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Trong ngành Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng đã xây dựng những chuẩn mực, quy chuẩn văn hóa doanh nghiệp từ rất sớm, vì văn hóa doanh nghiệp bao hàm cả những giá trị vật chất hữu hình, định lượng được và có thể quy định bằng các chuẩn mực như: logo, thương hiệu, chiến lược, mục tiêu, giá trị cốt lõi, định hướng phát triển, các quy tắc trong hoạt động, trong cách ứng xử, các sản phẩm… Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp cũng bao hàm những giá trị tinh thần, đạo đức nghề nghiệp không chỉ được quy định bằng các tiêu chí, mà nó được tạo dựng từ niềm tin mà ngân hàng tạo được trong một quá trình nhất định. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng.

Văn hoá doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển của ngành Ngân hàng

Ngày 28/4/2023, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/ĐUK về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương và đã tích cực triển khai đến các cơ quan, đơn vị thuộc Khối. Đề cập, vai trò văn hóa doanh nghiệp góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó, hình thành giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động làm nên một hệ thống, thống nhất, cùng mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta đã và đang tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và truyền thống của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Văn hóa doanh nghiệp tạo ra niềm tin, là sợi dây gắn kết giữa những con người trong cùng doanh nghiệp, tạo ra tiếng nói chung giữa các thành viên, qua đó hướng tới những mục tiêu chung, hành động chung và nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế, uy tín doanh nghiệp.

Đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo vẫn là tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, triển khai các biện pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đưa hoạt động ngân hàng ngày càng an toàn, hiệu quả, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, còn tích cực xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng thông thoáng, thuận lợi, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng môi trường văn hóa thực sự chuẩn mực, trở thành nền tảng để ngành Ngân hàng phát triển bền vững.

Bởi vậy, song song với việc xây dựng và củng cố hệ thống quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế, thì việc xây dựng và nâng cao văn hóa nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng cũng là một trong những tiêu chuẩn cần thiết, là giá trị cốt lõi, khẳng định thương hiệu và vị thế của ngành Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, văn hóa doanh nghiệp đã tạo dựng nên thương hiệu chung của cả Ngành, đồng thời với các thương hiệu riêng của các tổ chức tín dụng. Văn hóa doanh nghiệp đã tạo nên diện mạo mới cho ngành Ngân hàng trong giai đoạn hội nhập, đặc biệt là đã tiệm cận được với xu hướng chung của thế giới.

Xét về những đóng góp của văn hóa doanh nghiệp từ khía cạnh kinh doanh, có thể thấy văn hóa doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng đổi mới môi trường làm việc theo xu thế chung của thời đại với hàm lượng công nghệ cao, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng; thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển, mở rộng dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng trực tuyến (bank online), dịch vụ ngân hàng điện tử (Call banking, Home banking, Internet banking, Mobile banking, dịch vụ ngân hàng tự phục vụ…).

Về khía cạnh quản trị hệ thống, văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố thúc đẩy các tổ chức tín dụng cần nâng cấp, xây dựng hệ thống quản trị ngân hàng với hành lang pháp lý chặt chẽ; nâng cấp, ứng dụng các công cụ thông minh (AI, Big Data, ToT,…) trong quản trị; quản trị bằng sự kết hợp khoa học hệ thống, điều khiển học và mô phỏng sinh học; phát triển, sử dụng hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking Systems - CBS)…

Về khía cạnh văn hóa, xã hội, văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, lành mạnh, hiện đại; khuyến khích trí tuệ tập thể; thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua các vị trí nữ quản lý ngân hàng; xây dựng hệ sinh thái ngân hàng hiện đại để hỗ trợ mỗi người lao động được đào tạo lại và đào tạo nâng cao, hướng đến mô hình “công dân học tập 4.0” với đầy đủ các kỹ năng cần thiết về đạo đức, văn hóa cá nhân, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động cộng đồng, tích cực đóng góp trong công tác an sinh xã hội…

Nhìn chung, trước những thách thức của giai đoạn hiện nay, các ngân hàng không chỉ đứng một mình, không chỉ cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng của mỗi tổ chức tín dụng, mà cần có sự phối hợp, tương trợ nhau, duy trì ràng buộc theo hệ thống, để vừa có các dịch vụ ngân hàng toàn diện cho khách hàng, vừa có thể hỗ trợ nhau khi đứng trước các nguy cơ, rủi ro. Mỗi ngân hàng cần xây dựng một tiêu chuẩn/ chuẩn mực riêng về văn hóa doanh nghiệp, làm thước đo để mỗi cán bộ, nhân viên hành động, ứng xử theo chuẩn mực văn hóa của ngân hàng mình, đồng thời, vừa phải có trách nhiệm cùng xây dựng ngành Ngân hàng Việt Nam phát triển bền vững.

Văn hóa số trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang diễn ra rất sôi động trong hệ thống ngân hàng Việt Nam với tinh thần “chuyển đổi số hay là chết”. Hiện nay, công tác chuyển đổi số đang là vấn đề được các ngân hàng quan tâm và đưa vào chiến lược phát triển. Mức độ sẵn sàng của các ngân hàng để chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng ở mức độ cao. Ngân hàng số có thể coi là đích đến của nhiều ngân hàng hiện nay. 

Chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cho mọi người trong tổ chức phải áp dụng các quy trình mới, cách thức làm việc và cách tiếp cận mới, phá vỡ các cách thức cũ và tiếp cận tới nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Từ đó, văn hóa của doanh nghiệp buộc phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, xây dựng văn hóa số cần được xác định là chiến lược trọng yếu của ngân hàng.

Đối với ngân hàng tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số sẽ phải gặp một số khó khăn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng văn hóa ngân hàng trong kỷ nguyên số cần có sự thống nhất trong ban lãnh đạo, được xem là chiến lược phát triển của ngân hàng và có sự triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống. Đồng thời, ngân hàng cần có lộ trình triển khai phù hợp với vị thế và tiềm năng. Việc hoàn thiện văn hóa số sớm sẽ giúp ngân hàng nâng cao được vị thế cũng như nâng tầm cạnh tranh so với các ngân hàng khác trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra. Sự tương tác của các nhân viên trong nội bộ ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi văn hóa của ngân hàng đó. Ở chiều ngược lại, đột phá văn hóa ngân hàng phù hợp với xu thế chung là một phương pháp luận và chuỗi nhiệm vụ có tác động tích cực đến trải nghiệm của nhân viên, từ đó nâng cao sự gắn bó và tinh thần làm việc của họ. Thế nên, trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, con người sẽ là yếu tố trung tâm và có 03 đặc trưng đo lường của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại ngân hàng, gồm: 

Xác định xây dựng văn hóa trong kỷ nguyên số là chiến lược ưu tiên của ngân hàng. Đây là một trong những yếu tố cấu thành nên vị thế, nâng tầm cạnh tranh của ngân hàng. Ngoài ra, thành công của ngân hàng có một phần quan trọng của việc giữ được nhân viên tài năng. Để làm được điều đó, ngân hàng phải tạo được văn hóa doanh nghiệp phù hợp trong kỷ nguyên số. 

Chiến lược này phải được truyền thông rộng khắp với nhiều kênh truyền tải khác nhau, đa dạng nhằm đảm bảo rằng, mọi nhân viên đều được tiếp cận với chiến lược này, trong đó, cần truyền tải thông tin để toàn thể nhân viên hiểu được vai trò quan trọng và cần thiết của ngân hàng trong chuyển đổi số. Tạo điều kiện tối đa cho nhân viên trong việc cải thiện kỹ năng, chuyên môn để phù hợp với yêu cầu đề ra của kỷ nguyên số.

Xây dựng bản sắc văn hóa BIDV

Tại Lễ tổng kết dự án chuyển đổi hệ thống Core Banking Profile, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú khẳng định: “Nội lực - văn hóa BIDV thấm đẫm trong mỗi người cán bộ và ngoại lực - những “đối tác tuyệt vời” đã giúp BIDV vượt qua mọi trở ngại, hoàn thành “một khối lượng công nghệ khủng khiếp” trong một thời gian hạn hẹp, không gian chật hẹp và những nghịch cảnh, khó khăn…”. 

Gần 1/4 thế kỷ trước, từ những năm 2000, BIDV đã triển khai Đề án xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp. Theo đó, BIDV đã tổng kết, đúc rút bản sắc văn hóa của doanh nghiệp với một số đặc trưng như: Đồng lòng nhất trí, có niềm tin mạnh mẽ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bài bản và thận trọng; đoàn kết trên dưới một lòng; trung thành, gắn bó, thân thiện. Trên cơ sở Đề án này, BIDV đã xây dựng Bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và Bộ quy tắc ứng xử với mục đích bảo đảm môi trường hoạt động thân thiện, minh bạch, đồng thời góp phần chỉ dẫn, điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cán bộ nhằm bảo đảm lợi ích và sự phát triển bền vững của Ngân hàng. 

Trong giai đoạn phát triển mới, ngày 11/01/2021, Hội đồng quản trị BIDV đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-BIDV phê duyệt Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 22), trong đó xác định “Nguồn nhân lực và Văn hóa doanh nghiệp” là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính. Theo đó, BIDV tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có trình độ năng lực, có phẩm chất, hướng đến mục tiêu chung; phát huy các giá trị truyền thống, thực hành văn hoá doanh nghiệp là động lực hoạt động của hệ thống. 

Cũng theo Nghị quyết 22, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao và phát triển văn hoá doanh nghiệp là 1 trong 6 mục tiêu ưu tiên giai đoạn 2021 - 2025. Để đồng bộ các giá trị nội tại phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới, năm 2021, BIDV tiếp tục triển khai chuẩn hóa VĂN HÓA DOANH NGHIỆP. 

BIDV đã thực hiện hơn 50 cuộc phỏng vấn trực tiếp với lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung… và khảo sát qua bảng hỏi với hơn 5.000 mẫu để đánh giá, đo lường, xác định hiện trạng văn hóa doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Văn hóa BIDV có nhiều đặc trưng của “văn hoá gia đình”, “văn hóa hợp tác” và là “một gia đình lớn có nếp nhà tốt”: Có truyền thống gắn kết, nghĩa tình, tương thân tương ái; Bầu không khí ôn hòa, đồng thuận, dựa trên “sự bảo ban nhau” và tôn ti trật tự ở mức phù hợp; người trên “làm gương” và người dưới noi theo, tôn trọng “nếp nhà” để giữ kỷ cương chung. Trong những giá trị đó, “tính nghĩa tình/nhân văn” hay văn hóa gia đình là những điều làm cán bộ nhân viên nhớ nhất, tự hào nhất, ấn tượng nhất và muốn gắn bó nhất với BIDV. 

5 giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp BIDV

Từ kết quả nghiên cứu, trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, căn cứ chiến lược phát triển của BIDV và mong muốn của người lao động, ngày 15/7/2022, Liên tịch Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc BIDV đã ban hành Nghị quyết số 636/NQLT-ĐUHĐQT-TGĐ phê duyệt nội dung Sổ tay văn hóa BIDV. 

Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị BIDV ban hành Quyết định số 666/QĐ-BIDV về việc ban hành Sổ tay văn hóa BIDV với 5 giá trị cốt lõi: Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng, được thể hiện qua cụm từ “iBIDV”. 

iBIDV được thể hiện như một con người đầy trí tuệ, luôn sẵn sàng đón nhận tri thức mới, giữ vững chữ tín, niềm tin, luôn coi trọng danh dự, hành động trung thực, chuyên nghiệp, mang trong mình những hoài bão, khát vọng. Các giá trị văn hóa iBIDV cũng là sự kế thừa và phát triển ở tầm cao hơn truyền thống nhân văn nghĩa tình của BIDV, tiếp tục là niềm tự hào và là sợi dây gắn kết các thế hệ cán bộ trong hệ thống để cùng thực hiện mục tiêu chiến lược chung của hệ thống. 

Bên cạnh 5 giá trị cốt lõi, Sổ tay văn hóa còn quy định 5 Quy chuẩn đạo đức, 9 Quy tắc ứng xử và 18 điều lưu ý trong giao tiếp và thực hiện nhiệm vụ. Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu về nội dung Sổ tay văn hóa BIDV và chủ trương chuyển đổi nhận diện thương hiệu, Đảng ủy BIDV đã ban hành Chỉ thị số 202/CT-ĐU ngày 12/5/2023 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo đối với công tác chuyển đổi nhận diện thương hiệu và thực hành văn hoá doanh nghiệp BIDV”. 

Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 202/CT-ĐU, BIDV đã tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến (e-learning) về Sổ tay văn hóa BIDV với sự tham gia của 4.500 cán bộ; tổ chức 2 khóa đào đạo trực tiếp về văn hoá doanh nghiệp với sự tham gia của 170 học viên từ 57 chi nhánh và nhiều hoạt động tìm hiểu về văn hoá doanh nghiệp thông qua cuộc thi “Rung chuông Vàng”, hội thảo văn hoá doanh nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử… 

Theo Brand Finance, năm 2023, chỉ số giá trị thương hiệu BIDV đã có bước tăng trưởng đột phá, nhanh nhất Việt Nam với mức tăng trên 69% so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu phát triển thương hiệu theo Chiến lược cấu phần về thương hiệu đã được Hội đồng quản trị phê duyệt (đến 2025, chỉ số nhận biết thương hiệu và giá trị thương hiệu đạt Top 3, chỉ số sức mạnh thương hiệu đạt Top 2), việc thực hành Sổ tay văn hóa BIDV chính là một giải pháp lớn, mang tính căn cơ.    

Đại sứ văn hoá BIDV

Tháng 4/2024, BIDV đã khởi động Hội thi “Đại sứ văn hóa BIDV” nhằm hướng tới các mục tiêu: Thúc đẩy phong trào thi đua học tập, thực hành và lan tỏa Văn hóa doanh nghiệp BIDV; đưa các chuẩn mực văn hóa thành hành động thiết thực, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo phong cách, dấu ấn riêng có của BIDV; góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa để thực hiện tốt sứ mệnh của BIDV là đem lại lợi ích tiện ích tốt nhất cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng xã hội.

Đồng chí Trần Xuân Hoàng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT BIDV, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thi cho biết: “Việc lan tỏa văn hóa BIDV không chỉ dừng lại ở phạm vi nội bộ, mà còn mở rộng ra cộng đồng, khách hàng và đối tác, để mỗi người, khi nhắc đến BIDV đều nghĩ đến một ngân hàng không chỉ vững mạnh, uy tín mà còn nhân văn, trách nhiệm và tận tâm với khách hàng. Các Đại sứ văn hóa BIDV sẽ đóng vai trò quan trọng để tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của BIDV, là cầu nối truyền cảm hứng để mỗi cán bộ BIDV thấm nhuần trong từng suy nghĩ và hành động, vượt qua mọi thử thách và đạt được những thành tựu mới, góp phần xây dựng BIDV ngày càng vững mạnh và phát triển bền vững, trường tồn”. 

Hội thi Đại sứ văn hóa BIDV năm 2024 là dấu mốc mới trên hành trình lan tỏa, bồi đắp văn hóa BIDV - nền tảng quan trọng để BIDV phát triển bền vững, hướng đến hiện thực hóa Tầm nhìn đến năm 2030 của BIDV là “Trở thành định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á”.

Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hoá đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong phạm vi doanh nghiệp, cụ thể hoá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, văn hoá BIDV được coi là tài sản tinh thần, là “phần hồn” giúp tạo dựng thương hiệu, bản sắc, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự tăng trưởng của BIDV vì mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Hồ Thị Thu Thảo, Đảng bộ BIDV CN Sài Gòn

 

 

Tài liệu tham khảo:

- Sổ tay văn hóa BIDV

- Nghị quyết số 22/NQ-BIDV phê duyệt Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025

- Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết Trung ương V khóa XIII

- Nghị quyết 06-NQ/ĐUK về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương

- Chỉ thị số 202/CT-ĐU ngày 12/5/2023 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo đối với công tác chuyển đổi nhận diện thương hiệu và thực hành văn hoá doanh nghiệp BIDV.

 

 

.
.
.
.