.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024

Văn hóa MobiFone và sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành quốc gia số

Thứ Hai, 25/11/2024|17:15

Văn hóa nói chung và văn hóa của mỗi doanh nghiệp nói riêng ngày càng được xem là động lực thúc đẩy và có mối gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp; hơn nữa, văn hóa còn được xác định là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Quan điểm của Đảng ta về xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, quan điểm của Đảng về xây dựng văn hoá doanh nghiệp (VHDN), văn hóa trong kinh doanh là sự kế thừa, phát triển các quan điểm về xây dựng văn hóa trong kinh tế được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra từ rất sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị bằng một luận điểm tiêu biểu: Văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị, nghĩa là tác động biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau giữa các lĩnh vực cơ bản này của đời sống xã hội (Tài liệu 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam).

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì bản sắc và các giá trị văn hóa Việt Nam càng cần được trân trọng, gìn giữ, không ngừng được bồi đắp, làm giàu có thêm và phát huy để trở thành sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho tinh thần sáng tạo, đổi mới, tạo nguồn lực và động lực to lớn bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) đã chỉ rõ: “Xây dựng văn hóa bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách thanh thiếu niên; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa”, trong đó giải pháp hàng đầu là: “Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng và cấp ủy đối với lĩnh vực văn hóa”. Việc thực hiện gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mặt trận văn hóa tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với mặt trận chính trị và kinh tế luôn được Đảng ta chú trọng. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) nhấn mạnh nhiệm vụ thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế: “Xây dựng VHDN, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc, phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Đại hội XIII của Đảng được xác định là dấu mốc tạo bước chuyển rất quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp lớn; trong đó, vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người trong các lĩnh vực đời sống xã hội, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”. Theo đó, coi trọng xây dựng và làm lan tỏa các giá trị văn hóa cả trong chính trị và kinh tế, nhất là trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để văn hóa thực sự thấm sâu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phát triển bền vững. Đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, công chức và đảng viên ở các cơ quan, đơn vị trong ứng xử, giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ bằng các giá trị văn hóa từ lời nói, cách thức giao tiếp đến hành động, việc làm, cả trong nhận thức, đạo đức, lối sống dân chủ, tôn trọng nhân dân, thái độ trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng đội; qua đó thúc đẩy việc xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nội dung rất cơ bản để xây dựng văn hóa trong chính trị.

Phát triển văn hóa, xã hội, con người trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, Báo cáo chính trị và các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục một cách nhất quán các phương hướng phát triển về văn hóa, con người, quản lý phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã được khẳng định trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Về xây dựng và phát triển con người, đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản và hệ thống truyền thông; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa và con người.

Về quản lý phát triển xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các phương hướng phát triển đã được Đại hội XII khẳng định là: Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đồng thời, trên cơ sở những nhận thức mới về lý luận, những thay đổi của bối cảnh lịch sử thế giới và điều kiện thực tế trong nước, những yêu cầu mới đặt ra của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới, các văn kiện Đại hội XIII cũng bổ sung, phát triển thêm nhiều nội dung mới: Trong lĩnh vực văn hóa và con người, các văn kiện Đại hội XIII không chỉ đặt ra vấn đề “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam”, mà còn nhấn mạnh, làm rõ hơn yêu cầu về “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới, việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với “hệ giá trị gia đình Việt Nam” là một nhận thức mới, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế vốn rất quan trọng của nó, với tư cách là các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Hơn thế nữa, gia đình cũng chính là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi hình thành và nuôi dưỡng những mầm mống đầu tiên có ý nghĩa định hướng về tính cách của mỗi con người. Vì thế, đây cũng chính là cách đặt vấn đề về sự cần thiết phải quan tâm, có những giải pháp, điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới.

Trong các văn kiện Đại hội XIII, vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người được nhấn mạnh, là một nội dung mới, thể hiện nhận thức của Đảng ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa. Trong vấn đề phát triển con người, Báo cáo chính trị và các văn kiện Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, coi đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện, song cũng là lớp người dễ bị tổn thương, cần được quan tâm bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa. Những nội dung được nhấn mạnh trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng là “lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội”; “nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam”.

Trong việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam, Báo cáo chính trị nêu rõ một nội dung mới, đó là “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ hữu cơ, không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn về văn hóa và con người Việt Nam, vừa khẳng định giá trị tốt đẹp, những giá trị tích cực có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm khắc. Khắc phục những hạn chế và phát huy những mặt tốt đẹp trong truyền thống như hai mặt đồng thời góp phần xây dựng và không ngừng hoàn thiện con người Việt Nam.

Cùng với vấn đề giáo dục, xây dựng con người Việt Nam nói chung, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu “Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị”. Việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên không đơn thuần là trong ngôn từ lời nói, cách thức giao tiếp, mà phải xuất phát từ nhận thức, thái độ, đạo đức, lối sống dân chủ, tôn trọng nhân dân, thái độ trách nhiệm và tình thương yêu với đồng chí, đồng nghiệp, nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đề cao và thực hiện tính tiên phong trong văn hóa ứng xử là một nội dung quan trọng của việc xây dựng văn hóa trong chính trị, trong đó “Chú trọng chăm lo văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể”, một yêu cầu đã được đặt ra từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW), ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, coi xây dựng văn hóa trong Đảng như một “nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Nội dung trọng tâm của xây dựng văn hóa trong Đảng được xác định là “…xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”.

Những nội dung mới nổi bật trên chính là những yếu tố cốt tử để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Đồng thời đây cũng là những điều kiện không thể thiếu để thực hiện được một định hướng phát triển rất quan trọng, tạo thành một động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới, đó là: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị - xã hội

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Đảng ủy Khối đã ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, là tiền đề để các đảng ủy trực thuộc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định về văn hóa công sở. Cụ thể, năm 2012, Đảng ủy Khối đã ban hành Kết luận số 06-KL/ĐUK ngày 08/6/2012 về nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở. Tháng 4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 06 - NQ/ĐUK về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”.

Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị luôn chú trọng xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, đã chủ động xây dựng, rà soát, bổ sung quy chế, quy định về xây dựng văn hóa công sở, đạo đức kinh doanh gắn với xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người lao động. Đến nay, tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở; nhiều doanh nghiệp xây dựng được nội dung, thiết chế văn hóa doanh nghiệp với nhiều mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện cụ thể theo ngành, lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các cấp ủy trực thuộc đẩy mạnh công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững; vận động cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện nếp sống văn hóa mới, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Theo đó, tập trung làm rõ những nội dung cụ thể về định hướng và những giá trị chung của các doanh nghiệp, đơn vị (tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược, phương châm hành động, các giá trị cốt lõi...), đồng thời xác định rõ các chuẩn mực hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động (các quy tắc ứng xử trong và ngoài tổ chức, thái độ với công việc, thái độ với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, thái độ đối với khách hàng, các nghi lễ của tổ chức, hướng dẫn về giao tiếp đối nội, đối ngoại... trong đó, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, yêu lao động, có trách nhiệm và gắn bó với doanh nghiệp, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân).

Văn hóa doanh nghiệp - tài sản vô hình góp phần tạo nên sức mạnh MobiFone

Động lực chuyển đổi

Từ một công ty viễn thông với mạng lưới phủ sóng cả nước, MobiFone đã và đang chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ chủ lực của Việt Nam. MobiFone, từ khi khai sinh đã mang trong mình sứ mệnh của người tiên phong, mong muốn mang đến những giải pháp mới cho khách hàng và dẫn dắt thị trường. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ủy MobiFone đã xác định Văn hóa MobiFone là công cụ quan trọng không thể thiếu trong quản lý, điều hành để triển khai chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo ra động lực cho người lao động và sự đoàn kết trong toàn doanh nghiệp. Văn hóa MobiFone là một trong những phương pháp quản trị doanh nghiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển của MobiFone.

Với khát vọng đó, MobiFone quyết định chuyển mình trở thành doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp tham gia triển khai Chiến lược quốc gia phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, an toàn thông tin mạng, và Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045).

Thị trường viễn thông trải qua hai cuộc đổi mới. Lần thứ nhất từ công nghệ analog sang công nghệ số, lần thứ hai từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số và từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số (hạ tầng phát triển nền kinh tế số). Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông nói chung, MobiFone nói riêng cần định vị mình, phát huy thế mạnh sẵn có và tiếp tục phát triển”. Thị trường viễn thông đã bước vào giai đoạn bão hòa. Doanh thu toàn ngành viễn thông nửa đầu 2022 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện có 127 triệu thuê bao di động trên gần 100 triệu dân. Sự cạnh tranh đã đẩy giá cước xuống, giảm khả năng sinh lời.

Người dùng cũng dần chuyển sang phương thức kết nối qua Internet, ít có thói quen nhắn tin SMS hay gọi điện thoại thông thường. Trên 90% thị phần hiện thuộc về ba nhà mạng lớn nhất, trong đó có MobiFone, nghĩa là dư địa để mở rộng vẫn còn, nhưng khó có thể phát triển đột phá. Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy sự bùng nổ của Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Công nghệ số đem đến nhiều cơ hội cho sự đột phá trong sản phẩm và dịch vụ, cải thiện quy trình sản xuất, giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Tối ưu hóa chuyển đổi

Với MobiFone, yếu tố đầu tiên và tiên quyết để việc chuyển đổi được trơn tru và thành công là con người. Trải qua ba thập kỷ, doanh nghiệp đã tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có tầm nhìn, năng động, thích ứng nhanh với sự thay đổi của công nghệ và thị trường. "MobiFone chú trọng xây dựng các nền tảng, công cụ hỗ trợ các cán bộ công nhân viên có thêm không gian để sáng tạo, tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, giúp nâng cao hiệu quả công việc và nâng cao trải nghiệm của khách hàng nội bộ. Với tinh thần thần tốc - đổi mới, mỗi người MobiFone luôn phát huy giá trị cốt lõi chuyên nghiệp - hiệu quả làm kim chỉ nam cho mọi hành động."

MobiFone cũng đổi mới cách thức, tối ưu hóa hoạt động để đạt hiệu quả kinh doanh tối đa, ứng dụng công nghệ nội bộ để tối ưu hoá quy trình, giảm thiểu chi phí và tăng năng suất. Doanh nghiệp lên kế hoạch tăng cường hợp tác với các công ty và tổ chức trong ngành công nghệ để hiểu và tận dụng các cơ hội mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ Việt Nam.

Song song, MobiFone dành một phần lợi nhuận hàng năm cho công tác R&D - nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ chất lượng cao, cung cấp cho khách hàng các giải pháp hiệu quả, tiện ích và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chiến lược chuyển đổi số

Khi chuyển từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, hạ tầng điện toán đám mây và hạ tầng công nghệ số), MobiFone đặt mục tiêu trở thành một trong ba công ty hạ tầng số hàng đầu Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường viễn thông đã dần bão hoà, MobiFone đề ra kế hoạch "giữ vững viễn thông - tấn công không gian mới". Theo đó, mục tiêu tới năm 2025 của MobiFone dựa trên 5 trụ cột chính là Khách hàng, Sản phẩm, Công nghệ, Vận hành và Năng lực. Trong đó, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhanh chóng các sản phẩm dịch vụ số mới ngoài viễn thông như kinh doanh hạ tầng số, cung cấp các nền tảng, giải pháp số - nội dung số, xây dựng hệ sinh thái số MobiFone hoàn chỉnh.

Dự kiến, các dịch vụ số mới sẽ chiếm 27% tổng doanh thu vào năm 2025 như thương hiệu giới trẻ, nội dung số, thanh toán số, quảng cáo số, trò chơi trực tuyến, y tế số, dịch vụ Cloud, an ninh, an toàn thông tin, giáo dục số, IoT. Trong đó, các lĩnh vực giáo dục số và y tế số sẽ có xu hướng đóng góp doanh thu ngày càng lớn cho doanh nghiệp.

MobiFone đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phát triển mới kết nối di động, giải pháp công nghệ thông tin doanh nghiệp và dịch vụ số. Hiện MobiFone đã xây dựng được một hệ sinh thái số với các giải pháp giáo dục số mobiEdu, truyền thanh thông minh, y tế số, tài chính số (hệ sinh thái MobiFone Money bao gồm ví điện tử và tiền điện tử) và văn phòng không giấy tờ Smart Office...

MobiFone đang chuyển mình để đón đầu công nghệ, đáp ứng, kiến tạo các nhu cầu trong nền kinh tế số, đời sống số của khách hàng. Các loại hình dịch vụ đa dạng giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, tạo ra nền tảng, công cụ giúp khách hàng có nhiều không gian hơn để sáng tạo.

MobiFone sẽ tập trung đầu tư phát triển và kinh doanh các nền tảng (platform) công nghệ mới, khai thác công nghệ như một loại dịch vụ (technology as a service) để nâng cao chất lượng cuộc sống, làm phong phú thêm trải nghiệm của người dùng. Trong bối cảnh chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông chính là “xương sống” của nền kinh tế số. MobiFone cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng mạng viễn thông, đặc biệt là mạng 5G, IoT (Internet vạn vật), và hạ tầng điện toán đám mây.

Phát triển mạng 5G: mạng 5G sẽ là nền tảng quan trọng để hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông và sản xuất công nghiệp. MobiFone cần đẩy nhanh việc triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc, mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

An ninh mạng và bảo mật thông tin: Khi chuyển đổi số, vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng càng trở nên cấp thiết. MobiFone cần xây dựng các giải pháp bảo mật toàn diện, ứng dụng công nghệ AI và Blockchain để bảo vệ dữ liệu người dùng và hệ thống mạng, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp; đồng thời, đem đến sự tiện lợi, nâng cao trải nghiệm khách hàng, hướng đến tương lai số cho tất cả các khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp của MobiFone.

Đinh Văn Sỹ - Bí thư chi bộ, Giám đốc MobiFone Thành phố Thủ Đức

Đảng bộ Công ty DV MobiFone KV2

 

.
.
.
.