Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Xây dựng tinh thần yêu nước cách mạng theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động Ngân hàng BIDV
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển tình cảm yêu nước sâu sắc, thể hiện qua ý chí kiên cường và bất khuất trong cuộc chiến giành độc lập. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống của Việt Nam mang những đặc trưng riêng biệt như tình yêu quê hương, đất nước; yêu nước gắn liền với lòng thương dân và lợi ích của nhân dân; và ước vọng về tự do, hòa bình. Những giá trị này luôn hài hòa và không thể tách rời.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh - Hệ tư tưởng mang tính thời đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại bùng cháy, trở thành làn sóng mạnh mẽ, lướt qua mọi hiểm nguy, nhấn chìm mọi thế lực phản bội” [Hồ Chí Minh toàn tập quyển 1 Chương 5, tr.38]. Chủ nghĩa yêu nước là nguồn sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để đạt được những thành công mang tầm vóc thế giới. Tình yêu nước chính là giá trị thiêng liêng, đặc trưng cho khí phách của con người Việt Nam với sự bền bỉ và bất khuất. Thấm nhuần những giá trị yêu nước, cùng với sự chứng kiến cuộc sống khốn khó của nhân dân dưới ách áp bức của thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc và mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, chủ nghĩa yêu nước đã là nguồn cảm hứng cho mọi suy nghĩ, hành động của Người. Người luôn khát khao: “Chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, và ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [4, tr.161]. Mọi chiến lược đều trở nên vô nghĩa nếu chúng không góp phần mang lại tự do cho nhân dân, độc lập cho Tổ quốc. Chính lý tưởng này đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước và chịu đựng mọi gian khổ. Sau này, Người khẳng định rằng chính chủ nghĩa yêu nước đã dẫn lối cho Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin: “Lúc đầu, là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã khiến tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” [Hồ Chí Minh toàn tập quyển 1 Chương 3, tr.128].
Hồ Chí Minh hiểu rõ vị trí và sức mạnh của tinh thần yêu nước. Người nhấn mạnh rằng: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì dân mình mới được ấm no, Tổ quốc mới được giàu mạnh”. Tình yêu nước và lòng thương dân, nghĩa tình quê hương là những yếu tố không thể tách rời trong chủ nghĩa yêu nước của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tinh thần yêu nước cách mạng vào việc thiết lập đồng tiền giấy Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc lập đầu tiên trong lịch sử nước ta: Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc ta từ những người nô lệ đã trở thành chủ nhân thực sự của một đất nước độc lập. Tuy nhiên, ngay sau thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, tài chính: quốc khố gần như kiệt quệ, ngân hàng Đông Dương vẫn bị tư bản Pháp kiểm soát, và các khoản nợ của chính phủ bù nhìn lên tới 564 triệu đồng. Những khó khăn tài chính này càng trầm trọng hơn khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng loại tiền tệ không phù hợp. Tình hình khẩn cấp yêu cầu chính quyền cách mạng phải nhanh chóng tạo ra những biện pháp tài chính để củng cố cơ sở cho các nhiệm vụ cách mạng sắp tới.
Đáp ứng sự đòi hỏi của thời đại, chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tổ chức “Tuần lễ Vàng” nhằm vận động nhân dân tự nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Đây là một chủ trương kịp thời và sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động toàn dân yêu nước đóng góp cho sự nghiệp độc lập, giúp cách mạng vượt qua giai đoạn khó khăn và giành được những thắng lợi đáng kể.
Theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nước cách mạng là sự nghiệp lớn lao của khối Đại đoàn kết dân tộc và của quần chúng nhân dân bao gồm tất cả các thành phần công, nông, binh, sĩ, thương yêu nước. Tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân là yếu tố quyết định cho mọi thành công cách mạng. Quá trình tổ chức “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập” đã tạo ra một bài học quý giá về công tác dân vận, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với vận mệnh dân tộc. Trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”.
Kết quả của “Tuần lễ Vàng” cuối mùa thu 1945 không chỉ mang lại nguồn tài chính dồi dào mà còn thể hiện ý thức chính trị sâu sắc. Số tiền và vàng mà nhân dân toàn quốc ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” đã đóng vai trò then chốt trong việc giúp Đảng và Chính phủ vượt qua khó khăn, tạo cơ sở cho việc phát hành đồng tiền Việt Nam và xây dựng nền tảng cho một hệ thống tiền tệ độc lập.
Giá trị của tinh thần yêu nước cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với ngành ngân hàng
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước không chỉ là cống hiến và hy sinh cho tổ quốc trong thời chiến mà còn là những công việc mà mỗi người dân, mỗi cán bộ đều tâm huyết, có trách nhiệm và làm tốt công việc của mình trong thời bình. Đối với mỗi ngân hàng có thể yêu nước cách mạng không đơn giản là sự quyết định trong việc giữ và phát triển tài sản của đất nước mà còn là phẩm chất đạo đức liêm chính, trung thực, công minh trong công việc hàng ngày, là sự tận tâm, cống hiến của mỗi cá nhân bộ ngân hàng trong lao động và phục vụ khách hàng, phục vụ người dân.
Tinh thần yêu nước cách mạng giúp Đảng bộ ngân hàng triển khai các nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội và quản lý ngân hàng thông qua cũng ứng các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm luôn mang lại lợi ích cho người dân là mục tiêu hàng đầu và coi đó là động lực để làm việc.
Mỗi giao dịch, mỗi tài khoản vay, mỗi quyết định đều cần được thực hiện với lòng trung thành và trách nhiệm với đất nước và nhân dân, tránh xa mọi biểu hiện của tham ô, lãng phí và lợi ích cá nhân. Điều này không chỉ bảo vệ sự minh bạch, tin cậy mà còn nâng cao lòng tin của người dân vào hệ thống tài chính, ngân hàng.
Hệ thống tài chính ngân hàng là “mạch máu” của nền kinh tế. Tài sản gửi tại ngân hàng chủ yếu là tiền bạc, tài sản của người dân – những nguồn lực tài chính quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế. Sự tin cậy của người dân đối với ngân hàng là nền tảng cho hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả. Khi người dân gửi tài sản quý giá nhất của mình vào ngân hàng thì họ lại trao niềm tin vào sự bảo vệ và quản lý hiệu quả từ phía ngân hàng.
Nếu điều này sẽ bị xâm phạm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Việc dân dân mất niềm tin vào ngân hàng có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính, từ đó gây rối loạn nền kinh tế và làm suy yếu lòng tin vào thể chế kinh tế của quốc gia. Đó là lý do tại sao mỗi cán bộ ngân hàng không chỉ là một người làm kinh doanh mà còn là người bảo vệ niềm tin của nhân dân và điều này cần được quán triệt tới mọi đảng viên và cán bộ ngân hàng.
Tinh thần yêu nước cách mạng khuyến khích tất cả các đảng viên, cán bộ ngân hàng hành động với trách nhiệm cao, không ngại khó khăn thử thách và luôn nỗ lực hoàn thiện, tìm kiếm những giải pháp tài chính mới để phục vụ người dân tốt hơn. Đó là điều đặc biệt quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam vượt qua những khó khăn và thách thức trong môi trường kinh tế đầy biến động.
Tinh thần yêu nước cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là kim chỉ nam cho toàn Đảng toàn dân mà còn là một yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Mỗi Đảng bộ, mỗi cán bộ ngân hàng cần thấu triệt tư tưởng của Hồ Chủ tịch để đi đúng mục tiêu cao cả nhất: độc lập, tự do và tự chủ dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tinh thần yêu nước cách mạng chính là điểm giúp ngành ngân hàng Việt Nam nắm giữ bản sắc, thực hiện theo tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, theo sự lãnh đạo nhất quán của Đảng ta trong mọi thời kỳ và phát triển bền vững trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước của toàn dân ta.
Đảng bộ BIDV tiếp tục phát huy sức mạnh của tinh thần yêu nước - Tiên phong trong các hoạt động cộng đồng
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, Đảng bộ BIDV tiếp tục phát huy sức mạnh của tinh thần yêu nước bằng việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác an sinh xã hội trong toàn hệ thống ngân hàng.
BIDV xác định thực hiện trách nhiệm xã hội (ASXH) vì cộng động là một trong bốn sứ mệnh được Đảng bộ và lãnh đạo cũng như tập thể người lao động BIDV quan tâm, dành nhiều thời gian, tâm sức và nguồn lực thực hiện. Đó không chỉ là tấm lòng, tình cảm hướng về cộng đồng mà còn được BIDV xác định là trách nhiệm chính trị đối với đất nước.
Trong giai đoạn 2017 - 2025, bên cạnh việc thực thi các nhiệm vụ tài chính tiền tệ phục vụ các chương trình phát triển kinh tế của đất nước, BIDV cũng đã tiên phong, chủ động dành nguồn kinh phí từ hoạt động của ngân hàng cũng như vận động người lao động tham gia đóng góp để thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Tổng kinh phí BIDV triển khai thực hiện các chương trình ASXH 5 năm qua là gần 1.500 tỉ đồng. Các lĩnh vực tài trợ tập trung chủ yếu vào giáo dục, y tế, xoá nhà tạm cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai...
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của BIDV, hàng trăm công trình trường học/phòng học/nhà lớp học tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh khó khăn thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, hàng ngàn suất học bổng cho học sinh vượt khó, học giỏi tại các trường học trong cả nước; các trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục đã nhanh chóng được triển khai.
Trong lĩnh vực y tế, BIDV đã hỗ trợ xây dựng/nâng cấp hơn 20 bệnh viện/trạm y tế cấp trung ương và địa phương, tặng gần 100 xe cứu thương/khám chữa bệnh lưu động/chuyên dụng cho các bệnh viện phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các địa phương với kinh phí gần 500 tỷ đồng. BIDV đã hỗ trợ xây dựng gần 3.000 ngôi nhà cho người nghèo, góp phần hiệu quả cùng chính quyền địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tại các vùng khó khăn, giúp nhiều gia đình nghèo có mái ấm an cư lạc nghiệp. Chương trình hỗ trợ người nghèo xây nhà yên tâm định cư sản xuất còn đặc biệt quan trọng có ý nghĩa đối với việc ổn định thế trận lòng dân, giữ vững an ninh chủ quyền lãnh thổ quốc gia đối với các địa phương ở các khu vực biên giới. Tổng kinh phí BIDV thực hiện tài trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo là hơn 170 tỷ đồng.
Trong 3 năm (2020-2022), trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Việt Nam, BIDV tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Ngân hàng đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19 với số tiền đóng góp gần 350 tỷ đồng. Trong đó, chương trình “Đồng hành cùng ngành Y, chung tay vượt đại dịch” của BIDV đã trao tặng 100.000 bộ trang phục phòng chống Covid cho đội ngũ y bác sỹ tại các cơ sở y tế tuyến đầu chống dịch, tạo được hiệu ứng lan tỏa cao trong cộng đồng. Mỗi đồng chi phí BIDV đóng góp cho các chương trình cộng đồng là sự tích lũy của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước của tập thể hơn 27.000 cán bộ công nhân viên BIDV.
Bên cạnh việc trực tiếp đóng góp chi phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội, các chi bộ thuộc Đảng bộ BIDV đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc lan tỏa tinh thần sẻ chia vì cộng đồng tới khách hàng, công chúng. Thông qua các chương trình như: “Tết ấm cho người nghèo”, “Nước ngọt cho cuộc sống Xanh”, “Mỗi giao dịch - Một tấm lòng”,… BIDV đã vận động khách hàng, công chúng cùng tham gia đóng góp để xây nhà cộng đồng tránh lũ, trồng 1 triệu cây xanh, hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai, hạn mặn... Năm 2020, để hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, BIDV đã vận động khách hàng tham gia giao dịch xanh “Cho cuộc sống Xanh” trên ứng dụng BIDV SmartBanking, với số tiền đóng góp quy đổi 26.5 tỷ đồng, hỗ trợ người dân lắp máy lọc nước, mua bồn chứa nước, khắc phục tình trạng khan hiếm nước ngọt sinh hoạt, sản xuất do hạn hán xâm nhập mặn. Chương trình đã được đông đảo khách hàng tham gia đồng hành, bên cạnh ý nghĩa đóng góp ASXH cho cộng đồng còn góp phần đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, BIDV cũng đã lan tỏa đến khách hàng tinh thần vì cộng đồng thông qua chương trình “Mỗi giao dịch - Một tấm lòng” để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, nhận được sự tham gia của hơn 10 triệu khách hàng trên cả nước.Đặc biệt, chương trình tặng quà Tết cho đồng bào nghèo được BIDV thực hiện liên tục từ năm 2009 đến nay, mỗi năm trao tặng từ 20.000 - 60.000 suất quà tết, với tổng kinh phí thực hiện hơn 250 tỷ đồng. Chương trình quà Tết hàng năm của BIDV đã trở thành cánh én báo xuân về, góp thêm cho các gia đình nghèo một cái Tết ấm áp... Và để lan tỏa tinh thần sẻ chia đó, từ 2019 đến nay, BIDV đã tổ chức các giải chạy “Tết ấm cho người nghèo”, “Vì miền Trung thương yêu”; vận động khách hàng tham gia đóng góp chương trình “Trồng 1 triệu cây xanh” và xây nhà cộng đồng tránh lũ... Với hình thức quy đổi đóng góp từ thành tích chạy của vận động viên, chương trình đã thu hút tổng cộng hơn 150.000 lượt vận động viên tham gia, góp phần hình thành phong trào thể thao rèn luyện sức khỏe đối với cán bộ BIDV, cộng đồng và khách hàng.
Ngoài ra, BIDV tiếp tục triển khai những chương trình ASXH có ý nghĩa “Cho cuộc sống Xanh”. Theo đó, BIDV công bố triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 5 năm (2022 2026), hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Việc triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh là hoạt động tiếp nối các chương trình ASXH hướng đến bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho người dân, vì mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là chương trình ASXH dài hạn, có ý nghĩa nhân sinh, tiếp tục thể hiện trách nhiệm, cam kết thực hiện các hoạt động ASXH vì cộng đồng của BIDV. Năm 2022, BIDV đã triển khai trồng 300.000 cây xanh tại các địa phương trên cả nước.
Trong năm 2022-2023, BIDV tiếp tục triển khai xây dựng nhiều “nhà cộng đồng tránh lũ” tại các tỉnh khu vực miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, bao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh 02 nhà. Tổng giá trị thực hiện khoảng 29 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực đối với các địa phương thường xuyên chịu thiên tai, góp phần cùng địa phương tạo cơ sở vật chất chăm lo đời sống tinh thần cho người dân trong điều kiện bình thường và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân khi xảy ra mưa lũ.
Trước tình hình hạn mặn kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai hạn mặn, BIDV triển khai chương trình “Nước ngọt Cho cuộc sống Xanh”, chung tay cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con vùng ngập/hạn mặn tích trữ nguồn nước ngọt phục vượt qua khó khăn, với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng/năm. Năm 2020, BIDV đã trao tặng 13.300 bồn chứa nước và 39 máy lọc nước đến người dân tại 5 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề của đợt hạn hán, xâm nhập mặn bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau.
BIDV xác định mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững thông qua các hành động cụ thể. BIDV công khai minh bạch trách nhiệm phát triển bền vững của mình, đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro môi trường - xã hội khi thẩm định, tài trợ dự án, giám sát quá trình giải ngân, đảm bảo các dự án được BIDV tài trợ hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Với vai trò là Ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực của ngành ngân hàng, BIDV triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để huy động thành công các nguồn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế để tài trợ các dự án Hiệu quả tiết kiệm năng lượng cho các các ngành công nghiệp Việt Nam, Dự án phát triển năng lượng tái tạo REDP. Qua đó BIDV đã khẳng định hình ảnh, thương hiệu của Ngân hàng hàng đầu trong việc phát triển kinh tế bền vững theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, nâng cao chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,... BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên được AFD cho vay trực tiếp không qua bảo lãnh của Chính phủ tại Việt Nam và đề xuất hợp tác lâu dài trong lĩnh vực tín dụng xanh.
BIDV cũng chú trọng triển khai các gói “tín dụng xanh”, trong đó dành tỷ trọng nhất định để tài trợ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thân thiện môi trường; qua đó góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cuộc sống, ưu tiên các sản phẩm thực hiện qua kênh thanh toán xanh như ngân hàng số, ngân hàng điện tử,…
Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động an sinh xã hội theo định hướng phát triển xanh, bền vững, đặc biệt quan tâm tới các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng; và những hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo đời sống, sinh kế của người dân.
Phát huy tinh thần yêu nước cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với ngành ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước và là niềm tự hào, là sứ mệnh của mỗi đảng viên và cán bộ ngân hàng Việt Nam.
Phạm Thị Bích Thủy, Đảng bộ BP Trung tâm Thẻ và vận hành, BIDV