Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" theo tư tưởng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bước vào những năm 20 của thế kỷ XX, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên con đường kiên định mục tiêu phấn đấu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, đất nước Việt Nam ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử với tiềm lực kinh tế vững mạnh; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. “Có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.[1] Để có được những thành tựu đó, bên cạnh xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta trong bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đối ngoại, ngoại giao giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhân dịp thăm chính thức Việt Nam. |
Trong suốt chặng đường lịch sử từ khi đất nước giành độc lập đến nay, đường lối đối ngoại, ngoại giao độc đáo của Việt Nam đã góp phần giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững hòa bình trong nước, tăng cường “hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” [2] tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa nghèo đói đến nay đã trở thành một nước có tốc độ tăng trưởng cao, có vị thế và tiếng nói trong khu vực cũng như trên thế giới. Sự lãnh đạo của Đảng đối với nền ngoại giao nước nhà - trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam” đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết một cách hệ thống, toàn diện và sâu sắc trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đây là một tác phẩm mới, ra mắt tháng 11 năm 2023, thể hiện những giá trị cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trên cơ sở kế thừa và phát huy phong cách đối ngoại, ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa đặc sắc, vừa độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Hình tượng cây tre Việt Nam "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” chính là bản sắc của các chính sách đối ngoại lớn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta, cách thức ứng xử khéo léo nhưng có nguyên tắc của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, cũng như “cây tre Việt Nam” bền bỉ, đứng vững trước “bão tố”. Các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cũng như trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Dưới ngòi bút và góc nhìn mới mẻ, dễ tiếp cận, mang tính thời đại của cố Tổng Bí thư, những đúc rút từ thực tiễn phong phú về đối ngoại và ngoại giao Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử được tổng kết, hệ thống hóa thành tư duy lý luận sắc sảo và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Cuốn sách có dung lượng khá đồ sộ với hơn 800 trang, tổng hợp hơn 150 bài viết, 150 ảnh minh họa, gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gồm bài viết Tổng quan và 7 bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị Ngoại giao, Hội nghị đối ngoại toàn quốc, với các nội dung chính:
Sự hình thành và phát triển về tư duy, lý luận của Đảng đối với công tác đối ngoại.
Nêu bật các đặc điểm đặc sắc và riêng có của của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam thông qua bản sắc của hình tượng “cây tre Việt Nam”.
Tổng kết các thành tựu lớn của công tác đối ngoại trong gần 80 năm qua, chỉ ra những điểm tồn tại hạn chế và các bài học lớn.
Nhận định của Đảng ta về những diễn biến và xu thế của thế giới ngày nay, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
Khẳng định quan điểm, tư duy nhất quán và tầm nhìn của Việt Nam trước dòng chảy của thời đại.
Đưa ra các nhiệm vụ chính yếu cần thực hiện của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó, cố Tổng Bí thư tổng kết về quá trình đổi mới tư duy của Đảng từ năm 1988 đến nay, từ bảo vệ Tổ quốc gắn với đổi mới tư duy quốc phòng, tư duy đối ngoại; hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa đến xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại trong thời kỳ mới. Nhận định 3 đặc điểm lớn của thời đại ngày nay: (1) hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế và khát vọng lớn của nhân loại; (2) xu thế toàn cầu hoá, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế; (3) hợp tác và đấu tranh song song tồn tại giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Từ đó, cố Tổng Bí thư khẳng định tính đúng đắn của 5 nội dung về "định vị" Việt Nam: (1) là nước kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, theo đuổi lợi ích quốc gia - dân tộc; (2) là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; (3) là nước đề cao Luật pháp: tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; (4) Một nước ASEAN đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN; (5) Một nước yêu hoà bình và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình; thực thi chính sách “4 không”. Từ những nhìn nhận về hạn chế trong công tác ngoại giao qua các thời kỳ, cố Tổng Bí thư đưa ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: (1) Bài học bao trùm và bất biến là luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại, ngoại giao; (2) Luôn luôn kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế; (3) Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; (4) Đối ngoại, ngoại giao là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị; (5) Chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ, năng lực, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Phần thứ hai: Đối ngoại Việt Nam vì độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, gồm 78 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các cương vị khác nhau như Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương được thực hiện trong suốt 20 năm qua, thể hiện sự vận dụng sáng tạo quan điểm, tư duy lý luận nhất quán và tầm nhìn của ngoại giao “cây tre Việt Nam” với thực tiễn phong phú tại Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới trong từng giai đoạn cụ thể. Các bài viết thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại xuyên suốt, nhất quán của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng, và của Đảng và Nhà nước ta nói chung trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” [2]; “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [3]; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đây chính là những ứng biến uyển chuyển, tài tình được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cố Tổng Bí thư trong mục tiêu xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hình thành dựa trên sự phối hợp chặt chẽ và uyển chuyển của ba trụ cột chính là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Phần thứ ba: Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao, gồm 52 bài viết, ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về những thành tựu đối ngoại, bản sắc cây tre Việt Nam; tập hợp những kỷ niệm, câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, gặp gỡ cố Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước. Theo đó, các tác giả đánh giá cao tính đúng đắn, khéo léo, uyển chuyển, nhưng rất kiên định về mục tiêu, nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Việt Nam; và những đóng góp to lớn của đường lối đối ngoại đó vào thành công của Cách mạng Việt Nam.
Xuyên suốt cuốn sách, có thể nói hình tượng cây tre trong bản sắc đối ngoại, ngoại giao Việt Nam là một hình tượng độc đáo, đặc sắc và là “hình ảnh phù hợp nhất” để mô tả chính sách đối ngoại Việt Nam. Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 (2016), cố Tổng Bí thư đã khẳng định: “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Tiếp đó, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (2021), cố Tổng Bí thư đã bổ sung tính chất "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” để nêu bật nét đặc sắc và độc đáo của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Tại cuốn sách và tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12/2023, cố Tổng Bí thư một lần nữa đã đúc kết hình tượng “cây tre Việt Nam” thông qua 3 nội dung cốt lõi:
"Vững ở gốc" gồm 3 nguyên tắc chính: (1) Kiên định nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ; (2) Lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời; (3) Kiên định phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối.
"Chắc ở thân" là những phương pháp tạo nên sức mạnh trong đối ngoại, ngoại giao: (1) Sức mạnh đoàn kết: trong đó đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng với phương châm chủ đạo là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; (2) Sức mạnh của sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; (3) Sức mạnh của tính chính danh, chính nghĩa, phương cách ứng xử nhân văn, có trước có sau, cách hành xử thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.
"Uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử ngoại giao: trong đó nguyên tắc căn bản là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phương pháp "ngũ tri" - “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Hình tượng “cây tre Việt Nam” là hình ảnh quen thuộc và gắn liền với văn hoá dân tộc ta đã được đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vận dụng phản ảnh rất sinh động tính bản sắc và tính độc đáo của ngoại giao Việt Nam. Lan tỏa mục đích, ý nghĩa và nội dung cuốn sách của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó trọng tâm là các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng giúp các ban, bộ, ngành, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, chính quyền địa phương; các cơ quan làm công tác đối ngoại, ngoại giao, người Việt Nam ở trong nước, nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao. Sự lĩnh hội sâu sắc các giá trị thời đại và những bài học quý báu của trường phái đối ngoại “cây tre Việt Nam” tại các cấp ủy, tổ chức Đảng, đặc biệt là các đơn vị làm công tác đối ngoại, ngoại giao là rất cần thiết, từ đó lan tỏa và có những ứng dụng phù hợp trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của đất nước nói chung cũng như trong từng cơ quan,đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp,… nói riêng, công tác ngoại giao với đối tác, khách hàng, các cơ quan, đơn vị, truyền thông trong nước cũng như nước ngoài.
[1] [2] [3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr. 25, 161, 162
Ngô Thị Liên Hương, Đảng bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam