Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2024:
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp với khát vọng phát triển đất nước hùng cường (3 kỳ)
Kỳ 1: Vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Trên bình diện quốc gia, các doanh nghiệp hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững là tiền đề cho nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Với vai trò là “linh hồn” của doanh nghiệp, Văn hóa doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ ngày nay.
Năm 1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 15 năm sau đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết số 03-NQ/TW, với tên gọi “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Có thể nói, Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, là động lực bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Thế giới đang ở trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, khi các yếu tố vật chất có thể nhanh chóng bị sao chép, nhân bản và xác định quy luật nhờ có sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo (AI), của dữ liệu lớn (Big Data),.. thì giá trị của sản phẩm dịch vụ, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp ngày nay có xu hướng được quyết định nhiều hơn bởi các yếu tố phi vật chất như: văn hóa, tinh thần, cảm xúc, trải nghiệm,...
Trong nền kinh tế, các tổ chức và doanh nghiệp đều có những đặc trưng văn hóa hết sức đa dạng, bao trùm lên những phẩm chất và giá trị của mỗi cá nhân. Văn hóa doanh nghiệp (sau đây viết tắt là: VHDN) là một hệ thống các quan niệm, chuẩn mực, giá trị và quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, được tích lũy và xây dựng qua quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, định hướng suy nghĩ, hành động của mọi cá nhân trong tổ chức, tạo nên những đặc trưng riêng có giúp doanh nghiệp ghi tên mình trên thị trường, ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.
VHDN không chỉ là “trụ cột tinh thần” của tổ chức mà còn là “chất keo gắn kết” mọi thành viên, xóa nhòa sự khác biệt về tính cách, trình độ, hoàn cảnh của các cá nhân, tạo ra sự đồng lòng, nhất trí, sự thống nhất trong hành động, vươn tới những giá trị chung để chia sẻ, dung hòa trong một môi trường đồng nhất. Trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều bất ổn như: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,... VHDN trở thành một trong những điểm tựa vững vàng giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi, phát triển. Trong thời đại ngày nay, VHDN ngày càng được quan tâm và đánh giá cao trong việc gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp, trở thành nguồn lực quan trọng xây dựng và phát triển đất nước.
VHDN là tài sản vô hình vô giá của Doanh nghiệp. |
Vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Một cách hình tượng, nếu coi cơ sở vật chất là “phần xác”, thì VHDN là “phần hồn” của doanh nghiệp, là tài sản vô hình, góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. VHDN hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp, VHDN thấm sâu vào niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức. Tầm quan trọng của VHDN phát huy mạnh mẽ khi nó giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trong môi trường bên ngoài.
VHDN là môi trường tạo nên lý tưởng và sự đoàn kết của tổ chức, là tài sản vô giá đem lại sức mạnh cho doanh nghiệp trong cạnh tranh. Trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước, VHDN thể hiện những vai trò chủ yếu sau:
Thứ nhất, VHDN tạo môi trường cho hoạt động ổn định và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp với vai trò là tế bào của nền kinh tế
VHDN là “chất keo” gắn kết các thành viên, thúc đẩy mối quan hệ tích cực, giao tiếp và tương tác hiệu quả trong doanh nghiệp, là yếu tố giúp mọi người giải quyết xung đột để hoà nhập cùng thực hiện định hướng của tổ chức. Do đó, VHDN giúp kiến tạo môi trường lành mạnh, tạo ra sự thống nhất chung trong ý chí và hành động, góp phần xây dựng doanh nghiệp hoạt động ổn định, chuyên nghiệp, hiệu quả. Bên cạnh đó, các thành tố của VHDN như: sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, tác phong làm việc, hệ thống các quy tắc ứng xử, quy trình quy định, hướng dẫn... được hình thành trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sẽ tạo nên nền tảng cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra tính kỷ luật, trật tự, có hệ thống trong nội bộ, định hướng người lao động đến các mục tiêu chung về doanh thu, thương hiệu, hình ảnh, trách nhiệm, cam kết … của doanh nghiệp. Đó là những yếu tố giúp doanh nghiệp vận hành thuận lợi, quyết định uy tín trong kinh doanh và vị trí của doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội. Như vậy, VHDN chính là tài sản vô hình quý giá, là môi trường tạo thế và lực cho doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Các doanh nghiệp phát triển bền vững chính là tiền đề xây dựng một nền kinh tế phồn thịnh.
Thứ hai, VHDN góp phần gia tăng sức mạnh của nền kinh tế nhờ vai trò tạo dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp
Mỗi thương hiệu mạnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là kết quả của một quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh trong một môi trường chuyên nghiệp, tích cực, trách nhiệm. Thương hiệu ấy là sự hội tụ của: sản phẩm, dịch vụ, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phong cách ứng xử với khách hàng, đối tác... vốn là những yếu tố cơ bản trong VHDN.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu là chiến lược hết sức quan trọng trong kinh doanh, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Thương hiệu không chỉ đơn giản là các hệ thống vật phẩm nhận diện như “Logo”, “Slogan”, bao bì, nhãn mác, ,... hay các phương tiện truyền thông như website, mạng xã hội mà thương hiệu còn phải chứa đựng tinh thần và khí chất của doanh nghiệp. Hay nói cách khác: Văn hóa làm nên tính cách của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp được công chúng biết đến thông qua văn hóa của mình. Thật vậy, xây dựng Thương hiệu trên nền tảng văn hóa là cơ sở cho sự phát triển bền vững.Vì vậy, VHDN giúp cho các doanh nghiệp vươn tầm không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế thông qua các thương hiệu mạnh. Từ đó, gia tăng sức mạnh của nền kinh tế.
Thứ ba, VHDN giúp củng cố lòng tin, mở rộng thị trường, tạo ra các mối quan hệ tích cực, hiệu quả và bền vững trong nền kinh tế
Ngoài các yếu tố trực tiếp thuộc đặc tính của sản phẩm, dịch vụ, sự khác biệt giữa các doanh nghiệp còn đến từ VHDN thông qua quá trình tiếp xúc, giao dịch, phục vụ khách hàng và phối hợp với đối tác. Theo đó, những giá trị thuộc VHDN như: tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ gìn cam kết, sự tôn trọng lẫn nhau, những trải nghiệm riêng có trong giao tiếp ứng xử và phục vụ khách hàng là những yếu tố tích cực đem lại sự hài lòng, tin tưởng dẫn đến sự hợp tác lâu dài, gắn bó của bạn hàng và người tiêu dùng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và nguồn khách.
Trên góc độ kinh tế, uy tín của các doanh nghiệp còn phản ánh tính liêm chính của một nền kinh tế - Một nhân tố quan trọng trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Thứ tư, VHDN lành mạnh giúp tạo động lực, khơi dậy tính sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và gia tăng sức mạnh của nền kinh tế.
Trong điều kiện nguồn lực vật chất có giới hạn, động lực tinh thần chính là đòn bẩy đưa doanh nghiệp đến những giải pháp mới, những ý tưởng sáng tạo để vượt lên trên những thách thức, trở ngại. Môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tích cực là những yếu tố quan trọng để khơi nguồn các ý tưởng sáng tạo. Ở đó, các cá nhân được khuyến khích nói lên ý kiến, những tranh luận phản biện được quan tâm, tôn trọng, các sáng kiến, ý tưởng được ủng hộ, thúc đẩy; kết quả làm việc và những đóng góp được ghi nhận công bằng và đãi ngộ xứng đáng... Tất cả những điều đó tạo động lực làm việc cho người lao động, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Trong môi trường kinh doanh hiện đại ngày nay, ý tưởng sáng tạo chính là nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp vượt ra khỏi những lối mòn trong kinh doanh để gia tăng sức cạnh tranh và bứt phá các giới hạn, giúp nền kinh tế đất nước bắt kịp đà phát triển và đón đầu xu hướng, hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Thứ năm, VHDN tốt là môi trường thu hút nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
Không chỉ giúp thu hút nhân tài thông qua hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp, VHDN chính là dung môi truyền cảm hứng, niềm tự hào và nuôi dưỡng lòng trung thành của người lao động đối với doanh nghiệp. VHDN tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi mọi cá nhân có cơ hội và được tạo động lực cống hiến, phát huy năng lực sở trường và khai thác tối đa tiềm năng. VHDN tốt làm cho người lao động cảm thấy được tôn trọng, mang lại cơ hội thăng tiến, cơ hội đào tạo và cơ hội được nâng tầm năng lực và thương hiệu của mỗi cá nhân, tạo nên tác phong làm việc tích cực, tự giác, năng động, giúp gia tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc. Từ đó, tạo nên sự gắn bó lâu dài của người lao động với doanh nghiệp, không chỉ trong công việc mà còn gắn bó với môi trường sinh hoạt, nghỉ ngơi và đãi ngộ mà doanh nghiệp xây dựng, trở thành bí quyết để doanh nghiệp giữ được nhân tài vượt lên trên những giá trị vật chất đơn thuần như tiền lương, tiền thưởng.
VHDN chuẩn mực và đậm đà bản sắc còn có tác dụng hướng người lao động tới những lý tưởng tốt đẹp, hành động tích cực, tạo động lực cống hiến vì tổ chức, vì quốc gia, dân tộc. Vì vậy, VHDN tốt không chỉ có tác dụng giữ nhân tài cho bản thân doanh nghiệp mà còn tạo môi trường hoạt động đầy khích lệ để nhân tài có thể đóng góp sức mình cho quê hương đất nước, giảm thiểu hiện tượng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài.
Như vậy, có thể nói VHDN ngày càng thể hiện được tầm quan trọng, đặc biệt trong việc tạo ra thế và lực của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Vì vậy, xây dựng VHDN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp và các đoàn thể. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng VHDN; làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và sự tham gia của người lao động trong xây dựng VHDN; động viên toàn thể các tổ chức và người lao động trong doanh nghiệp đồng lòng thực hiện tốt VHDN, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, có trách nhiệm, hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn thịnh, hùng cường.
Xây dựng VHDN từ những phẩm chất cốt lõi. |
Kỳ 2: Những phẩm chất cốt lõi trong Văn hóa doanh nghiệp hướng tới xây dựng đất nước hùng cường
Nếu như những nguồn lực vật chất được coi là “sức mạnh thể chất”, thì văn hóa doanh nghiệp chính là “Sức mạnh tinh thần” của doanh nghiệp. Việc xác định những phẩm chất cốt lõi trong VHDN có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, kiến tạo nền kinh tế hiện đại, văn minh - Điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước hùng cường.
Cách đây gần 80 năm, chỉ hơn 1 tháng sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới công thương Việt Nam, trong đó có đoạn : "…Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân". Lời kêu gọi của Bác đã khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp và các hiệp hội, liên đoàn công thương… vừa là nguồn lực, vừa là động lực then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua quá trình xây dựng và phát triển đất nước cùng với những thăng trầm trong chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh,… có thể nói những phẩm chất tích cực cần được xây dựng và lan tỏa trong VHDN để hướng tới xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, nguồn lực xây dựng đất nước hùng cường bao gồm:
1. Tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như một cách khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong nhiều văn kiện, Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần yêu nước là một nhân tố quan trọng tạo thành động lực phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Nội dung này được Đảng ta nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phát huy giá trị của Chủ nghĩa yêu nước, gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc phải trở thành nguồn lực, sức mạnh quốc gia, có thể thành lợi thế so sánh trên trường quốc tế để xây dựng đất nước hùng cường.
Tinh thần yêu nước trong VHDN thể hiện ở niềm tin yêu Đảng và chế độ; ở việc chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; biết trân trọng những giá trị của thành quả cách mạng; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện ở ý thức trách nhiệm với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, và cao hơn nữa là khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển vững bền.
Yêu nước là biết hoàn thiện và tôn vinh những sản phẩm của người Việt, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lớn dần và lan rộng tới mọi miền Tổ quốc, thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển, qua đó từng bước tạo dựng thương hiệu, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; là nỗ lực mỗi ngày để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “để sánh vai với các cường quốc năm châu” như di nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tinh thần dân tộc trong kinh doanh chính là nhân tố tạo nên sức mạnh đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, đói nghèo. Mỗi doanh nghiệp cần khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người, cần phát huy lòng yêu nước trong mỗi hành động, mỗi phong trào thi đua, thúc đẩy ý chí vươn lên hội nhập, lan tỏa triết lý phát triển, khơi gợi cảm xúc trong nhân dân, trở thành nguồn lực tinh thần cho phát triển đất nước.
2. Tính liêm chính trong kinh doanh
Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Liêm chính là ngay thẳng và trong sạch”. Liêm chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao như là một trong những phẩm chất nền tảng của con người, của xã hội, là chuẩn mực đạo đức và luân lý cơ bản, hàng đầu, là nguyên tắc quan trọng nhất quy định hành xử của con người trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, không chỉ trong chính trị mà còn cả trong kinh tế. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc liêm chính được giới kinh doanh và doanh nghiệp hết sức đề cao. Theo đó hành vi của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thực hiện đúng pháp luật mà còn phải hướng tới một tinh thần có trách nhiệm.
Trong VHDN, có thể khẳng định, liêm chính là yếu tố cốt lõi, là phẩm chất cơ bản chi phối các phẩm chất của đạo đức kinh doanh. Liêm chính tác động đến VHDN và thông qua VHDN mà tác động đến chủ thể kinh doanh, thậm chí tùy vào quy mô, mức độ phát triển của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của một quốc gia nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung.
Tính liêm chính trong VHDN có tác động nhiều chiều lên nhiều đối tượng ở các vị thế khác nhau trong mối quan hệ kinh doanh. Liêm chính điều chỉnh hành vi kinh doanh hướng đến mục đích kinh doanh chân chính, tạo dựng nhân cách tốt đẹp cho doanh nhân, xây dựng lý tưởng của tổ chức. Đồng thời, liêm chính giúp định hướng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh hợp pháp mà xã hội đang cần và vào các doanh nghiệp chân chính, đảm bảo việc tuân thủ những cam kết hợp tác kinh doanh vì lợi ích của các bên, của xã hội và cạnh tranh lành mạnh, trung thực…Bên cạnh đó, liêm chính thúc đẩy cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp tận tụy, trung thành với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và với lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, thúc đẩy sự đoàn kết thực hiện công việc, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của bản thân và lợi ích của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, liêm chính còn định hướng thái độ đúng mực đối với khách hàng khi mua sản phẩm của các doanh nghiệp, giúp cho khách hàng biết tiêu dùng hợp lý, giảm thiểu những hành vi gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường …
Như vậy, tính liêm chính trong VHDN có tác động to lớn đối với hoạt động kinh doanh, với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Liêm chính đem lại sự tin cậy giữa các doanh nghiệp hợp tác với nhau, giữa các nền kinh tế là đối tác của nhau nhờ sự minh bạch, thẳng thắn, thiện chí và đôi bên cùng có lợi.
3. Văn hóa nêu gương
Văn hóa nêu gương là hành động “nói đi đôi với làm”, là “làm nhiều hơn nói”, là gương mẫu đi đầu, tạo ra sức lay động và truyền cảm mạnh mẽ, lan tỏa và thu hút đông đảo quần chúng noi theo. Nêu gương thuộc phạm trù đạo đức, đồng thời là một trong những phương thức và nghệ thuật lãnh đạo. Nêu gương là yêu cầu tất yếu đối với người lãnh đạo, người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên. Chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn, sức lan tỏa của nêu gương càng rộng, tác dụng và hiệu quả của nêu gương càng cao. Sinh thời, Bác Hồ đã nói: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tổ chức muốn phát triển, người đứng đầu phải có bản lĩnh, tự giác ý thức được văn hóa nêu gương và nỗ lực thực hiện nó.
Phẩm chất Nêu gương trong VHDN tạo nên uy tín, tính tiên phong và năng lực lãnh đạo của người đứng đầu, tạo ra hệ thống các chuẩn mực từ nhận thức đến hành động trong doanh nghiệp, định hướng toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động luôn phải tự soi, tự sửa, luôn có ý thức và trách nhiệm trước mỗi lời nói, việc làm bởi mỗi hành động, suy nghĩ của một thành viên trong tổ chức đều có thể trở thành tấm gương cho những người khác và cho thế hệ sau.
Phong cách nêu gương trong VHDN được thực hành thường xuyên, liên tục bởi các cấp lãnh đạo có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp, tạo thành nề nếp, tác phong và cơ chế giám sát đa chiều trong đơn vị, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp, nhân tố quan trọng xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường.
4. Trách nhiệm xã hội
“Trách nhiệm xã hội” đề cập đến những nỗ lực và trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại, đồng thời tối đa hóa tác động tích cực và hữu ích lâu dài đối với xã hội, là một chiến lược quan trọng để các doanh nghiệp phát triển bền vững. Một cách tiềm tàng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tạo ra các giá trị cốt lõi có ảnh hưởng tích cực đến người lao động và cộng đồng trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp phát triển, hay nói cách khác, trách nhiệm xã hội luôn song hành với định hướng phát triển bền vững.
Việc đưa trách nhiệm xã hội vào các dự án của doanh nghiệp góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội. Theo đó, trong mỗi chính sách phát triển, tuyệt đối không đánh đổi giữa kinh tế với xã hội và môi trường.
Bên cạnh triết lý kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường, các hoạt động thiện nguyện chia sẻ với đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức cho học sinh nghèo, vùng khó khăn, bảo vệ trẻ em, những người yếu thế, người khuyết tật, cải thiện tình trạng bình đẳng giới...cũng là những hoạt động ý nghĩa hướng tới cộng đồng, thể hiện nét đẹp trong VHDN
Sẽ cần nhiều thời gian để trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được áp dụng đầy đủ trong phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều quan trọng là cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra một phong trào tích cực trong xã hội để mọi người có trách nhiệm hơn trong thực hiện và giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng các doanh nghiệp, vì một Việt Nam phát triển bền vững, văn minh và hạnh phúc.
5. Văn hóa “Học tập không ngừng”
Xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đi cùng với sự thay đổi liên tục trong môi trường sống và các điều kiện sinh hoạt của con người đã dẫn đến những chuyển đổi lớn liên quan đến: năng lượng, vật liệu, công nghệ và tập quán sản xuất, tiêu dùng mới,..Những biến đổi trên ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp với vai trò là những tế bào phải vận động liên tục để thích ứng với nền kinh tế năng động luôn thay đổi.
Như một điều tất yếu, con người là chủ thể của mọi hoạt động, khi phương thức sản xuất được cải tiến phải đi cùng với quan hệ sản xuất được hoàn thiện hơn. Vì vậy, quá trình chuyển đổi số và quản lý sự thay đổi trong doanh nghiệp phải được dẫn dắt và vận hành bởi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và liên tục thích ứng. Bằng việc duy trì văn hóa “Học tập không ngừng”, doanh nghiệp sẽ trang bị cho người lao động kỹ năng và kiến thức để thích nghi với những điều kiện mới, là chìa khóa mở cánh cửa tiến sâu vào công cuộc chuyển đổi số và là sức mạnh để sẵn sàng đương đầu với mọi biến đổi của thế giới.
6. Văn hóa chia sẻ
Chia sẻ là quá trình trao đổi thông tin, ý tưởng và kinh nghiệm trong doanh nghiệp, bao gồm: kiến thức chuyên môn, thông tin thị trường, quan điểm cá nhân đối với chính sách, quy định của tổ chức, các vấn đề liên quan đến công việc, có thể chia sẻ nội bộ hoặc với các bên liên quan bên ngoài.
Văn hóa chia sẻ giúp cải thiện sự gắn kết trong tổ chức. Văn hóa chia sẻ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả bởi khi thông tin được chia sẻ thông suốt thì giảm thiểu được thời gian và ngân sách đầu tư cho những nội dung công việc trùng lặp, chồng chéo giữa các đơn vị, bộ phận. Đồng thời sự chia sẻ giúp giảm chi phí đào tạo và rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm ở mỗi cá nhân. Hơn thế nữa, chia sẻ tri thức giúp tăng cường sự hợp tác để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, là chất xúc tác cho sự kết hợp giữa các phòng ban để tìm ra giải pháp một cách nhanh chóng.
Chia sẻ trong VHDN còn bao hàm sự chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm giữa lãnh đạo các cấp, và giữa lãnh đạo với người lao động thông qua cơ chế trao quyền, ủy quyền, phân quyền. Khi có quyền tự chủ trong phạm vi công việc của mình, có cơ hội cống hiến để xứng đáng với niềm tin và sự trao gửi của lãnh đạo, nhân viên sẽ hài lòng hơn với công việc và ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Nói một cách khái quát, văn hóa chia sẻ trong doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì môi trường làm việc thông suốt, phát huy tính dân chủ trong đơn vị. Cán bộ, đảng viên, người lao động không có rào cản trong việc chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm; khuyến khích mọi người nói lên quan điểm, nhận định của mình dưới góc nhìn đa dạng của nhiều cá nhân trong tổ chức, giúp doanh nghiệp nhìn nhận được những hạn chế, vướng mắc, nguy cơ trong hoạt động và khuyết tật của hệ thống. Để từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời. Văn hóa chia sẻ giúp cho người lãnh đạo nắm được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thấu hiểu hoàn cảnh để động viên, giúp đỡ người lao động khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ và vươn lên trong cuộc sống. Văn hóa chia sẻ còn giúp doanh nghiệp lắng nghe phản hồi từ thị trường, từ khách hàng, đối tác để từ đó hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, quy trình, chính sách, là tiền đề cho sự tồn tại lâu dài và phát triển vững mạnh của doanh nghiệp.
7. Văn hóa số
Thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với những biến đổi trong môi trường do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và những tác động khác… đưa lại, hành vi của con người cũng đang dần thay đổi, qua thời gian đã tạo thành những thói quen mới trong sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất và những lĩnh vực khác của đời sống. Công nghệ và các thiết bị kỹ thuật số đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, đến từng ngóc ngách của đời sống cá nhân. Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp không thể đứng ngoài nếu muốn tồn tại và phát triển.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới – World Economic Forum (WEF), văn hóa số là văn hóa sử dụng công nghệ số và thấu hiểu sâu sắc việc dựa trên dữ liệu để ra quyết định, hướng khách hàng làm trung tâm song song với việc thúc đẩy hợp tác và đổi mới bên trong tổ chức.
Nói cách khác, văn hóa số là một tập hợp các giá trị, niềm tin, và hành vi của cá nhân và tổ chức trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong phạm vi toàn xã hội. Văn hóa số bao hàm cách thức con người sử dụng công nghệ số, cách thức giao tiếp và tương tác của chúng ta trong môi trường kỹ thuật số và cách ứng phó với những cơ hội, thách thức đến từ cuộc cách mạng số
Quá trình chuyển đổi số ở doanh nghiệp cần có sự tham gia trước hết và tích cực của nguồn nhân lực. Việc chuyển đổi tư liệu sản xuất, phương thức sản xuất sang công nghệ số không thể thực hiện được nếu thiếu sự vận hành của con người. Do đó, khâu đầu tiên có tính quyết định trong cuộc cách mạng số ở doanh nghiệp chính là xây dựng văn hóa số để chuyển đổi tư duy và phương pháp làm việc đối với người lao động, chủ thể của quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, cần xác định xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp chính là chìa khóa cho chuyển đổi số thành công. Văn hóa số sẽ tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi và tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người trong thời đại số, tạo ra khả năng rút ngắn đáng kể thời gian để xây dựng, phát triển một nền kinh tế hiện đại, đậm đà bản sắc Việt Nam.
Những “Chiến binh Sen vàng” trong đại dịch Covid -19. |
Kỳ 3: Một số giải pháp xây dựng Văn hóa doanh nghiệp vững mạnh với khát vọng phát triển đất nước hùng cường
Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc quốc gia và tự tôn dân tộc trong quá trình hội nhập. Trên bình diện kinh tế, văn hóa trở thành yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp trong cạnh tranh, là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa các thương hiệu, giữa các sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, xây dựng VHDN là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, hướng đến xây dựng đất nước hùng cường.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng Văn hóa doanh nghiệp (Sau đây viết tắt là VHDN), đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì lẽ đó, xây dựng VHDN vững mạnh góp phần phát triển đất nước phồn thịnh là trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ đảng viên, người lao động trong các doanh nghiệp, lực lượng chủ yếu và quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Để xây dựng VHDN hướng tới khát vọng phát triển đất nước hùng cường, các doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
1. Xây dựng VHDN tôn vinh các giá trị quốc gia và đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội
VHDN là sự kết tinh giá trị và những cam kết của doanh nghiệp đối với người lao động, người tiêu dùng và xã hội. Điều làm gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp trước công chúng, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp chính là yếu tố văn hóa của quốc gia kết tinh trong sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, để xây dựng VHDN tôn vinh các giá trị quốc gia và thực hiện trách nhiệm xã hội thì các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, việc tôn vinh các giá trị quốc gia thể hiện trước hết và trực diện nhất trong Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và khẩu hiệu (Tagline, Slogan), thông điệp của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, việc thiết kế những yếu tố cơ bản đầu tiên trong VHDN phải phản ánh và tôn vinh được những nét đặc trưng văn hóa và vẻ đẹp của quốc gia, thể hiện được tinh thần dân tộc và khát vọng phát triển đất nước hùng cường. Có thể thấy rõ điều này qua Slogan của một số doanh nghiệp tiêu biểu như: “Vươn cao Việt Nam” của Vinamilk, , “Sải cánh vươn cao” của Vietnam Airlines, “Không ngừng vươn xa” của Vina phone, “Vì một Việt Nam thịnh vượng” của VP Bank,... Sâu sắc hơn nữa, trong sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp có thể hàm chứa khát vọng phát triển đưa Việt Nam tiến cao hơn trong bảng xếp hạng các lĩnh vực trong khu vực và phạm vi toàn cầu.
Hai là, đưa các yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vào trong nội hàm sản phẩm dịch vụ, phát triển các sản phẩm từ những câu chuyện văn hóa, coi nét văn hóa đặc thù của quốc gia, vùng, miền là lợi thế tạo ra sự riêng có của sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phân biệt sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình với các sản phẩm của doanh nghiệp khác và giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm của nước khác. Một ví dụ điển hình và khá đầy đủ cho giải pháp này chính là nét văn hóa Việt Nam kết tinh sâu sắc trong sản phẩm dịch vụ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines): từ hình ảnh biểu tượng (Logo) của Hãng là Hoa sen, đến trang phục Áo dài riêng có của Việt Nam dành cho tiếp viên trên máy bay và nhân viên phục vụ mặt đất; từ món ăn đậm đà hương vị Việt Nam cho tới các sản phẩm OCOP được phục vụ trên máy bay giới thiệu đặc sản của các địa phương đến với khách hàng trong nước và quốc tế. Sự tôn vinh văn hóa quốc gia không chỉ hiện hữu trong những yếu tố vật chất, mà còn được lan tỏa từ các yếu tố tinh thần như: Phim “Phong cảnh Việt Nam”, tạp chí “Heritage”giới thiệu nhiều điểm đến du lịch trên khắp lãnh thổ Việt Nam được trình chiếu trên máy bay, clip “Hướng dẫn an toàn bay” đậm nét văn hóa quốc gia với những điệu múa và trang phục độc đáo của các dân tộc Việt Nam, hay tác phẩm âm nhạc “Nhanh lên nhé” cùng nhiều hình ảnh và thông điệp quảng bá vẻ đẹp của đất nước, được truyền tải đến hành khách trong quá trình trải nghiệm dịch vụ của Vietnam Airlines. Nếu như các doanh nghiệp đều nỗ lực tôn vinh văn hóa quốc gia trong từng sản phẩm, dịch vụ và thông điệp phát triển của mình sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng nhân lên gấp bội sức mạnh của văn hóa trong phát triển kinh tế, nâng tầm uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và trong lòng công chúng, nâng tầm kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ba là, xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gắn liền với bảo vệ và phát triển các giá trị vật chất và tinh thần của quốc gia.
Việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mà trong đó trách nhiệm xã hội trở thành một phần cơ bản. Từ đó, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội về trách nhiệm xã hội trên các lĩnh vực chủ yếu: bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, bình đẳng giới, hoạt động từ thiện, chia sẻ với cộng đồng,…Doanh nghiệp có thể tiến hành xây dựng chiến lược truyền thông, viết nên những câu chuyện nhân văn về sứ mệnh của doanh nghiệp và ý nghĩa của sản phẩm dịch vụ đối với sự tiêu dùng lành mạnh trong hiện tại và sự phát triển bền vững của tương lai. Thông qua việc quảng cáo, truyền thông có định hướng, doanh nghiệp sẽ góp phần dẫn dắt nhu cầu thị trường hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cùng hệ sinh thái của mình bao gồm người lao động, khách hàng, đối tác…cũng có thể tiến hành nhiều hoạt động để thực hiện trách nhiệm xã hội trên các lĩnh vực như: tạo việc làm và phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua chính sách, kế hoạch đào tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, kêu gọi người lao động tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng như: phong trào hiến máu nhân đạo, vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động thiện nguyện quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…
Trong thời đại ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành yêu cầu của thời đại. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ khẳng định thương hiệu của mình trong cộng đồng và đồng hành với sự phát triển chung của đất nước. Điều đó không chỉ là trách nhiệm mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tạo ra giá trị nhân văn cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Một số doanh nghiệp điển hình tại Việt Nam có chiến lược tốt trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội như: FPT với dự án “Trường Hy Vọng”, Vina Milk với Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” hay Vienam Airlines với dự án “Cùng sen vàng kết nối yêu thương” giành giải thưởng “Hành động vì cộng đồng” năm 2023…
Bốn là, doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng điển hình tiên tiến trong cán bộ, nhân viên, người lao động, biểu dương những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phù hợp với đạo lý của dân tộc, nhằm tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị riêng có của con người Việt Nam: Nhân ái, trách nhiệm, kiên cường, sáng tạo, cần cù…gắn liền với những hình ảnh biểu tượng đậm chất văn hóa. Điển hình như: hình tượng “Chiến binh Sen vàng” được Vietnam Airlines sử dụng để gọi tên những cán bộ, nhân viên quên mình để thực hiện những nhiệm vụ, sứ mệnh quan trọng vì cộng đồng, vì quê hương đất nước.
Năm là, doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc và tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động thấm nhuần và tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các sản phẩm “Made in Viet Nam” phù hợp với các thành tố trong sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp mình và khai thác, ủng hộ lẫn nhau là một cách lành mạnh để phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và thương mại trong nước, xây dựng nền kinh tế từ bên trong bằng các biện pháp cơ bản, thiết thực và lâu dài. Việc gia tăng hàm lượng “Made in Viet Nam” trong sản phẩm dịch vụ cũng góp phần vào quá trình gia tăng hàm lượng văn hóa quốc gia trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp có thể hợp tác sử dụng nguyên liệu đầu vào là sản phẩm “Made in Viet Nam”, sử dụng doanh nghiệp nội để tối ưu hóa chi phí Logistic, tham gia vào quá trình hợp tác để bình ổn giá tiêu dùng theo định hướng của Chính phủ và đẩy mạnh sử dụng và truyền thông các sản phẩm OCOP nhằm tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền Việt Nam.
2. Tăng cường liêm chính trong kinh doanh
Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng, người tiêu dùng và các nhà đầu tư luôn có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp kinh doanh từ cái tâm, với sự minh bạch và liêm chính. Tính liêm chính trong hoạt động của doanh nghiệp thể hiện trên hai phạm vi: liêm chính với xã hội và liêm chính trong môi trường nội bộ doanh nghiệp.
Đối với xã hội, doanh nghiệp có thể thực thi các biện pháp mang tính kỹ thuật được Chính phủ, các tổ chức, hiệp hội thừa nhận để xây dựng liêm chính trong kinh doanh. Trước mắt doanh nghiệp cần hội nhập với các tiêu chuẩn chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc áp dụng Chỉ số liêm chính Việt Nam (VBII). Để đạt chuẩn VBII, doanh nghiệp phải hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực và thực hiện các biện pháp để đáp ứng yêu cầu của tổ chức cấp tín nhiệm. Tiếp theo đó, doanh nghiệp cần có lộ trình để áp dụng các chỉ số liêm chính theo tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, đó chính là con đường phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp cho thấy họ được hưởng lợi từ sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà đầu tư, nhà cung cấp, người mua và khách hàng nhờ đặt tính liêm chính trong kinh doanh lên hàng đầu. Việc xây dựng tính liêm chính trong kinh doanh, gia tăng tính liêm chính trong VHDN là đòi hỏi cấp thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay. Trong nội bộ doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính chỉ trở thành một phần thiết yếu trong VHDN khi ban lãnh đạo doanh nghiệp quyết tâm hành động, đưa liêm chính và minh bạch vào VHDN, xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, kế hoạch, mục tiêu, hệ thống chính sách, quy định,.. rõ ràng, thông suốt để cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và nghiêm túc thực hiện như là một sự đảm bảo cho uy tín, thương hiệu, cho sự phát triển bền vững và trường tồn của doanh nghiệp cùng với hệ sinh thái và các nguồn lực của mình trong đó có bản thân người lao động.
3. Đẩy mạnh thực hiện văn hóa nêu gương trong doanh nghiệp
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụm từ “Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu” được lặp lại nhiều lần, điều đó nghĩa là Đảng ta chú trọng hơn bao giờ hết trách nhiệm nêu gương của cán bộ có chức vụ cao, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Với vai trò là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp theo định hướng của Đảng, các cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cấp của doanh nghiệp chính là lực lượng đầu tiên thực hiện văn hóa nêu gương, từ đó lan tỏa đến cán bộ đảng viên, người lao động. Một số giải pháp để tăng cường văn hóa nêu gương trong doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp phải thực sự gương mẫu, thực hiện nêu gương toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, tu dưỡng đạo đức và có lối sống lành mạnh; tự giác thực hiện và trung thực trong công tác tự phê bình và phê bình; chủ động xây dựng mối quan hệ tích cực và duy trì tương tác với quần chúng nhân dân, người lao động; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật thể hiện qua việc chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định của đơn vị và giữ gìn mối đoàn kết nội bộ; cần có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát với thực tiễn, tận tâm với công việc.
Thứ hai, trong quá trình phát triển VHDN người lãnh đạo có trách nhiệm hoạch định kế hoạch, truyền bá tầm nhìn, sứ mệnh đến toàn thể cán bộ, nhân viên. Đồng thời, người đứng đầu phải trực tiếp dẫn dắt các thay đổi trong việc phát triển VHDN; khơi dậy và hướng dẫn người lao động nỗ lực thích ứng; biết cách động viên, khuyến khích nhân viên để họ thấy được giá trị của việc thực hành VHDN. Bản thân người lãnh đạo phải là những tấm gương thực hành các giá trị văn hóa cốt lõi, tạo dựng niềm tin, truyền cảm hứng cho cấp dưới, lan tỏa tự nhiên trong từng cách nghĩ, từng lời nói và qua từng hành động cụ thể hàng ngày của mình.
Thứ ba, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; có các hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, tạo sức lan tỏa sâu rộng; nhưng cũng đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên,người lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu gương mẫu, vi phạm khuyết điểm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tôn trọng sự giám sát của nhân dân, sự giám sát của dư luận, sự giám sát của tổ chức Đảng, thực hành nêu gương ngay trong công tác khen thưởng, kỷ luật. Theo đó, nếu đảng viên vi phạm, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách trong Đảng vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm khắc hơn bình thường, kiên quyết loại bỏ những “gương xấu” để văn hóa nêu gương thực sự có ý nghĩa.
Suy cho cùng, VHDN chịu tác động rất lớn từ các giá trị văn hóa của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp. Một khi người đứng đầu là một tấm gương sáng sẽ giúp nhân lên nhiều hình ảnh đẹp trong doanh nghiệp, tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững. Vì vậy, để làm tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp của doanh nghiệp cần xây dựng lối sống cá nhân lành mạnh, chuẩn mực, đạo đức, có trách nhiệm trong công việc và trân trọng những giá trị văn hóa của quốc gia bởi hình ảnh của mỗi cá nhân sẽ là một “mảnh ghép” tạo nên bức tranh tươi sáng của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chân chính sẽ là một “viên gạch hồng” xây dựng nên nền kinh tế phồn thịnh, vững bền.
4. Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp
VHDN là môi trường trong đó cán bộ, đảng viên, người lao động giao tiếp, tương tác, phối hợp thực hiện công việc với vai trò là lãnh đạo và nhân viên trong các phòng ban, công ty. Cơ chế tương tác giữa các thành viên trong tổ chức có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin và những giá trị tiềm tàng có thể tạo ra trong quá trình tương tác nội bộ. Nói một cách trực diện, mức độ dân chủ được phản ảnh qua sự cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, phản ánh thông tin, nêu lên ý tưởng và nhận diện các nguy cơ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ cở, doanh nghiệp cần:
Trước hết, doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện tốt việc công khai toàn bộ các nội dung theo quy định để người lao động nắm bắt, kiểm tra, giám sát, như: Kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kết quả thực hiện các chỉ tiêu, các nội quy, quy chế, Thỏa ước lao động tập thể, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thang bảng lương, tiền ăn ca của người lao động… Hằng năm, lãnh đạo công ty cần phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị người lao động và ký thỏa ước lao động tập thể với những nội dung cụ thể, bảo đảm quyền lợi của người lao động, duy trì việc đối thoại định kỳ với người lao động qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; Có chế độ, chính sách để khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động tự nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Thêm vào đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở. Doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của cán bộ nhân viên, công đoàn và các đoàn thể về xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người lao động; thực hành dân chủ, tạo nền nếp và những chuyển biến mới, tích cực trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, một giải pháp hiệu quả khác đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng là xây dựng hệ thống thông tin Truyền thông nội bộ, khuyến khích mọi người chia sẻ và đăng tải thông tin một cách chính thống, minh bạch, với tinh thần xây dựng, nội dung đa dạng như: các thông tin cơ bản về VHDN (sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, kế hoạch, mục tiêu, chính sách, quy định của doanh nghiệp,..), các tin bài về hoạt động và sự kiện tại doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và kỷ niệm trong công tác, biểu dương gương “Người tốt việc tốt”,... tạo không gian chia sẻ, trao đổi thông tin hữu ích và hiệu quả trong doanh nghiệp, nuôi dưỡng lòng tự hào của người lao động đối với doanh nghiệp, khuyến khích những chia sẻ tích cực và lan tỏa những điều tốt đẹp trong tổ chức, xây dựng VHDN ngày một lớn mạnh, góp phần phát triển nền kinh tế phồn thịnh, xây dựng đất nước hùng cường.
5. Tạo môi trường và đầu tư thúc đẩy văn hóa “Học tập không ngừng” trong doanh nghiệp
Thúc đẩy văn hóa “Học tập không ngừng” là giải pháp có tính then chốt trong xây dựng VHDN. Để việc học tập, rèn luyện trở thành hành động cơ bản của mỗi cá nhân trong tổ chức thì Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, kế hoạch, hệ thống quy trình, quy định, hướng dẫn, quy tắc ứng xử…và tổ chức đào tạo định kỳ, nhắc lại thường xuyên, truyền thông liên tục. Việc học tập không ngừng cần được triển khai trong môi trường văn hóa số với sự trợ giúp hiệu quả của các ứng dụng, các nền tảng công nghệ thông tin, để việc học tập liên tục trở thành tự nhiên, thường xuyên trong VHDN. Đồng thời, các cấp lãnh đạo phải được đặt vào vị trí của “người truyền lửa”, bản thân người lãnh đạo phải luôn thực hiện văn hóa nêu gương trong việc “Học tập không ngừng” tại doanh nghiệp, người lãnh đạo đồng thời đứng ở cả hai vai trò: người học tập và người hướng dẫn. Việc đào tạo nội bộ được thực hiện bởi lãnh đạo các cấp sẽ tạo ra một “guồng máy” học tập không ngừng trong doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thích ứng với những sự thay đổi và xu hướng chuyển đổi số hiện nay, doanh nghiệp cần đầu tư cho công tác đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng, phát huy hiệu quả của các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và duy trì, phát triển VHDN lành mạnh, bền vững.
6. Đẩy mạnh xây dựng và lan tỏa văn hóa số trong doanh nghiệp
Văn hóa số là khái niệm gắn liền với chuyển đổi số, một xu hướng đang chiếm lĩnh nền kinh tế hiện nay. Để xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa số trong doanh nghiệp. Theo đó, chuyển đổi số phải trở thành mũi nhọn trong VHDN, được nhấn mạnh trong tầm nhìn của doanh nghiệp. Thông điệp chuyển đổi số cần được truyền thông mạnh mẽ trong tổ chức để nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ về sự cần thiết và ý nghĩa của chuyển đổi số. Đồng thời, lãnh đạo các cấp trong doanh nghiệp phải đi đầu trong thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức số, phải tổ chức bộ phận hỗ trợ chuyển đổi số để dẫn dắt, thúc đẩy văn hóa số trong doanh nghiệp
Thứ hai, doanh nghiệp cần có kế hoạch, lộ trình, chính sách trong việc sử dụng các công nghệ và nền tảng số để gia tăng cơ hội và tối đa hóa hiệu quả tương tác trong doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư triển khai các phương thức quảng cáo truyền thông, trao đổi, giao dịch, kinh doanh thông qua mạng xã hội và các nền tảng số phổ biến. Tạo môi trường cởi mở, dễ dàng chia sẻ để gia tăng mức độ tham gia của cán bộ nhân viên, người lao động vào quá trình chuyển đổi số, giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số và nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp với sự phát triển của xã hội số.
Thứ ba, đào tạo cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp hình thành tác phong tư duy số, tạo ra gia trị và ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu; sử dụng các phương tiện kỹ thuật số trong giao tiếp và công việc, học tập quy tắc ứng xử trong không gian số,
Thứ tư, giải pháp hữu hiệu phát huy hiệu quả của văn hóa số là lấy khách hàng làm trung tâm, mọi hoạt động của doanh nghiệp phải hướng đến việc tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu về trải nghiệm khách hàng trở tài nguyên quý báu để doanh nghiệp hoàn thiện và nâng tầm sản phẩm dịch vụ, tạo ra tệp khách hàng trung thành với thương hiệu của mình. Đặc biệt, những trải nghiệm gắn liền với yếu tố văn hóa quốc gia luôn giữ một vị trí quan trọng trong việc làm đẹp thêm ấn tượng của khách hàng đối với thương hiệu của doanh nghiệp.
Thứ năm, để thúc đẩy văn hóa số, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động đổi mới và liên tục cải tiến sản phẩm dịch vụ, quy trình, phương thức truyền thông,.. để thích ứng với xã hội số. Đồng thời, cũng cần chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra như là hệ quả từ những thử nghiệm mới.
7. Tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đối với việc xây dựng VHDN
Tính đến tháng 10/2024, Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương có 37 đảng bộ trực thuộc là các Doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, Tổng công ty có vốn Nhà nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, là lực lượng đi đầu, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng VHDN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, đúng định hướng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế đất nước. Một số giải pháp điển hình để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng VHDN tại các doanh nghiệp Nhà nước, và doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức Đảng như sau:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), các kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các giải pháp tập trung vào việc gắn chặt “học tập” với “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm công tác tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng các cấp, chủ động phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua các hoạt động cụ thể như sau:
Xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chi bộ và cam kết tu dưỡng rèn luyện của cá nhân đảng viên, tập trung khắc phục những điểm tồn tại, ưu tiên hiện thực hóa ngay những bài học có ý nghĩa thúc đẩy việc thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, công việc thường nhật của đảng viên, của chi bộ.
Các cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp phát động các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các mục tiêu cụ thể, thiết thực đối với doanh nghiệp như: phong trào thi đua đóng góp sáng kiến tiết kiệm, chống lãng phí; phong trào thi đua cải tiến quy trình, tăng năng suất lao động; phong trào thi đua “Dân vận khéo” để phát huy sức mạnh nguồn nhân lực trong doanh nghiệp,…nhằm khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Các cấp ủy Đảng trong các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kết luận số 06-KL/ĐUK ngày 08/6/2012 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Khối doanh nghiệp Trung ương về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở” và Nghị quyết số 06-NQ/ĐUK ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng và thực hiện Văn hóa doanh nghiệp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương”. Theo đó, các cấp ủy Đảng doanh nghiệp có thể triển khai một số giải pháp sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển VHDN để mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu rõ vai trò, sức mạnh to lớn của VHDN, từ đó nâng cao trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện VHDN.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm các Quy định của Trung ương, của Đảng ủy Khối về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp trong việc chấp hành các Quy định, chuẩn mực đạo đức, Quy tắc ứng xử của ngành, đơn vị; Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ của cán bộ, đảng viên, người lao động; Đưa “Văn hóa doanh nghiệp” vào chủ đề học tập chuyên đề của chi bộ.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp, đề cao ý thức chấp hành pháp luật gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân
Triển khai xây dựng VHDN gắn với công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp; Cấp ủy Đảng tại doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện VHDN của cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp; biểu dương những tập thể, cá nhân có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời nghiêm túc nhắc nhở, phê bình, xử lý cán bộ, đảng viên, người lao động có hành vi vi phạm, lệch chuẩn.
Đất nước chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, trong đó doanh nghiệp được coi như “tế bào” của nền kinh tế. Vì vậy, nhà nước cần định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng môi trường VHDN theo hướng phải đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa. VHDN trở thành nguồn lực và động lực phát triển bền vững, tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế, làm cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn thông qua các sản phẩm dịch vụ chất lượng, đậm đà bản sắc văn hóa.
Cuối cùng, là chủ thể xây dựng và sinh tồn cùng VHDN, bản thân các doanh nghiệp phải nhận thức được đầy đủ, sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của VHDN đối với sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp phải đầu tư thực sự vào xây dựng VHDN, từng bước hiện thực hóa vào thực tiễn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình hoạt động để VHDN thực sự trở thành nguồn lực trong cạnh tranh, trở thành lợi thế so sánh của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động học hỏi và hợp tác lẫn nhau, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, tương hỗ cùng vượt qua thách thức để phát triển bền vững./.
Trần Thị Khánh Ngọc, Đảng bộ TCT Hàng không Việt Nam