.
.

Năm 2012, Khối Doanh nghiệp Trung ương tập trung giữ vững vị trí chủ lực của nền kinh tế

Thứ Hai, 19/03/2012|21:58

Khối Doanh nghiệp Trung ương là đơn vị có tầm quan trọng lớn khi tập hợp trong Khối các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty mang tính chất chủ lực trong phát triển kinh tế đất nước. Do đó, việc củng cố và duy trì vị trí then chốt, chủ lực của Khối trong nền kinh tế sẽ được đặc biệt đẩy mạnh, nhất là trong năm 2012 này.

Một số logo của các đơn vị trực thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương (Ảnh: PV)
Logo của một số đơn vị trực thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương 

Khối Doanh nghiệp Trung ương đang quản lý một số lượng lớn các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng - các doanh nghiệp chủ lực, giữ vai trò then chốt, có vai trò chủ đạo trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế, cung cấp các sản phẩm dịch vụ chủ yếu trong nền kinh tế nói chung và liên quan đến các đơn vị khác trong Khối như: dầu khí, điện, than, xi măng, sản phẩm hóa dầu, thép, hóa chất, giấy, cao su, dệt may, vận tải hàng không, đường biển, đường sắt, bưu chính, viễn thông, dịch vụ ngân hàng...

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đều có quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn quốc; hệ thống sản xuất, cung cấp, phân phối, dịch vụ đa dạng, rộng khắp; sử dụng lực lượng lao động lớn, được đào tạo nghề, chuyên ngành, có kinh nghiệm; có bề dày trong lịch sử hình thành và phát triển. Một số đơn vị chiếm vị trí quan trọng, chi phối trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh: dầu mỏ, điện, phân bón, khai thác than khoáng sản, vận tải hàng không, hàng hải, đường sắt, thực hiện Chính sách tín dụng của Chính phủ... Một số đơn vị có thị phần chi phối trong các lĩnh vực hoạt động như: dịch vụ ngân hàng, đóng tàu, xi măng, xuất khẩu gạo, kinh doanh xăng dầu, dệt may, xuất khẩu lương thực, cao su, cà phê...

Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, năm 2012, tình hình khủng hoảng nợ công, lạm phát tăng cao ở nhiều nước không chỉ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế thế giới, mà còn gây nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái mới. Do đó, năm 2012 vẫn là năm khó khăn thách thức với các doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta. Chính vì thế, Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xác định: bám sát quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Trung ương là phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển, giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô, giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong quản lý, điều hành, cần phấn đấu để đạt kết quả toàn diện, song tùy tình hình mà xếp thứ tự ưu tiên sao cho hợp lý nhất. Trong năm 2012 và những năm tiếp theo, tiếp tục thực hiện Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị, ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm.

Đồng chí Trương Quang Nghĩa khẳng định: Với tinh thần đó, trong năm 2012 này, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Khối trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch năm 2011, dự kiến kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2012 phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân từ 10-15%; các đơn vị tài chính, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, mức bình quân 18-20%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu của năm 2012, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tích cực và chủ động chỉ đạo hệ thống Đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng... triển khai đồng bộ các nhiệm vụ:

Một là, tích cực triển khai tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng; các tập đoàn, tổng công ty có lộ trình giảm vốn, rút vốn, kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trước 2015, tập trung phát triển doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện điều lệ, quy chế, quy định quản lý, quản trị doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm của người đại diện vốn, tài sản ở công ty và các công ty con, đảm bảo công khai, minh bạch về tài chính; Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên; công ty mẹ; giảm số lượng doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới quản trị và cơ chế hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, các quy định của Trung ương; xây dựng đề án tái cơ cấu và phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt phù hợp các Nghị quyết của Đảng và quy định của Trung ương.

Hai là, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Trong đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính thuộc Khối cần rà soát, đánh giá hoạt động của hoạt động toàn hệ thống trên các lĩnh vực chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ; có biện pháp khắc phục tình trạng đô la hóa; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn nóng khác; Từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng; cơ cấu lại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính thuộc các tập đoàn, tổng công ty theo hướng phù hợp, vững chắc, có quy mô và úy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống; ổn định và phát triển bền vững.

Ba là, thực hiện các chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh lương thực gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh năng lượng. Với nhiệm vụ này, Khối sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề xuất với Chính phủ điều tiết ngân sách hợp lý đối với vùng đồng bằng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long để các vùng này chuyên tâm sản xuất, chế biến lúa gạo và các hàng nông sản thực phẩm khác, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, chất lượng cao đối với một số sản phẩm có lợi thế nhằm hình thành các vùng chuyên canh; nghiên cứu đề xuất biện pháp giúp nông dân chủ động, tích cực đối phó có hiệu quả với nguy cơ nước biển dâng và thiên tai dịch bệnh do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu với sản xuất nông nghiệp; thực hiện tích cực các chính sách, biện pháp bảo vệ tài nguyên môi trường, nhất là chính sách trồng và bảo vệ rừng, khai thác sử dụng tài nguyên. Chấm dứt tình trạng khai thác quá mức làm cạn kiệt tài nguyên, gây hại môi trường; chú trọng đầu tư xử lý chất thải công nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; nghiên cứu đề xuất chính sách đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực phát triển nguồn cung theo đúng sơ đồ tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống điện lực Việt Nam và chiến lược phát triển ngành dầu khí, ngành than đến 2020 để bảo đảm an ninh năng lượng; rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng năng lượng, tăng cường thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện; xây dựng đề xuất lộ trình áp dụng giá thị trường đối với điện, than và xăng dầu.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, khoa học công nghệ, tập trung: phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, khoa học công nghệ; các trường thuộc tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng tập trung chuyển từ đào tạo chiều rộng sang chiều sâu, quan tâm đặc biệt đến đào tạo nghề phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh chính; đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học công nghệ; thực hiện và nghiên cứu đề xuất chính sách đổi mới căn bản cơ chế quản lý khoa học – công nghệ phát triển kinh tế tri thức; phát triển mạnh mẽ công tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; gắn khoa học công nghệ với sản xuất trong tất cả các ngành, lĩnh vực; góp phần phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Năm là, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng tích cực đóng góp an sinh – xã hội, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, chung sức xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng khó khăn. Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng tích cực; xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn, tiêu cực, tai nạn giao thông; phòng chống các loại tội phạm...

Sáu là, tổ chức thông tin tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Kết luận Hội nghị lần thứ ba và lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về tình hình kinh tế đất nước, vai trò, vị trí, truyền thống, nhiệm vụ của từng đơn vị...

Lê Nguyễn

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.
Các bài viết khác:
.
.
.