.
.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Thứ Hai, 09/06/2014|09:49

Chiều 6/6, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; một số chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhà nghiên cứu trong nước; các đồng chí Thường trực Đảng ủy Khối, lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc Đảng ủy Khối; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Khối DNTW.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
                         Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội                            phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX (2001) và các Nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được đổi mới, với tỷ trọng GDP giảm dần (từ mức 34,72% năm 2009 còn 32,4% năm 2013) nhưng vẫn có vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng. Hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp lại, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy số lượng giảm mạnh, lĩnh vực, địa bàn thu hẹp nhưng DNNN có bước phát triển quan trọng về quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Số liệu thống kê đến hết năm 2012, DNNN có tổng tài sản 2.570 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.019 nghìn tỷ đồng, doanh thu 1.709 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 167 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 222 nghìn tỷ đồng.

Năm 2013, riêng 18 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại doanh nghiệp), tổng giá trị tài sản 1.985 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu 1.184 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 191 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2013, chỉ tính riêng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối Doanh nghiệp Trung ương lên đến 297 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 36% tổng thu ngân sách nhà nước. Về cơ bản, DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các ngành công nghiệp, ngành kinh tế quan trọng, then chốt của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước đã trao đổi với tinh thần khách quan và khoa học về những thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước; về vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước cũng như yêu cầu, định hướng và giải pháp để phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo các đại biểu, tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong khu vực kinh tế nhà nước chưa thực sự được phát huy trong thực tế. Năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Hiệu quả đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ. Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn khiêm tốn, còn lúng túng trong xây dựng thể chế và mô hình đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước; cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, bất cập...

Để phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước, theo các đại biểu dự Hội thảo, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, theo đó doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng và an ninh. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn mà nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế và mô hình thực hiện quyền sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách đầu tư, quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW phát biểu tại Hội thảo.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương các thành tích, kết quả mà các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối doanh nghiệp Trung ương nói riêng đã đạt được. Đồng chí nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu, cần phải nhìn nhận một cách khách quan những hạn chế, tồn tại cần khắc phục của DNNN: DNNN nắm giữ lượng vốn lớn, nhiều lợi thế song kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; có tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành kinh doanh chính; còn có một số doanh nghiệp nhà nước, làm ăn thua lỗ, làm thất thoát nguồn vốn và tài sản được giao; một số nơi cán bộ lãnh đạo chủ chốt vi phạm pháp luật.... làm xấu đi hình ảnh DNNN trong dư luận nhân dân. Những yếu kém đó, trước hết thuộc trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, quản lý trực tiếp của doanh nghiệp, đồng thời do một số cơ chế, chính sách của nhà nước chậm được đổi mới, hoàn thiện. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Quốc hội và Chính phủ chủ trương và đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước để đưa kinh tế nhà nước nói chung, các DNNN nói riêng trở lại đúng vị trí, vai trò trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Để tiếp tục phát huy vai trò của DNNN, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ quản lý ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNNN, thực hiện tốt công tác xây dựng đảng trong DNNN. Hoàn thiện, đổi mới mô hình và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, các đoàn thể gắn với quá trình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ban Kinh tế Trung ương, các bộ quản lý ngành, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần tiếp tục nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DNNN. Đồng thời, DNNN phải tự đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đi đầu trong đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy, dẫn dắt nền kinh tế cùng phát triển, cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác; khắc phục những tồn tại, yếu kém để cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng cho nền kinh tế quốc dân. Quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hoá 432 DNNN theo phương án đã phê duyệt. Đối với thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, cần xác định cụ thể loại vốn nào cần thoái ngay, loại vốn nào cần theo lộ trình để có hiệu quả; hoàn thành việc thoái vốn trước ngày 31/12/2015. Tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch kết quả hoạt động theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu, tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của đơn vị đối với người đại diện vốn của công ty mẹ trong các doanh nghiệp khác.

Các đại biểu dự Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện, thông tin tiêu cực, sai lệch, phủ nhận hoặc hạ thấp vai trò của DNNN nói riêng cũng như kinh tế nhà nước nói chung, đi ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW nêu rõ, Hội thảo này là dịp để các chuyên gia, các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp nhà nước trao đổi thông tin, các ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuyên truyền nâng cao niềm tin, sự ủng hộ của xã hội, các cấp, các ngành đối với hoạt động của các DNNN. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan tham mưu nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, tham mưu, đề xuất với Bộ chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ để chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật để DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tốt nhất vai trò của các DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN./.

Thanh Tùng

 

.
.
.
.