.
.

Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Thứ Ba, 12/12/2017|15:34

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm đánh giá tình hình, trao đổi kinh nghiệm, bàn các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và đồng chí Phạm Tấn Công – Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đến dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối; thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; các đồng chí Phó Bí thư, cán bộ chuyên trách công tác Dân vận tại các Đảng ủy trực thuộc.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết: Từ sau Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/2008 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ về “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đạt được những kết quả quan trọng.

đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Các cấp ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và người lao động về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa thành quy chế, quy định, hướng dẫn về thực hiện dân chủ cơ sở phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, đơn vị thuộc Đảng bộ Khối.

Nhận thức của các cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và người lao động về thực hiện Quy chế dân chủ có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; nội dung, phương thức lãnh đạo đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ tiếp tục được đổi mới. Các cấp ủy trực thuộc đã ban hành 269 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; năm 2016 – 2017 đã tổ chức 365 hội nghị quán triệt, triển khai việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và 157 hội nghị có nội dung lồng ghép về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, giao ban về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2016, toàn Đảng bộ Khối có 1.049 doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại, thành lập tổ, ban đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đạt trên 70%; có 96% doanh nghiệp, đơn vị tổ chức hội nghị người lao động. Năm 2017, có 1.563 cuộc đối thoại từ phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp, chi nhánh đạt khoảng 75%, trong đó có 25 cuộc đối thoại đột xuất; có trên 92% doanh nghiệp đơn vị đã tổ chức hội nghị người lao động.

Nét nổi bật qua thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương là đã tạo nên một không khí mới đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp theo hướng dân chủ, tích cực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy đã đổi mới phương thức hoạt động không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Lãnh đạo doanh nghiệp làm việc theo hướng ngày càng khoa học và hiệu quả hơn; phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được chuyên nghiệp và có chuyển biến rõ về thái độ, ý thức, trách nhiệm trong tham  mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Các tổ chức đoàn thể ngày càng được đổi mới về tổ chức và hoạt động, theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trách nhiệm với người lao động, phát huy vai trò của tổ chức mình trong việc xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực Quy chế dân chủ ở cơ sở, hạn chế một bước tình trạng hoạt động phô trương và hình thức. Năm 2016, 2017, các doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa Quy chế thực hiện dân chủ và các quy chế, quy định khác liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình mới, sau tái cơ cấu, cổ phần hóa; thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Đồng chí Phạm Tấn Công – Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị

Hoạt động đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, được coi là nhiệm vụ thường xuyên ở nhiều doanh nghiệp, đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến người lao động, tập trung chỉ đạo nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị, vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển doanh nghiệp.

Dân chủ trong Đảng được mở rộng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy có nhiều đổi mới; công tác quản trị, điều hành của lãnh đạo quản lý doanh nghiệp chuyển biến mạnh mẽ theo hướng cụ thể, sat thực và hiệu quả, vì người lao động; các quy chế quy định của doanh nghiệp, đơn vị thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tổ cáo của người lao động đã có những chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của người lao động góp phần hạn chế tranh chấp lao động, không để xảy ra điểm nóng, các vụ việc đình công, lãn công, không để đơn thư khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Công tác củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sơ kết, tổng kết được tăng cường. Kết quả xây dựng và thực hiện quy chế Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người lao động, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng và củng cố tổ chức đảng, doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; xây dựng và củng cố tổ chức đảng, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và người lao động ngày càng bền chặt.

Hội nghị đã nghe 8 ý kiến phát biểu, thảo luận của các đơn vị trực thuộc với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm cao, chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại Đảng bộ mình. Đồng thời cũng làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế; phân tích sâu sắc những nguyên nhân và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới.

đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Đồng chí Nguyễn Thị Tiếp - Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương báo cáo tình hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương có sáng tạo trong tham mưu với cấp ủy Đảng, hướng dẫn  tổ chức thực hiện; chủ động kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương theo Nghị định 60/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của Đảng ủy Khối về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số doanh nghiệp, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục, sâu rộng; vai trò của người lao động tham gia bàn và quyết định các vấn đề của doanh nghiệp, đơn vị có nơi còn hình thức. Tình trạng vẫn còn doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng quy chế đối thoại định kỳ, việc tổ chức đối thoại nhiều nơi còn lồng ghép với các cuộc họp, giao ban, hội nghị người lao động; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Một số tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cơ sở chưa chủ động phát huy vai trò là chủ thể trong giám sát, phản biện xã hội. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hiện quy chế dân chủ một số nơi chưa chú trọng...

Đáng chú ý, còn có cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị chưa quan tâm đầy đủ, coi việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là của tổ chức công đoàn; một số cấp ủy, lãnh đạo không kịp thời nắm bắt, xử lý, giải quyết một số vấn đề bức xúc, nổi cộm; chưa lo nghĩ nhiều đến người lao động;… đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Đồng chí yêu cầu, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là các quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chương trình giảm nghèo bền vững,… chú trọng tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối. Lãnh đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định đã ban hành cho phù hợp với thực tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức công đoàn, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội; mở rộng các kênh đối thoại trực tuyến với người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị.

Đại diện các đảng ủy trực thuộc phát biểu tham luận tại Hội nghị
Đại diện các đảng ủy trực thuộc phát biểu tham luận tại Hội nghị

Đồng chí cho rằng, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị; mỗi cán bộ, đảng viên cần xoá bỏ nhận thức - việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích của cán bộ, công nhân viên, người lao động là nhiệm vụ của tổ chức công đoàn triển khai thực hiện. Đối với những quy định, chủ trương có quan hệ trực tiếp tới chế độ, chính sách, quyền lợi của người lao động, cấp uỷ Đảng, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị cần lắng nghe ý kiến người lao động trước khi quyết định; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" phải trở thành khẩu hiệu hành động, cách thức triển khai công tác vận động quần chúng.

Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục tình trạng quan liêu, hành chính hóa trong hoạt động của các đoàn thể, phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm. Thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên việc công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm sau thanh tra, kiểm tra.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Phạm Tấn Công – Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Thị Bích Thủy, tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới.

Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác xây dựng Đảng của các các đảng bộ trực thuộc gắn liền với những kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Phạm Tấn Công đề nghị, sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp cần bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ và của Đảng ủy Khối để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc tồn tại hạn chế đã chỉ ra, chủ động tham mưu cho cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Xây dựng mới, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định liên quan đến chế độ chính sách, đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cho phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp; tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động trong doanh nghiệp, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Qua hội nghị này, các đảng ủy trực thuộc cần tiếp tục học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để vận dụng, triển khai thực hiện phù hợp với thực tế của đơn vị mình.

P.V

.
.
.
.