.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Để Trường Sa gần đất liền hơn nữa

Thứ Tư, 01/05/2019|21:16

Trong chuyến công tác tới quần đảo Trường Sa vào những ngày tháng 4 này (từ ngày 21-28/4/2019), trên chuyến tàu HQ 561, Đoàn công tác số 9 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối làm Trưởng đoàn đã đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/18. Một Trường Sa tưởng như xa xôi nhưng lại rất gần gũi, thân thuộc. Nơi ấy có những người dân, người chiến sĩ hải quân không quản ngại gian khổ, khó khăn, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đoàn công tác gồm 214 đại biểu, gồm: đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương; cán bộ, chuyên viên Cơ quan Đảng ủy Khối, đại diện các đảng ủy trực thuộc; Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Bộ Công an; Quỹ học bổng Vừ A Dính; Đoàn văn nghệ xung kích tỉnh Tây Ninh và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tàu HQ 651 đưa Đoàn công tác ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Tàu HQ 561 đưa Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Khẳng định chủ quyền của Việt Nam
Với hành trình đi qua 8 hòn đảo và nhà giàn DK1, tàu HQ 561 bắt đầu cuộc hành trình đưa Đoàn công tác chúng tôi đến với Trường Sa thân yêu. Đây là lần thứ 3, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Quân chủng Hải quân tổ chức đoàn ra thăm, làm việc với Trường Sa và các điểm đảo: Đá Lớn (C), Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Tây (B), Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1/18.
Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, Đoàn chúng tôi đã nhìn thấy hòn đảo đầu tiên - đảo Đá Lớn C. Mỗi thành viên trong đoàn có một niềm xúc cảm riêng khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người lính Hải quân giữa nắng gió trùng khơi, sức sống màu xanh của những vườn rau đang vươn lên cùng với gió biển.
Với tất cả niềm tin, mong đợi của hậu phương gửi đến cán bộ, chiến sĩ trên đảo, thay mặt đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Tấn Công đã trao những món quà của cán bộ, người lao động trong toàn Đảng bộ Khối đến tận tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn C với mong muốn bằng khát vọng tuổi trẻ, quyết tâm của bộ đội Cụ Hồ, mỗi chiến sĩ sẽ tiếp tục vững tay súng canh giữ biển trời quê hương. Toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân đều một lòng hướng về Trường Sa và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Đoàn công tác của Đảng ủy Khối DNTW thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Tốc Tan.
Đoàn công tác của Đảng ủy Khối DNTW thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ 
trên đảo Tốc Tan C.
Trực tiếp tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, công tác của quân và dân trên đảo, nhà giàn, mỗi thành viên trong đoàn thấu hiểu những khó khăn, gian khổ cũng như sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của tập thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nhiều người trong đoàn chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên đến với đảo Trường Sa, tuy một số đảo được xây dựng nhà văn hóa đa năng, nhưng giữa biển trời bao la này thì những công trình ấy vẫn là nhỏ bé.
Đồng chí Phạm Tấn Công chia sẻ, Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn hướng về biển đảo và sẽ tiếp tục phối hợp với Quân chủng Hải quân để hỗ trợ xây thêm nhiều công trình ý nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa. Khâm phục và tự hào trước sự phấn đấu hy sinh không biết mệt mỏi của những người lính nơi đây, đồng chí mong cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng nơi đảo xa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.
Tại các đảo, Đoàn đã có nhiều hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, như: dâng hương ở chùa, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đảo Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn; làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; dự chào cờ trên đảo Trường Sa lớn,... gặp mặt tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Đoàn công tác thăm và động viên các cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Đá Lớn C.
Đoàn công tác thăm và động viên các cán bộ, chiến sĩ trên Đảo Đá Lớn C.
Đoàn công tác thăm và động viên các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1/18.
Đoàn công tác thăm và động viên các cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/18.

Bằng tình cảm của mình, Đoàn công tác Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã giành tặng những phần quà có giá trị cả về vật chất và tinh thần, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, nhà giàn. Trong đó, Đoàn Đảng ủy Khối tặng các trang thiết bị và nhu yếu phẩm với tổng số tiền trên 800 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương với tổng số tiền 200 triệu đồng; Tổng công ty Viễn thông Mobifone tặng quà với số tiền 30 triệu đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam tặng 25 thùng quà nhu yếu phẩm với trị giá 50 triệu đồng; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tặng 7 quạt tích điện và quà trị giá trên 81 triệu đồng; Tổng công ty Giấy Việt Nam tặng thẻ điện thoại trị giá 20 triệu đồng. Ngoài ra, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương hỗ trợ kinh phí mua tặng đảo Nam Yết 01 xe ô tô bán tải; tặng Đảo Sinh Tồn 01 máy phát điện; đầu tư xây dựng nhà văn hóa đa năng tại Đảo Tốc Tan C với số tiền 38 tỷ đồng,...

Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW phát biểu tại
Phát biểu tại buổi thăm và làm việc trên đảo Đá Lớn C, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW tin tưởng rằng, cán bộ, chiến sĩ trên đảo chân cứng, đá cứng nhưng ý chí còn cứng hơn đá, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
So với nhà giàn thì các đảo chìm vẫn còn thuận lợi hơn vì có nhiều khoảng không gian để trồng rau. Còn nhà giàn - nơi chỉ có trời mà không có đất và với diện tích chỉ vài chục m2, nhưng luôn có những người lính vẫn ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, trước sự đe dọa của thiên nhiên. Rau xanh và nước ngọt là hai thứ thiếu nhất ở nhà giàn. Và chỉ những người có ý chí thép mới đủ sức trụ vững giữa biển khơi trong một không gian chật hẹp, xung quanh bốn bề là mặt nước, luôn tiềm ẩn những cơn cuồng nộ từ thiên nhiên. Có đến tận nơi mới thấy hết những hy sinh thầm lặng của chiến sỹ nhà giàn. Nguy hiểm rình rập ngay từ lúc cập xuồng tại chân nhà giàn với những con sóng cao ngút, dù vẫn còn là mùa biển lặng vào trung tuần tháng 4.
Chuyến thăm và làm việc của Đoàn đã củng cố thêm niềm tin tưởng của hậu phương, bởi nơi đầu sóng, ngọn gió cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vẫn kiên trung, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển đảo. Đồng thời, Đoàn đã mang đến cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình và đầy trách nhiệm của hậu phương, đem đến niềm tin, chỗ dựa vững chắc, tin tưởng, tăng thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn chắc tay súng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đảo Đá Lớn C nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông.
Đảo Đá Lớn C nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông.

Trường Sa không xa...

Trước mắt chúng tôi là một hòn đảo xanh tươi, xinh đẹp, hiền hòa và tràn đầy sức sống, được mệnh danh là “trung tâm” của huyện đảo, Trường Sa nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông. Đây là điểm dừng chân của các con tàu neo tránh bão, nơi đây còn giữ nguyên dấu ấn của đoàn tàu không số của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện vũ khí cho miền Nam ruột thịt. Đảo Trường sa có diện tích lớn 48,5ha, chiều dài 1.300m, chiều rộng 525m; nguồn thủy hải sản phong phú, có giá trị kinh tế cao đã thu hút nhiều tàu đến đây đánh bắt cá xa bờ của ngư dân từ các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận... Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử của quân và dân ta, sau trận đánh mở màn vào 14/4/1975 giải phóng đảo Song Tử Tây, 9h sáng ngày 29/4/1975, quân đội ta đã làm chủ đảo Trường Sa. Từ đây, quần đảo Trường Sa bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong mỗi trái tim của con người nơi đây luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Cuộc sống tuy còn vất vả khó khăn xong các cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn công tác của Đảng ủy Khối DNTW thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo
Đoàn công tác của Đảng ủy Khối DNTW thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Nam Yết.
Chiếc cầu cảng dài 150m được xây dựng từ năm 1994 như cánh tay vạm vỡ, vững chắc vươn ra đón những con tàu từ đất mẹ ra với hòn đảo thân yêu. Những công trình thiết thực phục vụ dân sinh như: trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng; hệ thống năng lượng sạch, chiếu sáng bằng điện gió do Tập đoàn Dầu khí tài trợ; bệnh xá, sân bóng đá mini, nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa, trường tiểu học... được các tỉnh, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhằm nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cho quân và dân thị trấn Trường Sa.
"Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng cùng sự chung tay góp sức của các đoàn thể chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng ý chí nghị lực, sáng tạo, lao động hăng say nên diện mạo của đảo đã được thay đổi từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn", Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết.
Vườn rau xanh mát được cán bộ, chiến sĩ trồng trên đảo Len Đao.
Vườn rau xanh mướt được cán bộ, chiến sĩ trồng trên đảo Len Đao.
Trung tá Trần Văn Quyển - Đảo trưởng Trường Sa cho biết: Những năm trước, huyện đảo Trường Sa thường xuyên phải chạy máy nổ nên gây tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên các đảo chỉ được dùng điện vào các giờ cao điểm. Giờ đây khi các thiết bị của dự án đã cung cấp tổng điện năng là 5.166 kWh/ngày (155.000 kWh/ tháng) không chỉ tiết kiệm cho huyện đảo và nhà giàn DK mỗi năm nhiều tỉ đồng nhiên liệu mà còn phục vụ tốt cho sinh hoạt, công tác của bộ đội, nhân dân trên các đảo, nhà giàn.
Đồng chí cho biết thêm, hiện nay, 100% hộ dân và các đơn vị đóng quân trên đảo được trang bị ti vi, có thể nghe đài, đọc báo qua mạng Internet, các thông tin từ đất liền được quân và dân trên đảo cập nhật hàng ngày. Không những thế, nguồn điện ổn định còn tạo điều kiện đưa các trang thiết bị y tế vào hoạt động chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo được tốt hơn… Có điện giúp cho khoảng cách giữa đất liền và quân dân trên đảo gần hơn; con em trên đảo có ánh điện thường xuyên để học tập và tiếp cận cuộc sống văn minh. Bên cạnh đó, trên đảo còn có các phòng đọc sách báo với trên 4.000 đầu sách và 28 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật.
Năm 2018, đảo Trường Sa cấp cứu thành công 29 ca, khám và cấp thuốc hơn 800 ca cho quân và dân trên đảo, phẫu thuật thành công 91 ca với số tiền hơn 100 triệu; hướng dẫn cho 23 tàu cá trên 300 thuyền viên tránh trú bão an toàn. Những việc làm giản dị, bình thường của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã góp phần củng cố, xây đắp tình đoàn kết quân dân, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường cùng với bộ đội Hải quân giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.
Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW thăm hỏi ngư dân đang điều trị tại Bệnh xá trên đảo Trường Sa Lớn.
Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW và Đoàn công tác 
thăm hỏi ngư dân đang điều trị tại Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa.
Với ý chí và nghị lực, quân và dân trên đảo Trường Sa đã biến nơi đây thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát với đủ loại cây: bàng vuông, phong ba, cây trái bốn mùa xanh tốt; giúp quân, dân trên đảo chủ động tự cung cấp được 100% nhu cầu rau xanh và một phần thực phẩm. Ngoài đảo Trường Sa lớn, thì các đảo nổi như: Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh,... cũng tự chủ được nguồn rau xanh và thực phẩm.
Ghé thăm các hộ dân đang sinh sống trên thị trấn Trường Sa, trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, các gia đình trên đảo chia sẻ với chúng tôi: Các hộ gia đình lập nghiệp trên thị trấn Trường Sa cũng được 3 năm nay, nhờ có các doanh nghiệp tài trợ hệ thống điện năng lượng sạch, cuộc sống của các hộ gia đình trên đảo không có gì khác với khi ở đất liền, đều có đầy đủ điện thoại, tivi, tủ lạnh. Đời sống tinh thần của được cải thiện rõ rệt, đồ ăn thức uống để tủ lạnh không bị hỏng. Nhớ lại ngày đầu chân ướt chân ráo đặt chân lên đảo cũng buồn lắm, vì hệ thống điện chạy bằng máy nổ, mỗi tối có điện vài tiếng nên sinh hoạt khó khăn, đêm nào cũng phải thức trắng để quạt cho bọn trẻ. Từ khi biết chuẩn bị có dự án điện năng lượng sạch, chúng tôi chỉ mong sao dự án hoàn thành sớm để có điện.
Màn đêm dần bao phủ thị trấn Trường Sa cũng là lúc những bóng đèn đường bật sáng làm cho con đường trên đảo sáng trưng. Vậy là ước mơ có điện bao đời của quân và dân trên đảo Trường Sa nay đã thành hiện thực. Đây là kết quả của quân và dân Trường Sa đã xây dựng trong nhiều năm qua để xây dựng một huyện đảo trở thành hình mẫu về môi trường xanh, sạch, đẹp, biến một hòn đảo hoang sơ trở thành nơi sống và làm việc, sử dụng hiệu quả các công trình mà các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã làm cho Trường Sa. Sự thay da, đổi thịt của Trường Sa đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc. Có được điều này là do chủ trương và đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chiến lược bảo vệ tổ quốc và bảo vệ biển đảo đối với Trường Sa - một địa chỉ tin yêu của cả nước.
Cầu cảng trên đảo Trường Sa Lớn.
Cầu cảng trên đảo Trường Sa Lớn.
Cuộc sống tại Trường Sa hôm nay, trong từng giây phút thanh bình, yên ả ấy, những người lính Trường Sa vẫn nhắc cho nhau nghe về một thời máu và hoa của thế hệ cha anh năm xưa, để tự bản thân luôn chắc tay súng, tiếp nối truyền thống anh dũng, bất khuất và hào hùng của các thế hệ đi trước đã và đang củng cố vững chắc chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa vốn đã được khẳng định trong hàng ngàn năm lịch sử. Xa cách hàng trăm km với đất liền, nhưng người lính Hải quân Việt Nam cùng với bà con huyện đảo Trường Sa, nhân dân cả nước vẫn kề vai sát cánh đoàn kết tương trợ lẫn nhau sống và chiến đấu cho chủ quyền bất diệt tại quần đảo Trường Sa - nơi tưởng chừng xa xôi mà vô cùng gần gũi của Tổ quốc.
Phát biểu kết thúc chuyến công tác, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó trưởng Đoàn công tác nhấn mạnh: Có đến tận nơi mới thấy hết những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại đảo Gạc Ma và nhà giàn DK1. Qua chuyến đi này, mỗi thành viên trong Đoàn với kiến thức thực tế và những trải nghiệm ý nghĩa về quần đảo Trường Sa sẽ tuyên truyền nhiều hơn về chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa góp phần thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng cùng với nhân dân cả nước luôn hướng về Trường Sa, cũng như sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những con người, những bài hát vẫn mãi được cất lên! Hai chữ Trường Sa thiêng liêng mãi ăn sâu trong tâm trí của triệu triệu người dân đất Việt! Và chúng tôi hát... "Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa! Dù mưa giông, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sỹ Trường Sa hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội cụ Hồ. Đem trí trai giữ vững chủ quyền tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền tổ quốc Việt Nam ta!".

P.V

.
.
.
.