.
.

Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới

Thứ Ba, 18/10/2022|16:30

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng Khoa học Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong tình hình mới”.

Chủ trì Hội thảo có TS.Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Long Hải - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Chu Đình Động, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối; cùng đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; bí thư, phó bí thư các đảng uỷ trực thuộc.

Hội thảo còn có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, một số địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia, nhà khoa học có am hiểu sâu về công tác cán bộ quản lý, quản trị.

GS.TS Phùng Hữu Phú chủ trì phiên thảo luận.
GS.TS Phùng Hữu Phú chủ trì phiên thảo luận.

Nội dung Hội thảo được chia làm hai phiên, thảo luận theo hai nhóm lĩnh vực: i) một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế; ii) thực trạng và định hướng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước. GS.TS Phùng Hữu Phú chủ trì phiên thảo luận về một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế; TS. Nguyễn Long Hải chủ trì phiên thảo luận về thực trạng và định hướng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Xác định rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy doanh nghiệp trong Khối quán triệt, triển khai nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác cán bộ.

Đồng thời, có nhiều giải pháp quan tâm, chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp phát triển về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, là nhân tố quan trọng làm nên kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, quản trị điều hành, tầm nhìn và khát vọng, chiến lược kinh doanh còn hạn chế, chậm thích ứng với hội nhập quốc tế; thậm chí có trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ cấu cán bộ trong một số doanh nghiệp còn thiếu cân đối, tỷ lệ cán bộ trẻ còn thấp, việc chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ quản lý còn chưa kịp thời, đồng bộ.

TS.Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
TS.Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, kinh tế nhà nước tiếp tục được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững, ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng điều tiết, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây cũng được xem là chức năng quan trọng của kinh tế nhà nước, cũng như là đặc trưng khác biệt, tiến bộ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước đã từng bước phát triển và góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng cơ sở vật chất xã hội của xã hội mới, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, thực tiễn 35 năm Đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, doanh nghiệp cả nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tính đến hết năm 2021, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh, thông qua việc thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, song khu vực kinh tế nhà nước vẫn đóng góp trên 21% vào GDP của quốc gia và gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đặc biệt, khu vực kinh tế nhà nước đã đóng vai trò nòng cốt dẫn dắt phát triển trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, như các lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, sản xuất công nghiệp... Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã trực tiếp tham gia phục vụ an ninh-quốc phòng, có nhiều đóng góp thực hiện chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại và hạn chế liên quan đến vai trò cũng như hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong sự so sánh, đối chiếu với các nguồn lực mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ.

TS. Nguyễn Long Hải - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Long Hải - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp nhà nước, nhưng có một nguyên nhân quan trọng mà Đảng đã chỉ ra đó là hạn chế của chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong việc đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung làm rõ: những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; nêu lên những bài học kinh nghiệm quốc tế có tính chất tham khảo hữu ích cho Việt Nam; những kiến nghị, đề xuất cụ thể để hoàn thiện chủ trương, chính sách công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào các khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ, vừa đảm bảo chặt chẽ theo đúng quy định, quy trình, thể chế chế chính trị của Việt Nam, song cũng phù hợp với xu hướng vận động của kinh tế quốc tế, các yêu cầu của cơ chế thị trường, nền quản trị tiên tiến.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận và thảo luận theo hai nội dung: một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; thực trạng và định hướng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Hội thảo đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng và những vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình triển khai chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; đề xuất quan điểm, định hướng và các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Từ đó, góp phần thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và chuẩn bị Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, của Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị.

P.V

 
.
.
.
.