.
.

Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương: Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Thứ Tư, 14/12/2022|21:42

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. 

Các đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối; đồng chí Chu Đình Động, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Vũ Trí Thắng, Uỷ viên BCH, Trưởng Ban Dân vận Đảng uỷ Khối, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Đến dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối; cán bộ, lãnh đạo Ban Dân vận Đảng uỷ Khối - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tổng kết cho thấy, năm 2022, để thực hiện Quy chủ dân chủ ở cơ sở trong toàn Đảng bộ Khối tiếp tục được thống nhất về nội dung và cách thức triển khai, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối ban hành Nghị quyết công tác năm, trong đó có nội dung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp công dân (người lao động), giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đảng ủy Khối đã ban hành Kết luận số 119-KL/ĐUK, ngày 02/6/2022 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Quy định số 06-QĐ/ĐUK, ngày 13/10/2022 về giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động đối với doanh nghiệp về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp, đơn vị thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2022. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Đảng ủy Khối cụ thể hóa Tiêu chí chấm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để làm cơ sở đánh giá, xếp loại hằng năm đối với ban chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc.

Các đảng ủy trực thuộc bám sát chỉ đạo của Trung ương, Đảng ủy Khối: Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với Kết luận số 119-KL/ĐUK, ngày 02/6/2022 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và một số các văn của Đảng ủy Khối để cụ thể hóa triển khai việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Trong năm 2022, các cấp ủy, tổ chức đảng đã ban hành 3.118 văn bản có liên quan đến việc thực hiện QCDC ở cơ sở, trong đó có 518 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; chủ động đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo khi có thay đổi về nhân sự; ban hành chương trình công tác, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Tiếp tục lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, đoàn thanh niên) thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của từng tổ chức; phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát quy chế, quy định, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại; quyền làm chủ của người lao động được phát huy thông qua các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, người lao động được quyết định và người lao động được kiểm tra, giám sát. 

Đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối; Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng ủy Khối phát biểu tại Hội nghị.ường
Đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng ủy Khối phát biểu tại Hội nghị.

Công tác tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp ủy, tổ chức đảng, doanh nghiệp triển khai linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, việc triển khai thực hiện QCDC được gắn với triển khai các nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Khối hoặc được tổ chức lồng ghép vào các buổi họp sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Các doanh nghiệp, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt được 1.111 buổi cho hơn 85.000 lượt CNVC, NLĐ tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau như: thông qua hội nghị trực tuyến, lồng ghép trong hội nghị giao ban cơ quan, sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên, trang thông tin nội bộ, các ứng dụng công nghệ thông tin.

Kế hoạch, chương trình công tác hàng tháng, quý, năm và được niêm yết công khai hoặc thông tin đến người lao động, như: hợp đồng lao động, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng; các chế độ chính sách (lương, thi đua khen thưởng); về tinh giản biên chế... đều được công khai. Vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị luôn được phát huy, các nội dung, công việc liên quan được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ, chế độ, chính sách của công chức, viên chức, người lao động được đảm bảo. Chỉ đạo doanh nghiệp, đơn vị thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại theo quy định; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động (viết tắt là CNVC, NLĐ).

Trong năm 2022, toàn Khối đã thành lập được 154 đoàn kiểm tra, 95 đoàn giám sát ở các đảng bộ trực thuộc. Ban Chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc đã thành lập 61 đoàn kiểm tra đối với 78 đơn vị và 199 đoàn giám sát đối với 202 đơn vị; 309 ban chỉ đạo của các tổ chức đảng trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã thành lập 170 đoàn kiểm tra tại 170 đơn vị và 152 đoàn giám sát tại 152 đơn vị. Một số đơn vị thực hiện lồng ghép kiểm tra QCDC trong kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra hoặc kiểm tra, giám sát của chuyên môn, của tổ chức công đoàn. Nội dung kiểm tra tập trung việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở; việc thực hiện các nội dung công khai, việc rà soát; sửa đổi bổ sung các quy chế, quy định; việc phát huy quyền làm chủ của người lao động; thực hiện kiểm tra tài chính, các nội dung chuyên đề; việc phối hợp thực hiện QCDC của tổ chức công đoàn; việc phát huy vai trò giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban thanh tra nhân dân.

Tổ chức Công đoàn đã giám sát 05 nội dung, phản biện 180 văn bản; giám sát gần 500 cán bộ chủ chốt, người đứng đầu và 150 cán bộ, đảng viên về thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống. Đoàn thanh niên giám sát 03 nội dung, phản biện 26 văn bản; giám sát gần 200 cán bộ chủ chốt, người đứng đầu và 80 cán bộ, đảng viên về thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống. Một số tổ chức Công đoàn đã phát huy tốt vai trò trong giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, cán bộ đảng viên trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống.

Đồng thời, để phát huy quyền làm chủ của cán bộ, CNVC, NLĐ trong thực hiện QCDC ở cơ sở được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát các nội dung theo quy định tại đơn vị. Các hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện ngay trong quý I/2022, mặc dù tình hình sau dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng nhưng các đơn vị đã khắc phục khó khăn, tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc thông qua các hình thức: hội nghị trực tiếp hoặc hội nghị trực tuyến. 

Việc đối thoại tại nơi làm việc được cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, chủ tịch công đoàn các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện, tính đến thời điểm báo cáo, trong Khối có 1.209/1.392 (87%) doanh nghiệp tổ chức đối thoại theo quy định; có 862/1.392 bí thư cấp ủy tổ chức đối thoại với đại diện người lao động hoặc trực tiếp người lao động; có 328/1.392 tổng giám đốc, giám đốc đối thoại với người lao động; có 19/1.392 chủ tịch công đoàn tổ chức đối thoại với đoàn viên, hội viên và cán bộ, CNVC, NLĐ; có 62/1.392 doanh nghiệp đối thoại khi một bên yêu cầu. 

Việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm, nội dung của thỏa ước được trao đổi, thảo luận và ký kết tại hội nghị người lao động. Nhiều đơn vị thành viên của Đảng ủy Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn CN Cao su Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất có Thỏa ước lao động tập thể, với những nội dung có lợi hơn cho người lao động. 

Việc thực hiện tiếp dân (người lao động), giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp các cấp thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp đều bố trí phòng tiếp dân và lịch tiếp dân ít nhất 01 lần/tháng. Việc giải quyết, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đã được các cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo. Năm 2022, các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã tiếp nhận 244 đơn (gồm có đơn tố cáo, đơn khiếu nại, đơn kiến nghị phản ánh và đơn đề nghị), đã giải quyết 204 đơn, chuyển các cấp có thẩm quyền giải quyết 40 đơn.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, doanh nghiệp, đơn vị thực hiện nghiêm túc; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định cho phù hợp với thực tế để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC, NLĐ. Thực hiện có nề nếp về các nội dung công khai, phát huy quyền làm chủ của CNVC, NLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong doanh nghiệp; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp phát triển, đồng thời là cơ sở quan trọng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm qua, đó là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC; thiếu kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở. Một số ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW và Quy định 124-QĐ/TW hiệu quả chưa cao; chậm kiện toàn cán bộ chủ chốt nên cũng ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở,…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến nhằm đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trường Phó Bí thư Đảng uỷ Khối, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối cho rằng, trong năm qua, Ban Chỉ đạo đã bám sát các kế hoạch, hướng dẫn của Đảng uỷ Khối; kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu. Cùng với đó, các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, mở rộng dân chủ trong Đảng, ban hành nhiều quy định, quy chế cụ thể hóa phương châm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng quy chế để người lao động giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên, trực diện đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí… Tuy nhiên, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại. 

Thống nhất cao với những phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đã được nêu trong Báo cáo, đồng chí Hồ Xuân Trường nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, bổ sung thời gian cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm từng tháng trong kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho ban chỉ đạo các cấp và tổ giúp việc; cụ thể hơn nữa các tiêu chí tự đánh giá, xếp loại hoạt động Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Hướng dẫn số 02-HD/BCĐĐUK, ngày 13/04/2022 của Ban chỉ đạo; lưu ý mở rộng thành phần tham dự đến cán bộ làm công tác dân vận tại các hội nghị sơ kết, tổng kết của Ban Chỉ đạo; nghiên cứu ban hành bộ tài liệu, sổ tay về dân vận và quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối, Ban Chỉ đạo các đảng uỷ trực thuộc quán triệt văn bản về quy chế dân chủ của Trung ương, ban hành các văn bản chỉ đạo trong năm 2023, đồng thời tham mưu cấp uỷ ban hành văn bản chỉ đạo của Đảng uỷ trực thuộc, trong đó tập trung tuyên truyền về quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí giao cho Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền về triển khai việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Kết luận 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Kết luận số 119-KL/ĐUK, ngày 02/6/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/05/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII“về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị;

Đồng chí Hồ Xuân Trường yêu cầu Ban Chỉ đạo các đảng uỷ trực thuộc cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát hằng năm, có đề xuất các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cấp uỷ trực thuộc cần rà soát các khâu ban hành văn bản, thực hiện quy định; có trách nhiệm tham mưu cấp uỷ tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại đi vào thực chất, chu đáo; kiện toàn Ban Chỉ đạo những nơi còn khuyết, thiếu. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình bám sát các nội dung nhiệm vụ về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, cụ thể hoá thành chương trình công tác năm 2023 của đơn vị để triển khai có hiệu quả. 

P.V

 
.
Các bài viết khác:
.
.
.