.
.

Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định 164-QĐ/TW

Thứ Bảy, 16/03/2024|22:13

Ngày 15/3/2024, tại Hà Nội, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối quản lý bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 36 điểm cầu của các Đảng uỷ trực thuộc.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối; đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Khối; các đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ Khối: Lê Văn Châu, Hồ Xuân Trường; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; Uỷ viên Uỷ Ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối; lãnh đạo ban, đơn vị Đảng uỷ Khối; Chủ tịch HĐTV/HĐQT, thành viên HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối; báo cáo viên của Đảng uỷ Khối; đảng viên của Đảng bộ Cơ quan Đảng uỷ Khối.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe chuyên đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023; dự báo, triển vọng năm 2024” do đồng chí Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá XV trình bày và chuyên đề “Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do GS, TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội trình bày.

a
Báo cáo viên truyền đạt nội dung chuyên đề chuyên đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023; dự báo, triển vọng năm 2024”.

GS, TS Trần Thọ Đạt cho biết: “Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu khí hậu ở Việt Nam đã liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của siêu bão, lũ. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. WB ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 10% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Cùng với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên".

"Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh, đó là: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”, GS, TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Nội dung chuyên đề các báo cáo viên trình bày vừa bổ sung kiến thức, giải pháp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

a
Các đại biểu nghe báo cáo viên trình bày chuyên đề “Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

P.V

.
.
.
.