.
.

Luôn đặt quyền lợi tập thể lên hàng đầu

Thứ Tư, 14/12/2011|00:06

 

Vốn được xem là “con nhà nghèo” và không có nhiều lợi thế về ngành nghề, PETROSETCO (Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí) đã vươn lên vào top những đơn vị có doanh thu cao nhất Tập đoàn.

Mang trong mình ý chí, tinh thần làm việc đậm nét Văn hóa Dầu khí, nhưng PETROSETCO lại mang đến một dấu ấn khác lạ bởi những dịch vụ ngoài ngành với chất lượng không thua kém các đơn vị nước ngoài, tư nhân cùng lĩnh vực. Phóng viên (PV) Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với ông Phùng Tuấn Hà, Tổng giám đốc PETROSETCO – một vị lãnh đạo cá tính và quyết liệt – về cuộc bứt phá đổi mới và “thoát nghèo” rất ấn tượng ở đơn vị dịch vụ này.

Ông Phùng Tuấn Hà - Tổng giám đốc Petrosetco

Tìm ra thế mạnh khi không có thế mạnh

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết con đường nào đưa ông đến với PETROSETCO?

Ông Phùng Tuấn Hà: Tôi vào ngành từ năm 1990 với công việc thủy thủ giàn khoan của PTSC (Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí) và đã làm việc ở đây suốt 19 năm. Tôi luôn quan niệm, dù làm ở đâu và việc gì cũng hết mình, tự nhận cho mình trách nhiệm cao nhất với công việc và tự đặt ra áp lực ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Cuối năm 2009, tôi về làm Tổng giám đốc PETROSETCO.

PV: Nhiều người cho rằng, PETROSETCO là “con nhà nghèo”, dịch vụ truyền thống không mang lại nhiều lợi nhuận. Khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo một đơn vị rất khó khăn và gần như không có thế mạnh nào, việc thay đổi và phát triển kinh doanh hẳn không hề đơn giản. Ông đã bắt đầu từ đâu và thực hiện việc đó như thế nào?

Ông Phùng Tuấn Hà: Bác Hồ từng dạy rằng: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền! Với một đơn vị không có thế mạnh nào như PETROSETCO thì con người chính là thế mạnh! Tôi bắt đầu từ việc thay đổi tư duy trong Ban lãnh đạo. Muốn một đoàn tàu chạy tốt thì phải có đầu tàu tốt. Người lãnh đạo các đơn vị, dù chỉ đứng trên một người thì cũng phải luôn ý thức làm gương cho người đó noi theo. Với tất cả người lao động, phải có ý thức nâng cao chất lượng công việc, phải luôn lấy tiêu chuẩn chuyên nghiệp làm thước đo mình với các đơn vị trong và ngoài nước cùng lĩnh vực, nếu làm chưa bằng người ta thì phải phấn đấu cho bằng, bằng rồi thì phấn đấu tốt hơn. Người làm dịch vụ cũng luôn phải đặt mình vào vị trí khách hàng, để biết họ cần gì và muốn gì ở mình để phục vụ tốt hơn, chu đáo hơn. Khi chất lượng từng vị trí công việc được cải thiện tốt hơn thì tổng thể cũng sẽ tốt hơn.

PV: Như vậy, tức là người lao động vốn chỉ quen với các dịch vụ “bếp núc” phục vụ ngành bỗng chốc bị đặt vào áp lực phải làm việc chuyên nghiệp như các đơn vị có bề dày kinh nghiệm khác. Ông có cho rằng, mình có quá khắc nghiệt khi đề ra yêu cầu này?

Ông Phùng Tuấn Hà: Tôi không hề khắc nghiệt! Trên cương vị Tổng giám đốc, tôi làm việc trực tiếp với các lãnh đạo đơn vị và họ được quyền tự chọn nhóm làm việc phù hợp với mình, đồng thời chịu trách nhiệm về việc đó. Tôi từng ký chấp thuận bổ nhiệm cấp phó cho các đơn vị mà chưa từng gặp mặt. Hiện nay, bộ máy PETROSETCO rất gọn nhẹ, với ba bộ phận chuyên môn: Tổ chức hành chính, Tài chính – Kế toán và Kế hoạch – Đầu tư. Chúng tôi thực hiện phương châm sáp nhập dần, cơ cấu gọn nhẹ nhất và chọn ra những người tốt nhất đứng đầu những bộ phận đó.

PV: Vậy có phải như người ta thường nói, mỗi một cuộc đổi mới sẽ là một lần “thay máu”?

Ông Phùng Tuấn Hà: Cho đến giờ tôi chưa thay lãnh đạo đơn vị nào trong PETROSETCO. Lãnh đạo cả 3 ban và các đơn vị đều là người cũ! Tôi nghĩ vạn bất đắc dĩ mới phải thay đổi người lãnh đạo.

PV: Với xuất phát điểm “con nhà nghèo”, ông thuyết phục và đảm bảo quyền lợi tương xứng cho họ như thế nào?

Ông Phùng Tuấn Hà: Hiện tôi đang là Tổng giám đốc, nhưng tôi không nằm trong nhóm 10 người có thu nhập cao nhất Tổng Công ty, thậm chí không nằm trong top 15, 20. Nếu cấp dưới mình – các trưởng ban, giám đốc đơn vị, thậm chí với chức danh thấp hơn nữa – mà làm tốt công việc sản xuất, hiệu quả công việc đó lại cân đong đo đếm được, thì không có lý gì lại thu nhập thấp? Tôi cho rằng, điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu đặt mục tiêu vì sự phát triển của doanh nghiệp lên hàng đầu thì những câu chuyện như thế này ngày càng trở nên bình thường hơn.

Tòa nhà Petrovietnam tại TP HCM do PETROSETCO quản lý và khai thác.

Yêu nước theo cách của doanh nhân

PV: Theo ông, người lãnh đạo giỏi và tốt cần có những phẩm chất gì?

Ông Phùng Tuấn Hà: Theo tôi, người đã ngồi ở vị trí lãnh đạo thì cần phải đặt quyền lợi tập thể lên hàng đầu trước khi ra quyết định, khi đó người ta sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì. Người lãnh đạo không chỉ dám chịu trách nhiệm, mà theo tôi còn phải… không sợ trách nhiệm. Dĩ nhiên, khi quyết định làm gì, người lãnh đạo phải tính toán kỹ lưỡng, nếu tự tin mình có khả năng làm được thì mới làm và làm quyết liệt. Nếu cảm thấy không hoàn thành tốt công việc lãnh đạo của mình và có đóng góp tích cực, hiệu quả cho doanh nghiệp mà mình đang làm việc thì cần có văn hóa từ chức. Người lãnh đạo đừng vì quyền lợi cá nhân hay danh tiếng hào nhoáng mà sao nhãng việc này. Lợi nhuận và thu nhập người lao động tăng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đóng nhiều thuế và chăm lo được cuộc sống cho một bộ phận nhân dân. Đấy chính là cách thể hiện lòng yêu nước của doanh nhân!

PV: Được biết ông còn là tác giả của những ca khúc đi vào lòng người?

Ông Phùng Tuấn Hà: Trong công việc hàng ngày, có những lúc thư giãn, tôi viết ra những cảm xúc về những điều mình nhìn thấy, về tình yêu công việc, tình yêu đôi lứa… Tôi không kiếm tìm danh vọng từ việc sáng tác này. Tôi chỉ muốn thông qua lời ca tiếng hát để nói lên công việc mà tôi và hàng ngàn người lao động PETROSETCO đang làm, giúp họ hăng say, tự tin và yêu công việc của mình hơn. Đó cũng là một món ăn tinh thần cho người lao động của PETROSETCO.

PV: Giờ đây, ông có hình dung và mong muốn tương lai PETROSETCO sẽ phát triển như thế nào không?

Ông Phùng Tuấn Hà: Chúng ta ai cũng mơ ước và có thể vẽ ra những ngôi nhà rất đẹp đẽ và to lớn để lại cho tương lai, nhưng trước khi làm việc đó, cần phải xem lại móng nhà chịu lực được đến đâu. Điều tôi tâm đắc nhất là chúng tôi đã định hướng được sự phát triển tương đối bền vững. Người lao động có tinh thần làm việc hăng say và ngày càng chuyên nghiệp hơn chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững và là tiền đề phát triển tương lai cho Tổng Công ty. Vì thế, nếu nói về tương lai của PETROSETCO, tôi luôn mong một điều đơn giản: Toàn thể cán bộ, công nhân viên PETROSETCO luôn “Tận tay – Tận tâm” để việc ngày mai sẽ phải tốt hơn hôm nay!

PV: Xin cảm ơn ông và kính chúc PETROSETCO ngày càng phát triển lớn mạnh với phương châm “Tận tay – Tận tâm”!

Thanh Loan

.
.
.
.