.
.

Những năm Thìn của Bác Hồ

Thứ Sáu, 27/01/2012|18:07

 

Năm Nhâm Thìn 1892, cậu Sinh Cung mới 2 tuổi, ở với mẹ là bà Hoàng Thị Loan tại quê ngoại - làng Hoàng Trù, xã Chung Cự ngày xưa.

Năm Giáp Thìn 1904, cậu Sinh Cung 14 tuổi, có tên Nguyễn Tất Thành do cha đặt khi làm lễ “vào làng” ở Kim Liên, quê nội. Sau khi cha đỗ Phó bảng, được làng cấp đất, xuất quỹ làm cho một ngôi nhà. Đây là ngôi nhà và khoảnh vườn hiện nay đang được bảo tồn ở Kim Liên.

Trong năm này Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến học chữ Hán với một nhà nho thanh bạch và là một thầy đồ hay chữ - cụ Trần Thân ở làng Ngọc Đình cùng xã. Thầy thường khuyên học trò:

“Độc thi môn tâm tự vấn/Hào vô kim hắc chi tâm” (nghĩa là: Đọc thơ cần phải tự vấn lương tâm của mình/Đừng mảy may để cho vàng (tiền tài) làm dơ bẩn tấm lòng).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hoan, Nguyễn Tất Thành chỉ học với thầy Trần Thân ít lâu rồi theo cha đi nhiều nơi trong tỉnh và ra Thái Bình trong dịp cha đi tìm những người cùng chí hướng để bàn luận về thời cuộc. Những chuyến đi này đã giúp Tất Thành mở rộng tầm nhìn để nghĩ suy. Không riêng đất Nam Đàn, đất Nghệ An mà ở đâu người dân trong nước cũng lao động cần cù, cũng lam lũ khổ cực trong kiếp đời nô lệ, lầm than và âm ỉ những đốm lửa căm hờn chờ dịp là bùng lên thành ngọn lửa. Một câu hỏi: “Làm thế nào dân ta thoát khỏi khổ đau cùng cực” dường như dần nhen nhóm trong tâm trí của Người.

Năm Bính Thìn 1916, sau khi rời Sài Gòn đi làm phụ bếp trên một con tàu sang Pháp (năm 1911), Nguyễn Tất Thành sang nước Anh, làm thợ quét tuyết lấy tiền sinh sống và chú tâm vào việc học tiếng Anh. Những ngày tháng lao khổ đã giúp Nguyễn Tất Thành có vốn kiến thức vô cùng quý giá để sau này dấn thân vào con đường của nhà chính trị chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế. Đó là: 1) Hiểu biết về đời sống của thợ thuyền ở một nước tư bản sớm phát triển nhất Tây Âu để có cơ sở thực tiễn sau này đọc và hiểu sâu sắc tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh” của Ph.Ăng-ghen. Từ đó hình thành một lập luận khoa học, một khẩu hiệu cách mạng vĩ đại, tiếp nối tư tưởng của ba nhà cách mạng tiền bối C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin: “Lao động toàn thế giới đoàn kết lại!” trên báo “Người cùng khổ” (Le Paria) trong mấy năm sau đó, khi hoạt động ở Pháp. 2) Sử dụng thông thạo tiếng Anh mà chúng ta được biết tới trình độ của Người qua những bức thư giao dịch với người Mỹ và quân đồng minh đầu năm 1945.

Năm Mậu Thìn 1928, Nguyễn Tất Thành đã có tên là Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1927 và đầu năm 1928 Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong Quốc tế Nông dân ở Béc-lin và tìm đường về nước để gây dựng phong trào cách mạng.

Đây là những năm rất khó khăn của Nguyễn Ái Quốc trong quan hệ với Quốc tế Cộng sản. Ngày 12-4-1928, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản trình bày hoàn cảnh hiện tại của mình. Thư có đoạn:

“Hiện nay tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi:

1- Chờ đợi vô thời hạn (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng)

2- Không có gì để sống…

Vậy tôi yêu cầu các đồng chí cho tôi càng sớm, càng tốt những chỉ thị chính xác về những gì tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường?”(1). Ngày 28-4, Người nhận được thông báo Ban Phương Đông đã quyết định gửi cho Nguyễn Ái Quốc tiền đi đường và một phần trợ cấp cho 3 tháng đầu.

Vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm bởi sự theo dõi và kiểm tra của bọn mật thám quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã từ Béc-lin qua Thụy Sĩ, I-ta-li-a rồi đi tàu thủy Nhật Bản đến Xiêm (Thái Lan) để về gần Tổ quốc.

Tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc xuất hiện ở Bản Đông thuộc huyện Phi-chit, tỉnh Phít-xa-nu-lốc miền trung Thái Lan. Nơi đây là một làng Việt kiều chừng vài chục gia đình đã có những tổ chức cách mạng như Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí, Hợp tác xã, Hội Việt kiều thân ái từ năm 1926. ít lâu sau, Người cùng một số cốt cán rời lên bản U-đon thuộc đông bắc Thái Lan để xây dựng cơ sở cách mạng. Trên đường đi bộ, vượt qua núi cao sông suối, chân phòng rộp rớm máu, Người vẫn động viên mọi người: “Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên” (không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền). Đây là câu nói bất hủ mà sau này trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác đã dạy thanh niên, rồi trở thành khẩu hiệu hành động, ý chí, bản lĩnh của các thế hệ cách mạng Việt Nam, thành sức sống của cả một dân tộc để “Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Thời gian ở U-đon, Nguyễn Ái Quốc đã đến Noọng Khai gặp một số cán bộ hoạt động ở Viêng Chăn sang để tìm hiểu tình hình phong trào ở Lào và đặt mối liên hệ nhằm đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng trong nước.

Năm Canh Thìn 1940, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc) và trực tiếp chỉ đạo xây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ chuẩn bị cho các hoạt động ở trong nước trước tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển theo hướng có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 20-6-1940, sau khi nghe tin Pa-ri bị quân Đức chiếm, Người triệu tập cuộc họp, phân tích tình hình và nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(2). Ngày 22-9, Người nhận định cụ thể hơn: “Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”(3). Đây chính là nhận định thể hiện nhãn quan chính trị và tầm nhìn chiến lược chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc giúp cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là đồng chí Trường Chinh, thảo luận ra các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng tổ chức, xây dựng lực lượng, lãnh đạo chuẩn bị quần chúng tiến hành khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến để phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Chỉ thị nổi tiếng “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945).

Sống dưới hai tầng áp bức của Pháp và Nhật, nhân dân Việt Nam vô cùng cực khổ. Năm 1940, thực dân Pháp bắt lính người Việt Nam đi đánh nhau với quân Thái Lan. Phong trào chống chiến tranh, phản đối bắt lính đã lan rộng và sôi nổi trong binh lính người Việt và nhân dân Nam kỳ. Trước tình hình đó, tháng 7-1940, Xứ ủy Nam kỳ quyết định khởi nghĩa trước khi xin chỉ thị của Trung ương. Biết tin này Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”(4). Những sự kiện trên cho phép chúng ta hiểu thêm nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nắm vững thời cơ, phát động quần chúng và chuẩn bị lực lượng chính trị-quân sự để khởi nghĩa giành chính quyền của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Năm Nhâm Thìn 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những bài nói, bài viết rất quan trọng không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo trong thời gian đó mà ngày nay vẫn là những chỉ dẫn rất cơ bản và thiết thực. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:

“Lê-nin dạy chúng ta đoàn kết toàn dân và đoàn kết giai cấp để chiến thắng kẻ thù…

Lê-nin dạy chúng ta đối với mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp. Song khi định kế hoạch hẳn hoi rồi thì phải quả quyết thực hiện cho kỳ được.

Lê-nin dạy chúng ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực.

Lê-nin dạy chúng ta không sợ gian nan, cực khổ và tin chắc vào lực lượng quần chúng,…

Đối với tệ tham ô hủ hóa, Lê-nin rất nghiêm khắc. Có một lần, tòa án Mát-xcơ-va xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lê-nin liền viết một bức thư: “Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng…”.

Lê-nin dạy chúng ta yêu Tổ quốc và yêu nhân dân một cách thiết tha, không bờ bến, và ghét cay ghét đắng kẻ địch của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời gắn liền tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế.

Lê-nin dạy chúng ta phải thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ mãi.

Lê-nin dạy chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào tương lai của cách mạng và Tổ quốc, vào lực lượng vô cùng to lớn của nhân dân”(5).

Tết Nhâm Thìn 1952 cách đây tròn 60 năm, tình hình đất nước nay có nhiều đổi thay, nhiều nhiệm vụ cụ thể hiện nay đã khác nhưng tinh thần bài nói chuyện của Người nhân dịp tết Nhâm Thìn năm ấy về chống những trở ngại cố hữu trong quản lý kinh tế-tài chính thì vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là chống các bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí. “Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra. Vì vậy từ nay toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sĩ, toàn thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội đã đành, người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội. Vì vậy bộ đội, cơ quan, đoàn thể và nhân dân phải tổ chức một phong trào thật thà tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên, toàn dân đều hăng hái tham gia, để giáo dục nhau, để cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia, để dọn đường cho thắng lợi mới”(6). Vấn đề tự phê bình, phê bình, chỉnh đốn Đảng là vấn đề cốt tử trong công tác xây dựng đảng, là vấn đề suốt đời Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh. Trong nhiều năm qua, Đảng ta thực hiện nhưng chuyển biến chậm. Nguyên nhân có nhiều nhưng chúng ta chưa chú ý đến cách làm, phương pháp mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra: 1) Tự phê bình và phê bình phải có “trọng tâm”. 2) Phải “đánh thông tư tưởng” để “kiểm thảo công việc” nghiêm túc chứ không phải chung chung, qua loa chiếu lệ. 3) “Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống và từ dưới lên(7). Người đặc biệt lưu ý cán bộ cao cấp: “Cán bộ quyết định mọi việc. Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”(8). Xuân mới đã về, nhớ Bác, nhân dân chân thành mong mỏi các đồng chí lãnh đạo cấp cao ghi tạc lời dạy trên của Người để làm tròn trọng trách xây dựng Đảng.

Lâu nay Đảng ta lấy tư tưởng của Bác để xác định mục tiêu xây dựng nước Việt Nam thành một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhân dịp đầu xuân chúng ta vui mừng phát hiện thêm được một tư tưởng lớn nữa của Người về mục tiêu xây dựng đất nước là: “Dân giàu nước sang”(9). Nước sang theo Bác là một nước nhân dân không chỉ giàu có mà còn sang trọng, lịch thiệp, từ trẻ đến già, từ cán bộ đến dân thường, ai ai cũng là người tử tế, có lòng tự trọng cao, biết tự hào, tự tôn dân tộc, biết xấu hổ, có đạo đức, văn hóa, thanh lịch và giàu lòng nhân ái.

Năm Giáp Thìn 1964, cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước của nhân dân ta đang bước sang giai đoạn gay go quyết liệt. Đầu năm mới Bác gửi thư chúc tết đồng bào chiến sĩ cả nước. Cuối thư Người có thơ chúc:

“Bắc Nam như cội với cành

Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.

Rồi đây thống nhất thành công

Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.

Mấy lời thân ái nôm na

Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.

Trong năm này Người tập trung sức lực lãnh đạo Bộ Chính trị bàn sâu vào mấy nhiệm vụ:

1) Lãnh đạo tốt hơn cuộc vận động “Ba xây, ba chống” (nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu).

2) Chấn chỉnh việc chỉ đạo cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Người lưu ý ban chỉ đạo vấn đề xóa bỏ “nạn cường hào mới” ở một số hợp tác xã, có như vậy mới chống được bệnh quan liêu.

3) Bàn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nhắc nhở miền Bắc phải chuẩn bị để đối phó với tình hình xấu nhất vì âm mưu của Mỹ đánh phá miền Bắc là vấn đề chiến lược chứ không phải sách lược. Ngày 9-11-1964, Người cùng Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đi thăm Đoàn không quân Sao Đỏ bảo vệ Thủ đô. Người nói: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi… Nghệ thuật đánh địch của Việt Nam rất độc đáo. Vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành được hiệu suất cao. Phải phát huy cách đánh truyền thống của ta. Không ngại quân địch hiện đại. Hãy bắt chước chiến sĩ, đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh”(10). Tháng 9, Người cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn vào Nam. Trong bữa cơm tiễn đưa, Người nói: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ càng khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: “Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”(11).

4) Người phát động phong trào thi đua yêu nước: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”. Trong năm này, Quốc hội khóa III, phiên họp thứ nhất bầu Người tái giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm và hứa sẽ luôn cố gắng để làm tròn trách nhiệm.

Có ai ngờ được năm này lại là năm Thìn cuối cùng trong cuộc đời Bác. Nhưng cũng chính năm Thìn này, nhà chiến lược thiên tài Hồ Chí Minh đã chuẩn bị mọi vấn đề cần thiết để quân dân ta tiếp tục chiến đấu và chiến thắng, để Bắc - Nam thống nhất một nhà. Nhiều điều Người chỉ ra Đảng và nhân dân ta đã làm được xuất sắc. Nhưng cũng còn nhiều điều Người dặn năm xưa vẫn đang còn đó, đang nhắc nhở chúng ta phải học và nhất là phải làm sao cho xứng đáng là những hậu duệ kế thừa sự nghiệp cao cả của Người. Hãy phấn đấu trung thành và trung thực để hiện thực hóa mong mỏi cháy bỏng suốt cuộc đời Bác: “Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng(12).

——

(1) Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, NXB CTQG, H.1993, tập 1, tr.296. (2) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 2, tr.98. (3) Sđd, tr.101. (4) Sđd, tr.107. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 6, tr.386-387. (6) Sđd, tập 6, tr.394-395. (7) Sđd, tr.412-413. (8) Sđd, tr.480. (9) Sđd, tr.439. (10) Sđd, tr.152-153. (11) Sđd, tr.134. (12) Sđd, tr.89.

Xaydungdang.org.vn

.
.
.
.