.
.

Xuân về - Nhớ Người và làm theo Người

Thứ Tư, 25/01/2012|21:01

 Cứ mỗi độ Xuân về - Tết đến, người dân Việt Nam ta lại càng nhớ về Bác Hồ kính yêu với những tình cảm sâu nặng, thiêng liêng và da diết. Đã 43 mùa Xuân vắng Bác, dù Người đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh, tình cảm và những vần thơ chúc năm mới của Người vẫn còn lắng đọng và vang vọng mãi trong tâm hồn dân tộc Việt Nam… Nhớ Bác kính yêu, chúng con nguyện làm tất cả để không phụ công lao trời biển mà Bác đã dành cả cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam …

Có lần người viết ghé thăm Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và được em Trần Thị Tuyết Mai cho xem cuốn nhật ký của mình: “sáng sớm ngày … tháng … năm…., đang trên đường đi chơi với các bạn thì em nhặt được tờ 100.000 đồng. Các bạn nói em cứ giữ số tiền ấy vì biết của ai mà trả lại nhưng em không chịu và giải thích cho các bạn hiểu rằng nếu tụi mình bị mất tiền thì cũng buồn như người bị mất tiền hôm nay. Các bạn hiểu ra và cả nhóm cùng nhau đi nộp số tiền ấy cho chú công an…”. Từ những “người thật, việc thật” hàng ngày như những lời viết trên đây, các em học sinh đã ghi vào quyển nhật ký làm theo lời Bác nhằm thể hiện những suy nghĩ, nhận thức và tình cảm của các em về lời dạy của Bác Hồ.

Phong trào “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” đã xuất hiện nhiều điển hình cá nhân, tập thể tiêu biểu làm theo lời Bác với những việc làm tuy bình dị nhưng lại có ý nghĩa cao cả. Điển hình như thầy giáo Ngô Đức Toàn (quận 9) đã tự mở lớp đào tạo năng khiếu bóng đá, thu hút những trẻ em lêu lổng trên địa bàn về sinh hoạt. Anh đã trở thành người anh, người thầy, đồng hành cùng các bạn trẻ trong cuộc sống. Hay giáo dục viên Nguyễn Thiên Hải ở mái ấm Ánh Sáng (quận 3) đã tìm đường “về nhà” cho hàng chục trẻ em bụi đời, lang thang được đưa về mái ấm. Đó còn là cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hồng Quế (chi đoàn Trường Mầm non 5A, Quận Đoàn 5) đã tiết kiệm tiền lương của mình để mua sắm vật liệu đã qua sử dụng, sau đó tái chế lại thành các món đồ chơi dễ thương, giúp trẻ phát triển tư duy tốt hơn, qua đó còn giáo dục các cháu đức tính tiết kiệm…

 

Học tính “tiết kiệm” của Bác, nhiều đoàn viên - công nhân tại các công ty, xí nghiệp cũng đã có nhiều sáng tạo, công trình khoa học đem lại nguồn lợi cho đơn vị. Chúng ta thường nói rằng “học Bác không phải là những điều quá xa vời, mà những gì hết sức bình thường giản dị trong cuộc sống”, từ chiếc áo, đôi dép-những vật dụng bình thường, đến cách cư xử chan hòa mà sâu sắc trong Bác. Nhưng dường như, chúng ta ít nhắc đến một thứ rất quan trọng mà thanh niên chúng ta cần học Bác. Đó là ý chí của một người thanh niên yêu nước. Tuổi trẻ có rất nhiều hoài bão, lý tưởng được thực hiện bởi ý chí. Nên ý chí đó cần được trui rèn, mài dũa, cho dù có khác nhau về bối cảnh lịch sử giữa thời đại của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc và người thanh niên trong thời kỳ xây dựng đất nước của chúng ta hôm nay, nhưng tất cả cũng vì mục đích cuối cùng là cống hiến sức trẻ “vì nước, vì dân”.

Xuất thân từ công nhân, anh kỹ sư điện Nguyễn Tấn Hưng (Đội phó Đội quản lý lưới điện 3, Xí nghiệp Điện cao thế thuộc Công ty Điện lực TPHCM) luôn giữ vững nguyên tắc ở đâu có sự cố phải có mặt ngay để sửa chữa. Nhờ sáng kiến đấu nối cung cấp điện cho trạm Chợ Lớn, trạm Trường đua tại TPHCM, đảm bảo cung cấp điện cho ASEAN Indoor Games 2009, Tấn Hưng đã làm lợi cho đơn vị ước tính hơn 7 tỷ đồng. Anh Hưng cho biết: “Lời Bác dạy gần gũi và cụ thể, do vậy tôi nghĩ bản thân cùng những bạn trẻ trong đơn vị phải làm theo lời Bác một cách thiết thực thông qua việc làm tốt chuyên môn … Nếu là quản lý chỉ biết nói mà không làm thì khó có thể đòi hỏi người khác làm tốt được”.

Còn đối với anh Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Trưởng phòng quản lý đầu tư KCN-KCX (Hepza), Bí thư đoàn thanh niên của đơn vị. Là một cán bộ trẻ nên Phụng luôn nhớ lời Bác dạy và áp dụng trong công việc của mình “Nói phải đi đôi với làm” … Anh Nguyễn Bạch Hoàng Phụng tâm tình: "Bản thân tôi nhận thấy lời dạy của Bác rất gần gũi và sát thực, các bạn trẻ chỉ cần đọc theo và áp dụng ngay trong cuộc sống. Chẳng hạn như Bác đã từng dạy cán bộ rằng "Có những cán bộ chỉ biết nói và nói thôi nhưng lúc làm thì không làm". Quan điểm của mình thì, dưới góc độ là Bí thư Đoàn thanh niên mình thấy rằng, khi phát động một phong trào gì đó, nếu mình không làm gương cho các bạn thấy được điều mình nói là đúng thì các bạn khác cũng khó mà làm theo".

Không nói về mình nhiều, “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2011” nữ bác sĩ Nguyễn Anh Trường - hiện là Bí thư Chi đoàn Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình, Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch, Thanh niên tiên tiến “Làm theo lời Bác” cụm miền Đông Nam bộ năm 2011 bộc bạch:

Gặp anh Nguyễn Ngọc Thiên - Bí thư Đoàn thanh niên Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP.HCM - điển hình thanh niên “Làm theo lời Bác” năm 2011. Anh cho biết: Đoàn thanh niên bảo tàng đã xây dựng phòng triển lãm tư liệu về Bác, trưng bày những quyển nhật ký làm theo lời Bác hay, đẹp của các bạn trẻ. Các bạn trẻ khu vực địa bàn dân cư còn thiết kế chiếc tàu mang dáng dấp giống như con tàu Bác đã đi, rời xa Tổ quốc để thực hiện hành trình cứu dân cứu nước. “Mỗi bạn trẻ đều dành nhiều tình cảm khi thiết kế các vật dụng trưng bày. Tìm hiểu tư liệu về Bác cũng là cách để các bạn cảm nhận sâu sắc hơn những lời Bác dạy thế hệ trẻ hôm nay”. Anh Nguyễn Ngọc Thiên chia sẻ:

Khi nói về mục tiêu hoạt động của Đảng, Bác Hồ đã từng nói: “Dân là chủ của nước, nước là nước của dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công vụ cho dân. Đảng ta không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng phải thu phục, chinh phục được nhân dân. Muốn vậy, Đảng phải làm tròn trách nhiệm đầy tớ của nhân dân, phải trung thành, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng ấy, chị Nguyễn Thị Thúy - Chủ tịch UBND P3 Quận 5 - một cán bộ trẻ đã chia sẻ cùng chúng tôi “Một chính quyền “của dân, vì dân” không thể dung túng cho những ai làm điều sai trái, vi phạm kỷ cương phép nước, luật pháp. Công bộc đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức nhà nước. Bác Hồ của chúng ta có lẽ là người đầu tiên đưa ra quan niệm này. “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” - lời dạy của Bác đến nay và mãi về sau vẫn còn tính thời sự, nhắc nhở những người làm trong các cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã xứng đáng với vai trò vị trí là “công bộc của dân” hay chưa:

Xuân về - Tết đến chúng ta lại càng nhớ Bác nhiều hơn. Người đã cho cả dân tộc Việt Nam những mùa Xuân tươi đẹp, để đất nước ta mãi đơm hoa độc lập, kết quả tự do. Bác Hồ của chúng ta là thế ! Một con người bình dị nhưng sáng trong tuyệt vời. Từ khi bước vào đời cho đến lúc về với các cụ Các-Mác Lênin, Bác luôn là một con người mà “cái chết làm nảy mầm sự sống”. Người mất đi nhưng tư tưởng, sự nghiệp và đạo đức của Người mãi là tấm gương sáng soi đường chúng ta đi. Yêu kính Bác, nhớ lời dạy của Người, chúng con nguyện nỗ lực thi đua học tập, phấn đấu làm việc và rèn luyện bản thân tốt hơn nữa, để làm cho đất nước “càng ngày càng Xuân”….

VOH

.
.
.
.