.
.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ở trong nước và nước ngoài

Thứ Hai, 09/09/2019|17:40

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu bản Di chúc của Người lần đầu tiên được công bố trên báo chí trong và ngoài nước cũng như qua một số ấn phẩm trong nước và quốc tế đang lưu giữ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Cuốn sách ảnh 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) do Nhà xuất bản Thông Tấn (Thông tấn xã Việt Nam), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp biên soạn, xuất bản (sách song ngữ Việt - Anh) nhân dịp 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuốn sách ảnh 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) do Nhà xuất bản Thông Tấn (Thông tấn xã Việt Nam), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp biên soạn, xuất bản (sách song ngữ Việt - Anh) nhân dịp 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

VĂN KIỆN LỊCH SỬ QUÝ GIÁ 

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh những tư tưởng lớn mang tính định hướng chiến lược được đúc kết từ thực tiễn cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam và kinh nghiệm cả cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, oanh liệt và cam go của Người. Di chúc thấm đậm tính nhân văn sâu sắc, phản ánh tình cảm chân thành và sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến từng lớp người trong xã hội, cũng như những suy tư, mong ước và hy vọng của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ hơn những giá trị lý luận và thực tiễn trong Di chúc của Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là một tổn thất vô cùng to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân Việt Nam và bè bạn quốc tế. Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều ngày 3/9/1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được công bố chính thức vào tháng 9/1969 sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là bản do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969.

Bản Di chúc công bố nam 1969 chủ yếu dựa theo bản Người viết năm 1965, vì đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Người và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn; trong đó, có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Người viết năm 1968 và năm 1969. Đoạn mở đầu lấy nguyên văn toàn bộ đoạn mở đầu Người viết năm 1969, thay cho đoạn mở đầu Người viết năm 1965. Bút tích của Bác về đoạn này đã được chụp lại và công bố đầy đủ năm 1969.

Trong bản Di chúc công bố chính thức đầu tiên, các đoạn đều lấy nguyên văn bản gốc, chỉ có một câu có sửa lại. Bản năm 1965, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”[1]; bản công bố chính thức sửa lại là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài” [2]. Thông báo số 151-TB/TW, ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người - về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bản Di chúc công bố tháng 9/1969 là bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử của một nhà chính trị, lãnh tụ cao nhất của Đảng và dân tộc - Người đã sáng tạo ra thời đại mới, “thời đại Hồ Chí Minh”, thời đại đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết của một nhà văn hoá lớn Hồ Chí Minh, mang đậm dấu ấn của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Di chúc phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời, suốt đời tận tâm, tận lực phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh; thể hiện những trăn trở và mong muốn cuối cùng của Người trước khi đi xa.

 
BẢN DI CHÚC ĐƯỢC CÔNG BỐ TRONG NƯỚC

 Báo Nhân Dân

Trang trọng trên trang nhất báo Nhân Dân, số 5626, ra ngày 10/9/1969 đã đăng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kèm theo bản chụp trang viết tay phần mở đầu Di chúc viết vào ngày 10/5/1969. Di chúc được công bố chính thức khi đó là bản do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc, sau khi đọc Điếu văn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể và trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình lịch sử trước hàng vạn nhân dân Thủ đô, đại biểu các tầng lớp nhân dân các địa phương và đoàn đại biểu nhân dân miền Nam cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế.

Trong bài tường thuật buổi lễ truy điệu có viết: “Đọc xong Lời điếu, đồng chí Lê Duẩn đọc Lời Di chúc của Hồ Chủ tịch. Đồng chí Lê Duẩn vừa mới đọc dòng đầu tiên của những lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ, cả Quảng trường òa lên khóc. Đau thương đến lúc này như không sao nén nổi. Càng nghe lời dặn cuối cùng của Hồ Chủ tịch, càng khóc nhiều. Nhưng không ai dám khóc to, vì còn muốn nghe cho thấm vào lòng từng lời của Bác”[3].

Báo Nhân Dân hôm sau, số 5627, ngày 11/9/1969 tiếp tục đăng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo bức ảnh Người đang ngồi làm việc ở Việt Bắc trên trang nhất. Báo Nhân Dân, số đặc biệt chiều ngày 4/9/1969 đăng Thông cáo đặc biệt về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần và cũng từ số báo Nhân Dân ra ngày 4/9/1969 đến số báo ra ngày 15/9/1969 đã liên tục đưa tin về tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế giới thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bài xã luận làm đúng lời Hồ Chủ tịch và giữ trọn lời thề với Người, các bức điện chia buồn của các nước, các tổ chức, các bài thơ khóc Bác của nhiều nhà thơ tên tuổi, các bài viết ca ngợi Người...

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu tiên trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng ta ngay sau khi Người qua đời đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước tiến lên thực hiện tốt 5 lời thề son sắt trước anh linh của Người: “Vĩnh biệt chúng ta, BÁC HỒ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của BÁC, là những tình cảm và niềm tin của BÁC đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”[4].

Sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1969

Sách gồm 47 trang do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản năm 1969, tiếng Việt. Bìa màu nâu, với tiêu đề: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Cuốn sách khổ nhỏ: 9 cm x 13 cm. Trang 3 là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách gồm 3 phần: Di chúc, Lời kêu gọi và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Phần Di chúc (từ trang 8 đến trang 21) in trang bút tích phần đầu và toàn văn Di chúc năm 1969 đã được đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1969

Sách xuất bản năm 1969, khổ nhỏ dạng bỏ túi 9 cm x 13 cm, 21 trang, bìa màu nâu có dòng chữ: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bìa trong có tiêu đề: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trang bút tích phần mở đầu và toàn văn nội dung Di chúc công bố năm 1969. Sách được phát cho đồng bào đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh[5].
Sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh in năm 1970

Bản Di chúc công bố năm 1969 được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức in tại cơ sở bí mật, số nhà 157 đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn và phát hành rộng rãi tại các vùng giải phóng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng cổ vũ, khích lệ quân và dân miền Nam thực hiện lời căn dặn của Người là quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn dù có phải hy sinh nhiều của, nhiều người, thực hiện niềm tin tưởng sắt son của Người là đồng bào Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.

Bộ sách in Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lời kêu gọi và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam

Sách do Phủ Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuất bản tại Hà Nội năm 1969 bằng tiếng Việt và 6 thứ tiếng nước ngoài (Nga, Trung, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha). Văn phòng Phủ Thủ tướng giao cho Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 5/7/1971.

Mỗi bộ sách gồm 2 quyển, bìa cứng: một quyển in Di chúc và một quyển in Lời kêu gọi và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Hai quyển để trong cặp giấy cứng, mặt ngoài sơn mài bóng màu vàng (loại in giấy dó) và bìa màu trắng (loại giấy thường), góc phải bìa in nổi hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nghiêng và dòng chữ phía dưới “1890 - 1969” bằng nhũ vàng. Giữa mép cạnh ngoài của bìa có đính hai dây bằng vải tơ để buộc. Sách in khổ: 20 cm x 27 cm. Mỗi quyển trong bộ sách gồm 8 trang (không đánh số trang).
Đây là những bản in rất đẹp, trình bày trang trọng, chất lượng giấy tốt, nhất là những bản in đặc biệt bằng giấy dó, không chỉ phát hành bằng tiếng Việt mà còn bằng 6 thứ tiếng nước ngoài với số lượng khá lớn.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1980

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tại Hà Nội, năm 1980, gồm 16 trang, khổ 9 cm x 11 cm. Bìa màu ghi tím, trên nền hoa văn chìm hình bông sen vàng nhạt. Di chúc in trên giấy xám xanh nền hoa văn hình bông sen màu xanh ghi. Trang 3 có in hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang 5 in trang bản viết tay của Người đề ngày 10/5/1969. Cuối bản Di chúc có in chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh[6].

BẢN DI CHÚC CÔNG BỐ Ở NƯỚC NGOÀI

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng tải trên các báo nước ngoài

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã gây xúc động lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân trên thế giới. Hiếm có sự ra đi của vị lãnh đạo đứng đầu nhà nước nào lại gây ra nỗi đau buồn khắp năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nữ thi sĩ Bungari Blaga Đimitrôva viết: Một trái tim ngừng đập, cả thế giới bỗng lạnh ngắt, tái tê.
Báo chí nhiều nước vào những ngày đầu tháng 9/1969 đã đưa tin về tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đăng nhiều bài viết ca ngợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại và công lao, đức độ to lớn của Người, cũng như tình cảm, mối quan hệ của Người với bạn bè và nhân dân các nước mà Người đã từng sống và học tập cũng như sau này đến thăm hữu nghị... Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đăng tải trang trọng trên trang nhất nhiều tờ báo lớn trên thế giới vào sau ngày 9/9/1969, sau lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Báo Lao động (Liên Xô), số 211, thứ tư ngày 10/9/1969. Báo in tipô, tiếng Nga, cỡ: 42 cm x 60 cm. Tại trang 1 và trang 4 trong bài “Việt Nam tiễn biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã đăng toàn văn Điếu văn và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Người ngày 9/9/1969. Để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của Nhân dân Liên Xô, Liên Xô đã quyết định treo cờ rủ ở Thủ đô Mátxcơva, thành phố Lêningrát, thủ đô các nước cộng hòa và các thành phố khắp Liên bang Xôviết trong ngày 9/9/1969 (ngày cử hành tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Để đời đời ghi nhớ tên tuổi đồng chí Hồ Chí Minh và thể theo nguyện vọng của Nhân dân Liên Xô, Ban Chấp hành Xôviết nhân dân lao động Mátxcơva quyết định đặt tên một trong những quảng trường mới của thành phố Mátxcơva là Quảng trường Hồ Chí Minh. Bộ Giáo dục trung cao cấp chuyên nghiệp Liên Xô quyết định Trường Đại học Sư phạm Iếc cút (Xibêri) mang tên Hồ Chí Minh. Bộ Hàng hải Liên Xô cũng quyết định đặt tên Hồ Chí Minh cho một trong những con tàu lớn đang đóng...

Báo Sự thật thanh niên (Liên Xô), số 211, thứ tư ngày 10/9/1969. Báo in tipô, tiếng Nga, cỡ: 42 cm x 60 cm. Trong bài “Việt Nam tiễn biệt lãnh tụ” đã đăng toàn văn Điếu văn và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bức ảnh: Dòng người vào Hội trường Ba Đình viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh[7].

Báo Neues Deutschland (Nước Đức mới) - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội thống nhất Đức, số 250, ngày 10/9/1969. Trang nhất và trang 2 đăng Điếu văn và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 10/5/1969.

Báo L’ Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ra ngày 10/9/1969, đăng toàn văn Di chúc với tiêu đề: Di chúc chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm theo ảnh chân dung của Người.

Báo L’Unita (Đoàn kết) của Đảng Cộng sản Italia ra ngày 10/9/1969, trang trọng trên trang nhất chạy chữ dòng tít lớn đậm: Di chúc của Hồ Chí Minh.

Báo Berliner Zeitung (Nhật báo Béclin) của Thành ủy Béclin, ngày 10/9/1969. Trang nhất và trang 2 đưa tin lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Việt Nam và toàn văn Di chúc của Người.

Báo Tribune (Diễn đàn) của Tổng Công đoàn tự do Đức ra ngày 10/9/1969. Tại trang 2 đăng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Báo Nepsrabadsag - tờ báo của Trung ương Đảng Xã hội chủ nghĩa Hunggari, ngày 10/9/1969 đã đưa tin ở Hà Nội đưa ra công khai Di chúc chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trang 1) và đăng toàn văn Di chúc (trang 3). Cùng với đó là một loạt các tờ báo của các tỉnh khác nhau ở Hunggari cũng đăng tải Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Báo Trybuna Ludy (Diễn đàn nhân dân) - tờ báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Ba Lan, ngày 10/9/1969. Trang 1 và trang 2 đưa tin và đăng toàn văn Điếu văn và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm theo đăng ảnh: Lễ đặt tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Nhà máy sửa chữa xe lửa Pruxkốp của Ba Lan.

Báo Unên (Sự thật) - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Mông Cổ, số 254, ngày 11/9/1969. Trang 4 đăng toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo Sự thật thanh niên của Trung ương Đoàn Thanh niên cách mạng Mông Cổ, số 110, ngày 14/9/1969, đăng Di chúc của Hồ Chí Minh trên trang 4.

Bài viết có sử dụng một số thông tin của:

1) Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam: số 5626, ngày 10/9/1969; số 5627, ngày 11/9/1969 và các số ra từ ngày 04/9/1969 đến ngày 15/9/1969;

2) Báo chí nước ngoài: Báo Lao động (Liên Xô), Báo Neues Deutschland (Đức), Báo L’Humanité (Nhân đạo) (Pháp), Báo L’Unita (Italia),...

3) Một số ấn phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành ở nước ngoài đang lưu giữ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Báo Quyền lợi đỏ của Tiệp Khắc, ngày 16/9/1969, đăng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trang 8.

Báo Diễn đàn của Đảng Cộng sản Ôxtrâylia, ngày 17/9/1969, trang 3 đăng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

ẤN PHẨM DI CHÚC PHÁT HÀNH Ở NƯỚC NGOÀI

Tờ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Italia, do Đảng Cộng sản Italia xuất bản trong thời gian tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giấy cứng màu đỏ, kích thước: 33 cm x 42 cm. Phía trên in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình sao vàng năm cánh. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969 được in với tiêu đề: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Italia, năm 1972, được in trên hai tờ giấy bìa dày màu trắng gấp đôi, 8 trang, kích thước: 24,6 cm x 34,5 cm. Những trang đầu tiên là tiêu đề cùng hai bức phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngực trở lên và chân dung nửa người của họa sĩ người Italia Bruno Caruso. Dưới hai bức họa đều có chữ ký của tác giả. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ngày 10/5/1969 được in ở trang 4 - 6. Ấn phẩm này được in 100 bản và phát hành tại Roma năm 1972.

Sách Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tại Cộng hòa Dân chủ Đức, gồm 48 trang, bìa cứng, bọc vải đỏ, kích thước 18,5 cm x 24 cm. Sách in Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Trang bìa 2 dòng chữ Hồ Chí Minh màu đỏ phía trên và phía dưới chữ: Lời Di chúc in màu đen, trang 3 bìa phụ giống bìa ở trang 2 chỉ đổi màu chữ tiêu đề ngược lại. Trang 4 in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khung đen. Trang 5 là bản chụp trang viết tay phần đầu Di chúc viết ngày 10/5/1969. Tiếp đến các trang sau in Di chúc và Điếu văn bằng bốn thứ tiếng theo thứ tự: tiếng Việt, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tại Hà Lan, năm 1969, do Đảng Cộng sản Hà Lan ấn hành năm 1969, kích thước 15 cm x 21 cm, bìa màu xanh cỏ úa. Trong sách có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp năm 1966 và bìa sau có hai ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với tướng Pháp Leclerk ở Hà Nội tháng 3/1946 và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Chiến khu Việt Bắc năm 1950.

Sách Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Lào, bản công bố năm 1969 được đăng tải từ trang 29 đến trang 36 trong tạp chí Tia sáng - nội san của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, số ra ngày 19/9/1969. Đây là số đặc biệt về tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành trong vùng giải phóng Lào. Tạp chí gồm 64 trang, kích thước 18,5 cm x 12,5 cm. Trong bài xã luận với tiêu đề “Thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh” có đoạn viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà mácxít - lêninnít vĩ đại của phong trào cộng sản quốc tế và là người bạn chiến đấu kính yêu nhất của Nhân dân Lào”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang nét độc đáo riêng, vì cho dù bút tích Người ghi rõ “tuyệt đối bí mật”, nhưng đây là tài liệu được công bố rộng rãi nhất ngay từ lần đầu tiên vào những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 50 năm kể từ ngày công bố bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên và 30 năm từ ngày Di chúc của Người được tái bản và công bố toàn văn, được Nhà xuất bản Sự thật ấn hành với số lượng lớn trên 100.000 bản, tới nay, Di chúc của Người đã được tái bản nhiều lần, nhất là những dịp kỷ niệm năm chẵn, với số lượng lớn.

Điểm lại những bản công bố lần đầu tiên Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua báo chí trong nước và nhiều tờ báo lớn trên thế giới cùng những ấn phẩm được phát hành trong và ngoài nước đang lưu giữ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Cục Lưu trữ Trung ương Đảng và Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng chính là thêm một lần hiểu sâu sắc hơn những giá trị to lớn và trường tồn của bản Di chúc lịch sử cùng những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi cả thế giới cùng với Nhân dân Việt Nam ca ngợi và thương tiếc Người - vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của thế kỷ XX.

Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.

Di chúc là những lời căn dặn và tình cảm thiết tha; là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau. Di chúc của Người đã trở thành thiêng liêng, thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta làm theo lời dạy của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời căn dặn của Bác Hồ.

Ths. Nguyễn Văn Dương

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

----------

[1], [2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.612, 623.

[3]. Báo Nhân Dân, số 5626, ngày 10/9/1969, tr.3.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.630.

[5]. Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ cuốn sách này. Sách do anh Đỗ Văn Tốt ở thôn Trung, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 22/12/2006. Sách đã cũ, rách nhiều chỗ, bìa ngoài dính băng dính đen. Cuốn sách do bố của anh Đỗ Văn Tốt trân trọng gìn giữ từ năm 1969, khi ông qua đời đã trao lại cho con trai và dặn: “Đây là quyển sách do chính tay Bác Hồ viết nên sau này anh phải tặng lại cuốn sách cho người tin tưởng”.
[6]. Di chúc cùng với các kỷ vật quý giá khác của Việt Nam như: cờ Đảng, cờ Tổ quốc, Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu Interkosmos, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đã được nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam Phạm Tuân đem theo trong chuyến bay vào vũ trụ của đội bay quốc tế Việt Nam - Liên Xô tháng 6/1980. Nhiều kỷ vật có chữ ký của nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Gorơbátcô.

[7]. Đây là 1 trong số 21 tờ báo của các báo: Sự thật, Tin tức, Lao động, Sự thật thanh niên, Xibêri Liên Xô... Số báo này do đồng chí Trần Quân Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng cơ bản - Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng tặng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 16/12/1986 nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đây là bộ sưu tập các báo Liên Xô đăng tin những ngày tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Trần Quân Ngọc đang cùng những sinh viên Việt Nam trên tàu liên vận Hà Nội - Mátxcơva sang Liên Xô học tập. Những tờ báo này do ông mua tại các ga tàu để theo dõi tang lễ quê nhà. Đặc biệt, một số nơi biết có đoàn tàu chở học sinh Việt Nam đi qua, bạn bè Liên Xô đã tổ chức những cuộc mít tinh chớp nhoáng để chia sẻ nỗi đau buồn lớn lao với các bạn Việt Nam. Suốt 20 năm, ông Trần Quân Ngọc đã gìn giữ những tờ báo này như những kỷ niệm quý báu, thiêng liêng về Bác. Từ năm 1986 tới nay, những tờ báo do ông tặng đã trở thành hiện vật bảo tàng, thể hiện tấm lòng của bè bạn Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

 

.
.
.
.