.
.

Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 12/2011:

Nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2012

Thứ Tư, 04/01/2012|23:17

 

Với tinh thần phê bình và tự phê bình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở các thành viên Chính phủ đánh giá đúng thực trạng, sớm triển khai kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành mình, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Ảnh: Chinhphu.vn

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 4/1, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 12/2011.

Chính phủ đã nghe, thảo luận về dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2011 và Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ; báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2011; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2011; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong năm 2011.

Năm 2011, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhạy bén và kịp thời

Thảo luận về Dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2011 và Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày, các thành viên Chính phủ cho rằng, năm 2011, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn. Ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và thận trọng; điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát và ổn định thị trường tiền tệ, kiềm chế tốc độ lạm phát, giảm dần lãi suất tín dụng theo diễn biến giảm dần của lạm phát; đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng; chú trọng các biện pháp giảm bội chi; kiên quyết cắt giảm đầu tư cho những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, sắp hoàn thành và các chương trình an sinh xã hội.

Chính phủ cũng đã quan tâm chỉ đạo khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại; chú trọng thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, gắn với đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành…

Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp, mục tiêu kiềm chế  lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được kết quả khả quan. Từ quý II, tốc độ tăng giá đã giảm dần, cả năm tăng 18,13%; lãi suất tín dụng có xu hướng giảm; xuất khẩu tăng 33,3% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu đề ra; nhập siêu bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 18%; dự trữ ngoại hối tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu lên 7,5 tuần nhập khẩu, bội chi ngân sách giảm xuống 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%)…

Kinh tế có sự tăng trưởng liên tục, quý  sau cao hơn quý trước, GDP cả nước năm 2011 ước tăng 5,89% trong đó, nông lâm thủy sản tăng 4%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, khu vực dịch vụ tăng 6,99%.

Nhấn mạnh trong trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2011, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế bài bản hơn, chủ động hơn, các chính sách đề ra đảm bảo được tính nhất quán… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình… đề xuất trong năm 2012, các Bộ, ngành cần dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng luật, pháp  lệnh; khắc phục tình trạng tồn đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; khắc phục trình trạng chương trình công tác vừa nặng nề, vừa chưa bao quát hết các hoạt động của Chính phủ; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo cũng như công tác thống kê, dự báo phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; đồng thời các Bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Liên quan đến các khâu đột phá chiến lược, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực cán bộ  quản lý nhà nước là vấn đề cần  được đặc biệt quan tâm trong năm 2012 và các năm tiếp theo nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong quá trình đổi mới.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với những hàng hóa được coi là thế mạnh của Việt Nam; tháo gỡ khó  khăn cho sản xuất kinh doanh; công tác kiểm tra, giám sát; đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… cũng là những nhiệm vụ lớn được nhiều thành viên Chính phủ đề cập và cho rằng cần được quan tâm chú trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2012.

Ảnh: Chinhphu.vn

Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2012 

Về Chương trình công tác của Chính phủ năm 2012, Dự thảo Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2011 và Chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ cho hay, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát trong chỉ đạo, điều hành là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu  lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…

Các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu trên được xác định là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế  lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phát triển phúc lợi xã hội; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt Quy chế làm việc và chương trình công tác…

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong năm 2011, Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng; gắn công tác chỉ đạo, điều hành với thực tiễn, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, từ đó kịp thời xác định, điều chỉnh, đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chính phủ đã thẳng thắn nhìn vào những khó khăn, thách thức, thấy rõ được những lợi thế trong quá trình phát triển, quán triệt tốt quan điểm về sự ổn định và phát triển, thực hiện phương châm tăng trưởng và phát triển đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội, khẳng định quan điểm trong bối cảnh càng khó khăn, càng phải quan tâm tốt hơn tới chăm lo cho an sinh xã hội.

Trong quản lý, chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, toàn diện song luôn có trọng tâm, trọng điểm, vừa giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt vừa gắn liền với việc tính toán đảm bảo tính bền vững, lâu dài.

Các thành viên Chính phủ đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước, trước nhân dân, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, công khai thông tin, trung thực, thẳng thắn, minh bạch thông tin về những việc làm được, những việc chưa làm được, công tác giải trình, giải đáp được triển khai hiệu quả và phong phú hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2012. - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng cũng lưu ý  các Bộ, ngành cần sớm khắc phục một số hạn chế như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chất lượng chưa cao, công tác qui hoạch, quản lý tài nguyên còn bất cập, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật còn chưa nghiêm, việc thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn lúng túng, các vấn đề xã hội như vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, an toàn giao thông còn bức xúc trong nhân dân…

Với tinh thần phê bình và tự phê bình, Thủ tướng nhắc nhở các thành viên Chính phủ, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực thực trạng, sớm triển khai kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành mình quản lý, chỉ rõ những ưu khuyết điểm, từ đó ra sức khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2012.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe, thảo luận báo cáo về giải pháp chính sách thuế năm 2012 cho doanh nghiệp; Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước”; dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Về Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp Nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, làm tốt hơn vai trò của Nhà nước giao và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành để bổ sung, sớm hoàn thiện Đề án, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành rà soát khung pháp luật hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là cơ chế thực hiện, mô hình chủ sở hữu nhà nước, làm rõ trách nhiệm trong hội đồng quản trị và Bộ quản lý ngành về kế hoạch, điều hành, quản lý vốn, thanh kiểm tra, quản lý cán bộ, cơ chế quản trị tại doanh nghiệp…

Nhấn mạnh chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Nhìn 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt công tác chăm lo Tết cho người dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách… đảm bảo cho nhân dân đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm và lành mạnh. 

Nguyễn Hoàng –  Nhật Bắc 

 

Theo Chính Phủ

 

.
.
.
.