.
.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ năm

Thứ Ba, 10/01/2012|21:58

 

Sáng 10/1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ năm. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; dự án Luật xử lý vi phạm hành chính.

Cần xác định việc phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào đối tượng nào?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sau khi trao đổi, thống nhất với Cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp), Thường trực Ủy ban Pháp luật xin ý kiến UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý 7 vấn đề của dự án Luật.
  
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn không được các thành viên UBTVQH đồng tình, nhất trí cao.

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật nên đơn giản, ngắn gọn nhưng Dự thảo Luật còn dài. Theo ông Ksor Phước, dự thảo Luật nên làm rõ việc phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào đối tượng nào, hình thức giáo dục như thế nào? Về phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù, ông đề nghị, nên chăng, dự thảo Luật ghi rõ: Tất cả công dân Việt Nam bắt đầu từ 17 tuổi phải được học tập những pháp luật cơ bản về quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người công dân, đặc biệt là học Hiến pháp, lớp học có thể diễn ra trong vòng 1 tháng.

Về Ngày Pháp luật, dự thảo Luật quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của mọi người trong xã hội. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, không nên luật hóa Ngày Pháp luật vào trong Luật mà nên giao Chính phủ quy định. Ý kiến này được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhất trí cao.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, báo cáo viên pháp luật có phải là 1 ngạch công chức không? Bởi theo dự thảo Luật thì sẽ có báo cáo viên cấp trung ương, tỉnh, huyện.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đặt câu hỏi: Tại sao ở trung ương, tỉnh, huyện có báo cáo viên pháp luật, nhưng ở xã lại không có mà chỉ có tuyên truyền viên pháp luật?
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ năm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN


 

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nhiều vấn đề của dự thảo Luật còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại tất cả các nội dung trong dự thảo Luật và ý kiến đóng góp của các thành viên UBTVQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính sao cho hiệu quả

Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau của dự án Luật xử lý vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 2, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện một bước dự thảo Luật. 

Tuy đã thống nhất một số vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính... nhưng Thường trực Uỷ ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo cũng còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề.

Dự thảo Luật quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung, được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết: Trên cơ sở kiến nghị của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số: 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, quy định tăng mức tiền phạt, tăng thêm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng và bổ sung thêm một số hành vi bị coi là vi phạm, áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt... “Thực tế, sau 1 năm việc thực hiện thí điểm đã có kết quả bước đầu. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính thấy rằng, cần quy định tại dự thảo Luật để có tính linh hoạt trong thực hiện. Vì vậy, Bộ Tài chính đồng tình với dự thảo Luật.” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, cần quy định như dự thảo Luật với lý do việc quy định mức tiền phạt cao hơn là cần thiết nhằm đáp ứng điều kiện, đặc điểm và yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, cần có cơ chế để tạo điều kiện tối đa cho HĐND các thành phố trong việc quy định mức phạt tiền.

Về vấn đề bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, Dự thảo Luật không quy định biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, không coi đó là biện pháp xử lý hành chính. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh như pháp luật hiện hành.

Dự thảo Luật không quy định người bán dâm bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, chỉ quy định hình thức xử phạt bổ sung là buộc người bán dâm phải khám bệnh và chữa bệnh nếu họ mắc bệnh lây truyền. Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, quy định hình thức xử phạt bổ sung như trong dự thảo Luật không có tính khả thi và không phù hợp chính sách công bằng xã hội của Nhà nước ta. Bởi vì, các hoạt động mại dâm thường diễn ra chủ yếu vào ban đêm nên việc tạm giữ, quản lý và đưa người dân bán dâm đi khám, chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn; trường hợp người bán dâm không có bệnh nhưng thường xuyên hoạt động mại dâm, mỗi lần bị bắt giữ thì Nhà nước đều phải tổ chức khám bệnh; trường hợp người bán dâm có bệnh lây truyền thì phải tổ chức chữa bệnh cho họ, nhưng các khoản chi phí khám, chữa bệnh trong dự thảo Luật chưa quy định rõ ai sẽ phải chi trả. Nếu chi trả bằng ngân sách nhà nước thì không bảo đảm công bằng xã hội, vì hiện nay, còn nhiều đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh nhưng điều kiện kinh tế- xã hội chưa đáp ứng được… Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định hình thức xử phạt bổ sung này và cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, có các biện pháp phòng ngừa, phù hợp với tình hình hiện nay.

Quan điểm này được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đồng tình cao. “Mục đích của người bán dâm là lợi ích vật chất, vậy thì tại sao chúng ta không “đánh” vào đồng tiền? Nếu không có tiền nộp phạt thì có thể cho đi lao động công ích” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, có thể nghiên cứu kinh nghiệm một số nước để áp dụng ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người có nhiều năm ở cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần thiết phải bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và cũng đề nghị không quy định hình thức xử phạt bổ sung. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chúng ta có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề mại dâm làm xã hội lành mạnh hơn chứ không nhất thiết phải đưa họ vào cơ sở chữa bệnh.

Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giám định tư pháp và dự án Luật Quảng cáo./.

Theo ĐCSVN

 

.
.
.
.