.
.

Không ngừng vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào

Thứ Tư, 08/02/2012|21:16

Nhận lời mời của đồng chí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (Chummaly Sayasone), Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào từ ngày 9 - 11/2/2012.

 

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
 CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (tháng 8/2011

Đây là chuyến thăm CHDCND Lào đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước và là sự kiện mở đầu cho các hoạt động chào mừng “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012" .

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương và đã có truyền thống từ lâu đời. Hơn một thế kỷ dưới ách thống trị, đô hộ của thực dân đế quốc, hai dân tộc đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào. Từ những nét tương đồng về văn hoá giữa hai dân tộc, từ việc luôn sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước, đã góp phần xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, son sắt Việt – Lào, mối quan hệ đặc biệt hữu nghị, trong sáng, mẫu mực tạo thành truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch, là nhân tố góp phần tạo nên thắng lợi của cách mạng hai nước.

Ngày 5-9-1962, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Vương quốc Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 12-1975, Cách mạng Lào thành công, nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào được thành lập; ngày 18-7-1977, Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào đã được ký kết.

50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trải qua thử thách của thời gian và lịch sử đấu tranh cách mạng của hai Đảng, hai nước, và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, phát triển và mở rộng, đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và các Bộ, ngành, đoàn thể quần chúng và nhân dân hai nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tạo ra một truyền thống quý báu, làm sâu sắc và củng cố vững chắc sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế ngày càng phong phú, đa dạng trên cơ sở đi vào trọng tâm, trọng điểm và tăng trưởng không ngừng. Về đầu tư, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số các nước đầu tư vào Lào với 424 dự án, trị giá 3,57 tỷ USD. Một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam triển khai nhanh, bước đầu có hiệu quả tích cực và gắn tốt với công tác an sinh của Lào như: Các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Nam Lào; các dự án trồng và chế biến cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đắk Lắk...

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt-Lào tăng trưởng tương đối ổn định, 11 tháng đầu năm 2011 đạt 636 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó: Việt Nam xuất khẩu đạt 239 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2010; Việt Nam nhập khẩu đạt 397 triệu, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2010; cả năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng 49,8% so với năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam đạt 274 triệu USD, tăng 38,1%, nhập khẩu đạt 460 USD tăng 57,5%. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD năm 2015.

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, hai nước đã ký kết và triển khai “Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt- Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020”. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam dành 695 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; Chính phủ Lào dành 40 suất học bổng hệ đào tạo chính quy dài hạn tập trung cho cán bộ, học sinh Việt Nam học tập các ngành, nghề tại Lào. Hai ngành Giáo dục hai nước đã phối hợp tổ chức tuyển chọn học sinh Lào và Việt Nam sang học tập tại mỗi nước. Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã khẩn trương phối hợp tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, đảm bảo số lượng với những hình thức phù hợp với đặc thù của từng Bộ, ngành. Bên cạnh đó, các địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam bằng những nỗ lực cố gắng của mình đã giúp đào tạo, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho các địa phương và Bộ, ngành của Lào.

Về lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên tiếp tục thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời các vướng mắc để đảm bảo tiến độ xây dựng đường 2E (Mường Khoa - Tây Trang) và hoàn thành trong năm 2012; tạo điều kiện để Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Lào - Việt Nam khai thác hiệu quả cảng Vũng Áng trên cơ sở Thỏa thuận về sử dụng cảng Vũng Áng ký ngày 20 tháng 7 năm 2001; Công ty đã được cấp phép hoạt động ngày 31 tháng 5 năm 2011.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch thời gian vừa qua diễn ra tốt đẹp. Hai bên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào; đã hoàn thành Dự án lịch sử đoàn kết đặc biệt Việt-Lào giai đoạn 1930-2007; tích cực triển khai xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào.

Hợp tác giữa các địa phương được chú trọng thúc đẩy. Trong thời gian qua, các địa phương biên giới hai nước đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hợp tác truyền thống gắn bó, đảm bảo an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vụ việc phát sinh nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Hợp tác giữa các địa phương và các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Viêng Chăn, Chămpaxắc, Khăm Muộn cũng được mở rộng và phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đáp ứng nhu cầu phát triển

Hợp tác về an ninh-quốc phòng cũng được coi trọng và là nhân tố bảo đảm cho sự bình yên của mỗi nước. Những thành tựu hợp tác trên phản ánh sâu sắc sự quan tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nỗ lực chung của nhân dân hai nước.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, phấn khởi và tự hào về những thắng lợi của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt 50 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chúc mừng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Lào đã đạt được sau 25 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quang vinh - một Đảng cách mạng kiên cường, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, một lòng một dạ phấn đấu vì độc lập dân tộc và sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của Lào được giữ vững, chính trị xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.

Các mục tiêu kinh tế-xã hội do các kỳ đại hội và các chương trình kế hoạch 5 năm được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đảng NDCM Lào đã kiên định, chủ động và sáng tạo trong lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nhân tố cơ bản để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã xuất hiện. Kinh tế phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Tình hình kinh tế-xã hội trong năm tài chính 2010-2011 đạt kết quả khả quan, GDP tăng khoảng 8,1%; thu nhập tính theo đầu người đạt khoảng 1.219 USD; thu ngân sách năm 2011 đạt 13.974 tỷ Kíp (bằng 106,23% kế hoạch năm), chi ngân sách 15.206 tỷ Kíp (bằng 95,15% kế hoạch năm). Lạm phát trung bình 7,4%. Số hộ nghèo giảm xuống còn 18,96 % (năm 2010: 20,4%). Số huyện nghèo còn 54/143.

Với đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập với khu vực và quốc tế, uy tín và vị thế của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào không ngừng được nâng cao ở khu vực và trên trường quốc tế. Những kết quả trên cho thấy triển vọng tươi sáng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng NDCM Lào đề ra là: Đảm bảo ổn định an ninh, tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên; kinh tế vĩ mô đảm bảo ổn định, đạt mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển của Liên hợp quốc vào năm 2015, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020, tạo nền tảng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Lào.

Là người đồng chí gần gũi thân thiết của nhân dân các bộ tộc Lào anh em, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tự hào về những thành tựu mà nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được; tin tưởng nhân dân các bộ tộc Lào, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất và tinh thần lao động cần cù sáng tạo, sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng thành công một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nguyện cùng những người đồng chí, anh em Lào thân thiết làm hết sức mình vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và tiến bộ ở khu vực và trên thế giới./.

Theo Báo ĐCSVN

.
.
.
.