Vinatex: Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng dệt may Việt Nam
Ngày 14/7/2012, tại Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex). Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa.
Toàn cảnh Hội nghị |
Trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và bất ổn, hầu hết các nền kinh tế lớn đều gặp khó khăn, tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm 2012, kể cả Trung Quốc, còn ở Việt Nam lãi suất vay vốn tuy giảm nhưng các doanh nghiệp khó tiếp cận, chỉ số tồn kho tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn ngành 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 7,5 tỷ USD, vẫn tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, tính riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt doanh thu 19.296 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 683 tỷ đồng, thu nhập bình quân gần 4 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách nhà nước 454,268 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao việc Tập đoàn đã nỗ lực khai mở thị trường nội địa, đạt 9 ngàn tỷ đồng doanh thu từ thị trường nội địa trong 6 tháng qua. Đồng chí nhấn mạnh: Tập đoàn nên phát huy kết quả này, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng dệt may Việt Nam, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và củng cố hệ thống bán lẻ rộng khắp, chống hàng giả, hàng nhái… Các Lãnh đạo đơn vị trong Tập đoàn nên lưu ý việc liên kết xây dựng một thị trường nội bộ chặt chẽ, sử dụng sản phẩm của nhau…
Kết luận Hội nghị, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐTV Vinatex đã chỉ ra những giải pháp quan trọng trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của Tập đoàn, đó là không có đơn vị thua lỗ, đạt mục tiêu tăng trưởng từ 10-11% trong năm 2012. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp mà Tập đoàn có vốn; Xử lý dứt điểm những cán bộ để doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả từ 2-3 năm. Cơ quan điều hành Tập đoàn chỉ đạo các Ban chức năng thông tin đầy đủ, kịp thời về các sản phẩm phụ liệu, sợi, vải, bao bì… của các đơn vị trong Tập đoàn, Hiệp hội Dệt May Việt Nam để thúc đẩy thị trường nội bộ. Cơ quan điều hành chỉ đạo quyết liệt, xây dựng mô hình phát triển khoa học, quản lý tiên tiến trong các đơn vị trực thuộc, kể cả đơn vị liên kết với Tập đoàn để các đơn vị khác học hỏi kinh nghiệm.
Ngoài ra, Khối Viện nghiên cứu những đề tài khoa học có tính đột phá phục vụ cho ngành; đảm bảo chính sách tiền lương và trách nhiệm xã hội, giúp người lao động yên tâm công tác, ổn định lực lượng lao động, thay đổi tích cực hình ảnh người lao động trong ngành Dệt May Việt Nam. Với các dự án đầu tư mang tính cốt lõi như xơ visco, xơ gai, dự án trồng bông cần thúc đẩy nhanh và xây dựng mô hình đầu tư hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải.
P.V