Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm an ninh lương thực tại APEC
Trao đổi tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ cần phải đổi mới lý thuyết và mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học-công nghệ và những chuyển dịch nhanh chóng trong tương quan lực lượng kinh tế quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị |
Theo Đặc phái viên TTXVN, ngày 9/9, tại thành phố Vladivostok của Liên bang Nga, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 20 đã tiếp tục hai phiên họp quan trọng về an ninh lương thực, tăng trưởng sáng tạo, tình hình kinh tế thế giới và ở châu Á-Thái Bình Dương.
Phiên họp về chủ đề an ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cùng Thủ tướng Nhật Bản, nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực APEC lần thứ nhất tổ chức năm 2010, ông Yoshihiko Noda được mời phát biểu dẫn đề. Đây là lần đầu tiên vấn đề an ninh lương thực trở thành chủ đề chính của một phiên họp tại Hội nghị cấp cao APEC.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực cần được gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển quốc gia tổng thể, quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định phát triển nông nghiệp và nông thôn chính là bước đột phá đầu tiên của công cuộc đổi mới và hiện tiếp tục là biện pháp hữu hiệu giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ tịch nước đề nghị các thành viên APEC đẩy mạnh hợp tác với các khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEAN+3, ba bên và Nam-Nam nhằm hỗ trợ thiết thực các nước đang phát triển trong bảo đảm an ninh lương thực.
Tổng thống V. Putin nêu rõ hơn bao giờ hết, an ninh lương thực đang trở thành một thách thức lớn toàn cầu và với vai trò là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, APEC cần hành động mạnh mẽ.
Các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh nhu cầu cấp bách gia tăng hợp tác trước thực trạng gia tăng dân số, trẻ em suy dinh dưỡng, sản xuất nông nghiệp chịu tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu cũng như quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa... Kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, giá lương thực luôn ở mức cao và dự báo sẽ biến động đến năm 2020. Hiện nay, vẫn còn khoảng 1 tỷ người dân trên thế giới sống trong nghèo đói, trong đó 60% là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Do đó, Hội nghị đã nhất trí tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp hợp tác bảo đảm an ninh lương thực trên cơ sở cách tiếp cận đa ngành, trong đó coi trọng tăng đầu tư cho nông nghiệp, tăng sản lượng và năng suất sản xuất lương thực, hợp tác công-tư, áp dụng công nghệ mới, quản lý bền vững hệ sinh thái biển, ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp... Các nhà lãnh đạo cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển các thị trường nông sản minh bạch và ổn định...
Tại phiên họp về tình hình kinh tế thế giới và kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá về những thách thức đối với phục hồi kinh tế, nguy cơ suy giảm tăng trưởng, tác động sâu rộng của thị trường tài chính bất ổn và nợ công cao ở châu Âu.
Theo đó, Hội nghị nhất trí thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng của APEC đã được các lãnh đạo thông qua năm 2010, đề cao chính sách ổn định tài khóa, ủng hộ và sẽ đóng góp hơn nữa đối với các nỗ lực quốc tế, nhất là các quyết định của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Los Cabos, Mexico để tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, tạo công ăn việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Trao đổi tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ cần phải đổi mới lý thuyết và mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học-công nghệ và những chuyển dịch nhanh chóng trong tương quan lực lượng kinh tế quốc tế.
Chủ tịch nước đề nghị APEC chú trọng hơn vào việc hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc cải tổ cơ chế quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi./.
(TTXVN)