.
.

Chủ tịch nước thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế

Thứ Hai, 04/03/2013|13:35

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Bệnh viên TW Huế
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Bệnh viên TW Huế

 

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, sáng 3/3, Chủ tịch nước đã tới thăm Bệnh viện Trung ương Huế, dự Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) và trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho GS-TS-Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. 

Chủ tịch nước cũng đi khảo sát khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. 

Bệnh viện Trung ương Huế là cơ sở y tế có lịch sử hình thành lâu đời, được thành lập năm 1894, dưới thời vua Thành Thái.

Trải qua 119 năm hình thành và phát triển, tập thể 1.500 cán bộ, bác sĩ của bệnh viện đã không ngừng vươn lên, xây dựng bệnh viện thành 1 trong 3 đơn vị y tế hàng đầu của Việt Nam có hạ tầng khám chữa bệnh đạt chuẩn, trình độ chuyên môn cao.

Cùng với sự đóng góp chung của tập thể, thành công của bệnh viện có phần đóng góp lớn về lao động sáng tạo của GS-TS-Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú.

Tại buổi lễ tôn vinh, các đại biểu đã cùng ôn lại những thành tựu đạt được của Bệnh viện Trung ương Huế qua các thời kỳ và đóng góp của GS Bùi Đức Phú.

Đỉnh cao của những nỗ lực cống hiến ấy là ca ghép tim thành công của GS Bùi Đức Phú và đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 2/3/2011, góp phần tạo nên một bước đột phá lớn trong lịch sử y học Việt Nam. Đây là ca ghép tim thứ 2 tại Việt Nam và là ca đầu tiên hoàn toàn do các bác sĩ trong nước của Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện.  

Trao tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho GS Bùi Đức Phú, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng và biểu dương những thành tích xuất sắc của Bệnh viện Trung ương Huế  đạt được trong thời gian qua; trong đó gắn liền với những đóng góp quan trọng của GS Bùi Đức Phú.

Chủ tịch nước tin tưởng thời gian tới, GS Bùi Đức Phú với vai trò là người đứng đầu bệnh viện tiếp tục phát huy thành tựu đạt được; góp phần xây dựng đội ngũ bác sĩ của bệnh viện có trình độ chuyên môn cao và y đức trong sáng; đưa Bệnh viện Trung ương Huế trở thành đơn vị điển hình trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương những nổ lực phấn đấu, những cống hiến thầm lặng nhưng hết sức to lớn của đội ngũ thầy thuốc trong những năm qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Sức khỏe là vốn quý của con người, nền tảng để con người làm việc, cống hiến, có cuộc sống hạnh phúc. Nhân dân có khỏe mạnh thì đất nước mới cường thịnh, dân tộc ta mới trường tồn; chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Và để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, ngành y tế, đội ngũ các thầy thuốc có trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vẻ vang.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế

 

Chủ tịch nước mong muốn, ngành y tế cần tiếp tục quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, trên cơ sở Nhà nước tăng cường đầu tư, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa, phát triển nhanh hệ thống y tế công lập và ngoài công lập; khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện; nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính các cơ sở y tế công; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế; chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách; xây dựng nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại và dân tộc, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, sánh ngang trình độ các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; đồng thời cần phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, ý thức trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân, quan tâm chăm sóc, chia sẻ với người bệnh như lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, kế thừa và phát huy truyền thống hàng nghìn năm của nền y học dân tộc, hơn 60 năm của nền y học cách mạng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, toàn ngành y tế, mỗi cán bộ, nhân viên y tế nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình, đáp ứng yêu cầu, sự tin cậy, lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

** Trong chuyến thăm tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch nước đã đi khảo sát Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đang được xây dựng trở thành trung tâm giao thương quốc tế lớn về kinh tế đầu tư, thương mại của khu vực miền Trung kết nối với các quốc gia tiểu vùng sông Mê-Kông trong hành lang kinh tế Đông-Tây.

Chiều nay, Chủ tịch nước đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả 4 năm thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tình hình hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây, lãnh đạo tỉnh cho biết tỉnh đang tập trung xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng phát triển “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.

Với mục tiêu đó, những năm qua Thừa Thiên Huế tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Đặc biệt năm 2012, dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 48% GDP của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân gần 50%/năm. Nhiều hoạt động văn hóa du lịch có quy mô quốc tế và hợp tác du lịch trong vùng Duyên hải miền Trung tiếp tục phát triển, công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng nhanh chóng. Đây cũng là những ưu thế để hợp tác phát triển trong hành lang kinh tế Đông-Tây.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,5%, hộ nghèo chỉ còn 8%. Chủ tịch nước cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, Thừa Thiên Huế cần rà soát lại những lĩnh vực gì có lợi thế để tập trung đầu tư, đẩy mạnh tăng trưởng đóng góp chung cho cả nước.

Về hành lang kinh tế Đông-Tây, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí địa lý và vai trò quan trọng trên trục giao thương quốc tế. Nhìn lại 4 năm, hành lang này đã có những chuyển biến quan trọng.

Tuy vậy, theo Chủ tịch nước cần xem xét kỹ tiền đề hình thành xem chúng ta đã làm đến đâu. Lợi thế khai thác được qua chủ trương này là gì, có cần bổ sung hay không đặt trong bối cảnh thời điểm tự do hóa hoàn toàn kinh tế giữa Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc đã rất cận kề. Tiếp tục hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa hỗ trợ hành lang kinh tế Đông-Tây. Đặc biệt cần theo dõi sát xu hướng của dòng vốn quốc tế nhằm thu hút hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chủ tịch nước đề nghị Thừa Thiên Huế trong phát triển du lịch, cần làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc. Về mục tiêu xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương cần phối hợp với các ban ngành Trung ương liên quan nhằm rà soát các tiêu chí, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi một số nội dung phù hợp với đặc thù của địa phương, không nên gò bó, Huế không thể và không cần phải giống như Hà Nội hay TP HCM mà phải xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và là trung tâm của khu vực miền Trung./.

Hoàng Dũng/VOV1

 

.
.
.
.